Tăng cường quản lý thức ăn đường phố
Những năm qua, TP Hà Nội triển khai nhiều mô hình thí điểm để tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố (TAĐP). Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình thí điểm đã tác động tích cực đến công tác quản lý và nhận thức của chủ các cơ sở kinh doanh.
Chế biến thực phẩm phục vụ khách trên tuyến phố Duy Tân, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội).
Thay đổi nhận thức, hành động
TAĐP trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân, nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP do sử dụng nguyên liệu, chế biến, bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Hà Nội là một trong những địa phương triển khai thí điểm quản lý, kiểm tra ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, TAĐP. Năm 2010, toàn thành phố triển khai mô hình cải thiện ATTP dịch vụ ăn uống tại 198 phường, thị trấn; năm 2013, mô hình thí điểm quản lý, kiểm soát ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, TAĐP, tuyến phố Trung Liệt (quận Đống Đa), tuyến phố Núi Trúc (quận Ba Đình) được triển khai. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ chuyên trách ATTP (Trạm Y tế phường Trung Liệt) cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP của phường phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức 16 lớp tập huấn kiến thức ATTP TAĐP cho cán bộ chuyên môn, chủ các cơ sở kinh doanh, người tham gia chế biến thực phẩm; tổ chức khám sức khỏe, cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức ATTP cho người trực tiếp tham gia chế biến và kinh doanh TAĐP… Các cơ sở kinh doanh TAĐP trên toàn phường được phát găng tay sử dụng một lần; cấp tủ kính cất giữ thức ăn đối với các hộ kinh doanh TAĐP gặp khó khăn; toàn bộ các cơ sở kinh doanh ký cam kết bảo đảm ATTP…
Tuy nhiên, hai mô hình nêu trên chỉ tập trung kiểm soát các tiêu chí về điều kiện cơ sở kinh doanh, sức khỏe người kinh doanh… chưa kiểm soát trực tiếp thực phẩm, trong khi nguồn gốc thực phẩm là vấn đề gây nhiều lo lắng cho người tiêu dùng. Trước thực tế đó, đầu năm 2018, Hà Nội triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và TAĐP tại tám tuyến phố trọng điểm. Ngoài việc đáp ứng 10 tiêu chí ATTP, các cơ sở kinh doanh còn công bố nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm. Các cơ sở ăn uống đều được niêm yết công khai biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát ATTP”, có bảng ghi công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm để người tiêu dùng biết. Mặc dù mới triển khai, nhưng các cơ sở kinh doanh đã có nhiều thay đổi, khang trang hơn các tuyến phố chung quanh.
Chị Đào Kim Dung, chủ quán Ngan Phố (phố Duy Tân) cho biết, những ngày đầu mới mở, quán chỉ quan tâm chế biến ngon để thu hút khách, mà ít chú ý đến nguồn gốc xuất xứ thực phẩm. Kể từ khi tuyến phố Duy Tân được chọn triển khai thí điểm xây dựng “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”, chị và những người bán hàng ở đây đã thay đổi nhận thức. Tất cả những người trực tiếp chế biến thực phẩm, người phụ giúp được tham gia các khóa huấn luyện, kiểm tra xác nhận kiến thức ATTP; khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Khu chế biến, khu bảo quản thực phẩm chín, sống được tách riêng. Quá trình nhập nguyên liệu, chế biến thực phẩm và sau chế biến được ghi chép hằng ngày, theo dõi chính xác, mẫu thức ăn được lưu để kiểm tra khi cần. Đây là tiêu chí quan trọng nhất để bảo đảm an toàn cho khách hàng, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt nghiêm và công khai vi phạm trên phương tiện thông tin của quận, phường, tổ dân phố…
Truy tận gốc thực phẩm bẩn
Chi cục trưởng Vệ sinh ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, hiện nay, toàn TP Hà Nội có gần 14 nghìn cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh TAĐP. Đến nay, tại các quận, huyện, thị trấn đã có 99% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí ATTP. Vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định về ATTP và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình thực phẩm một chiều, bày bán thực phẩm trên vỉa hè, ngay cạnh rãnh thoát nước, diện tích kinh doanh chật hẹp, bán hàng chung với nơi sinh sống của gia đình… Bên cạnh đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, kiểm tra và xử phạt vẫn chủ yếu là nhắc nhở, còn nặng về hình thức. Mặt khác, chính người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ.
Video đang HOT
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nhất là tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý ATTP, thời gian tới, các đoàn thanh tra, kiểm tra cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, truy tận gốc thực phẩm “bẩn”. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, tổ chức chính trị phối hợp chặt chẽ ngành y tế và các đơn vị liên quan, tiến hành lồng ghép công tác ATTP thức ăn đường phố với công tác bảo đảm an ninh xã hội và mỹ quan đô thị. Kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở dịch vụ ăn uống, TAĐP lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không bảo đảm ATTP, vệ sinh môi trường.
Để quản lý ATTP hiệu quả hơn, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người kinh doanh, rất cần ý thức của người tiêu dùng nói “không” với thực phẩm không an toàn; kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP cho cơ quan chức năng, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của Luật ATTP…
THÁI SƠN
Theo nhandan.com.vn
Chế biến thực phẩm phục vụ khách trên tuyến phố Duy Tân, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội).
