Tân vương Thái Lan muốn sửa hiến pháp
Quốc vương mới của Thái Lan đề nghị sửa đổi dự thảo hiến pháp về quyền hoàng gia và chính phủ đã đồng ý.
Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn. Ảnh: AP
“Yêu cầu cho rằng có ba tới bốn vấn đề cần sửa đổi để đảm bảo quyền lực hoàng gia của ông”, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm qua cho biết sau cuộc họp nội các định kỳ. “Vấn đề không liên quan đến quyền và sự tự do của người dân”.
Ông Prayuth Chan-ocha cho hay chính phủ đã đồng ý sửa đổi theo yêu cầu của nhà vua nhưng không nói rõ điều khoản nào được sửa. Theo tài liệu chính phủ Reuters tiếp cận được, điều sửa đổi bao gồm việc quốc vương không cần chỉ định quan nhiếp chính khi ông đi nước ngoài.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn từng dành phần lớn thời gian ở nước ngoài. Ông trở về Thái Lan từ Đức để lên ngôi sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời ngày 13/10/2016.
Thái Lan là nước quân chủ lập hiến và nhà vua hiếm khi can thiệp vào các vấn đề chính trị. Bản hiến pháp do quân đội Thái Lan soạn thảo là trọng tâm trong kế hoạch của chính quyền quân sự, nhằm tổ chức tổng tuyển cử, đưa đất nước trở lại chế độ dân chủ. Nó được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý năm ngoái và đang chờ Quốc vương phê chuẩn. Tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức cuối năm nay.
Trọng Giáp
Theo VNE
Video đang HOT
Thách thức chờ đón tân vương Thái Lan
Quốc vương thứ 10 của Thái Lan sẽ phải nỗ lực rất nhiều để giữ gìn và phát huy di sản Hoàng gia từ người cha quá cố vốn rất được dân chúng tôn kính.
Tân vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn. Ảnh: Reuters
Thái tử Maha Vajiralongkorn ngày 1/12 được trao tước hiệu chính thức "Nhà vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarankun" của Thái Lan, kế vị Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người vừa qua đời vào ngày 13/10 ở tuổi 88 sau quãng thời gian dài đau bệnh, theo New York Times.
Giới quan sát cho rằng tân vương Vajiralongkorn, 64 tuổi, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm duy trì ổn định trong nước, gìn giữ hình ảnh của Hoàng gia, vốn rất có ảnh hưởng và được người dân vô cùng yêu mến dưới thời người cha tận tụy của ông.
Quốc vương Adulyadej là một trong những người cầm quyền lâu nhất thế giới, được người dân Thái Lan kính trọng và tôn sùng hết mực vì những nỗ lực không biết mệt mỏi đóng góp cho đất nước của ông. Con trai ông sẽ phải cố gắng rất nhiều để có được tầm ảnh hưởng này như cha.
"Khi được sinh ra vào vị trí này, bạn phải chấp nhận nó," ông nói với tạp chí phụ nữ Dichan trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi hồi năm 1987. "Một số người thích tôi, số khác thì không. Đó là quyền của họ... Dù bạn đi đến đâu chăng nữa, cũng sẽ có những lời xì xào. Nếu bận tâm về chúng, bạn không thể làm việc".
Với tước vị thái tử và giờ là vua, ông Vajiralongkorn được luật pháp Thái Lan bảo vệ, với hình phạt tù giam từ ba đến 15 năm đối với bất cứ ai phạm tội xúc phạm hoàng gia. Các vụ truy tố vì tội khi quân, mưu phản, và việc chặn những trang web bị coi là xúc phạm hoàng gia đã trở nên phổ biến hơn những năm gần đây.
Thái tử kín tiếng
Quốc vương Adulyadej được coi là "nhà vua của nhân dân" bởi ông từng có những chuyến vi hành đến những nơi xa xôi nhất của đất nước, tiếp xúc gần gũi với người dân để tìm hiểu cuộc sống của họ, có những biện pháp thiết thực để giúp đỡ người dân nâng cao chất lượng sống. Trong khi đó, thái tử Vajiralongkorn chưa có được những hoạt động tương tự.
Mặc dù ông đã tham dự các nghi lễ hoàng gia cần thiết và suốt mấy năm qua thường thay mặt cha thực hiện một số sứ mệnh theo nghi thức và ngoại giao, tân vương Vajiralongkorn nhìn chung rất kín tiếng. Ông cho thấy sự không thoải mái tại hầu hết các sự kiện công cộng.
Ba chị em gái ông và người vợ đầu tiên thường xuất hiện trên chương trình truyền hình buổi tối đưa tin về hoàng gia hay tham gia các hoạt động xã hội nhằm củng cố danh tiếng hoàng gia, nhưng Vajiralongkorn ít xuất hiện hơn.
