Tận thấy những đô thị mẫu mà Thủ tướng yêu cầu xử lý trước nguy cơ vỡ quy hoạch
Trước phản ánh của báo Tiền Phong về tình trạng các khu đô thị được coi là kiểu mẫu, nơi đáng sống nhất Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch khi liên tục điều chỉnh quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thành phố Hà Nội xem xét, xử lý phản ánh của báo.
Theo phản ánh, các hộ dân Ciputra (phường Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.
Theo đó, lô đất TM-13 diện tích 54.977m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Lô đất P-14 diện tích 13.389m2 có chức năng là bãi đỗ xe tập trung nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm kết hợp kinh doanh thương mại, diện tích mặt đất để trồng cây xanh kết hợp đồng bộ lô T-13…,
Đáng lưu ý là ô đất TM-13 trước quy hoạch 5 tòa (cao từ 5 đến 47 tầng) nay điều chỉnh bằng việc tăng thành 8 tòa cao đến 68 tầng. Mật độ xây dựng điều chỉnh tăng từ 33,1% lên 35,45%.
Người dân cũng cho rằng, việc thay đổi mục đích sử dụng đất đối với ô đất để nhằm thu lợi một cách triệt để trên các khu đất chưa xây dựng.
“Việc điều chỉnh quy hoạch như trên, chúng tôi có đủ cơ sở để khẳng định đây là quy hoạch phục vụ lợi ích nhóm, không phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư đang sinh sống và sẽ sinh sống tại đây”, ông Du hộ dân thuộc Tổ dân phố Nam Thăng Long (phường Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định.
Cư dân tại khu Đoàn Ngoại giao bức xúc suốt 2 năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, phản đối chủ đầu tư thay đổi quy hoạch, tăng tầng, tăng tòa nhà, thay đổi công năng sử dụng của một số lô đất công cộng, dịch vụ.
Cụ thể, các lô đất được điều chỉnh có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 vốn có chức năng đất công cộng, dịch vụ, đất đầu mối kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp. Nay, chúng bị điều chỉnh tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều. Việc thay đổi làm phá vỡ quy hoạch tổng thể dự án, làm tăng mật độ xây dựng, gây áp lực hạ tầng giao thông, thiếu hụt trường học, nhà trẻ, khu vui chơi…
Video đang HOT
Đặc biệt, theo cư dân, có một số lô đất điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, như lô đất ký hiệu ĐMKT1 theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) với quy mô 4.801m2, không xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Nay, chỗ này điều chỉnh thành lô đất có ký hiệu BV có chức năng đất công cộng đô thị, với mật độ xây dựng 40%, tầng cao công trình 12 tầng 2 tầng hầm.
“Việc xây dựng bệnh viện ung bướu ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn cư dân, giữa đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ Khu đô thị Ngoại giao đoàn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu. Đồng thời, việc này gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của khu đô thị. Chưa kể nguy cơ rò rỉ các chất từ phòng xạ trị của bệnh viện ra khu vực”, đại diện cư dân cho biết.
Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn nằm ở phía Tây Hồ Tây, thuộc xã Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tổng diện tích đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết khoảng 62,8ha gồm khu biệt thự đơn lập, khu Đại sứ quán, khu chung cư Ngoại giao đoàn và các công trình công cộng TDTT. Quy mô dân số toàn khu là 9700 người.
Về tình trạng phá vỡ quy hoạch tại nhiều khu đô thị kiểu mẫu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Duy Phạm-Đình Phong
Theo Tiền phong
Dừng xây 18 nhà liền kề xây dựng "chiếm" lối đi chung của dân
Cư dân Khu đô thị 54 Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vô cùng bức xúc trước việc chủ đầu tư là Công ty CP Thi công cơ giới xây lắp chưa xử lý những vi phạm tồn tại lại tiến hành điều chỉnh quy hoạch để xây dựng dãy 18 căn liền kề "chiếm" lối đi chung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của dân cư dân. Ttrước sự việc, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã yêu cầu tạm dừng xây dựng đối với 18 căn liền kề này.
