Tăng giá dịch vụ y tế là để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh
Đó là giải thích của ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khi nói về việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.
Đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng người bệnh “có điều kiện”
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, hiện nay nhu cầu về khám chữa bệnh của người dân rất lớn. Nếu các bệnh viện trong nước không đáp ứng được nhu cầu này thì đa số người bệnh này sẽ ra nước ngoài để khám chữa bệnh.
Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.
“Khác với những người được hưởng Bảo hiểm Y tế, một số nhóm người dân mong muốn được sử dụng dịch vụ cao hơn tại các bệnh viện. Nhiều người đòi hỏi phải có chỗ ăn, chỗ tiếp khách, hộ lý trực 24/24. Chính vì vậy, Thông tư sắp ban hành sẽ là cơ sở để các bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng người bệnh này” – ông Liên nói.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, hiện nay có nhiều bệnh viện tư được đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài. Ở các bệnh viện này, phòng ốc rất đẹp nhưng trình độ của y bác sĩ chưa chắc đã bằng ở bệnh viện công. Thậm chí, nhiều ca phẫu thuật các bệnh viện tư phải nhờ đến cả thầy thuốc hàng đầu của bệnh viện công.
Các bác sĩ của Việt Nam rất giỏi thậm chí còn được mời ra nước ngoài khám chữa bệnh. Nếu xây dựng được khu khám chữa bệnh chất lượng cao thì người dân sẽ không phải ra khám chữa bệnh ở nước ngoài. Như vậy, người bệnh sẽ đỡ được rất nhiều chi phí mà chất lượng thì vẫn được hưởng như ở nước ngoài. “Đây là tâm tư tình cảm của người Việt Nam” – ông Liên khẳng định.
Một năm 50 – 100.000 người với 2 tỷ USD, nếu có cơ chế để giữ lại một nửa số này thì mỗi năm chúng ta có từ 2 – 3 chục ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, ở Việt Nam có khoảng 200 – 500.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, nếu chúng ta có bộ phận chất lượng cao thì nhóm đối tượng người bệnh này sẽ không phải trở về nước để chữa bệnh.
Vì sao giường bệnh theo yêu cầu có giá 4 triệu đồng/ngày?
Video đang HOT
Được biết, Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, dự kiến áp dụng trên toàn quốc từ 1/10/2019.
Trong đó, giá dịch vụ giường nằm nội trú tại phòng điều trị theo yêu cầu của bệnh viện hạng đặc biệt, có 1 giường/phòng tối đa là 4 triệu đồng. Đối với các loại phòng có từ 2 – 4 giường, mức giá dao động từ 1,3 triệu đồng – 2,5 triệu đồng/ngày.
Cũng theo ông Nguyễn Nam Liên, vừa qua, có nhiều thông tin khiến người dân hiểu không đúng về tinh thần của Thông tư này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định giường bệnh có giá cao ngất ngưởng như vậy sẽ tạo điều kiện cho các bệnh viện tận thu.
Giải thích về vấn đề này, ông Liên cho hay, không phải giường dịch vụ nào cũng sẽ có giá như vậy. Một bệnh viện sẽ phân loại xem bao nhiêu loại giường theo yêu cầu, bao nhiêu phòng 1 giường và bao nhiêu phòng 2 giường. Nếu bệnh viện nào đó ban hành mức giá quá cao thì người dân hoàn toàn có thể lựa chọn dịch vụ ở chỗ khác.
“Có những loại giường bệnh mức giá 200, 300 ngàn đồng/ngày nhưng cũng sẽ có những giường bệnh giá cao hơn nhiều lần để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Bằng một phép tính đơn giản, có thể thấy chi phí vật tư, hóa chất, thuốc men tạm tính cũng phải 700 ngàn đồng/ngày, ngoài ra giường bệnh đòi hỏi điều dưỡng phục vụ 24/24 thì cũng phải trả cho họ 400 ngàn đồng/8 tiếng, chưa kể các dịch vụ khác nữa thì cộng lại 1 giường bệnh có giá 4 triệu đồng/ngày cũng là hợp lý” – ông Liên giải thích.
Thế Công
Theo Toquoc
Tăng phí BHYT, người nghèo lo càng thêm lo
Bắt đầu từ hôm nay (1/7), lương cơ sở tăng từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu đồng, nên mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cũng tăng ít nhất 21.600 đồng/năm. Cùng với việc tăng viện phí, tăng phí đóng BHYT khiến người nghèo càng thêm lo.
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật Bảo hiểm y tế, quy định mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình của người thứ nhất bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức phí của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.
