Tăng cường xuất khẩu nông sản chính ngạch bằng đường sắt
Ngày 7/10, Tổng cục Hải quan cho biết đã có các đề nghị tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt.
Công chức Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, kiểm soát chủng loại hàng hóa thông quan qua cửa khẩu ga. Ảnh tư liệu: Nguyễn Quang Duy/TTXVN
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2020 do tác động của dịch COVID-19, việc các nước áp dụng các biện pháp phòng chống dịch làm ảnh hưởng đến chuỗi cung toàn cầu, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường bộ bị ách tắc, giá cước tăng cao.
Đặc biệt do phía Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách “zero COVID” với các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 chặt chẽ dẫn đến việc lưu thông hàng hóa, phương tiện, con người qua khu vực biên giới phía Bắc gặp khó khăn. Hàng nghìn phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu bị ùn ứ, ách tắc tại các khu vực biên giới phía cả hai nước gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.
Trước tình hình nêu trên, Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, các giải pháp đã triển khai chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn.
Tổng cục Hải quan cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2022, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ biên giới phía Bắc liên tục sụt giảm. Lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu theo hình thức nhỏ giọt và thường rơi vào trạng thái bị động theo thông báo của cơ quan chức năng Trung Quốc mặc dù các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, triển khai vùng xanh, vùng đệm tại các cửa khẩu đã được các địa phương triển khai. Trong khi đó, đường sắt có lợi thế vận chuyển luôn thông suốt, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác. Vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế.
Video đang HOT
Căn cứ nhu cầu, kiến nghị của một số doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đề nghị cần tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt.
Tổng cục Hải quan cho rằng, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường sắt cũng là chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu xây dựng phương án nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt để xử lý ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp có sử dụng hình thức vận tải đường sắt, Tổng cục Hải quan đã chủ trì làm việc với Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Tổng công ty đường sắt Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, để lắng nghe ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp đồng thời triển khai việc khảo sát tại ga Kép, ga Sen Hồ tỉnh Bắc Giang, nghiên cứu khả năng bố trí, sắp xếp lực lượng hải quan tại các ga này nếu được nâng cấp thành ga liên vận quốc tế.
Theo Tổng cục Hải quan, một số giải pháp là tăng cường xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính như cửa khẩu Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái như đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các nền tảng, ứng dụng thương mại điện tử.
Cùng với đó, tăng danh mục hàng hoá được phép xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và xây dựng cơ chế quản lý phù hợp đối với hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.
Hiện nay, ngành Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) và trang bị điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực đầy đủ để đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo việc kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Mặc dù vậy, năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng tại ga chưa đáp ứng được xu hướng tăng lên của vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị đầu tư cơ sở hạ tầng ngành đường sắt để đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang tăng lên của thị trường; tận dụng được lợi thế luôn thông suốt, ít bị tác động của dịch bệnh, góp phần giảm chi phí logistics, tăng lưu thông hàng hóa của hình thức vận tải bằng đường sắt liên vận quốc tế.
Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng đầu tư đồng bộ trong việc nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhà ga, bến bãi tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, ga liên vận quốc tế Lào Cai và ga liên vận quốc tế Yên Viên. Cụ thể, mở rộng khu vực bãi lưu giữ, xây dựng tường rào chắc chắn, trang bị hệ thống camera, barie, cân điện tử, nhà kho phục vụ kiểm hóa, lưu giữ hàng hóa vi phạm, trang bị máy phát điện cho các chuyến tàu chở hàng.
Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền quy hoạch bổ sung ga Kép tỉnh Bắc Giang và các ga đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để nâng lên thành ga liên vận quốc tế, đáp ứng nhu cầu tăng lên trong vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt, khai thác hiệu quả tối đa thế mạnh của ngành đường sắt.
Nâng cao vị thế nông sản - Bài cuối: Tạo vị thế vững chắc cho sản phẩm OCOP
Từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm địa phương đã dần được người tiêu dùng biết đến và đón nhận. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP ngày càng thăng hạng và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, cần nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ từ xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường đến vốn mở rộng sản xuất.
