‘Tân vua hài kịch’: Câu chuyện chân thực đến phũ phàng sau màn ảnh của vua hài Châu Tinh Trì
Khắc họa chặng đường đến với nghiệp diễn đầy gian truân của một cô gái trẻ, song “ Tân vua hài kịch” lại hướng đến mục đích xa hơn nhân vật trung tâm của câu chuyện – phô bày hiện thực sinh hoạt, làm việc cũng như cách chọn diễn viên của các đoàn phim lẫn sự phũ phàng phía sau màn ảnh.
Tân vua hài kịch (Tên tiếng Anh: The New King of Comedy) được xem là phần hai của King of Comedy ra đời vào năm 1999. Tuy nhiên, vesion 2019 của bộ phim này lại vô cùng mới mẻ khi khai thác một câu chuyện độc lập và có rất nhiều khác biệt so với phiên bản Vua hài kịch 1999.
Xoay quanh nhân vật trung tâm Như Mộng ( Ngạc Tĩnh Văn) – một diễn viên quần chúng đầy nghị lực đang trên con đường tìm kiếm cơ hội, bộ phim đã góp phần phô bày những góc khuất sau góc máy trên phim trường.
Mười mấy năm nỗ lực với các loại vai khác nhau, dù chỉ là nhân vật không lấy mặt hay lướt qua camera vài giây, song Như Mộng vẫn luôn tìm cách hoàn thiện lối diễn của bản thân và không ngừng học hỏi. Bị gia đình phản đối, bị người yêu lừa gạt, bị bạn bè phản bội, bị các đạo diễn từ chối, Như Mộng đã có lúc khánh kiệt niềm tin vào ước mơ của mình. Nhưng rồi niềm đam mê vẫn luôn âm ỉ trong cô gái trẻ, chỉ chực chờ lúc bùng lên…
Trên hành trình tìm lấy vị trí cho riêng mình, Như Mộng đã giúp đỡ đàn anh Mã Khả ( Vương Bảo Cường) – diễn viên hạng A bị gắn mác hết thời tìm lại niềm tin và nghị lực để cố gắng thắp lại hào quang. Có thể nói, Tân vua hài kịch là bộ phim giúp người xem có góc nhìn bao quát, toàn cảnh hơn về các diễn viên, từ quần chúng cho đến sao hạng A cũng như những công việc phía sau màn ảnh. Quần chúng chưa chắc đã thấp kém, sao hạng A chưa chắc đã có tâm và có tầm, nó phản ánh một cách chân thực tình trạng phân biệt đối xử và sự bất công giữa các tuyến diễn viên khác nhau trong cùng một bộ phim.
Nhìn vào nhân vật Mã Khả, có lẽ những diễn viên đã có tên tuổi sẽ biết cách trân trọng những điều mình đang có, học cách bảo vệ nó và trên hết là đặt sự kính nghiệp lên hàng đầu. Dẫu đã 7, 8 năm bị showbiz lãng quên, song khi có dịp tái xuất, chàng diễn viên này lại không biết trân trọng cơ hội. Tự huyễn hoặc mình với thứ hào quang đã cũ, Mã Khả dùng tâm thế một “ngôi sao” để làm nghề, anh gây rắc rối cho đoàn phim bởi cách làm việc hời hợt, vô trách nhiệm và kiêu ngạo, thiếu tôn trọng đồng nghiệp. Trường hợp này trên thực tế không hiếm, từ những tên tuổi lớn cho đến nhân vật có chút tiếng tăm đều dễ dàng bị bắt gặp, nhưng không phải ai cũng may mắn có được cơ hội “trở mình” như Mã Khả.
Ngược lại, cô gái nhỏ bé Như Mộng cho thấy hình ảnh tích cực về lớp thế hệ diễn viên trẻ. Ham học hỏi, đầy nhiệt huyết, hi sinh mọi thứ cho vai diễn là điều khiến người ta cảm phục cô. Bước đi từng bước chậm rãi nhưng chắc chắn, chặng đường thành công của Như Mộng tuy lắm gian truân nhưng chưa bao giờ sóng gió có thể đánh gục được tinh thần thép của một diễn viên yêu nghề.
