Tân sinh viên ‘mướt mồ hôi’ tìm phòng trọ
Mướt mồ hôi tìm phòng trọ, thế nhưng, nhiều dãy phòng trọ thuộc diện giải tỏa “đêm xây, ngày cho thuê” không biết bị dỡ lúc nào…
Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu mỗi năm học mới, sinh viên (SV) lại chóng mặt với giá phòng trọ tăng vùn vụt. Nhiều tân SV lên thành phố nhập học còn nhiều bỡ ngỡ đã trở thành “miếng mồi ngon” cho các chủ phòng trọ mặc sức làm giá cho thuê phòng. Tìm được phòng trọ, phòng trọ giá rẻ trong giai đoạn đầu năm học là điều không dễ với các tân SV tại TP HCM.
Nhiều chủ nhà trọ “găm” phòng đợi tân sinh viên
Làng Đại học Thủ Đức (phường Linh Trung – quận Thủ Đức) là nơi tập trung khoảng 25.000 SV theo học, chưa kể mỗi năm đón thêm hàng ngàn tân SV về học tập trung tại đây. Tại đây, vấn đề phòng trọ luôn là một bài toán nan giải đối với các tân SV, bởi khu vực này luôn được xem là điểm nóng về phòng trọ vào đầu năm học.
Theo ghi nhận của chúng tôi khi tìm đến nhiều khu nhà trọ, phòng trọ gần các khu vực trường đại học đều nhận được thông báo “hết phòng”. Nhiều dãy nhà chật chội nằm sâu trong các con hẻm treo bảng “cho SV thuê phòng trọ” nhưng khi chúng vào hỏi thuê phòng thì nhận được những cái lắc đầu “hết phòng”.
Mặc dù trả tiền phòng khá cao nhưng đa phần các SV đều phải ở trong những khu nhà trọ “ổ chuột” không đảm bảo chất lượng.
Theo anh Trần Nam, Chủ tịch Hội SV ĐH KHXH&NV TP HCM: “Nhiều nhà trọ khu vực phường Linh Trung còn phòng nhưng chủ nhà trọ “găm” lại chờ tân SV để nâng giá”.
Trong vai một người có nhu cầu, chúng tôi tìm đến dãy phòng trọ nằm sâu trong một con hẻm nằm phía sau Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, bà chủ dãy trọ chỉ vào một căn phòng rộng chừng 10m2, phía trên mái tôn nóng hầm hập, với giá 800 ngàn/tháng (nhà vệ sinh sử dụng chung), điện nước tính riêng, đóng trước 6 tháng. Vị chi nếu muốn thuê phòng chúng tôi phải đóng một lần 4 triệu 800 ngàn, lấy lý do không đủ tiền chúng tôi xin đóng trước 2 tháng nhưng chủ phòng trọ phán một câu chắc nịch: “Ở thì đóng tiền đủ 6 tháng, nếu không thì mời đi chỗ khác đây không thiếu”.
Mặc dù trả tiền phòng khá cao nhưng đa phần các SV đều phải ở trong những khu nhà trọ “ổ chuột” không đảm bảo chất lượng.
Tại khu vực nhà trọ gần Khoa Kinh tế (ĐHQG TP HCM) còn vài phòng cửa khóa trái nhưng theo lời chủ dãy trọ: “Người ta đặt cọc trước, đóng tiền cả một học kì rồi. Chỉ còn vài giường trống cho ở ghép với giá 300 ngàn/người”.
Video đang HOT
Còn các khu nhà trọ tạm bợ gần Đại học Quốc tế thuộc ấp Tân Lập (xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng bị các chủ trọ “làm giá” tăng thêm 100 ngàn – 200 ngàn đồng/phòng. Nhiều SV có thâm niên sống tại làng đại học khẳng định: “Đi tìm thuê phòng trọ vào đầu tháng 9 tại các khu vực gần các trường đại học là không thể (?)”.
Theo ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX ĐHQG TP HCM: “Trong năm học 2010-2011, KTX có hơn 10.000 chỗ trong KTX nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70% chỗ ở cho SV có nhu cầu”.
Theo đó, KTX chỉ đáp ứng được phần nào chỗ ở cho các SV đủ điều kiện xét vào ở KTX, còn các SV khác phải tự ra ngoài tìm chỗ ở.
Sinh viên “sốt” với giá phòng trọ
Để thuê được phòng trọ, các tân SV phải bỏ ra một lúc cả 4-5 triệu đồng đóng tiền cho cả một học kỳ nhưng khó có thể tìm được phòng ưng ý. Trong khi đó, nhiều dãy phòng trọ thuộc diện giải tỏa “đêm xây, ngày cho thuê” không biết bị dỡ lúc nào lại trở thành mối lo ngại cho nhiều SV.
