Tăng lương tối thiểu: “Lao động là vốn quý nhưng sao cò kè tới 50.000 đồng”
“Năm 2014 khó khăn thế còn đề xuất tăng cho năm 2015 được hơn 14%, năm nay có nhiều khởi sắc nhưng đề xuất mức tăng năm 2016 thấp hơn. Doanh nghiệp luôn nói người lao động là vốn quý nhưng nói tăng lương tối thiểu thì cò kè tới 50.000 đồng”.
Người lao động chịu nhiều chi phí trong cuộc sống
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trao đổi với báo chí bên lề buổi họp Hội đồng tiền lương quốc gia bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hôm 5/8 tại Hà Nội. Cuộc họp đã tạm hoãn lại sau 2 tuần nữa để bộ phận kỹ thuật tính toán các yếu tố hợp lý hơn. Việc tạm hoãn do phía VCCI chủ động đề ra.
Người lao động gánh nhiều chi phí
Chia sẻ những quan sát của mình, ông Mai Đức Chính cho biết, tất cả các dịch vụ đời sống của công nhân dùng đều tăng, như tiền nhà, điện, nước, giá cả hàng hóa. Với người công nhân, việc tăng thêm 50.000 đồng là điều không nhỏ. Trong khi đó, báo cáo chung về kinh tế sáng sủa hơn, nhưng đời sống công nhân có dấu hiệu đi xuống.
Tổng LĐLĐ VN nhận định, mức thu nhập bình quân ở Hà Nội (vùng 1) hiện không đã dưới 4.400.000 đồng/người/tháng chứ không còn là 3.100.000 đồng/người/tháng – quy định lương tối thiểu vùng năm 2015.
Với tư cách Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên trên 10 % một chút là hợp lý. “Các cơ quan chức năng còn đang lo lắng là từ 1/1/2016, mức tham gia BHXH sẽ từng bước tính trên tổng thu nhập của người lao động. Đến năm 2018, mức tham gia sẽ được tính trên tổng thu nhập. Điều này sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp”.
So sánh mức đề xuất tăng trong năm 2014 cho năm 2015, ông Mai Đức Chính cho rằng năm trước đã là hơn 14 %, nhưng năm nay năm nay dự kiến giảm xuống hơn 12 %.
“Quan điểm chúng tôi ít nhất phải tăng lương tối thiểu bằng năm trước. Người công nhân thấy năm trước lương tối thiểu tăng thêm 400.000 đồng, năm nay tăng thêm 400.000 đồng thì có thể được. Nhưng chỉ tăng 350.000 đồng thì khó được chấp nhận. Việc lương tối thiểu không tăng so với năm trước đã là thụt lùi rồi” – ông Mai Đức Chính nói.
Việc tăng mức lương tối thiểu còn nhằm đảm bảo lộ trình tới năm 2018, quy định việc phải đóng BHXH căn cứ theo mức tổng thu nhập. “Lúc đó lương tối thiểu không còn nhiều ý nghĩa nữa”.
Video đang HOT
Doanh nghiệp tồn tại mới tạo ra việc làm
Về phía VCCI, lý giải việc xin dừng cuộc thương lượng chiều hôm 5/8, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, nói: “Sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn, năm trước, mức tăng lương tối thiểu đã khiến doanh nghiệp kêu rất nhiều, khả năng chi trả của doanh nghiệp chỉ có hạn”.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân đánh giá việc tạm dừng lại cuộc họp đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2016 hôm 5/8 có thể tạo thêm một cơ hội tốt để các bên cùng xem xét lại các yếu tố. “Nếu chúng ta đưa ra 1 con số có tính chấp nhận của các bên thì có lẽ lại tạo ra nhiều ý kiến khác nhau”.
Ông Hoàng Quang Phòng cảnh báo, nếu tăng hơn mà không tính tới “sức” của doanh nghiệp có thể dẫn tới hậu quả doanh nghiệp đóng cửa, người lao động thất nghiệp.
Đồng tình với quan điểm là báo cáo kinh tế chung có sự khởi sắc, tuy nhiên ông Hoàng Quang Phòng cho rằng chưa thể nói là doanh nghiệp sẽ đi lên nhanh được. Bởi việc tác động tới từng doanh nghiệp còn phải có một độ lùi về thời gian nhất định.