Ông và các chị em đều đi nước ngoài thường xuyên. Tuy nhiên trong khi các công chúa thích tham gia những hoạt động quảng bá về quê hương công khai thì các hoạt động của thái tử thường là cá nhân và không được công bố.
Năm 2015, ông hai lần xuất hiện công khai ở Thái Lan, dẫn đầu hàng nghìn người tham dự sự kiện đua xe đạp quần chúng mừng sinh nhật vua và hoàng hậu.
Thái tử Vajiralongkorn tự nhận mình là "một người lớn lên trong cung điện", được chăm bẵm "từng ly từng tí", đến mức cho tới năm 12 tuổi, ông vẫn không thể tự buộc dây giày vì cận thần luôn luôn làm cho ông. "Cha mẹ đã luôn cố gắng nuôi nấng tôi như bình thường, nhưng xung quanh chúng ta có quá nhiều người đang tìm cách trục lợi," ông nói với Dichan.
Công việc chuẩn bị để thái tử tiếp nhận ngai vàng đã bắt đầu một cách nghiêm túc từ những năm niên thiếu. Năm 14 tuổi, ông theo học một trường nội trú ở Anh. Ông tiếp tục việc học tại một ngôi trường tại Sydney để chuẩn bị cho việc học tại trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia Australia ở Duntroon vào năm 1972. Năm 1975, ông tốt nghiệp, rồi trở thành sĩ quan trong ba binh chủng thuộc lực lượng vũ trang Thái Lan.
Theo một số nguồn tin, năm 1977, ông kết hôn với người chị bên họ ngoại, Soamsawali Kitiyakara, như nguyện vọng của mẹ. Con gái họ ra đời năm 1978, ngay cả khi cuộc hôn nhân có dấu hiệu đổ vỡ.
Lần kết hôn thứ hai, ông làm đám cưới với một thường dân, Yuvadhida Polpraserth, người đã có với ông một con gái và 4 con trai. Sau khi ly hôn, thái tử từ bỏ 4 người con trai nhưng giành quyền nuôi con gái.
Các bậc tiền bối trong cung điện luôn cố gắng khuyến khích Vajiralongkorn nhiệt tình hơn với sứ mệnh quân sự qua các cuộc tập huấn ở nước ngoài. Khóa học năm 1980 về huấn luyện quân sự cao cấp tại Mỹ đã khơi dậy niềm yêu thích bay lượn ở ông. Niềm đam mê này, ông duy trì đến tận ngày nay.
Năm 1992, Vajiralongkorn cho hay ông cảm thấy thực sự "khó chịu" trước những tin đồn về mình bởi ông không thể tự bào chữa vì vị thế hoàng gia.
Nói chuyện với các phóng viên được chỉ định mời đến nhà riêng của mình, ông bác bỏ một số lời đồn đại từ lâu rằng ông sở hữu các hộp đêm và vũ trường, kiếm lợi nhuận nhờ quan hệ hoặc những lời xì xầm rằng ông đứng sau nhiều vụ lừa đảo tài chính hay gian lận xổ số quốc gia.
"Tiền tôi tiêu được kiếm một cách trung thực. Tôi không muốn động tay vào những khoản tiền phi pháp hay dựa trên sự đau khổ của người khác", ông nhấn mạnh.
Theo thời gian, một số cáo buộc thái quá dần lắng xuống. Nhưng tin đồn vẫn tiếp tục đeo bám cuộc sống cá nhân của ông.
Năm 2001, ông kết hôn lần thứ ba, với một thường dân khác, Srirasmi Koet-amphaeng, và có một con trai là hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti.
Srirasmi sau đó cũng bị thất sủng. Một số người thân của cô bị bắt giữ hồi tháng 11/2014 với cáo buộc lợi dụng tên tuổi thái tử, thông đồng với cảnh sát biến chất để thực hiện một mưu đồ tống tiền khổng lồ. Cô bị tước danh hiệu hoàng gia và hai vợ chồng cũng đã ly dị.
Hiếu Phạm
Theo VNE
Thái tử Thái Lan trở thành tân vương Thái tử Maha Vajiralongkorn vừa chấp thuận lời mời của quốc hội để trở thành tân vương của Thái Lan. Thái tử Maha Vajiralongkorn là tân vương của Thái Lan. Ảnh: Reuters Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Thái Lan Pornpetch Wichitcholchai hôm nay diện kiến Thái tử Vajiralongkorn tại Cung điện Dusit để chính thức mời ông lên ngai vàng, trở thành...