Tăng cường cảnh giác với bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng ở trẻ đang bước vào chu kỳ bùng phát trở lại. Thời điểm sau Tết, học sinh đồng loạt đi học trở lại, dự báo số ca mắc bệnh tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 200 ca nhập viện điều trị.
Số trẻ nhập viện tăng cao
Sau Tết, vừa cho con đi gửi trẻ được 1 tuần, chị Nguyễn Thị Hồng Sâm ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) phát hiện con bị sốt cao, lười ăn, miệng có nốt phỏng. Chị đưa bé đi khám và được khuyến cáo nhập viện vì con đã mắc tay chân miệng.
“Lúc đầu cháu hay khóc quấy, lười ăn, sốt. Tưởng con bị viêm họng thôi, nhưng khi mang đi khám thì bác sĩ bảo cháu bị mắc tay chân miệng. Mà cháu sốt cao quá nên tôi cho con nhập viện điều trị nội trú luôn cho an tâm”- chị Sâm chia sẻ.
Hiện tại Khoa Bệnh Nhiệt đới- Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đang điều trị nội trú cho hơn 30 trường hợp bệnh nhi tay chân miệng. Những năm gần đây, bệnh tay chân miệng đã trở thành bệnh lưu hành quanh năm, tuy nhiên số ca mắc bệnh thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9 – 12. Bác sĩ Nguyễn Ái Thơ- Khoa Bệnh Nhiệt đới chia sẻ: Sau đợt bùng phát vào mùa thu năm trước, thời điểm này bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng cao trở lại.
Một trường hợp bệnh nhi tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh
“Hiện bệnh nhi mắc tay chân miệng được điều trị chỉ mắc ở thể nhẹ. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải theo dõi kĩ và đưa đi điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nặng của bệnh như: Viêm cơ tiêm, phù phổi, tổn thương hệ thần kinh…”- Bác sĩ Thơ nói thêm.
Tay chân miệng là một bệnh rất dễ lây, nhưng lại rất khó phòng vì chưa có vắc xin phòng bệnh chủ động. Biểu hiện đặc trưng của bệnh tay chân miệng là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng, đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.
Biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh là loét miệng, vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, trẻ thường chảy nước miếng liên tục. Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 – 38 o C…
Khi trẻ có những dấu hiệu trên cần đến khám ngay tại bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị. Có những trẻ bị sốt cao trên 39 o C liên tục, đây là một trong những dấu hiệu gợi ý cần nhập viện điều trị.
Video đang HOT
Tăng cường phòng bệnh ở trường học
Huyện Nghĩa Hành trung bình mỗi năm ghi nhận 50-60 ca mắc tay chân miệng. Nắm bắt được chu kỳ bùng phát của bệnh, từ sau Tết, ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các trường mầm non trên địa bàn huyện triển khai các biện pháp phòng bệnh.
Rửa đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ bằng Cloramin B để phòng bệnh tay chân miệng
Tại trường mầm non thị trấn Chợ Chùa có hơn 300 cháu đang theo học tại 3 điểm trường, công tác vệ sinh, khử khuẩn luôn được đặt lên hàng đầu. Cô Nguyễn Thị Nhung- Hiệu trưởng trường mầm non thị trấn Chợ Chùa chia sẻ: Ngày nào, nhà trường cũng chỉ đạo lau sàn nhà bằng Cloramin B 3-4 lần. Hằng tuần thì tất cả đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ đều phải được rửa khửa khuẩn và phơi khô sạch sẽ. Trường luôn triển khai các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng trên tinh thần cảnh giác cao độ.
Một khi bệnh xuất hiện ở trường, thì nguy cơ bệnh bùng phát vô cùng cao. Do đó, ngành y tế cũng đã tích cực phối hợp với các trường học giám sát sức khỏe của trẻ, thường xuyên nhắc nhở giáo viên, phụ huynh theo dõi, nếu trẻ có biểu hiện của bệnh thì phải cách ly ngay.
