Tận mục bộ sưu tập linh vật cổ quý giá nhất VN (1)
Linh vật Việt Nam có nhiều loại khác nhau do người Việt sáng tạo hoặc xuất hiện trong quá trình giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa bên ngoài.
Linh vật là những sinh vật huyền thoại hoặc có thật được con người linh thiêng hóa như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, linh vật có nhiều loại khác nhau do người Việt sáng tạo hoặc xuất hiện trong quá trình giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa bên ngoài. Triển lãm Linh vật Việt Nam diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ này đến hết tháng 2/2016 quy tụ nhiều hiện vật quý giá, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về nét văn hóa đặc sắc này.
Hình chim lạc trên trống đồng Đông Sơn, khoảng 2.000 – 2.500 năm trước, phát hiện tại Thọ Vực, Ứng Hòa, Hà Nội. Chim lạc là vật tổ của cư dân Đông Sơn trong buổi đầu dựng nước Văn Lang – Âu Lạc, gắn với huyền thoại về nguồn gốc dân tộc qua tín ngưỡng thờ vật Tổ.
Hình giao long trang trí trên giáo đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn, cách đây 2.000 – 2.500 năm. Giao long được cách điệu từ cá sấu, là vật Tổ biểu trưng cho sức mạnh của cư dân Đông Sơn trong buổi đầu dựng nước Văn Lang – Âu Lạc.
Hình giao long trang trí trên tấm che ngực bằng đồng, thời kỳ Đông Sơn.
Hình rồng trang trí trên gương đồng, thế kỷ 1-3. Hiện vật khai quật tại Thiệu Dương, Thanh Hóa. Trong văn hóa Việt, con rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (long, lân, quy, phụng), được coi là nguồn gốc của người Việt theo truyền thuyết con Rồng cháu Tiên. Trong các triều đại phong kiến, con rồng là biểu tượng quyền lực của các vị vua Việt.
Hình rồng chạm trên đổ cửa bằng đá thời Lý, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057), chùa Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh.
Hình rồng trang trí trên đĩa gốm hoa lam thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
Hình rồng đắp nổi trên lư hương bằng đất nung, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.
Tượng rồng bằng vàng thời Nguyễn, thế kỷ 19-20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Video đang HOT
Tượng rồng trên ấn “Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo” bằng vàng, thời Nguyễn, niên hiệu Thiệu Trị 7 (1847), nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Hình kỳ lân trang trí trên đĩa gốm nhiều màu thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam. Theo truyền thuyết, kỳ lân là loài vật có móng guốc, thân phủ vẩy cá, là biểu tượng cho lòng nhân từ, mỗi khi nó xuất hiện là điềm báo có thánh nhân, minh quân ra đời. Hình tượng này phổ biến từ thời Lê sơ (thế kỷ 15), khi Nho giáo phát triển đến đỉnh cao.
Hình kỳ lân móng rồng trên hũ gốm hoa lam thời Lê Sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
Tượng kỳ lân bằng gỗ dùng để trang trí kiến trúc thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20.
Tượng kỳ lân trên ấn “Đề thống tướng quân” bằng đồng thời Lê sơ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1515).
Tượng rùa trên ấn “Quốc mẫu chi bảo” làm bằng bạc và vàng, thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long thứ 1 (1802), trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn. Rùa là con vật được linh hóa, biểu trưng cho sự bền vững trường tồn, thường được tạc trong thức đội bia đá, tháp Phật hoặc trang trí trên đồ vật.
Khai gốm hoa lam vẽ hình Long mã cõng Hà đồ (trái) và Thần quy chở Lạc thư (phải) thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802 – 1920). Long mã là một dáng hóa thân của kỳ lân, thường được thể hiện chạy trên sóng nước (lấy từ tích Vua Vũ trị thủy). Từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17 – 18), rùa thường xuất hiện thành cặp với long mã trong đề tài về Hà đồ – Lạc thư, cặp biểu tượng khởi nguyên của Kinh Dịch – tư tưởng triết học của người Á Đông về quy luật của sự biến đổi, được áp dụng trong nhiều mặt của cuộc sống.
Tượng long mã bằng đồng thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20.
Lá đề hình phượng bằng đất nung thời Lý, thế kỷ 11 – 13. Theo truyền thuyết, phượng là vua của các loài chim, mang nhiều đức tính, phẩm hạnh cao đẹp. Phượng chỉ xuất hiện vào thời thái bình, ẩn mình khi loạn lạc nên nó là biểu tượng cho thái bình, thịnh trị. Ngoài ra, phượng còn là hình ảnh tượng trưng cho phụ nữ quý tộc, hoàng gia thời phong kiến. Ở Việt Nam, hình tượng này xuất hiện trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật ở hầu hết các thời đại lịch sử.
Hình phượng trang trí trên đĩa gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam.
Cặp phượng chầu bằng gỗ, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18.
Hình phượng trang trí trên hộp trầu bằng vàng thời Nguyễn, niên hiệu Minh Mạng thứ 5 (1824), nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Hình chim phượng trang trí trên lống ấp vàng thời Nguyễn, thế kỷ 19 – 20, nằm trong bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn.
Tượng chó đá thời Lê Trung Hưng (trên trái), hổ đá thời Trần (trên phải), nghê đá thời Lê Trung Hưng (dưới). Chó là linh vật gần gũi với đời sống tâm linh của người Việt Nam, thường được tạc bằng đá trấn giữ trước cổng nhà hoặc cổng đình, đền, miếu… để cầu phúc, trừ tà. Một số nơi có tục thờ Chó. Hổ là loài vật được người Việt linh hóa, biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh giống như sư tử. Hổ thường được đặt trấn giữ ở cổng các công trình kiến trúc cổ. Trong điện thờ Mẫu thường có ban thờ Ngũ Hổ tượng trưng cho Ngũ Hành, trấn giữ 5 phương.
