Tăng cường phối hợp trong công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai
Sáng 22/3, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức Hội thảo “Cảnh báo sớm để hành động sớm – Thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai”.
Cán bộ Trạm khí tượng Mẫu Sơn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn quan trắc thời tiết tại Trạm. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới 23/3, việc tổ chức hội thảo nhằm nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm; đồng thời chia sẻ, trao đổi, tăng cường sự hiểu biết và phối hợp trong công tác dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai giữa Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Đài Truyền hình Việt Nam và các đối tác khác. Mục tiêu là phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó thiên tai tốt hơn, bảo vệ sinh mạng, sinh kế cho người dân, bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Theo ông Dương Đức Mỹ, Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu với sự xuất hiện của 21/22 loại hình thiên tai, trừ sóng thần. Đặc biệt là bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất. Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP.
Đề cập tới tình hình thiên tai ở Đồng bằng Bắc Bộ, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Đinh Hữu Dương cho rằng, hàng năm, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây gió mạnh, kèm mưa lớn trên khu vực, gây thiệt hại rất lớn về người và của. Ngoài bão, áp thấp nhiệt đới thì các hiện tượng như mưa lớn, dông, lốc sét, nắng nóng, rét đậm, rét hại cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và kinh tế. Năm 2021, khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão, 11 đợt mưa vừa, mưa to, 23 đợt không khí lạnh, 9 đợt nắng nóng; các đợt dông, lốc sét, lũ, ngập lụt và hải văn nguy hiểm.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, để giúp giảm thiểu tối đa tác động, thiệt hại từ thiên tai ngày càng khốc liệt, cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Khí tượng Thủy văn, cơ quan quản lý rủi ro thiên tai và chính quyền địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ này chính là nhân tố quan trọng, quyết định hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Video đang HOT
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường nhấn mạnh, trong thời gian qua, ngành Khí tượng Thủy văn đã tăng cường công tác cảnh báo, dự báo sớm, đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ liên quan tới dự báo, cảnh báo dựa trên tác động với mong muốn đưa các thông tin chi tiết hơn, dễ hiểu hơn về tác động của thiên tai theo thời gian thực tới người sử dụng. Từ đó góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trao đổi về công tác ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, ông Dương Đức Mỹ, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho rằng, cần tập trung vào các giải pháp như: Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; nâng cao nhận thức về thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai; đầu tư cho khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai…
Tại Việt Nam, thiên tai xảy ra với cường độ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Số cơn bão rất mạnh tăng dù tổng số cơn bão không đổi. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước. Số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ…
Cảnh báo sớm, hành động sớm để giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Ngày Khí tượng Thế giới năm 2022 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) lựa chọn chủ đề: "Cảnh báo sớm, hành động sớm thông tin Khí tượng Thuỷ văn và Khí hậu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai - Early Warning and Early Action, Hydrometeorological and Climate Information for Disaster Risk Reduction", nhằm nêu bật tầm quan trọng của thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu để giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Cán bộ Trạm khí tượng Mẫu Sơn, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn quan trắc thời tiết tại Trạm. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Tổ chức Khí tượng thế giới đưa ra những phân tích, đánh giá về rủi ro gia tăng bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra đã và đang ảnh hưởng, đe dọa đến cuộc sống, sức khỏe của hàng tỷ người trên thế giới, để kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đến tính cấp thiết của cảnh báo sớm khí tượng thủy văn nhằm hành động ngay lập tức để giải quyết các rủi ro khí hậu, giảm thiểu thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra.
Thời tiết, khí hậu và các hiện tượng cực đoan về nước đang diễn ra thường xuyên, với mức độ nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu, con người đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa liên quan hơn bao giờ hết. Các hiểm họa này đang gia tăng do kết quả của gia tăng dân số, đô thị hóa và suy thoái môi trường.
Những dự báo về thời tiết sẽ "không" còn là đủ. Dự báo dựa trên các tác động thông tin cho công chúng về những gì thời tiết sẽ "gây ra" rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Tuy nhiên, cứ ba người thì vẫn có một người chưa được thông tin đầy đủ bởi các hệ thống cảnh báo sớm. Vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Cơ quan
Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các Cơ quan Quản lý thiên tai và các Cơ quan Phát triển là cơ sở để phòng, chống và ứng phó tốt hơn.
Dịch COVID-19 làm phức tạp hóa những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế ứng phó. Đại dịch cũng chỉ ra, trong một thế giới kết nối, cần áp dụng cách tiếp cận đa hiểm họa, xuyên biên giới để tạo ra những bước tiến hướng tới các mục tiêu toàn cầu về hành động khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững. Chuẩn bị sẵn sàng và có thể hành động đúng lúc, đúng chỗ, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở mọi nơi, cả trong hiện tại và tương lai.
Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới 23/3, Tổng cục Khí tượng Thủy văn xây dựng bộ nhận diện truyền thông về Ngày Khí tượng Thế giới 2022 và các tài liệu truyền thông; phim tài liệu "Vai trò của thông tin Khí tượng Thủy văn và Khí hậu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai" gắn với phản ánh thông điệp Ngày Khí tượng Thế giới năm 2022; phản ánh rõ vai trò của thông tin khí tượng thủy văn và khí hậu nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như kêu gọi hành động của cộng đồng chủ động trước thiên tai. Đồng thời, cung cấp tài liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới về Ngày Khí tượng thế giới và các chuyên đề phục vụ công tác truyền thông của Bộ; phối hợp thực hiện các hoạt động, chương trình hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2022.
Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức hội thảo khoa học "Cảnh báo sớm, hành động sớm thông tin Khí tượng Thuỷ văn và Khí hậu để giảm nhẹ rủi ro thiên tai" theo hình thức trực tuyến từ Hà Nội đến các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn các tỉnh, thành phố và phát sóng trên nền tảng báo điện tử, truyền hình trực tuyến trên Báo Tài nguyên và Môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, các sự kiện hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới, Ngày Nước thế giới, Chiến dịch giờ trái đất năm 2022 cần sự tham gia vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp và cá nhân và những cách làm ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0 trong công tác truyền thông trên nền tảng mạng xã hội... để lan tỏa rộng rãi ý nghĩa, thông điệp, chủ đề của sự kiện đến từng người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, góp phần bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.
Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh tài nguyên nước, đến sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong số 22 loại hình thiên tai trên thế giới thì chỉ trừ sóng thần, Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai, khiến cho 30 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng từ 1-1,5% GDP. Thiên tai đã và đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, quy mô dân số và nền kinh tế ngày càng lớn. Vì vậy, việc cảnh báo và hành động sớm trong công tác thông tin khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai tại Việt Nam đã được duy trì và thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần khôi phục, tái thiết, ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân sau thiên tai.
Chủ động kịch bản ứng phó với 'thách thức kép' từ thiên tai và dịch bệnh Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cả nước đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, theo quy luật và thực tiễn nhiều năm, khoảng thời gian từ nay đến cuối năm...