Y sĩ Đặng Thị Hồng Liên- Trạm Y tế thị trấn Chợ Chùa cho hay: Trạm phối hợp với từng trường khám định kỳ 2 lần/năm để tầm soát một số bệnh cơ bản ở trẻ. Đồng thời, luôn nhắc nhở cả giáo viên và người nhà rằng, khi trẻ có biểu hiện sốt, nổi nốt phồng ở miệng, tay, chân thì phải cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày, đề phòng bệnh lây cho các cháu còn lại ở lớp. Việc rửa tay bằng xà phòng cũng phải được thực hiện thường xuyên ở cả trẻ mầm non lẫn giáo viên.
Nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng theo các bước quy định
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hành Lê Văn Huynh cho biết: Thời gian sau Tết là thời điểm bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát mạnh. Nên hiện Trung tâm chỉ đạo các trạm cơ sở bám sát thực tế địa bàn, phối hợp với các trường mầm non theo dõi chặt chẽ sức khỏe của các cháu. Khi phát hiện ổ bệnh trong trường học thì thực hiện cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn ngay lập tức. Hóa chất khử khuẩn thì Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ và phân bổ về cho các Trạm Y tế.
Thực tế cho thấy bệnh tay chân miệng nếu không được phòng ngừa, giám sát, phát hiện và xử trí tốt thì môi trường ở trường mầm non, mẫu giáo chính là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm cho học sinh và trẻ nhỏ làm bệnh phát tán, lan rộng với những hậu quả biến chứng không lường trước được. Trong thời gian qua đã có hàng chục ngàn bệnh nhi mắc bệnh với các trường hợp bị tử vong. Bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và đang có xu hướng bùng phát thành dịch nên cần được quan tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Nắng gay gắt, người lớn, trẻ em thi nhau bệnh
Nắng nóng là một trong những nguyên nhân liên quan đến nhiều bệnh ở người lớn và trẻ em.
Những ngày qua, nhiệt độ ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam tăng cao, ban ngày có thể lên đến 37 độ C kèm theo chỉ số tia cực tím cực đại (UV) trong nắng có hại cho sức khỏe. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày tới nắng nóng ở Nam bộ còn tiếp diễn.
Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng
Cách đây vài ngày, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố tiếp nhận một bé gái (15 tháng tuổi, ngụ Bạc Liêu) trong tình trạng trụy tim mạch tuần hoàn, tim nảy trên 200 lần/phút, phải thở máy, dùng thuốc vận mạch và lọc máu liên tục.
Trước nhập viện ba ngày, bé sốt cao kèm ói, giật mình chới với nhưng gia đình chủ quan chưa đưa bé đi BV. Chỉ đến khi bé rơi vào lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi bông thì người nhà mới hốt hoảng đưa vào BV ở tỉnh, sau đó chuyển tuyến lên BV Nhi đồng Thành phố. Sau hai ngày lọc máu liên tục, tình trạng bé cải thiện dần, hết sốt, nhịp tim bình thường, cai được máy thở.
Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1 gần một tháng nay cũng ghi nhận nhiều ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) độ nặng (độ 2B, độ 3) do nhập viện trễ. Trong đó, có ba bệnh nhi có biến chứng tim mạch gây cao huyết áp. Hiện hai bệnh nhi trong số này đã ổn định, bé còn lại đang nặng, cần điều trị tích cực.
Theo các bác sĩ, chủng virus TCM gây bệnh cho trẻ trong đợt nắng nóng hiện tại là Enterovirus, thường gây biến chứng nặng. BS Dư Tuấn Quy, Phó Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 2, cảnh báo thời điểm nắng nóng tạo điều kiện cho virus lây bệnh TCM phát triển. Trong thời điểm trẻ quay trở lại trường học và môi trường tiếp xúc gần, bệnh có nguy cơ lây lan cho nhiều trẻ hơn. BS Quy khuyên phụ huynh cần để ý các dấu hiệu bệnh TCM để đưa trẻ đi thăm khám kịp thời.
Tại BV Nhi đồng 2, các bác sĩ cho biết bệnh nhi nhập viện do bệnh hô hấp chưa có xu hướng tăng nhưng dự báo với thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm tăng cao, số ca bệnh hô hấp sẽ tăng. BS Lê Thị Thanh Thảo, Phó Khoa hô hấp 1 BV Nhi đồng 2, cho biết khoa đang có nhiều ca bị viêm họng, viêm đường hô hấp trên, một số bị viêm phổi.
