TAND TP HCM ra bản án sai nghiêm trọng
TAND TP HCM đã không phát hiện những sai sót về họ tên thật của bị cáo và mẹ bị cáo dẫn đến công tác thi hành án gặp khó
VKSND Cấp cao tại TP HCM vừa kháng nghị tái thẩm bản án hình sự sơ thẩm số 55/2009/HSST ngày 25-2-2009 của TAND quận Gò Vấp và bản án hình sự phúc thẩm số 1154/2009/HSPT ngày 20-7-2009 của TAND TP HCM.
Tòa sai, công an bó tay
Năm 2008, Phạm Thị Hoa (SN 1985, quê Tây Ninh) và Nguyễn Tấn Ngọc sống chung với nhau. Trong thời gian này, Hoa phát hiện Ngọc có quan hệ với chị H.K.P và lấy tiền của Hoa cho P. Để lấy lại số tiền của mình, Hoa bàn bạc với Ngọc mua bơm tiêm và thuốc đỏ giả làm máu nhiễm HIV để khống chế cướp xe máy của chị P.
Sau đó, Hoa rủ thêm Phan Thị Thanh Thảo cùng thực hiện. Khoảng 21 giờ ngày 10-7-2008, Ngọc đi xe máy chở Hoa và Thảo đến quán karaoke Hoàng Lan trên đường Trần Quang Khải (quận 1) để chặn cướp xe của chị P. Đến 23 giờ cùng ngày, chị P.T.K.N đi xe tay ga chở chị P.T.K.H từ quán Hoàng Lan đi ra. Tưởng là chị P. nên Hoa kêu Ngọc đuổi theo, ép xe, dùng bơm tiêm thuốc đỏ khống chế cướp xe máy của chị N. Sau khi chiếm đoạt xe máy thì các bị cáo bị Công an quận Gò Vấp bắt giữ.
Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp tuyên phạt Hoa 5 năm tù, Ngọc 5 năm tù và Thảo 4 năm tù cùng về tội “Cướp tài sản”. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị Hoa kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Xử phúc thẩm ngày 20-7-2009, TAND TP HCM tuyên chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm từ 5 năm xuống còn 4 năm tù đối với Phạm Thị Hoa về tội “Cướp tài sản”. Ngày 28-8-2009, TAND quận Bình Tân nhận ủy thác thi hành án hình sự đối với bị án Phạm Thị Hoa. Do Hoa đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tạm hoãn thi hành án.
Ngày 28-2-2014, TAND quận Bình Tân yêu cầu truy nã đối với bị án Phạm Thị Hoa. Tuy nhiên, Công an TP HCM không thể ra lệnh truy nã bị án Phạm Thị Hoa được vì họ tên của Hoa và mẹ Hoa trong bản án phúc thẩm không trùng khớp với tài liệu xác minh.
Video đang HOT
Sai sót ít ngờ!
Cụ thể, Hoa không phải họ Phạm mà là họ Vũ, còn mẹ của Hoa không phải là Võ Thị Mai mà là Vũ Thị Mai.
Lời khai của Phạm Thị Hoa cho thấy từ nhỏ đến lớn, Hoa sử dụng giấy khai sinh bản sao tên Phạm Thị Hoa. Tuy nhiên, giấy khai sinh gốc tên Vũ Thị Hoa. Như vậy, căn cứ tài liệu, chứng cứ đã xác minh được, đủ cơ sở xác định bản án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp và bản án phúc thẩm của TAND TP HCM đã tuyên không đúng với họ tên thật của bị cáo và mẹ bị cáo.
VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định: Đây là tình tiết mới thuộc về nhân thân bị cáo mà các cơ quan tiến hành tố tụng quận Gò Vấp và TP HCM đã không phát hiện dẫn đến việc điều tra, truy tố và xét xử không đúng với họ tên thật của bị cáo và mẹ bị cáo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thi hành án hình sự và truy nã bị án. Những tình tiết mới này đã làm thay đổi cơ bản lý lịch tư pháp bị cáo cũng như quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với bị cáo.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), việc VKSND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là cần thiết và có căn cứ. Mặc dù việc xét xử không đúng với họ tên thật của bị cáo và mẹ bị cáo không ảnh hưởng đến nội dung vụ án nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thi hành án hình sự do đã làm thay đổi lý lịch tư pháp của bị cáo.
Trách nhiệm để xảy ra việc xác định sai họ của bị cáo và mẹ bị cáo trước hết thuộc về cơ quan điều tra. Có thể cơ quan điều tra đã chủ quan không xác minh lý lịch tư pháp nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của bị can mà chỉ căn cứ vào giấy khai sinh (đã bị chỉnh sửa).
Kế đến, khi hồ sơ vụ án được chuyển sang VKS sau đó chuyển sang tòa án để xét xử thì 2 cơ quan này chỉ xem xét lý lịch bị can theo hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp vì vậy không phát hiện ra việc sai sót.
Luật sư Công cho rằng sai sót này là vô cùng quan trọng vì mỗi người có tên riêng cùng các quan hệ nhân thân đặc biệt mà không thể giống nhau, qua đó phân biệt được giữa người này và người khác. Vì vậy, sai sót này dẫn đến tình trạng bản án không thể thi hành được hoặc trong quá trình thi hành, thực hiện bản án, các cơ quan liên quan sẽ khó khăn khi thể hiện trong các văn bản, giấy tờ như khi ban hành quyết định thi hành án xong thì quyết định đó mang tên ai? Bị án sau khi chấp hành xong với quyết định ấy có thể thực hiện việc đăng ký lại các giấy tờ như thế nào, các cơ quan hành chính có chấp nhận sự khác nhau giữa giấy tờ tùy thân cũ với các quyết định có giá trị pháp lý mới hay không?
Để khắc phục hậu quả của vụ việc trên, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM cần xem xét lại theo thủ tục tái thẩm theo hướng hủy một phần bản án hình sự sơ phẩm và phúc thẩm liên quan đến phần xét xử đối với bị cáo Phạm Thị Hoa. Từ đó, điều chỉnh toàn bộ các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến bị cáo này để khi ban hành bản án được chính xác tuyệt đối.
Theo Phạm Dũng (Người lao động)
VKSND Tối cao yêu cầu báo cáo vụ 'Truy tố đến cùng rồi né bồi thường oan'
Ngày 13-8, anh Lý Quốc Nghiệp đã gửi đơn tố giác tội phạm đến CQĐT, VKSND Tối cao yêu cầu khởi tố đối với hai viện trưởng đương nhiệm vì đã có hành vi ra quyết định trái pháp luật đối với anh.
Lãnh đạo VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Trà Vinh kiểm tra lại vụ việc của anh Lý Quốc Nghiệp (Trà Vinh) mà Pháp Luật TP.HCMngày 3-8 đã phản ánh trong bài "Truy tố đến cùng rồi né bồi thường oan". VKSND tỉnh Trà Vinh phải báo cáo ngay lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách, Vụ 3 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao để theo dõi.
Như đã thông tin, tháng 5-2007, anh Lý Quốc Nghiệp, ở phường 6, TP Trà Vinh (Trà Vinh) là chủ doanh nghiệp kinh doanh điện máy bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Xét xử sơ thẩm và phúc thẩm lần một, TAND TP Trà Vinh và TAND tỉnh Trà Vinh xử phạt anh bốn năm tù.
Tháng 5-2009, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Đến tháng 9-2009, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy cả hai bản án trên. Đến giữa năm 2011, sau khi xin ý kiến VKSND Tối cao, VKSND TP Trà Vinh ra quyết định đình chỉ vụ án, bị can đối với anh Nghiệp vì đây là giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, quyết định đình chỉ này bị VKSND tỉnh Trà Vinh hủy, anh Nghiệp tiếp tục bị truy tố nhưng số tiền quy kết anh chiếm đoạt được rút từ 186 triệu đồng xuống còn 31 triệu đồng.