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Phát triển thị trường
Sản phẩm OCOP với các tiêu chuẩn chất lượng đang từng bước được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, nhưng mức độ bao phủ thị trường và lợi thế cạnh tranh vẫn còn hạn chế. Bà Nguyễn Thị Mộng Trinh, Trưởng phòng Kinh doanh Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ du lịch Đầu tư - Xây dựng Cần Giờ Tương Lai, cho biết, Bên cạnh nỗ lực xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu hàng hoá, hợp tác xã cũng từng bước phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Đến nay, các sản phẩm của Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai đã có mặt tại 10 điểm kinh doanh, cửa hàng, đại lý và cơ sở bán lẻ tại Tp.Hồ Chí Minh cũng như một số tỉnh, thành lân cận bao gồm các hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Satra. Ngoài ra, hợp tác xã cũng đang cung cấp thực phẩm cho 10 trường học bán trú trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Tuy nhiên, theo bà Trinh, các sản phẩm OCOP chưa được nhận diện rộng rãi nên khả năng cạnh tranh so với sản phẩm chưa được chứng nhận còn hạn chế. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cũng như đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm, thương hiệu có chứng nhận, giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn nữa.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, doanh nghiệp có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao, chia sẻ, sau khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm được thành phố hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh tại các hội chợ, triển lãm... Nhờ đó sản phẩm được khách hàng đánh giá cao hơn, yên tâm về chất lượng sản phẩm và sức mua có tăng hơn trước.
Ngay sau khi được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp đồng phân phối với 2 hệ thống bán lẻ lớn Saigon Co.op và Satra, nhờ đó, cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận và tìm kiếm đối tác phát triển thị trường tốt hơn. Đây sẽ là bệ đỡ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu đưa sản phẩm phủ hết thị trường các tỉnh, thành trong nước bên cạnh các điểm bán hàng OCOP và các điểm bán hàng trên hệ thống phân phối hiện có của doanh nghiệp.
"Song song với phát triển thị trường nội địa, Xuân Nguyên cũng sẽ tận dụng những chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại dành cho sản phẩm OCOP của Nhà nước để quảng bá và xuất khẩu sản phẩm có gắn thương hiệu của doanh nghiệp ra thị trường thế giới, thay thế dần việc xuất thô như hiện nay.", ông Lư Nguyễn Xuân Vũ thông tin về định hướng phát triển thị trường.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Kinh doanh Saigon Co.op cho biết sản phẩm OCOP đã có mặt tại kệ hàng siêu thị từ nhiều năm trước, đến nay đã có nhiều thay đổi tích cực về chất lượng, mẫu mã bao bì. Tuy nhiên, do các đơn vị sản xuất có quy mô nhỏ, hạn chế về năng lực cung ứng nên phần lớn sản phẩm OCOP được thu mua, tiêu thụ trong phạm vi nhỏ.
Theo đó, cần tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu sự khác biệt giữa sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương (không có chứng nhận OCOP), từ đó tạo cơ sở để gia tăng tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đánh giá cao Chương trình OCOP, nhưng theo nhiều chuyên gia, để sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn, các địa phương có cùng thổ nhưỡng, khí hậu... nên phối hợp để hình thành các vùng sản xuất lớn với chất lượng được kiểm soát tốt và giảm chi phí sản xuất tối đa. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để sản phẩm OCOP không chỉ phát triển mạnh ở thị trường trong nước mà còn có thể vươn xa hơn ra thị trường nước ngoài.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, nhờ triển khai Chương trình OCOP mà nhiều "đặc sản" truyền thống được nâng cấp cả về chất lượng và mẫu mã, từ đó thuyết phục được nhiều người tiêu dùng hơn. Chứng nhận sản phẩm OCOP chính là bảo chứng cho sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của các nông sản, đặc sản địa phương.
Trong thời gian tới, Tp.Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án phát triển sản phẩm OCOP với các đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể hơn như hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức đầu tư phát triển sản phẩm mới. Ngành nông nghiệp và công thương thành phố cũng sẽ liên kết với các hệ thống siêu thị tổ chức khu trưng bày riêng dành cho các sản phẩm OCOP nhằm gia tăng tính nhận diện và tiếp cận khách hàng. Song song đó, hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và phát triển thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử.
