Tân thủ tướng Nhật khó ‘vẹn đôi đường’ với Mỹ, Trung
Khi được hỏi về lập trường với Trung Quốc trong phiên tranh luận hôm 12/9, Yoshihide Suga, thủ tướng Nhật tương lai, đã né tránh.
Suga, người được cho là quyền lực thứ hai trong chính phủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kể từ năm 2012, hôm 14/9 được bầu làm tân chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Kết quả này đồng nghĩa với việc Suga gần như chắc chắn kế nhiệm ghế thủ tướng của Abe, do LDP chiếm đa số tại quốc hội.
Tuy nhiên, với vai trò Chánh văn phòng Nội các hỗ trợ Thủ tướng Abe suốt thời gian dài, Suga bị đánh giá ít có kinh nghiệm đối ngoại. Trong khi đó, Thủ tướng Abe, người lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, trong nhiệm kỳ lâu dài của mình đã xây dựng quan hệ vững chắc với Tổng thống Donald Trump và cải thiện quan hệ với Bắc Kinh thông qua các chuyến thăm.
Với “cái bóng” rất lớn của người tiền nhiệm như vậy, Suga khả năng cao sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong nhiệm vụ duy trì thế cân bằng trong quan hệ với hai cường quốc Mỹ, Trung. Điều này thể hiện rất rõ trong quan điểm trái ngược của những người có ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản.
Tân chủ tịch đảng cầm quyền LDP của Nhật Yoshihide Suga tại văn phòng sau cuộc họp báo ở Tokyo hôm 14/9. Ảnh: AFP.
Yoshiyuki Kasai, lãnh đạo lâu năm của Công ty Đường sắt miền Trung Nhật Bản, cho rằng liên minh giữa Tokyo với Washington nên được đặt lên hàng đầu và Bắc Kinh cần nắm được thông điệp này. Ngược lại, Hiroaki Nakanishi, chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, lại nhận định quan điểm này là “tự hại mình”. Theo ông, sau tất cả nỗ lực xây dựng quan hệ với Bắc Kinh thời gian qua, Tokyo nên thể hiện sự hòa nhã khi có thể.
Bất đồng quan điểm giữa hai nhà điều hành doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, những người có ảnh hưởng chính trị lớn ở nước này, dường như thể hiện rõ thách thức to lớn mà Suga phải đối mặt. Không chỉ riêng Nhật, các đồng minh của Mỹ khắp thế giới như Đức, vốn được bảo vệ nhờ sức mạnh quân sự Mỹ trong khi dựa vào động lực kinh tế từ Trung Quốc, cũng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Nhật và các đồng minh khác của Mỹ đã đồng ý không sử dụng thiết bị từ tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei cho mạng viễn thông thế hệ tiếp theo của họ. Lệnh trừng phạt của chính quyền Trump cũng ảnh hưởng tới các công ty Nhật cung cấp những sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác.
Trong khi đó, việc đàm phán với Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp hơn. Hồi tháng 8, chính phủ Australia, đồng minh của Mỹ, đã ngăn tập đoàn sản xuất đồ uống Kirin của Nhật bán lại Lion Dairy & Drinks, hãng sữa Australia thuộc sở hữu của Kirin, cho công ty Mengniu Dairy của Trung Quốc.
“Chúng tôi đang bước vào giai đoạn khá khó khăn”, Masaharu Kamo, giám đốc chiến lược tập đoàn Toshiba của Nhật, cho biết, viện dẫn những rủi ro về an ninh quốc gia. “Chúng tôi phải xem xét từng mặt hàng được giao dịch với Trung Quốc, không chỉ đơn giản là các thương vụ, mà cần đánh giá liệu nó có ảnh hưởng đến công ty của chúng tôi hay không”.
