Tăng 30-40% chi phí điều trị do điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Ngày 11.9, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, từ nay đến 20.9 có thêm 16 bệnh viện (BV) tuyến T.Ư sẽ thực hiện giá viện phí mới với mức tăng từ 88-94,8% so với khung giá viện phí tối đa.
Bệnh nhân và người nhà đăng ký khám bệnh – Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Liên cho rằng, hai yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng chuyên môn và thái độ phục vụ đã có lộ trình thực hiện: như giảm tải nhằm giảm nằm ghép, giảm số bệnh nhân/bàn khám để được khám, tư vấn tốt hơn.
Người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được hưởng lợi, đơn cử như dịch vụ chụp thận UIV theo giá cũ BHYT thanh toán 40.000 đồng, trong khi chi phí thực tế cho dịch vụ này ngoài 3 lần chụp X-quang với giá 60.000 đồng/lần thì còn thêm tiền thuốc hơn 200.000 đồng đều do người bệnh tự chi trả. Với giá viện phí mới, BHYT sẽ thanh toán đầy đủ 400.000 đồng bao gồm cả thuốc và phim chụp nên người bệnh sẽ không phải thanh toán.
Riêng với thái độ phuc vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có chỉ thị yêu cầu nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, vì “chỉ tiêu” này là định tính nên rất khó kiểm soát. Nếu bệnh nhân phát hiện các trường hợp nhân viên y tế có thái độ không đúng, có thể phản ánh thông qua đường dây nóng của các BV.
Ông Liên cam kết, khoảng sau 6 tháng triển khai sẽ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện giá viện phí mới. Vừa qua, các bất hợp lý được phát hiện cũng đã điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, khung giá cho phép tối đa 35.000 đồng với siêu âm đen trắng nhưng thực tế BV chỉ được chấp nhận thu tối đa 30.000 đồng. Vì dịch vụ này có tần suất sử dụng lớn, mà kinh phí mua thiết bị, chi phí vận hành không tốn kém.
Lo ngại “tăng cung” ngoài kiểm soát
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN) cho biết, điểm tích cực để nhận thấy là vệ sinh môi trường, chống lây chéo trong BV được cải thiện.
Tuy nhiên, khi tăng giá dịch vụ y tế đồng nghĩa chi phí khám chữa bệnh tăng. Đa số dịch vụ y tế thường sử dụng hiện đã tăng 3-5 lần, chi phí ước tính cho đợt điều trị tăng 30-40%, chắc chắn người bệnh sẽ tăng mức đồng chi trả.
Video đang HOT
Đáng lo ngại, tăng giá dịch vụ có thể dẫn đến chỉ định quá mức cần thiết, đặc biệt tại một số BV lớn, nhiều thiết bị có tần suất sử dụng nhiều, như: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh là nguồn “xã hội hóa”.
Để đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, sẽ phải tăng cường giám sát việc thực hiện khám bệnh (về điều kiện, cơ sở vật chất: buồng khám, số lượt bệnh nhân khám/ngày) khu vực điều trị nội trú (nằm ghép, giường kê thêm không đạt chuẩn) để kịp thời có biện pháp giảm tải.
“Đặc biệt, sẽ giám sát chặt để xử lý dứt điểm tình trạng thu thêm tiền của người bệnh BHYT khi giá dịch vụ đã được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ như hiện nay”, ông Bằng nói.
Theo TNO
Thuốc nội 'lép vế' vì bác sĩ quen kê hàng ngoại
Nhiều người bệnh, ngay cả các bác sĩ, lãnh đạo ngành y cũng thừa nhận việc dùng thuốc nội hay ngoại chủ yếu là do người kê đơn. Số ít trường hợp tự đi mua thuốc nội thì cũng chỉ là để chữa các bệnh cảm, sốt thông thường.
Nhiều độc giả của VnExpress.net cho rằng không phải người dân quay lưng lại với thuốc nội mà chính là các bác sĩ. Lý do vì đa số người bệnh đi mua thuốc là theo đơn của bác sĩ. Bác sĩ kê thuốc gì thì mua thuốc đấy, ít ai có đủ trình độ để đánh giá loại thuốc này là thuốc gì, tác dụng như thế nào, thuốc ngoại hay thuốc nội.
