Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp
Việc NHNN nâng tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi ( LDR) cho các ngân hàng cổ phần tư nhân lên 85% sẽ góp phần nâng cao khả năng cung ứng tín dụng cho khối này.
Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các khối ngân hàng đến cuối tháng 9/2019
Phân bổ lại cung tín dụng
NHNN vừa ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng để thay thế cho Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Theo đó, từ ngày 1/1/2020, tỷ lệ LDR được áp dụng cho tất cả ngân hàng là 85%. Trong khi theo quy định hiện hành, tỷ lệ LDR đối với nhóm NHTM Nhà nước là 90%, trong khi tỷ lệ này đối với khối NHTMCP tư nhân, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài chỉ là 80%. Như vậy, LDR của các ngân hàng quốc doanh sẽ bị cắt giảm 5% và chuyển sang cho các ngân hàng tư nhân, 100% vốn nước ngoài.
Theo các chuyên gia ngân hàng, quyết định nói trên sẽ nâng cao hơn khả năng cung ứng tín dụng của các ngân hàng tư nhân, nước ngoài, trong khi siết chặt hơn khả năng cung tín dụng của các ngân hàng quốc doanh.
Số liệu thống kê mới nhất của NHNN Việt Nam cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tỷ lệ LDR của khối NHTM Nhà nước là 91,47%, trong khi tỷ lệ này của khối NHTMCP tư nhân là 84,61% và khối ngân hàng liên doanh – nước ngoài là 65,72%.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, quyết định nói trên của NHNN là một bước đi hợp lý, vì sẽ góp phần đảm bảo sự công bằng đối với các loại hình kinh doanh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như các cam kết quốc tế. Hơn nữa, dù các ngân hàng quốc doanh đang được cấp một dư địa cung tín dụng khá lớn với LDR lên tới 90%, nhưng khả năng cung tín dụng bị hạn chế bởi chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II khi mà các ngân hàng quốc doanh đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng vốn. “Sự thay đổi này sẽ nâng cao khả năng cung tín dụng của các ngân hàng tư nhân, nước ngoài, qua đó đảm bảo khả năng cung tín dụng cho cả hệ thống”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Video đang HOT
Tổng tín dụng sẽ tăng?
Bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, khối ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là các nhà băng chưa đạt chuẩn Basel II sẽ chịu tác động từ Thông tư nói trên. Có nghĩa, dư địa mở rộng tín dụng của các ngân hàng này trong năm 2020 sẽ không còn nhiều.
“NHNN đã có đánh giá khách quan hơn đối với hoạt động tín dụng của nhóm các NHTMCP, đặc biệt các ngân hàng đã đạt chuẩn Basel II sẽ là các ngân hàng được lợi chủ yếu”, bà Trinh nhấn mạnh và cho biết thêm, bên cạnh việc room tín dụng nhiều khả năng sẽ được mở thêm vào năm 2020, việc nới lỏng tỷ lệ LDR sẽ giúp nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, như ACB, MBB, HDB, TPB… sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh tín dụng hơn.
Cũng theo bà Trinh, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ không có nhiều thay đổi do sự điều chỉnh trái chiều đối với tỷ lệ LDR trong khu vực NHTM Nhà nước và tư nhân . “Phần dư nợ tiềm năng bị hạn chế của nhóm NHTM Nhà nước sẽ tương đương với phần dư nợ tiềm năng có thể tăng thêm của nhóm NHTMCP”, bà Trinh nói rõ thêm.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia ngân hàng nói trên, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống sẽ tăng thêm sau quyết định này nếu như các ngân hàng đều khai thác tối đa khả năng cho phép.
Dẫn số liệu hiện tổng tài sản của khối ngân hàng cổ phần tư nhân và liên doanh – nước ngoài lên tới hơn 6,13 triệu tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với con số 5,12 triệu tỷ đồng của khối ngân hàng quốc doanh, vị chuyên gia này cho rằng, nguồn vốn huy động của hai khối này cũng sẽ cao hơn khá nhiều so với khu vực quốc doanh. Vì thế, tăng 5% tỷ lệ LDR của hai khối này chắc chắn sẽ lớn hơn mức giảm 5% LDR của khối các ngân hàng quốc doanh.