Gắn sản phẩm OCOP với du lịch
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Ngay từ khi khởi nghiệp với sản phẩm mật dừa nước, anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty VIETNIPA đã xác định phát triển sản phẩm gắn với du lịch cộng đồng tại huyện Cần Giờ. Với lợi thế là người tiên phong trong khai thác và chế biến các sản phẩm từ mật dừa nước, VIETNIPA đã chủ động liên kết với các điểm dừng chân, hộ kinh doanh nước giải khát để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm rừng dừa nước kết hợp với thưởng thức sản phẩm mật dừa nước tại chỗ và mua về làm quà.
Theo anh Phan Minh Tiến, việc dẫn dắt khách du lịch trải nghiệm thực tế sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn, tin tưởng hơn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, từ đó tạo hiệu ứng truyền thông tốt hơn cho sản phẩm. Đến nay, doanh số bán hàng qua kênh du lịch chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của VIETNIPA, hơn nữa thông qua khách du lịch quốc tế, sản phẩm của VIETNIPA đã được khách hàng nước ngoài biết đến và một số đối tác đã kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất khẩu.
Từ vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến tại huyện Củ Chi, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiên nhiên Việt là doanh nghiệp có 4 sản phẩm bột rau được công nhận OCOP 4 sao và 1 sản phẩm được UBND Tp. Hồ Chí Minh làm hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng, công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao (sản phẩm OCOP quốc gia).
Chị Nguyễn Ngọc Hương, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thiên nhiên Việt cho rằng, sản phẩm OCOP rất phù hợp với các hoạt động du lịch bởi đây là chứng nhận tôn vinh các sản phẩm bản địa khi khai thác được chuỗi giá trị tại địa phương từ nguyên liệu, lao động đến chế biến tại chỗ và trải qua quy trình xét duyệt khắt khe của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo chị Hương, khi du lịch hồi sinh, tiêu thụ sản phẩm qua kênh này cũng tăng theo, dù sản phẩm đã được phân phối khắp thị trường nội địa và xuất khẩu đi nhiều thị trường nước ngoài, nhưng thời gian tới công ty sẽ kết nối đưa sản phẩm vào các khu du lịch, các trạm dừng chân trên địa bàn để phục vụ du khách. Việc gắn sản phẩm OCOP với hoạt động du lịch không chỉ giúp gia tăng doanh số bán hàng tại chỗ mà còn tạo ra không gian để doanh nghiệp và du khách trao đổi nhiều hơn về câu chuyện của sản phẩm cũng như những nét văn hoá đặc trưng của địa phương.
Ông Đinh Minh Hiệp phân tích, Tp.Hồ Chí Minh là một đô thị lớn với tốc độ đô thị hoá ngày càng cao nên các sản phẩm nông nghiệp của thành phố không đa dạng và cũng khó có thể mở rộng về quy mô như nhiều tỉnh, thành khác. Chính vì vậy, Tp.Hồ Chí Minh đang xây dựng hướng đi riêng, đó là gắn Chương trình OCOP với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Tp.Hồ Chí Minh tiếp tục định hướng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP là các sản phẩm hàng hoá có nguồn gốc địa phương, mang đặc trưng về giá trị văn hoá, sản phẩm làng nghề nông thôn, dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu. Với nhóm dịch vụ, thành phố sẽ tập trung các dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch dựa trên thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan và văn hoá vùng miền mỗi địa phương.
"Kết hợp hàng hoá bản địa với dịch vụ cộng đồng sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc; trong đó, các sản phẩm OCOP sẽ được giới thiệu với du khách như là một trong những món quà độc đáo của Tp. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngành nông nghiệp có thể phối hợp với ngành du lịch Thành phố, các công ty lữ hành để đưa những nơi sản xuất, trồng trọt đặc sản OCOP thành những điểm đến tham quan cho du khách. Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị cho từng chủ thể mà còn tạo tiền đề thúc đẩy việc phát triển các chuỗi kinh tế liên kết bền vững trong tương lai", ông Đinh Minh Hiệp nhấn mạnh.
Xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc sau COVID-19 Ngày 27/4, tại thành phố Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc giai đoạn sau COVID-19. Quang cảnh Hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chính...