“Hơn 70% DN kinh doanh không có lãi. Vấn đề tăng lương đối với họ là một gánh nặng lớn. Doanh nghiệp đồng ý về chủ trương tăng lương nhưng cần phải có lộ trình” – ông Hoàng Quang Phòng nói.
Trước đó, Hiệp hội dệt may VN cũng có đề xuất tăng lương tối thiểu chỉ nên ở mức 6%.
Năm 2014, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 lên trên 14 %.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 áp dụng ở 4 vùng là: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; Vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; Vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng. Mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng/vùng.
Được biết, các doanh nghiệp ngành dệt may VN đang thu hút gần 3 triệu lao động. Trong quá trình hội nhập, đặc biệt là tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bính Dương (TPP), lĩnh vực dệt may chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN, lý giải: “Các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức như giá đơn hàng, tiền điện, xăng than, tàu biển tăng. Đặc biệt, tiền lương tối thiểu vùng tăng 2,3-2,3 lần, tính từ 1/1/2010 tới nay”.
Việc tăng lương tối thiểu đi kèm với tăng các khoản đóng BHXH, từ năm 2010 tới 2014, trung bình 2 năm tăng thêm 1%, ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp phải trích nộp tới 24 % tiền BHXH, BHTN, BHYT. Trong khi đó, số tiền 10 % người lao động đóng thực chất doanh nghiệp cũng phải lo, để người lao động có tiền lương thực tế để trang trải, cải thiện cuộc sống và gắn bó với doanh nghiệp” – ông Trương Văn Cẩm nói.
Đánh giá về đề xuất của 2 bên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng khoảng cách còn quá xa nhau. “Phía VCCI đề xuất tăng khoảng 7 % tương ứng với số tăng tuyệt đối khoảng 250.000 đồng/mức. Phía Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng từ 15-16 %, tương ứng với 350.000 – 550.000 đồng/mức. VCCI cũng điều chỉnh lên mức 10 % nhưng Tổng LĐLĐ VN cho rằng vẫn thấp”.
Phương án của Tổng LĐLĐ VN đưa ra là hợp lý. Nhưng phía người sử dụng lao động cũng còn nhiều áp lực về chi phí, cạnh tranh, đầu vào. Ngoài lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH từ 1/1/2016 cũng tăng chi phí doanh nghiệp. Và khả năng doanh nghiệp chịu đựng là rất khó.
Hoàng Mạnh
Theo Dantri
"Ông nào sống nổi bằng lương tối thiểu, tôi đi đầu xuống đất!"
Bà xã tôi xem tivi về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, xem xong cô ấy phủi tay: "Mấy ông đang phát biểu trên truyền hình, ông nào sống nổi bằng tiền lương tối thiểu do mấy ổng đề xuất, tôi đi đầu xuống đất".
Bà xã tôi chìa ra mảnh giấy ghi các khoản chi phí đầu năm học cho 2 đứa nhỏ kèm theo tiếng thờ dài thườn thượt. Ngay lúc đó, bản tin trên VTV1 phát về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 với ý kiến của các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Vợ tôi chăm chú xem. Xem xong, cô ấy phủi tay: "Mấy ông đang phát biểu trên truyền hình, ông nào sống nổi bằng tiền lương do mấy ổng đề xuất, tôi đi đầu xuống đất".
Vợ tôi chỉ được cái... nói đúng. Hai vợ chồng tôi cùng làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại KCX Linh Trung, TP HCM. Vợ tôi làm tổ trưởng sản xuất, tôi làm công nhân trực tiếp. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng trên dưới 10 triệu đồng tùy thuộc tháng đó tăng ca ít hay nhiều.
Tuy có hộ khẩu ở TP HCM nhưng vì gia đình đông anh em, nhà cửa chật chội nên vợ chồng tôi phải thuê nhà ở riêng sau khi cưới. 10 năm qua, căn phòng 16m2 ở quận Thủ Đức là nơi trú ngụ của gia đình tôi. 1 triệu đồng tiền thuê nhà, thêm 300.000 đồng tiền điện nước mỗi tháng đã được xem là rất rẻ để có một chỗ tá túc ở cái thành phố đắt đỏ nhất nước này.