"Người dân Việt Nam luôn muốn dùng hàng Việt nhưng đi khám bệnh bác sĩ kê đơn thuốc chứ bệnh nhân sao tự quyết định. Tôi là một sinh viên vẫn phải sống phụ thuộc, khi đi khám bệnh vì tiểu đêm, bác sĩ kết luận không sao nhưng vẫn cho đơn thuốc hết hơn 530.000 đồng, cả tiền khám gần một triệu đồng. Hóa ra là vì toàn thuốc ngoại", bạn Cao Hoa chia sẻ.
Theo thống kê của ngành y tế, năm 2010, tổng số tiền mua thuốc của các bệnh viện công lập là 15.000 tỷ đồng, trong đó, chưa đến 39% dành để mua thuốc nội. Đặc biệt ở các bệnh viện tuyến trung tương, số tiền mua thuốc nội chỉ chiếm 12%.
Nguyên nhân của tình trạng này theo nhiều chuyên gia là ở cả 3 phía: người bệnh, bác sĩ và các công ty dược.
Đa phần người bệnh đều mua thuốc theo đúng đơn do bác sĩ kê. Ảnh: N.P.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh), nơi thuốc nội chiếm khoảng 45%, ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc bệnh viện cho rằng tình trạng thuốc nội bị "ế" là do thói quen, tâm lý đã nhiều năm sử dụng thuốc ngoại của bác sĩ.
Bên cạnh đó, các công ty dược trong nước còn yếu trong khâu quảng bá. Các công ty nước ngoài thường xuyên tổ hội thảo giới thiệu thuốc, tạo khả năng tiếp cận thông tin về thuốc ngoại cho cán bộ y tế thì thuốc nội ít tổ chức mô hình quảng bá này. Việc tuyên truyền thuốc nội lại quá đơn giản, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thông thường có nguồn gốc từ dược liệu.
Với tư cách là một "khách hàng", phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng, bản thân người bệnh không biết nhận định thuốc nội, ngoại như thế nào mà bác sĩ là người tiêu dùng chính, còn bệnh nhân là người tiêu dùng đích. Thế nhưng hiện nay, các công ty dược trong nước chưa tiếp cận được đến người kê đơn.
"Doang nghiệp nói thuốc của mình tốt thì phải giải thích cho chúng tôi tại sao tốt, sản xuất như thế nào, nguyên liệu nhập ở đâu, chỉ tiêu kỹ thuật, độ hòa tan... Hầu hết thông tin mà chúng tôi nhận được chỉ là nơi sản xuất, chứng minh tương đương sinh học, nhưng nhiều loại thuốc của mình cũng chưa làm được điều này", phó giáo sư Dũng nói.
Lý giải về việc thuốc nội bị lép vế ngay trên sân nhà, có ý kiến cho rằng là vì người dân, bác sĩ chưa tin tưởng vào chất lượng. Theo phó giáo sư Dũng thì cần phải nói thẳng là nếu so thuốc nội với thuốc sáng chế thì không thể so được.
Thuốc sáng chế là thuốc do một hãng dược phát minh từ đầu đến cuối. Sau một thời gian hết bản quyền, các công ty khác được sản xuất thuốc đấy gọi là thuốc generic. Mục tiêu của việc sản xuất thuốc generic này là hạ giá thành sản phẩm, giúp người dân ở những nước nghèo có cơ hội tiếp cận với thuốc. Các công ty dược trong nước hiện chủ yếu sản xuất thuốc generic.
"Xét về khả năng điều trị, khỏi bệnh thì nó tương đương nhau. Nhưng nếu tổng hợp tất cả các tiêu chí để so sánh thì thuốc generic không thể bằng thuốc chính được, dù hoạt chất là giống nhau. Ví dụ, uống vào có mùi vị không ngon bằng thuốc chính, độ tan không được nhiều bằng...", phó giáo sư Dũng chia sẻ.
Quan điểm dùng thuốc của các nước khác trên thế giới là dùng thuốc cho những nhóm nhân dân phù hợp với khả năng chi trả. Có nghĩa là thuốc chính hãng cho người giàu, còn thuốc generic dùng cho đại đa số người dân. Người thầy thuốc phải lựa chọn thuốc phù hợp với khả năng của người bệnh, kinh tế vừa phải thì dùng thuốc generic, đạt mục tiêu khỏi bệnh, phó giáo sư Dũng phân tích.