Sai phạm cũ chưa xong lại "hô biến" khu văn phòng thành 18 căn liền kề
Kể từ ngày khu đất quy hoạch văn phòng làm việc được "biến" thành khu nhà ở thương mại, nhà liền kề hoành tráng để bán, hàng trăm cư dân tại Khu đô thị 54 Hạ Đình (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) liên tục có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng nhằm "tố" những sai phạm của chủ đầu tư là Công ty CP Thi công cơ giới xây lắp.
Ông Nguyễn Đức Tiến Trưởng Ban quản trị nhà A1 Khu đô thị 54 Hạ Đình cho biết, dự án Khu đô thị 54 Hạ Đình gồm 2 tòa nhà chung cư cao tầng A1, A2 và khu thấp tầng. Trong đó, tòa nhà A1 đã được bán và bàn giao cho cư dân từ năm 2005. Tuy nhiên, đến nay đã gần 15 năm, nơi đây vẫn tồn tại những vi phạm kéo dài.
Bằng chứng là mới đây, ngày 10/4/2019, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội đã có văn bản gửi công ty CP thi công cơ giới và xây lắp thông báo yêu cầu phía công ty phải hoàn thiện nghĩa vụ tài chính của dự án. Đồng thời, công ty này chưa liên hệ với Sở để hoàn thiện các thủ tục về đất đai, chưa khắc phục các sai phạm tồn tại của dự án.
Lô đất hơn 2.000m2 vốn được dùng quy hoạch văn phòng nay biến thành dự án nhà ở thương mại thấp tầng với 18 căn liền kề.
18 căn liền kề đang được triển khai xây dựng có tường bao 2,5 m đua ra sát phía ngoài, ngay cạnh hàng cây lâu nay, tiếp đến là con đường đi lại của dân cư ảnh hưởng lối đi, tầm nhìn của khu.
Điều đáng nói, trong khi những vi phạm trên chưa được xử lý dứt điểm, không hiểu lý do gì Công ty CP Thi công xây lắp cơ giới vẫn tiếp tục được chuyển đổi lô đất hơn 2.000m2 vốn dùng xây văn phòng làm việc thành dự án nhà ở thương mại thấp tầng với 18 căn liền kề và được cấp phép xây dựng trên lô đất này.
Cũng theo ông Tiến, trong quá trình triển khai xây dựng dãy 18 căn liền kề, chủ đầu tư cho xây dựng những hạng mục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của dân cư đang sinh sống tại đây.
Cụ thể, chủ đầu tư đã dựng hàng rào thi công vượt ra ngoài mốc giới 30cm so với mốc giới được bàn giao. Chủ đầu tư xây dựng dự án đè lên hệ thống thoát nước của dự án Khu đô thị 54 Hạ Đình và xây lấn vào đường quy hoạch dự kiến của thành phố là mở rộng đường giao thông theo Quyết định 7090/QĐUB ngày 17/10/2012.
Bên cạnh đó, cư dân tại đây còn phản ánh chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại không đúng bản vẽ, sai mật độ xây dựng và không thiết kế đường giao thông nội bộ dự án mà có ý đồ chặt hạ hàng cây xanh 15 năm tuổi trên diện tích riêng của khu đô thị nhằm lấy đường đi cho 18 căn liền kề đang xây...
Ông Nghiêm Phúc Thịnh, cư dân khu đô thị 54 Hạ Đình bức xúc: "Hành lang giao thông trong khu đô thị tương đối nhỏ, dự án mới mỗi nhà đều có hầm để xe riêng, nếu có thêm xe từ dự án mới đi vào sẽ gây xung đột giao thông với xe từ hầm nhà chung cư đi lên, tiềm ẩn nguy cơ tại nạn giao thông rất lớn'.