Hình ngựa có cánh trên bình gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15. Hiện vật tàu cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam. Ngựa có cánh (Pegasus) là ngựa thần biểu tượng cho sự thông thái trong văn hóa phương Tây, được truyền vào Việt Nam từ thời Lê sơ (thế kỷ 15) trên đồ gốm xuất khẩu thông qua đặt hàng của thương nhân phương Tây. Hình tượng này tiếp tục được sử dụng trong trang trí đồ gốm thời Mạc – Lê Trung Hưng.
Phù điêu tiên cưỡi hạc bằng gỗ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 – 18. Hạc vốn là linh vật của đạo Lão, tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục, trường sinh bất tử. Tuy nhiên, ở Việt Nam hạc trở thành biểu tượng của cá Phật giáo, Nho giáo… thường được mô tả đứng trên lưng rùa hoặc trong đề tài tiên cưỡi hạc ở đình làng.
Theo_Kiến Thức
Bất ngờ thú vị với hơn 40 mẫu hóa thạch cua đá
Người có cơ duyên sở hữu bộ sưu tập độc đáo này là ông Phan Thanh Toại (41 tuổi, ngụ tại TP.Đà Nẵng), chủ nhân của bộ sưu tập ốc biển lên đến hàng vạn con mà Thanh Niên Online đã giới thiệu.
Đầu năm 2011, trong một chuyến huấn luyện bơi lội ở vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), ông Toại tình cờ sở hữu được 4 mẫu hóa thạch cua đá còn nguyên vẹn hình dáng, từ những ngư dân đang kéo lưới giã cào.
Cũng từ đó, ông bắt đầu để tâm tìm hiểu về các hóa thạch cua...
Hóa thạch cua đá tìm thấy ở khu vực Cù Lao Chàm
Theo ông Toại: "Hóa thạch thường được phát hiện chủ yếu tại tầng nham trầm tích ngoài biển. Để hóa thạch, sinh vật nhất thiết phải có những bộ phận cứng, khó phân hủy như xương, vỏ..., khi chết phải lọt trong một lớp bảo vệ, để tránh khỏi những tác động phá hủy. Nếu như các phần cơ thể của chúng bị nghiền nát hoặc bị ăn mòn thì khả năng tạo thành hóa thạch của sinh vật không thể thực hiện được". 80% trong số mẫu hóa thạch cua của ông Toại giữ nguyên hình dáng, từng cái càng nhỏ, càng lớn đều nguyên vẹn...
Các mẫu cua hóa thạch cua của ông chủ yếu tìm được ở vùng biển Điện Dương, Hội An (Quảng Nam) và Đà Nẵng, được lưới giã cào kéo lên độ sâu 50 - 100 m cát. Điểm chung của các mẫu cua này là kích cỡ, tương đương 3 - 4 ngón tay.
Mong muốn những hóa thạch cua đá của mình được các nhà chuyên môn đoán định niên đại, ông Toại tìm đến với các nhà khoa học ở viện Hải dương học Nha Trang, nhưng người am hiểu về lĩnh vực này không nhiều, nên ông xoay qua tìm kiếm thông tin ở những trang mạng trong và ngoài nước.
"Có thông tin cho thấy các hóa thạch này thuộc về kỷ Pliocen cách đây hàng chục triệu năm. Nhưng tôi vẫn muốn những hóa thạch quý giá này có có cơ hội được giới chuyên môn khảo cứu, xác định niên đại một cách bài bản", ông chia sẻ.
Nếu hóa thạch cua đá tìm thấy ở biển Cù Lao Chàm có màu vàng cam đặc trưng thì các hóa thạch cua ở vùng biển Đà Nẵng lại có màu đen khác biệt . Mặc dù 2 khu vực này liền một dải biển và vị trí các hóa thạch tìm được chỉ cách nhau từ 20 - 40 km.
Hiện tại, ở Bảo tàng Hạ Long (Quảng Ninh) đang lưu giữ 4 mẫu hóa thạch cua đá do ngư dân Nguyễn Văn Bát tìm thấy ở vùng biển Đảo Quan Lạn, khu vực vịnh Bái Tử Long.
Như vậy, một cá nhân như ông Toại, sở hữu được hơn 40 mấu hóa thạch cua gần như nguyên vẹn, là một điều hiếm thấy, là một kỳ duyên.
Hơn nữa, việc toàn bộ các mẫu hóa thạch này được tìm thấy ở vùng biển miền Trung là Quảng Nam, Đà Nẵng cũng là một cơ sở dữ liệu xác đáng cho công tác nghiên cứu khảo cổ, góp một chi tiết thú vị vào bức tranh toàn cảnh về cổ môi trường và cổ sinh học của vùng biển Việt Nam.
Bài, ảnh: An Dy
Theo Thanhnien
Phát hiện nhiều cổ vật độc đáo thời cuối Lê đầu Nguyễn Một bộ sưu tập hiện vật cổ độc đáo, quý hiếm mang dấu ấn thời cuối Lê đầu Nguyễn vừa được các nhà nghiên cứu phát hiện đang lưu giữ tại một nhà thờ họ Từ Đức ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Tin tức từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, nhóm hiện vật...