Hai đứa con tôi, một đứa tiểu học, một đứa mẫu giáo, trung bình mỗi tháng hết 4 triệu đồng chi phí cho việc ăn uống, sữa sùng, gởi con ngoài giờ khi phải tăng ca... Đó cũng là cái giá hết sức tiết kiệm cho 2 đứa con ăn học ở cái thành phố được xếp loại "vùng 1" này.
Đây là hai khoản chi "bất di, bất dịch" mà mỗi ngày thức dậy, hai vợ chồng tôi đều phải nhớ đến. Nó ngốn mất gần 2/3 thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng. Phần thu nhập còn lại, chúng tôi phải chi cho ăn uống hằng ngày của cả nhà và trăm thứ linh tinh có tên và không tên khác. Chắc chắn là không đủ. Đó là trời thương cho mạnh khỏe, không đau ốm bệnh tật, không có sự cố bất thường...
"Vợ chồng mình thu nhập từng ấy mà muốn sống được đã phải lo tới hộc máu mồm, máu mũi; vậy mà cái ông gì đó lại đi kỳ kèo 10% thay vì 16%. Nói thiệt, mấy cái phần trăm đó chẳng có giá trị gì ráo vì nó vốn dĩ vẫn còn cách xa mức sống tối thiểu"- vợ tôi lại lèm bèm.
Cô ấy vốn có chuyên môn kế toán nên nói cái gì ra cũng có con số để chứng minh. Để lời nói của mình có sức thuyết phục , vợ tôi viện dẫn điều 91 Bộ Luật Lao động về mức lương tối thiểu. Điều luật này quy định "mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ".
Vợ tôi nhấn mạnh: "Anh lưu ý nhé, lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tức là phải bảo đảm cho cả anh, cả em và con chúng mình được sống. Vậy mà trong thực tế thì sao? Tiền lương tối thiểu mấy ổng quy định hiện nay không đủ nhét vô miệng, lấy gì tích lũy, tái tạo sức lao động?".
Tôi thấy vợ tôi có lý. Mấy hôm nay mọi người trong xưởng đã râm ran bàn tán về chuyện tăng lương tối thiểu vùng. Số liệu từ tổ kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa công bố cho thấy nhu cầu sống tối thiểu của người lao động năm 2015 là 3.920.000 đồng/người/tháng. Như vậy, gia đình tôi 4 người, vị chi mỗi tháng nhu cầu sống tối thiểu phải là 15.680.000 đồng. Với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, rõ ràng thu nhập thực tế của chúng tôi dù cao hơn lương tối thiểu 3,1 triệu đồng/tháng hiện nay nhưng chỉ mới đáp ứng 63,7% nhu cầu sống tối thiểu.
"Nói thiệt với anh, bây giờ mỗi lần nghe mấy ổng nói tăng lương tối thiểu, em rầu lắm vì lương chưa tăng mà mọi thứ đã nhảy vọt. Hơn nữa, cái mức tăng đề xuất chẳng có thực tế chút nào. Thôi, mệt quá, không nói nữa, ráng chờ tới năm 2017 coi mức lương tối thiểu có đủ sống như lời mấy ổng không!"- vợ tôi lại phủi tay theo cái cách quen thuộc của cô ấy.
Mãi cho đến khi vợ tôi đã chui vô mùng với hai đứa nhỏ, tôi vẫn còn bần thần ngồi nhìn mảnh giấy vợ đưa khi nãy. Đầu năm học, các khoản đóng góp của hai đứa nhỏ đã gần 6 triệu đồng. Không biết vợ tôi bằng cách nào mà vẫn xoay sở để cái gia đình này tồn tại.
Tôi hết nhìn tờ giấy lại nhìn vô mùng. Chắc vợ tôi cũng không ngủ được vì tôi thấy cô ấy cứ lăn qua, trở lại. Thật lạ lùng, sao nghe tăng lương mà ai cũng lo lắng là sao?
Theo Trần Ngọc Hùng
Người lao động
Tổng liên đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu vùng hơn 16 % Tổ chức công đoàn muốn lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ tăng 16 % so với mức cũ, tương đương với mức tăng từ 350.000 - 550.000 đồng. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vừa có văn bản gửi Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Theo đó, lương tối thiểu các vùng...