Ngày 3-10-2011, TAND TP Trà Vinh xử sơ thẩm lần hai, tuyên phạt anh Nghiệp hai năm tù. Tháng 7-2013, TAND tỉnh hủy án sơ thẩm lần hai để điều tra xét xử lại.
Ngày 2-1-2014, VKSND TP Trà Vinh có quyết định đình chỉ lần thứ hai đối với anh Nghiệp vì không đủ căn cứ truy tố. Sau đó anh Nghiệp có đơn yêu cầu TAND TP Trà Vinh xin lỗi và bồi thường oan.
Anh Lý Quốc Nghiệp vẫn kiên trì gõ cửa các cơ quan chức năng để yêu cầu minh oan và trả lại lý lịch trong sạch cho mình.
Ngày 29-7-2015, VKSND tỉnh Trà Vinh lại hủy quyết định đình chỉ của VKSND TP Trà Vinh. Hai ngày sau, VKSND TP Trà Vinh ra quyết định đình chỉ bị can đối với anh Nghiệp do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS.
Sau đó, anh Nghiệp khiếu nại hai quyết định của VKSND tỉnh và VKSND TP Trà Vinh. Tuy nhiên, đến nay VKSND TP Trà Vinh và VKSND tỉnh Trà Vinh chưa có văn bản trả lời anh Nghiệp.
Ngày 13-8, anh Lý Quốc Nghiệp đã gửi đơn tố giác tội phạm đến CQĐT và VKSND Tối cao yêu cầu khởi tố đối với hai viện trưởng đương nhiệm là viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh và viện trưởng VKSND TP Trà Vinh.
Theo đơn, anh Nghiệp cho rằng hai vị viện trưởng này đã có hành vi ra quyết định trái pháp luật đối với anh nên cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 BLHS.
Đơn tố giác tội phạm anh Nghiệp gửi CQĐT và VKSND Tối cao yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự người ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 BLHS.
Từ năm 2014, Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu TAND Tối cao, VKSND Tối cao giải quyết việc bồi thường oan cho anh Nghiệp nhưng chưa thấy hai cơ quan này trả lời. Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng thông tin, Ủy ban Tư pháp đã có văn bản nhắc nhở và yêu cầu cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng quy định pháp luật, trả lời cho anh Nghiệp và báo cáo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp. Trước đây, Ban Nội chính Trung ương cũng đã cho ý kiến giúp Trà Vinh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm vụ truy tố đến cùng anh Nghiệp theo đề nghị của Tỉnh ủy Trà Vinh... Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, lẽ ra với tinh thần cầu thị, khi đã thấy sai lầm của mình thì cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi, bồi thường oan cho nạn nhân. Căn cứ vào lý do miễn trách nhiệm hình sự mà VKS nêu thì ai cũng thấy nó không ăn nhập gì với quy định của khoản 1 Điều 25 BLHS cả mà đây chỉ là "chiêu" để né bồi thường. "Nếu xem xét nghiêm túc cả quá trình giải quyết vụ án thì hành vi né bồi thường của VKS còn có dấu hiệu của tội ra quyết định trái pháp luật, quy định tại Điều 296 BLHS năm 1999. Vì vậy cần phải truy cứu để làm gương cho người khác" - ông Đinh Văn Quế nhận định
PHƯƠNG LOAN
Băng trộm chuyên móc cốp xe ở ngân hàng, tiệm vàng lãnh án Sau khi nghị án kéo dài TAND tỉnh Tây Ninh vừa tuyên án đối với tám bị cáo chuyên canh người đến giao dịch ở ngân hàng và tiệm vàng để móc cốp xe lấy trộm tài sản. Các bị cáo tại phiên tòa. Theo đó bị cáo Nguyễn Thị Phước (sinh 1970) 19 năm tù, Nguyễn Thị Thơm (sinh 1970) 18 năm...