Tăng cường xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng dịp Tết
Từ ngày 20/12/2021-3/2022, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm từ 20/12/2021 đến hết 12/3/2022 trên phạm vi cả nước
Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với nhiều lượt khách tham dự. Tết Nguyên đán cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, trong thời gian này, thời tiết phía bắc thường ẩm ướt, phía nam thường nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022, đồng thời bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng sẽ huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm từ 20/12/2021 đến hết 12/3/2022 trên phạm vi cả nước, với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022.
Quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Xác định công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặc biệt, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của người dân, cũng như tác động đến phát triển kinh tế - xã hội; thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP.
Từ sự quan tâm đầu tư về cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện, nhiều mô hình trồng rau trong nhà lưới trên địa bàn huyện Đông Sơn được nhân rộng.
Hằng năm UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí thực hiện chương trình vệ sinh ATTP; hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án xây dựng nhà sơ chế rau an toàn tại xã Hoằng Giang và Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa; xây dựng phần mềm kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn, phần mềm hệ thống thông tin quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh; đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh ATTP cho các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các tổ giám sát ATTP tại chợ; hỗ trợ máy vi tính, phương tiện làm việc cho 32 xã tham gia mô hình thí điểm về ATTP..., với tổng kinh phí đã phân bổ thực hiện từ năm 2017 đến nay khoảng 270 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng/năm/huyện, thị xã, thành phố, 15 triệu đồng/năm/xã, phường, thị trấn để các địa phương thực hiện công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về ATTP. UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương cho công tác bảo đảm ATTP, với tổng kinh phí hỗ trợ trong 5 năm đạt trên 64 tỷ đồng; trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách cấp huyện trên 44,8 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách cấp xã trên 19,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy về quản lý ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã được thành lập và kiện toàn. Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh; thành lập Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP tỉnh để tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh trong việc chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo ATTP; 100% các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP, Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP; 100% các xã, phường, thị trấn thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTP, ban nông nghiệp hoặc tổ đầu mối về ATTP. Ban chỉ đạo các cấp có quy chế hoạt động, phân công phụ trách các địa bàn, lĩnh vực cho từng thành viên nhằm triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về ATTP. UBND cấp xã đã thành lập tổ giám sát cộng đồng về ATTP thôn/bản/khu phố, tổ giám sát ATTP tại chợ. Đến nay, có 4.357/4.357 thôn, bản, khu phố thành lập tổ giám sát cộng đồng về ATTP (đạt 100%) và 357/388 chợ thành lập tổ giám sát ATTP (đạt 92%).
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, 100% chợ kinh doanh thực phẩm, chợ đầu mối nông sản, thực phẩm, bếp ăn tập thể đáp ứng các quy định về điều kiện ATTP; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được cấp giấy chứng nhận; 95% trở lên số cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đáp ứng các điều kiện về ATTP theo quy định; 70% trở lên thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, có xác nhận; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí ATTP, trong đó có 20% trở lên đạt tiêu chí ATTP nâng cao. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên tỉnh cần quan tâm bố trí ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan chuyên môn, các cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATTP; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát và phát động các phong trào thi đua về ATTP; tích cực vận động xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn..., góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.
Vụ vải thiều 'thành công trong gian khó' Khi đến vụ thu hoạch vải thiều năm 2021, tỉnh Bắc Giang lúc đó vẫn đang là tâm dịch COVID-19 của cả nước với hàng nghìn ca mắc. Vừa phải căng sức chống dịch, vừa phải nỗ lực hỗ trợ, xúc tiến tiêu thụ vải thiều cho người dân, Bắc Giang đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo để có được...