Chủ tịch Đà Nẵng: "Anh Dũng làm tốt mà HĐND TP miễn nhiệm anh ấy rồi"
"Trước đây, trong các phó chủ tịch UBND thành phố có anh Đặng Việt Dũng. Tôi giao anh Dũng phụ trách mảng an toàn vệ sinh thực phẩm, anh làm rất tâm huyết, làm tốt mà Hội đồng nhân dân thành phố đã biểu quyết miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND thành phố đối với anh ấy rồi".
Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã phát biểu như trên tại Chương trình HĐND TP Đà Nẵng với cử tri vừa diễn ra sáng nay 14/11.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu trong Chương trình HĐND với cử tri thành phố sáng 14/11
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, một phần trong chương trình "thành phố 4 an" của Đà Nẵng rất được quan tâm trong Chương trình Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng với cử tri vừa diễn ra sáng 14/11.
Tham dự Chương trình, cử tri Huỳnh Vĩnh Truyền (ở phường Nam Dương, quận Hải Châu) băn khoăn: "Thức ăn đường phố đang được bày bán ở khắp nơi trên địa bàn thành phố. Mọi người đều rất lo ngại về nguồn thực phẩm ở những quán ăn này, không rõ có đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không?".
Cử tri Truyền đặt vấn đề, lãnh đạo thành phố, ngành chức năng có biết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với loại hình thức ăn đường phố được thực hiện như thế nào? Có đảm bảo an toàn cho người dân hay không? Kế hoạch xây dựng mô hình điểm về khu phố ẩm thực đạt được kết quả đến đâu?
Cử tri Đà Nẵng đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong Chương trình đối thoại với HĐND thành phố vừa diễn ra sáng 14/11
Cử tri Nguyễn Thị Minh Nguyệt (ở quận Thanh Khê) hỏi, mục tiêu xây dựng được tất cả các chợ hạng 2 là chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) kết quả đạt được đến đâu? Nếu chưa đạt mục tiêu đề ra, đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai?
Cử tri Nguyệt cũng quan tâm hiệu quả công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATVSTP hiệu quả đến đâu, khi phát hiện sai phạm đã xử lý nghiêm chưa?
Trả lời cử tri, ông Nguyễn Nho Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, năm 2017, có 9 chợ đăng ký xây dựng chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có 7 chợ thuộc UBND các quận, huyện quản lý và 2 chợ Công ty quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng quản lý là chợ Cồn và chợ Đống Đa.
Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra 9 chợ này và đang đề nghị UBND thành phố công nhận 7 chợ đạt chuẩn chợ ATTP, đó là: chợ Cẩm Lệ, chợ Mới Hòa Thuận, chợ Phú Lộc, chợ An Hải Đông, chợ Túy Loan, chợ Đống Đa, chợ Cồn.
UBND thành phố cũng đã ban hành Đề án Quản lý thức ăn đường phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Theo đó, UBND các xã/phường tổ chức ký cam kết được 2.702/2.778 cơ sở, đạt tỷ lệ 97,3%.
Ông Trung nhìn nhận, mặc dù những số liệu nói trên là một tín hiệu đáng mừng, nhưng thực tế người dân vẫn chưa an tâm với an toàn thực phẩm và vẫn còn xảy ra ngộ độc thức ăn tập thể.
Ông Trung hỏi thẳng là lãnh đạo cơ quan chức năng có dám cam kết với cử tri là đảm bảo dân mua hàng tại các chợ Tết này không lo lắng khi mua hàng hóa có dán tem; có dám đảm bảo cho người dân yên tâm khi mua thực phẩm tại các chợ đã được công nhận đạt chuẩn ATVSTP? Lãnh đạo Sở Công Thương đã mạnh dạn trả lời: "Có".
Phát biểu cuối Chương trình, ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao sáng kiến của HĐND thành phố khi tổ chức chương trình đối thoại với cử tri trước các kỳ họp thường kỳ của HĐND TP. Qua hoạt động như vậy, HĐND TP nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, nhu cầu thực tiễn cuộc sống của cử tri, cũng là đại diện tiếng nói của người dân thành phố.
Riêng nói đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi phát biểu trong chương trình, ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: "Trước đây, trong các phó chủ tịch UBND thành phố có anh Đặng Việt Dũng. Tôi giao anh Dũng phụ trách mảng an toàn vệ sinh thực phẩm, anh làm rất tâm huyết, làm tốt, mà Hội đồng nhân dân Thành phố đã biểu quyết miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND thành phố đối với anh ấy rồi".
Tâm An
Theo Dantri
46 nhà hàng, quán karaoke ở quận Hoàn Kiếm được mở cửa đến 2h sáng Quận Hoàn Kiếm ( Hà Nội ) đã cấp Thông báo đủ điều kiện tổ chức thí điểm hoạt động kinh doanh đến 2h sáng cho 46 cơ sở kinh doanh gồm: quán café, nhà hàng sử dụng âm nhạc, nhà hàng dịch vụ ăn uống, dịch vụ karaoke. Thực hiện chủ trương của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, UBND quận...