Trước nay, showbiz luôn là thế giới của thời cơ – “cờ đến tay ai người đó phất”, song điều đó không đồng nghĩa với việc phải gặp thời mới có thể “chuyển mình”. Có những hào quang được thêu dệt bằng rất nhiều vai diễn nhỏ, đóng lót làm nền; có những con người cái gì cũng không có, chỉ có sự cố gắng không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, song đó lại chính là cốt lõi của thành công. Không nỗ lực nào là dư thừa, cũng như không có sự kiên trì nào là vô ích, thành quả của tương lai phản ánh quá trình lao động của một con người trong hiện tại và quá khứ. Vì lẽ đó, hãy can đảm ước mơ, can đảm thực hiện, tất cả sự vùi dập ác ý hãy biến nó thành động lực như Như Mộng đã làm.
Có thể nói với Tân vua hài kịch, Châu Tinh Trì đã mang tên tuổi mình ra cược một ván cờ lớn. Lối hài “bựa” đã được tiết chế rất nhiều để cài cắm những thông điệp về nhiệt huyết làm nghề của lớp diễn viên trẻ cùng tình cảm gia đình sâu sắc. Tuy diễn biến phần đầu phim còn khá dài, khiến nhịp phim bị chậm, song ý tứ của việc xây dựng kịch bản lại trở thành ưu điểm, khỏa lấp đi những khuyết điểm còn tồn tại. Trong chừng mực nào đó, phim Tết lần này của “vua hài’ vẫn chưa thể vượt qua cái bóng của chính anh trước đó nhưng đây lại là bộ phim vô cùng ý nghĩa mà bất kì diễn viên hay những người làm nghệ thuật nào cũng nên đi xem để ngẫm, để cảm nhận.
Phim đang chiếu tại tất cả các rạp trên toàn quốc
Theo saostar
"Tân Vua Hài Kịch": Bước thử nghiệm mới hay cuộc tìm lại ánh hào quang xưa cũ của Châu Tinh Trì?
Ra mắt trong ngày đầu năm Kỷ Hợi nhưng "Tân Vua Hài Kịch" lại mang yếu tố giễu nhại và cảm xúc nhiều hơn là tiếng cười.
Cách đây 20 năm, Vua Hài Kịch ( King of Comedy) ra mắt và tạo nên một dấu ấn bứt phá trong sự nghiệp của Châu Tinh Trì. Bộ phim đã chứng minh "Vua hài Hong Kong" không chỉ biết "hài nhảm" mà còn tạo ra được những tác phẩm ý nghĩa. Ra mắt sau 2 thập kỉ, Tân Vua Hài Kịch ( The New King of Comedy) cũng theo hướng đi đó nhưng nhiều chi tiết lại chẳng còn hợp thời đại.
Trailer "Tân Vua Hài Kịch"
Chuyện phim Tân Vua Hài Kịch theo chân Tiểu Mộng (Ngạc Tĩnh Văn) - một nữ diễn viên trẻ chuyên trị những vai phụ không có thoại trên màn ảnh rộng. Tính cách thích "lí sự" và phân tích vai diễn khiến cô nàng chịu không ít lời chửi bới, mắng mỏ. Không những thế, Tiểu Mộng còn bị gia đình từ mặt vì mãi chạy theo đam mê.
Sau nhiều lần lăn lộn trên trường quay, cô tình cờ "gây thù chuốc oán" với nam diễn viên hết thời Mã Khả (Vương Bảo Cường). Nhưng, cuộc gặp gỡ này lại dẫn đến những sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời của họ.
Nội dung và yếu tố hài hước quen thuộc
Nội dung của "Tân Vua Hài Kịch" mang nhiều nét tương đồng với người tiền nhiệm.