Theo ghi nhận của PV, những phản ánh trên của cư dân Khu đô thị 54 Hạ Đình là có cơ sở, bởi thực tế hiện nay chủ đầu tư đã cho đào móng tường rào của 18 căn liền kề ngay sát hàng cây xanh. Không những vi phạm mốc giới của dự án chung cư 54 Hạ Đình mà còn chặt hết phần rễ của hàng cây xanh, bức tử gần 30 cây xanh lâu năm.
Chủ đầu tư ý đồ chặt hạ hàng cây xanh lâu năm làm đường cho dự án mới.
Người dân căng băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư, kêu gọi không bức tử cây xanh.
Được biết, hiện con đường dân sinh nội bộ của chung cư 54 Hạ Đình được rào lại với mục đích chặn phương tiện nguy hiểm ra vào. Ngoài ra, người dân cũng căng băng rôn với nội dung yêu cầu chủ đầu tư không được xâm phạm đường đi của cư dân và hàng cây xanh.
Quận yêu cầu tạm dừng, chủ đầu tư vẫn thi công?
Trước những thực trạng trên, ngày 22/5 UBND quận Thanh Xuân đã mời Ban Quản trị tòa nhà A1, A2 Khu đô thị 54 Hạ Đình cùng Công ty CP Thi công cơ giới xây lắp đến đối thoại. Cuộc đối thoại do ông Nguyễn Xuân Lưu - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân chủ trì.
Sau khi nghe ý kiến của các bên, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân yêu cầu chủ đầu tư tiếp thu ý kiến của Ban quản trị về việc xây hàng rào 18 căn liền kề, tổ chức đối thoại với cư dân để tháo gỡ những khúc mắc.
Đồng thời, vị lãnh đạo quận yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công xây dựng 18 căn liền kề kể từ ngày 22/5 đến khi trực tiếp đối thoại với cư dân và giao Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND phường Thanh Xuân Trung giám sát việc này.
Dù lãnh đạo huyện Thanh Xuân đã yêu cầu dừng thi công dự án nhưng chủ đầu vẫn ngang nhiên cho công nhân vào dự án thi công hoàn thiên một số hạng mục.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tiến - Trưởng Ban quản trị nhà A1 cho biết, đến nay hơn 10 ngày trôi qua nhưng chủ đầu tư không hề có động thái gì về việc tổ chức đối thoái với dân.
"Yêu cầu của UBND quận Thanh Xuân là chủ đầu tư phải trực tiếp đối thoại với dân nhưng hiện nay chủ đầu tư vẫn im lặng, điều đáng nói, dù lãnh đạo huyện đã yêu cầu dừng thi công dự án nhưng chủ đầu vẫn ngang nhiên cho công nhân vào dự án thi công hoàn thiên một số hạng mục bên trong", ông Tiến ngao ngán.
Một cán bộ quận Thanh Xuân cho hay, việc điều chỉnh khu đất văn phòng trụ sở làm việc do thành phố chấp thuận, duyệt quy hoạch cho nhà đầu tư. "Thời gian qua trên địa bàn quận nhiều nơi cư dân phản ứng việc điều chỉnh quy hoạch để xây nhà cao tầng, nhà ở để bán trong khi hạ tầng nhiều khu không theo kịp gây nhiều khó khăn trong quản lý, lo ngại nhiều hệ lụy".
Ninh Phan
Theo Tiền phong
Dự án bàn giao trong quý II và III ở TP HCM đếm trên đầu ngón tay Khoảng 7 dự án từ 5 chủ đầu tư sẽ được bàn giao cho khách hàng trong 2 quý này - con số khá khiêm tốn. Một số doanh nghiệp khác thậm chí vẫn chưa có kế hoạch ra sản phẩm. Khảo sát hơn 10 chủ đầu tư lớn tại TP HCM cho thấy, lượng dự án đã và sẽ được bàn giao...