Video đang HOT
Nhật có quan hệ thương mại sâu sắc với Trung Quốc. Theo Bộ Tài chính Nhật, mức xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt tổng cộng gần 140 tỷ USD trong năm 2019, đã giúp họ phục hồi từ tình trạng suy thoái do Covid-19. “Vô cùng nhiều công ty tư nhân không thể tồn tại nếu không làm ăn với Trung Quốc”, giáo sư Mieko Nakabayashi tại Đại học Waseda của Nhật đánh giá.
Theo bình luận viên Peter Landers của WSJ, Trung Quốc đã phát tín hiệu bày tỏ mong muốn Nhật xích lại gần nước này và quay lưng với Trump. Khi Trung Quốc kỷ niệm 75 năm Thế chiến II kết thúc hôm 3/9, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi “nỗ lực thúc đẩy tình hữu nghị bất diệt giữa người dân Trung Quốc và Nhật Bản”, đồng thời dường như ngầm gửi lời cảnh báo tới Mỹ.
Chủ tịch danh dự Công ty Đường sắt miền Trung Kasai, người bạn lâu năm của Thủ tướng Abe, cho rằng Nhật “phải xích lại thật gần Mỹ”. “Nếu Trung Quốc nghĩ họ có thể chia rẽ Nhật và Mỹ, họ sẽ nỗ lực tìm mọi cách để làm điều đó. Nền chính trị Nhật Bản sẽ rơi vào hỗn loạn vì sự can thiệp của Trung Quốc”, Kasai nêu ý kiến trong một cuộc phỏng vấn.
Hồi tháng 7, Kasai dùng bữa tối với Abe ngay trước khi Thủ tướng Nhật tuyên bố từ chức vì bệnh viêm đại tràng mạn tính. Ông cho biết đã khuyên Abe rút lại lời mời ông Tập, người từng lên lịch thăm Nhật vào tháng 4, trước khi Covid-19 bùng phát.
Kasai cũng cho rằng các doanh nghiệp Nhật nên bớt tiếp xúc với Trung Quốc để tránh bị thao túng. “Mọi thứ nên được giới hạn xuống mức độ sao cho khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bạn có thể từ bỏ tất cả mà vẫn ổn”, ông nói.
Khi được đề nghị nêu đích danh người mà ông cho rằng đang đánh giá thấp nguy cơ từ Trung Quốc, Kasai đã chỉ ra Nakanishi, chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời là cựu giám đốc điều hành Hitachi. Tập đoàn này đã phát triển quy mô kinh doanh lớn ở Trung Quốc, bán thang máy, thiết bị y tế và nhiều thứ khác. Theo Kasai, Nakanishi “không hiểu về địa chính trị”.
Đáp lại, Nakanishi cho biết ông không tự nhận là chuyên gia địa chính trị, nhưng vẫn hiểu về lịch sử mối quan hệ của Nhật Bản với cường quốc ngay kế bên. Cựu giám đốc Hitachi đánh giá không nên để tình hình chính trị tại thời điểm này lấn lướt thành công của việc hợp tác kinh doanh giữa hai nước những thập kỷ qua.
“Quan điểm của tôi về Trung Quốc có vẻ khác với ông Kasai. Nếu chúng ta coi quốc gia này như kẻ thù, chối bỏ họ trong khi vẫn cố gắng tiếp tục hoạt động kinh tế, rủi ro thực sự lớn hơn nhiều, thậm chí có thể biến thành tự sát. Hãy nỗ lực hòa hợp tốt nhất có thể với nước láng giềng”, Nakanishi cho hay.
Dưới thời ông Abe, Nhật Bản trong năm nay đã dành hơn 2 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc trong sản xuất vào một quốc gia duy nhất, thường là Trung Quốc. Khoản ngân sách này không đủ đáp ứng số lượng lớn công ty đăng ký chương trình hỗ trợ.
Giáo sư Nakabayashi cho biết nếu chính phủ Nhật muốn đẩy nhanh quá trình tách rời khỏi Trung Quốc, họ có lẽ sẽ phải hỗ trợ kinh phí. “Các công ty đang cố gắng tránh điều mà họ coi là vấn đề chính trị, nhưng tự làm tất cả sẽ vô cùng tốn kém”, chuyên gia nói.