Có một điểm bất cập trong thị trường thuốc hiện nay là nước ta cho nhập quá nhiều loại thuốc ngoại của Hàn Quốc, Ấn Độ... cũng là thuốc generic, làm giống như thuốc trong nước. Ví dụ cùng tên thuốc kháng sinh Cefotaxime, dạng tiêm 1g, sản xuất tương đối nhiều. Các công ty dược trong nước nhập nguyên liệu về sản xuất, thuốc tác dụng tốt, nhưng bên cạnh đó nước ta lại nhập hàng loạt thuốc ngoại loại này nhưng cũng chỉ tương đương hàng trong nước.
"Kê những thuốc ngoại như thế mà đắt hơn thuốc nội thì tội gì mình không dùng thuốc của mình. Lý do vẫn kê thì có thể vì hoa hồng hoặc vì các công ty của mình chưa tiếp cận được tới bác sĩ. Công ty dược trong nước đã sản xuất được thuốc đấy thì phải quảng bá, giới thiệu. Tôi sẵn sàng mở cửa cho các công ty dược trong nước vào giới thiệu thuốc mà không mất phí ", phó giáo sư Dũng nói.
Theo ông thì thuốc nội đạt đầy đủ tiêu chuẩn GMP (bộ tiêu chí về thực hành sản xuất thuốc) thì thuốc của Việt Nam cũng như của Mỹ, Anh, Pháp... Nếu thuốc nội tốt ông vẫn kê như một loại thuốc ho giá rất rẻ chỉ có 15.000-20.000 đồng, đã được nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, trong khi thuốc ho nhập ngoại hay được quảng cáo trên tivi có giá gấp 4 lần.
Trong các giải pháp của cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt mà Bộ Y tế đưa ra thì thầy thuốc và cơ sở điều trị là nhóm quan trọng thứ 2 sau cơ chế chính sách. Theo đó, Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện phải nghiên cứu, lựa chọn để tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước 5-10% mỗi năm. Ngoài ra, các y bác sĩ cũng ưu tiên lựa chọn thuốc trong nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng cho rằng, không thể bắt buộc bác sĩ điều trị phải kê đơn thuốc sản xuất trong nước mà khuyến khích, nhưng phải pháp chế hóa bằng một số chủ trương. Chẳng hạn, trong việc đấu thầu thuốc, các bệnh viện dành thị phần cho thuốc nội là bao nhiêu, được bao nhiêu điểm. Nếu không tuân thủ, bệnh viện có thể bị đánh tụt hạng tổng kết cuối năm. Thậm chí giá thuốc nội bằng hoặc thấp hơn thuốc nhập khẩu thì cũng ưu tiên dùng thuốc trong nước.
"Khâu quảng bá cũng rất quan trọng, không chỉ là quảng cáo nhiều trên đài truyền hình hay in bao bì đẹp mà là người bệnh sử dụng thuốc đó phải thực sự hiệu quả trong điều trị. Không thể có chuyện thuốc nhập khẩu uống 1g, thuốc trong nước uống đến 1,5-2 g mới có tác dụng thì làm sao nói tương đương được. Điều đó không thuyết phục được khối quan trọng nhất là khối điều trị", thứ trưởng Quang nhấn mạnh.
Đối với người dân, ông cho rằng cần tuyên truyền để người dân nhận thức, hiểu biết và tin tưởng vào thuốc nội. Người tiêu dùng không biết tương đương điều trị, sinh học, thử nghiệm lâm sàng là gì, mà chỉ biết sử dụng thuốc trong đơn.
Theo VNE
Ở Việt Nam, có những cách hành xử tồi tệ hơn "bún mắng, cháo chửi" Trong mắt của một tour guide thâm niên hơn 11 năm, có những cách cư xử "thiếu văn hóa" của người Việt Nam còn đáng xấu hổ hơn nhiều. Không phải văn hóa kém mà do luật chưa nghiêm? Là một tour guide (hướng dẫn viên), đã từng đi qua nhiều nơi, chứng kiến sự lịch thiệp đến chuyên nghiệp của người Hội...