“Hiện tỷ lệ LDR của khu vực ngân hàng liên doanh, nước ngoài chỉ là 65,72%, tức khối này có dư địa để tăng thêm tín dụng tới hơn 19%. Do đó, nếu khai thác tối đa, tổng mức dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế sẽ tăng cao hơn so với hiện nay, cho dù nguồn vốn huy động không tăng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Lẽ đương nhiên, khả năng cung tín dụng của hệ thống ngân hàng được nâng lên, việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp cũng sẽ thuận lợi hơn.
Hà Anh
Theo Enternews.vn
Cách nào giảm rủi ro nợ xấu tín dụng BOT?
NHNN vừa cảnh báo 53.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu.
Theo NHNN, ước tính đến tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4% tổng dư nợ.
Cận cảnh tín dụng BOT, BT giao thông
Trong Báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, NHNN Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán...; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông. Thế nhưng, NHNN cảnh báo, hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.
Theo một chuyên gia ngân hàng, đó mới chỉ là con số dư nợ của các dự án đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, trong khi nếu tính cả các dự án chưa hoàn thành, hoặc đã hoàn thành và có doanh thu ban đầu đạt như phương án tài chính thì con số dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT còn lớn hơn nhiều. Điều đó cũng đồng nghĩa, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn là rất lớn.
Cũng theo NHNN, ước tính đến tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4% tổng dư nợ. Trong khi tại báo cáo gửi tới Quốc hội hồi tháng 5/2019, NHNN cho biết, đến cuối tháng 3/2019, dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông ước đạt 103.573 tỷ đồng, giảm 3,43%, chiếm 1,39% tổng dư nợ. Căn cứ theo hai số liệu này, có thể ước tính tại thời điểm tháng 9, dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông vào khoảng 109.235 tỷ đồng- một con số rất lớn.
Vấn đề đặt ra là, rủi ro nợ xấu tín dụng BOT giao thông đã được nhận diện từ khá sớm và liên tục được nhắc tới trong thời gian gần đây. Còn nhớ trong báo cáo gửi tời kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, NHNN đã cảnh báo, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn, vì đây là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài; năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định; nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn;...
Đồng quan điểm này, vị chuyên gia ngân hàng trên cho biết, việc cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông thường có kỳ hạn rất dài, nhiều khi tới 20-30 năm, trong khi nguồn vốn huy động của các ngân hàng đa phần lại là ngắn hạn nên rủi ro kỳ hạn, rủi ro lãi suất là rất lớn. Ngoài những rủi ro mang tính thị trường này, việc cho vay với thời hạn quá dài còn đối mặt với các rủi ro liên quan đến "sức khỏe" của doanh nghiệp, rủi ro do sự thay đổi chính sách...
Chia sẻ rủi ro
Hiện nay, NHNN đã có nhiều quy định rất khắt khe đối với việc cấp tín dụng cho các dự án lớn, thời hạn cho vay dài như các dự án BOT, BT giao thông. Chẳng hạn, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng; hay như việc các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; hệ số rủi ro đối với các khoản vay này cũng ở mức rất cao...
Về phía các ngân hàng cũng tiến hành thẩm định rất kỹ trước khi cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông và chắc chắn sẽ không cho vay đối với những dự án BOT mà năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, với những rủi ro liên quan sự thay đổi của cơ chế chính sách thì ngân hàng... bó tay.
Vì lẽ đó, để giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng khi tham gia cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông, Bộ Giao thông - Vận tải và chính quyền địa phương phải bảo đảm hoạt động thu phí của các trạm thu phí thuộc dự án không bị gián đoạn và lộ trình tăng phí như đã cam kết trong hợp đồng BOT đã và sẽ ký.
Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2019 diễn ra hồi đầu tháng này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định, với BOT, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ quan tâm và cố gắng trong điều kiện, khả năng cho phép để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng phải làm rõ các chính sách liên quan đến BOT để không gây ra rủi ro như vấn đề thu phí BOT, vấn đề đặt trạm thu phí..., vì nó tác động trực tiếp tới nhà đầu tư xây dựng, đi cùng đó là những khoản vay của hệ thống NHTM.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần có cơ chế khơi thông nguồn vốn cho giao thông, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Với tinh thần đó, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Ngoài ra, cần tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.
Hạ Vy
Theo Enternews.vn
Tín dụng vẫn tăng trưởng ì ạch vì đâu? Tính đến 24/9, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018- mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. VPBank được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 16% Tín dụng thấp nhất nhiều năm Theo NHNN Việt Nam, tính đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so...