Vấn đề của tân Thủ tướng Nhật: Bước qua cái bóng Shinzo Abe
Chiến thắng hôm 14/9 của ông Yoshihide Suga trước nhiều đối thủ sừng sỏ để trở thành người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản, được xem là một điều chấn động nhưng cũng mang nhiều ẩn số .
Tân Chủ tịch LDP Yoshihide Suga.
Người an toàn nhất
Ngày 16/9, tức chưa đầy 3 tuần sau khi ông Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe, Nhật Bản dường như đã sẵn sàng để có một Thủ tướng mới, với chiến thắng cách biệt của ông Yoshihide Suga trước cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida trong cuộc bầu cử Chủ tịch LDP hôm thứ 2.
The National nhận định, điều đó không hẳn có nghĩa ông Suga là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng nhà, mà trước hết, ông dường như là người an toàn nhất.
Các tính toán hậu trường đối với chức vụ lãnh đạo đảng cầm quyền của ông Suga lúc này là nhắm trực tiếp tới vị trí Thủ tướng Nhật Bản, nhằm tăng tính phổ biến và thuyết phục đối với nội bộ LDP cũng như trong khu vực cử tri rộng rãi hơn. Đối với một quốc gia đang phải vật lộn để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế do đại dịch Covid-19, kết quả hôm 14/9 có thể bị chi phối bởi điều này.
Và như để rút ngắn giai đoạn, hội đồng thường trực tối cao của LDP đã quyết định mở một cuộc bỏ phiếu kín đặc biệt để chọn Thủ tướng, thay vì mở rộng cho mọi thành viên các chính đảng như thông lệ tiêu chuẩn. Do đó, sẽ chỉ có 393 thành viên đảng Cộng hòa và 141 đại diện của 47 quận trên toàn quốc có thể bỏ phiếu vào thứ 4 tới.
Chính sự vội vàng của những người thành lập LDP trong việc củng cố vị trí của ông Suga cũng phần nào cho ảnh hưởng của ông tại đảng nhà. Nó cũng nói lên mong muốn của đảng này về sự liên tục và ổn định, dựa trên những kinh nghiệm lâu năm của ông Suga trong chính quyền Abe.
Đặc biệt, điều này hoàn toàn trái ngược khi xét đến ứng viên Shigeru Ishiba - một chính trị gia nổi tiếng với trí tuệ và kinh nghiệm chính trị đáng kể nhưng không được lòng chính quyền Abe - có lẽ là lý do buộc lãnh đạo LDP phải sớm hành động. Ông Ishiba từng dẫn đầu một nhóm ủng hộ việc đảo ngược một số chính sách của ông Abe, thậm chí thúc đẩy điều tra những vụ bê bối nổ ra trong nhiệm kỳ của Thủ tướng.
Với khác biệt trong phong cách lãnh đạo và các ưu tiên của ông Suga và ông Ishiba trong những năm qua, giới chuyên gia tin rằng kết quả bầu cử chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến cách điều hành Nhật Bản trong vài tháng tới, thậm chí là nhiều năm tới.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba.
Nhưng The National cũng lưu ý, điều này không có nghĩa là Yoshihide Suga sẽ hoạt động kém trên cương vị Thủ tướng.
Trước hết, câu chuyện cuộc đời và đạo đức của ông Suga được tin đáng để người Nhật và thế giới phải ngưỡng mộ. Là con trai của một nông dân trồng dâu, ông đã tự mình phấn đấu để đi lên trong sự nghiệp, thay vì xuất thân từ đặc quyền - một xuất phát điểm quan trọng trong giới chính trị Nhật Bản trước nay.
Ở tuổi 71, ông Suga là một điển hình của mẫu người "gambaru" - bền bỉ ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Vị Chánh văn phòng nội các luôn bắt đầu một ngày mới bằng cách thực hiện 100 lần bật người và kết thúc ngày bằng 100 lần khác, bất kể đã phải làm việc nhiều giờ liền. Điều này được tin đã hun đúc nên động lực, sự tập trung và sức chịu đựng cho ông Suga để vươn lên dẫn đầu trong mọi tình huống.