SV Võ Thị Linh An (năm thứ 2, Trường Đại học KHXH&NV TP HCM) cho biết: “Bạn em thuê phòng tại dãy trọ gần khu vực hồ cá Sinh Viên đã đóng tiền trước rồi nhưng giờ bị giải tỏa giờ không có chỗ ở, mà tiền thì cũng chưa đòi lại được”.
Tại khu vực nội thành, giá phòng trọ cũng liên tục “đội giá” vào thời điểm các tân SV chuẩn bị nhập học. Hầu hết các khu nhà trọ, phòng trọ gần trường thuộc khu vực các quận: 1, 3, 5, 10, Tân Bình, Phú Nhuận… chỗ nào cũng báo “hết phòng”. Các chủ nhà trọ lấy lý do thời buổi lạm phát đã mặc sức “hét giá” cho thuê.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một phòng trọ rộng khoảng 14m2, có thể ở được 4 người có giá từ 1,5 triệu – 2 triệu, điện khoảng 3 ngàn – 4,5 ngàn đồng/kW, nước từ 10 ngàn – 15 ngàn đồng/m3. Giá trọ hầu hết ở khu vực nội thành đã tăng thêm 150.000-300.000đ/phòng, có nơi tăng 30-40%.
Những khu trọ dọc theo các con hẻm nằm trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) có giá 1,2 triệu – 1,8 triệu đồng/phòng. Các khu trọ này trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cũng được chủ trọ kê lên từ 1 triệu – 1,5 triệu đồng/phòng. Phòng trọ và nhiều mặt hàng “rủ nhau” tăng giá đã đẩy SV rơi vào tình cảnh “nhảy cóc” để chống chọi với giá, rủ thêm người về ở ghép để giảm tiền phòng.
SV Phạm Nghĩa Hiệp (năm thứ 2, Trường ĐH SPKT TP HCM) chia sẻ: “Tụi em ở 3 người, tiền phòng mỗi tháng 1,3 triệu, điện nước khoảng 800 ngàn thành ra 2,1 triệu/phòng. Tháng này tiền phòng tăng thêm 200 ngàn/phòng nên tụi em rủ thêm bạn về ở, chật một chút cũng được chứ cả tháng cứ lo tiền phòng, điện nước chẳng còn tâm trí đâu mà học tập”.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV (thuộc Trung tâm Hỗ trợ SV TP HCM) cho biết: “Ngay từ đầu tháng 8, trung tâm đã thành lập đội khảo sát nhà trọ, tìm kiếm các chỗ trọ giá rẻ hỗ trợ tân SV. Hiện tại, trung tâm đã chuẩn bị sẵn 2.200 chỗ trọ giá rẻ để hỗ trợ các tân SV trong năm học mới”.
Chuyện chủ nhà trọ “găm” phòng làm giá với SV hầu như năm nào cũng tái diễn khi các trường đại học bắt đầu làm thủ tục nhập học. Đa phần các tân SV để có chỗ trọ ổn định để yên tâm làm thủ tục nhập học “bấm bụng” thuê phòng trọ, mặc dù phải trả một cái giá khá cao nhưng họ phải sống trong những khu trọ “ổ chuột” không đảm bảo chất lượng.
Theo Công An Nhân Dân
Tân sinh viên và nỗi lo lên thành phố học
Niềm vui chưa được bao lâu thì nhiều teen đang phải đối mặt với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền... khi bước vào giảng đường Đại học.
Thời điểm nhập học của các tân sinh viên đang đến gần cũng là lúc nhiều teen đang đối diện với nỗi lo về cuộc sống xa nhà. Chưa tính đến tiền học phí và các thủ tục khác, teen mình đã phải tốn kha khá tiền cho việc tìm nhà trọ. Đây là nỗi lo của không ít teen và phụ huynh từ dưới quê lên.
Gian nan tìm chỗ trọ
Đáng lo nhất là việc teen ở dưới quê lên các thành phố tìm nhà trọ, nhiều phụ huynh phải bán ruộng đất, trâu bò cầm được vài triệu trong tay nhưng chưa kịp mướn được cái phòng trọ thì bao nhiêu thứ lại phát sinh trên đất thành phố: nào là tiền ăn, tiền học phí, tiền đi lại....
M.Quân chia sẻ: "Cầm 3 triệu trên tay mà chỉ trong vài ngày mình đã đi đứt hết 2 triệu, thứ gì ở đây cũng đắt hết. Một ổ bánh mì ở quê có 3 ngàn mà lên đây tận 10 ngàn. Mình phải thuê tạm chỗ ở chứ chưa tìm ra được cái nhà trọ nào bình dân cả".