Khi tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm 4.500 đồng/tháng, người thứ năm trở đi tăng 1.800 đồng/tháng.
Mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương, 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Cùng với việc tăng giá viện phí hồi đầu năm nay, người dân kỳ vọng khi tăng mức đóng BHYT, chất lượng các dịch vụ y tế cũng sẽ tốt hơn.
Cùng với mức tăng phí đóng BHYT, người dân hy vọng sẽ được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn. Ảnh: IT
Anh Nguyễn Văn Nhật (54 tuổi, quê ở Tiền Giang), đang điều trị ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, do mắc bệnh hiểm nghèo nên các chi phí cho việc khám, chữa bệnh cũng như chi phí đi lại, ăn ở trong những ngày điều trị ở bệnh viện trong hơn một năm qua đã "ngốn" hết số tiền tiết kiệm nhiều năm của gia đình.
Tới tháng 5 vừa qua, gia đình anh đã phải thế chấp căn nhà nhỏ, vay thêm ít tiền cho việc chữa trị bệnh tật. Cũng may, nhờ có BHYT tự nguyện mua tại địa phương nên anh được bảo hiểm chi trả nhiều khoản viện phí.
"Từ hồi sau Tết năm nay, viện phí tăng gia đình càng khó, dù đã được bảo hiểm trả đến 80% chi phí. Mình làm nông mà không may bệnh nặng, tiền điều trị cả trăm triệu nên dù được bảo hiểm rồi thì phần còn lại cũng lớn lắm", anh Nhật chia sẻ.
Cùng theo anh Nhật, bệnh tật đã khiến anh suy giảm sức khỏe rất nhiều, tuy nhiên, việc đi lại, chờ đợi khi khám chữa bệnh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, nhiều dịch vụ, nhiều loại thuốc men chưa có trong danh mục bảo hiểm hoặc bệnh viện "hết thuốc", gia đình phải tìm mua bên ngoài với giá rất cao. Do đó, khi viện phí tăng, mức tiền mua bảo hiểm cũng tăng, anh Nhật mong muốn chất lượng khám chữa bệnh cũng tốt hơn.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Hồng (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn lo lắng, có thể, giá viện phí sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới, do mức tính viện phí hiện dựa theo mức lương cơ sở. Mà mức lương cơ sở thì vừa được tăng từ 1,39 triệu đồng lên mức 1,49 triệu đồng từ ngày 1/7.
Bà Hồng cho rằng, nếu tăng viện phí, tăng mức phí đóng BHYT mà đảm bảo được quyền lợi cho người dân đồng thời, tăng chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến cơ sở, như bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì người dân được hưởng lợi nhiều. Vì người dân vừa được hưởng dịch vụ y tế tốt, vừa không phải đi xa chữa bệnh, mà càng lên tuyến cao hơn, mức chi trả bảo hiểm càng thấp.
Khi chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến dưới tăng, người dân sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Ảnh: IT.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2019, viện phí sẽ tiếp tục được tính thêm chi phí quản lý, bên cạnh điều chỉnh theo mức tăng của lương cơ sở. Sau đó, tùy tình hình cân đối quỹ BHYT, viện phí có thể sẽ được tăng hằng năm theo lương cơ sở.
Tuy nhiên mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc điều chỉnh viện phí sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện kinh tế - xã hội. Nếu các loại giá hàng hóa còn ở mức cao hoặc tiếp tục tăng thì Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng và Ban điều hành giá để hoãn tăng viện phí sang năm 2020. Đến năm 2021, viện phí sẽ bao gồm cả khấu hao tài sản cố định.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện, được áp dụng đối với các đối tượng do luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận.
Như vậy, theo phương thức quản lý của Nhà nước thì hiện nay có 2 loại hình BHYT là BHYT bắt buộc và BHYT tự nguyện. Tuy nhiên, theo Công văn 777/BHXH-BT, từ ngày 1/1/2016 trở đi, nếu muốn tham gia BHYT tự nguyện thì người dân bắt buộc phải tham gia theo hộ gia đình.
Hiện tại, BHYT tự nguyện theo hộ gia đình không được bán tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh mà chỉ được đăng ký tại địa phương. Người dân muốn tham gia BHYT tự nguyện có thể đăng ký tại cơ quan Bảo hiểm xã hội xã/phường/thị trấn nơi cư trú hoặc đại lý thu bảo hiểm xã hội.
Đến giữa tháng 5/2019, cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ 89%. Mục tiêu năm 2025 có trên 95% dân số có bảo hiểm y tế.
Theo Danviet
Đề nghị tạm hoãn xuất cảnh người bị thanh tra xác định có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với "người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn". Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Sáng...