Đây chỉ là một số phẩm chất của vị tân Thủ tướng Nhật, bên cạnh sự nhạy bén về chính trị, đã giúp ông Suga trở thành một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, cũng như một nhà quản lý tài ba - ở vị trí "dưới 1 người, trên vạn người" trong nội các của Abe suốt gần 1 thập kỷ.
Lợi thế cũng là bất lợi
Vai trò chánh văn phòng nội các của ông Suga khá sâu rộng. Ông đóng vai trò là thư ký báo chí của ông Abe, điều phối chính sách của các bộ khác nhau, đồng thời tiến hành nghiên cứu chính sách cho Thủ tướng, từ đó tư vấn cho lãnh đạo và thúc đẩy cải cách quan liêu. Sẽ không quá khi nói rằng ông Saga chính là "thủ tướng hậu trường" của nước Nhật những năm qua.
Thủ tướng Shinzo Abe và 'cánh tay phải' Yoshihide Suga.
Tuy nhiên, vấn đề cũng từ đây mà ra. Vai trò Thủ tướng của Yoshihide Suga có nguy cơ trở thành trường hợp "sếp mới giống sếp cũ". Và cho đến tháng 10/2021, khi phần còn lại của nhiệm kỳ của ông Abe kết thúc trừ khi một cuộc tổng tuyển cử sớm diễn ra, vị tân Thủ tướng mới sẽ làm việc chăm chỉ nhưng chỉ là để bảo vệ di sản của người cũ.
Ngoài mong muốn của đảng về sự ổn định và liên tục, còn có 1 lý do khác để ông Suga được ủng hộ: Nếu ông Abe là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản, thì ông Suga là Chánh văn phòng nội các lâu nhất của đất nước.
Nhiệm kỳ kỷ lục của 2 người trùng khớp trong gần 8 năm, theo đó họ cùng nhau theo đuổi Abenomics - kết hợp giữa mở rộng tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu, cũng như cùng ủng hộ một Nhật Bản quyết đoán hơn và không cúi đầu, sẵn sàng đứng về phía các nước láng giềng khi cần thiết.
Nhưng vào thời điểm Nhật Bản cần tư duy mới, ông Suga gần như cam kết theo đuổi các chính sách từ thời Abe, mà một vài trong số đó đã không mang lại kết quả như mong muốn, đặc biệt là về kinh tế.
Giới quan sát nhận định, điều mà nước Nhật cần ở ông Suga lúc này là khả năng lãnh đạo đầy cảm hứng.
Thông qua sự kết hợp của cải cách kinh tế và chủ nghĩa dân tộc, ông Abe từng truyền cảm hứng cho Nhật Bản hồi sinh sau thảm họa sóng thần năm 2011. Ông Suga cũng cần làm được điều tương tự, mặc dù theo cách riêng của mình. Đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn hơn bởi thực tế ông vốn là người hậu thuẫn nhiều hơn là lãnh đạo, đồng thời nặng tính thực dụng hơn là chủ nghĩa.
Quan trọng nhất, khả năng truyền cảm hứng của ông Suga sẽ phụ thuộc vào phạm vi tham vọng của chính ông và sự sẵn sàng bước ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm. Để đưa đất nước theo mình, vị tân Thủ tướng chắc chắn cần khẳng định được bản sắc riêng.
Yoshihide Suga - từ con nhà nông tới thủ tướng Nhật tương lai Là con trai một nông dân, Suga lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Akita và chuyển tới Tokyo vừa học đại học vừa làm thêm kiếm tiền. Nếu Shinzo Abe được cho là sinh ra để làm Thủ tướng, con đường trở thành ngôi sao chính trị của ứng viên tiềm năng kế nhiệm của ông lại khác hẳn. Yoshihide Suga đã...