Khó khăn nhất của teen là tìm nhà trọ giá bình dân, hầu hết nhà trọ gần trường đều có giá trên trời. Đang là mùa nhập học nên các nhà trọ thi nhau "chặt chém" sinh viên. Thấy nhiều teen ở quê lên thì hét giá trên trời. Thế nên những teen này đành phải chi ra một số tiền cho mấy người "cò" để có một chỗ trọ phù hợp, còn không thì phải chịu cảnh trọ xa trường học.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Kinh sợ nhà trọ bình dân
Đã tốn một khoản tiền cho mấy người cò nhưng khi được dẫn tới nơi, nhiều teen phát hoảng khi thấy mấy ngôi nhà vô cùng xập xệ, khác xa so với những lời hứa hẹn của mấy cò. Những ngôi nhà này cũ kĩ, 4 cái phòng mà chỉ có chung cái WC. Nhưng nhiều teen đành căn răng chịu đựng vì đã trả tiền cho họ 1 nửa rồi.
M. K được họ chỉ chỗ tới trọ nhưng tới nơi phát hoảng lên vì một khung cảnh đáng sợ: "Sau một hồi quằn quèo qua mấy con hẻm mới tới cái nhà trọ, khiếp nhất là phải 3, 4 cái mã vô danh. Đừng xá gì mà chẳng có đèn xung quanh, còn thấy toàn kim tiêm. Khiếp đảm tớ nói với ba tớ chuộc lại số tiền kia nhưng năn nĩ mãi họ đưa lại có 30% trong số 50% tiền cọc".
Những ngôi nhà trọ khang trang tương đối sạch sẽ thì hầu hết nằm gần trường học nhưng giá cả quá đắt, giá lên tới 1.5 triệu -2.5 triệu/tháng. Những teen nào có điều kiện thì có thể chi trả nhưng với những nhà không có điều kiện tài chính thì số tiền đó quá lớn trong khi còn phải chi tiêu nhiều thứ.
Nỗi lo của nhiều teen
Trong khi nhiều teen vẫn còn đang trong niềm vui đậu ĐH thì nhiều teen khác đang rất lo lắng liệu mình có sống nổi trong môi trường ở thành phố không, người thân thì chẳng có, bạn bè thì hoàn toàn xa lạ, chẳng thể biết được người nào tốt, người nào xấu mà tin tưởng, vật giá thì ngày càng leo thang. Tiền trọ đã ngốn một khoản khá nhiều mà còn phải mua nhiều thứ khác như chăn gối, áo quần, thau, chén, bếp... những thứ đơn giản vậy tính sơ sơ cũng gần triệu bạc.
Bước vào giảng đường ĐH là teen đã phải tiếp xúc với biết bao người khác xứ, mỗi vùng lại có những nét văn hóa khác nhau, chỉ lo rằng không hợp với mình, cũng chẳng biết người này có tốt không, tìm một người bạn thân e rằng thật khó.
Nhiều teen khi lên thành phố không chịu được cảnh khói bụi xăng dầu, xe cộ lúc nào cũng tấp nập đến chóng mặt, ngày nào cũng kẹt xe, không khí ô nhiễm khiến teen lắc đầu ngao ngán. Bấy giờ là lúc teen nhớ đến gia đình.
H.Trân tâm sự: "Nhiều lúc nhớ gia đình kinh khủng, càng nhớ thì càng thương từng đồng tiền ba mẹ kiếm được bằng mồ hôi nước mắt gửi lên cho mình, mình càng phải học thật tốt. Lúc trước ăn hoài món rau muống xào phát ớn, giờ lên đây 5 ngàn một bó ăn chẳng đã thèm."
Để khắc phục những gánh nặng cơm áo gạo tiền nhiều teen đã tìm cho mình những partime thích hợp để kiếm thêm thu nhập, đây cũng là một cách giải quyết tốt nhưng cũng không nên quá lạm dụng sa đà vào quá mà quên đi nhiệm cụ chính là việc học.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh, xa nhà teen mới thấy quý những giây phút bên gia đình lúc trước. Tuy phải trải qua nhiều khó khăn nhưng nếu teen cố gắng thì sẽ vượt qua. Môi trường sinh viên sẽ giúp teen rèn luyện được tính tự lập cho bản thân.
Theo PLXH
Nguyện vọng 2: Chọn sao cho dễ trúng tuyển? TS không nên vội vàng mà nên cân nhắc thận trọng trước các quyết định, phải có cách chọn trường và ngành hợp lý. Lựa chọn kỹ trước khi "chấp bút" Sau khi Bộ GD&ĐT công bố toàn cảnh NV2, những TS không trúng tuyển NV1 vẫn có cơ hội trở thành "tân sinh viên" nếu có một lựa chọn đúng và trong...