Nghe cái tựa có vẻ hài hước nhưng Vua Hài Kịch lại chính là tiếng lòng của họ Châu trên con đường từ diễn viên phụ lên thành ngôi sao được mọi người chú ý. Không những thế, anh còn tiện tay đả kích luôn nền điện ảnh Hong Kong thời bấy giờ khi bị các ông trùm xã hội đen chi phối. Các diễn viên có "quan hệ tốt" với chúng luôn được ưu tiên và lấn át luôn cả đạo diễn cũng như giở thói chảnh chọe trên phim trường.
Hai mươi năm sau, điện ảnh Hong Kong dường như vẫn không chút thay đổi mà lại còn biến tướng nặng nề hơn. Lúc này, các nhà làm phim lại chạy theo lối làm ăn cẩu thả với phần đạo cụ "sáng tạo" cho có hay lợi dụng những chi tiết gây sốc để câu khán giả. Công chiếu trong dịp Tết nhưng chính Tân Vua Hài Kịch lại lên án các... phim Tết khác khi vừa muốn bạo lực để hút khách lại còn làm nửa vời để trẻ em cũng có thể đi xem.
Yếu tố diễn xuất trong phim không được đánh giá bằng thực lực mà bằng độ... dễ thương của diễn viên. Đó là lí do mà nhiều "bình hoa di động" vẫn tồn tại và nổi tiếng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Trong bối cảnh đó, những diễn viên nghèo, không quen biết, không ngoại hình như Tiểu Mộng (hay Doãn Thiên Sầu ngày trước) mãi mãi không bao giờ có được chỗ đứng.
Yếu tố hài trong phim không phát huy được hiểu quả cần thiết.
Diễn xuất tốt nhưng không thể "làm trò", cô chỉ có thể đóng những vai phụ đầy đau đớn và tủi nhục với mức lương chỉ là một hộp cơm trưa. Tân Vua Hài Kịch tạo ra rất nhiều tình huống bi kịch đẩy cuộc đời Tiểu Mộng xuống tận cùng của nỗi đau nhưng nữ nhân vật vẫn giữ được sự lạc quan và niềm đam mê với nghề.
Đây chính là thông điệp then chốt của phim khi nhấn mạnh rằng ai cố gắng hết sức không bỏ cuộc thì sẽ nhận được thành quả. Cuối phim là màn tri ân những diễn viên phụ vô danh đã góp phần rất lớn trong thành công của nhiều bom tấn nhưng chẳng được thù lao hay ghi nhận xứng đáng.
Tuy nhiên, thông điệp này chưa phát huy được hiệu quả khi mọi mâu thuẫn của Tiểu Mộng được giải quyết quá nhanh gọn. Bộ phim đặt ra rất nhiều nhưng trả lời thì chẳng bao nhiêu với chỉ vài phút ngắn ngủi. Nếu như họ Doãn nhận ra bản thân không phù hợp điện ảnh và chuyển sang sân khấu kịch thì cái kết của Tiểu Mộng có phần khiên cưỡng và chóng vánh.
Yếu tố hài của phim cũng không mấy hiệu quả khi Châu Tinh Trì áp dụng lại rất nhiều mảng miếng quen thuộc từ Vua Hài Kịch vào tác phẩm mang tiếng là làm mới này. Nhưng, chúng gần như không tạo được tiếng cười cần thiết khi những ai quen với Tinh Gia thì đã thấy nhàm còn khán giả trẻ thì không thấy thú vị. Thậm chí, anh còn cho các nhân vật tái hiện một cảnh kinh điển trong bộ phim năm xưa như một cách tri ân hay tìm lại ánh hào quang cũ.
Thiếu gương mặt dẫn dắt tác phẩm
Ngạc Tĩnh Văn không phải cái tên đủ sức gánh vác bộ phim.
Không ngoa khi nói rằng Châu Tinh Trì là diễn viên hài trăm năm có một. Anh sở hữu gương mặt "nhìn thôi cũng đủ bật cười" cùng lối diễn xuất cường điệu đặc trưng. Nhiều tình huống vốn dĩ không mấy hài hước nhưng qua thể hiện của họ Châu lại khiến khán giả cười ngặt nghẽo. Không ngoa khi nói rằng những Trường Học Uy Long, Đỗ Thánh hay Lộc Đỉnh Ký sẽ chỉ còn nửa phần hay nếu để người khác đóng chính chứ không phải Châu Tinh Trì.