"Để phòng ngừa bệnh lý hô hấp, nên tạo thói quen vệ sinh rửa tay, vệ sinh thân thể cho bé vào mùa nắng nóng thường xuyên hơn. Không cho trẻ chơi ngoài nóng trong thời gian dài, đặc biệt từ 10 giờ đến 16 giờ vì trẻ dễ bị mất nước, dễ bị virus tấn công gây bệnh đường hô hấp, bệnh về da. Không nên cho trẻ sử dụng máy lạnh nhiều, nếu có để nhiệt độ vừa phải và cho trẻ uống đủ nước" - BS Thảo khuyến cáo.
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại phòng cấp cứu Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1. Ảnh: HL
Tại các BV nhi ở TP.HCM, mặc dù chưa vào mùa bệnh TCM nhưng các BV như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố đã bắt đầu tiếp nhận các ca bệnh. Tuy số lượng ca nhập viện không nhiều nhưng nhiều ca trong số đó lại diễn tiến nặng, có biến chứng.
Viêm da, đột quỵ bắt đầu tăng
Không chỉ gây nhiều khó chịu cho trẻ nhỏ, nắng nóng cũng tác động đến sức khỏe người lớn và người lớn tuổi. BS Bùi Mạnh Hà, Phó Khoa khám bệnh, BV Da liễu (TP.HCM), cho biết thời tiết nắng nóng không chỉ số ca nhập viện do viêm da tăng mà các bệnh lý khác cũng tăng theo và nặng hơn.
Khoa khám bệnh thời gian gần đây ghi nhận khá nhiều bệnh nhân bị sạm da, viêm da, nhiễm vi nấm, lang ben, dị ứng, nổi mụn, ngứa... do tiếp xúc với ánh nắng, mồ hôi, môi trường bụi bặm, nóng ẩm. Trong đó, có những người bị viêm da và cháy nắng do công việc đặc thù phải làm việc ngoài trời và phơi nắng lâu.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng làm cho cơ thể tiết nhiều mồ hôi, bã nhờn gây kích thích các bệnh như viêm da tiếp xúc, vảy nến, viêm nang lông, mụn trứng cá, gàu da đầu... nặng hơn. BS Hà khuyến cáo giải pháp hạn chế viêm da là giữ cho cơ thể thoáng mát, lựa chọn quần áo thấm hút mồ hôi, hạn chế tiếp xúc bụi bặm.
BS Tạ Vương Khoa, Phó Trưởng Khoa nội thần kinh BV Quân y 175, cho biết mỗi năm, vào các giai đoạn thời tiết nắng nóng, số người cao tuổi nhập viện do đột quỵ thường tăng. Hiện Khoa nội thần kinh của BV mỗi ngày đều tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, trong đó thời tiết nắng nóng có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh dễ xảy ra. Cụ thể, khi trời nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi nhiều làm cơ thể mất nước nhiều hơn nên có thể dẫn đến hiện tượng cô đặc máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng động mạch, gây đột quỵ cấp, nhất là trên đối tượng tiềm ẩn sẵn các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi đang từ trong phòng máy lạnh bước ra ngoài trời nắng nóng cũng có thể gây sốc nhiệt, co thắt mạch hệ thống làm huyết áp tăng cao đột ngột cũng là yếu tố thúc đẩy đột quỵ" - BS Khoa nói.
Không chủ quan với bệnh tay-chân-miệng
Virus gây bệnh TCM lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, phân, nước bọt, chất tiết từ mũi, miệng của trẻ mắc bệnh. Bệnh TCM thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi, tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng.
Các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói đau miệng, nổi mụn nước hoặc hồng ban ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối, lở trong miệng, giật mình trên hai lần trong vòng 30 phút... Bệnh TCM độ nặng thường gây biến chứng thần kinh lên tim mạch làm cao huyết áp hoặc run giật, yếu liệt chi.
BS DƯ TUẤN QUY , Phó Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 2
Nguy cơ từ bệnh tay chân miệng Thời tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, dễ bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống. Ảnh minh họa. Có thể gây tử vong Bệnh viện Nhi đồng TP HCM vừa cứu chữa kịp thời cho một bệnh nhi 15 tháng bị biến chứng bệnh TCM...