Với Tân Vua Hài Kịch, anh quyết lui về hậu trường và để lại vai chính cho Ngạc Tĩnh Văn. Nhân vật của cô giống hệt Doãn Thiên Sầu 20 năm trước khi cũng là một diễn viên chuyên trị vai phụ một cách... tâm huyết nhất. Thế nhưng, nữ diễn viên trẻ sao có thể tái hiện được cái thần thái của Tinh gia lúc trước?
Điều này dẫn đến các cảnh hài hước của Ngạc Tĩnh Văn trở nên nhàn nhạt và thiếu điểm nhấn. Cô không gợi cảm được như Trương Mẫn lại không ngây thơ, không xinh xắn được như Trương Bá Chi, lại càng không ngây thơ, trong sáng như Huỳnh Thánh Y nên khó gánh vác được cả bộ phim.
Vương Bảo Cường tỏa sáng nhưng hơi ít đất diễn.
Bù lại, nữ diễn viên trẻ thể hiện khá tốt yếu tố cảm xúc khi hoàn cảnh của Tiểu Mộng cũng chính là những đau đớn, tủi nhục của cô trong quá trình theo đuổi nghiệp diễn. Nhưng, như vậy vẫn chưa đủ để gây ấn tượng với khán giả. Vì Ngạc Tĩnh Văn không thể diễn hài nên nhiệm vụ này được giao lại cho Vương Bảo Cường.
Ảnh đế Trung Quốc đã không khiến khán giả thất vọng với hình ảnh một nam diễn viên hết thời nhưng thường xuyên làm lố trên phim trường và lí sự không kém Doãn Thiên Sầu năm xưa. Có thể nói, Mã Khả và Tiểu Mộng là hai thái cực khác nhau hoàn toàn giữa bi và hài, giữa người đang lên và kẻ hết thời. Nhưng, hành mảnh ghép này phải hòa làm một mới bằng được Tinh Gia ngày trước.
Một điểm cộng nhỏ nhoi khác ở mặt diễn xuất thuộc về Trương Kỳ trong vai cha của Tiểu Mộng. Nhân vật được xây dựng theo phong cách hài hước quen thuộc của Châu Tinh Trì khi luôn miệng la mắng nhưng lại âm thầm theo bảo vệ con gái bằng những "chiêu trò" khó ai đỡ được. Cuối cùng, ông làm riết thành quen rồi nói lời yêu thương không khác gì đang mắng.
Tóm lại, Tân Vua Hài Kịch là một bộ phim khiến người xem phải suy nghĩ rất nhiều sau khi rời khỏi rạp, không phải nhờ ý nghĩa sâu xa mà vì không biết đây là thử nghiệm thất bại hay cuộc đi tìm ánh hào quang trong tuyệt vọng của Châu Tinh Trì. Phim không đủ hài cũng chưa tới được cảm xúc mà chỉ lửng lơ đến khó chịu. Vậy nên, nếu tìm kiếm những tràn cười ngả nghiêng mùa Tết ở tác phẩm này, e rằng bạn đã đến nhầm chỗ. Riêng với những ai yêu mến Tinh gia và luôn rộng lòng nhìn thấy ông ở những sắc màu khác, sâu hơn, lắng hơn, đây là một lựa chọn nên cân nhắc.
Tân Vua Hài Kịch hiện đang công chiếu trên toàn quốc.
Theo ttvn
Ai là 'tân vua hài kịch' của điện ảnh Trung Quốc sau Châu Tinh Trì? Sự thất sủng của Thành Long và Châu Tinh Trì mùa phim Tết tại Trung Quốc cho thấy đã có một cuộc đổi ngôi thực sự tại thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới. Việc Châu Tinh Trì xuất hiện trong buổi họp báo ngày 8/2 thừa nhận bộ phim Tân vua hài kịch của anh thất bại trong cuộc chiến...