Tận mắt chứng kiến giàn khoan Hải Dương 981
Từ xa, giàn khoan Hải Dương 981 như một &’quái vật’ giữa biển khơi. Bảo vệ nó, có đến hơn trăm tàu lớn nhỏ, gầm rú điên cuồng, sẵn sàng lao vào đâm các tàu làm nhiệm vụ thực thi pháp luật của Việt Nam.
Hoàng Sa, những ngày bão nổi
Trưa 27/5, chúng tôi được di chuyển sang một tàu khác để tiến sâu vào giàn khoan. Hai chiếc tàu CSB nhanh chóng ghé sát vào nhau. Thủy thủ trên tàu vội quăng dây thừng, cố dùng hết sức neo chặt 2 con tàu để cho các phóng viên dễ dàng di chuyển.
Mọi thao tác diễn ra trong chừng chưa đầy 10 phút. Tất cả đều gấp gáp.
Tôi nhận ra người quen ngay từ khi mới bước chân lên tàu 8003- anh Nguyễn Huy Trung.
Tôi gặp anh cách đây đã gần 5 năm, trong hải trình gần cả tháng trời đi tuần tra cùng lực lượng Cảnh sát biển vùng 1 trên tàu 2008 và rất quý vẻ chân chất, thật thà và hiền hậu.
Trung giờ nước da đen óng như những ngư dân ngày đêm bám biển, mái tóc bắt đầu đã hoa râm. Duy chỉ có nụ cười vẫn thế: hiền hậu và chất phác.
Vừa xách hộ một số đồng nghiệp hành lý xuống phía hầm tàu, Trung vừa kể: Mấy hôm vừa rồi, anh em trên tàu gần như không bao giờ ngủ ngon. Ngày cũng như đêm, anh em chiến sỹ đều phải căng mắt ra trên biển, theo dõi mọi hoạt động của giàn khoan và tàu TQ.
Cất xong đồ, vừa chui lên boong tàu, đã thấy Đại tá Lưu Tiến Thắng – Phó chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Cảnh sát biển chờ sẵn.
Hỏi về tình hình nơi đây những ngày qua, Đại tá Thắng bảo: “Căng lắm. Căng như dây đàn ấy. Máy bay, tàu chiến TQ gầm rú cả ngày. Đó là chưa kể đội hình tàu hải giám, hải cảnh, tàu kéo lên đến hơn 100 chiếc liên tục quấy phá trên vùng biển Việt Nam. Có thời điểm, những chiếc tàu đó còn dỡ cả bạt che pháo, chĩa nòng pháo vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và điên cuồng lao tới tấn công”.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng loa phát ra từ buồng điều khiển. Giọng của thuyền trưởng tàu 8003 cất lên sang sảng: “Bên trái, tàu Trung Quốc đang bao vây tàu Kiểm ngư của Việt Nam, anh em chú ý”.
Dứt lời, đã thấy chiếc tàu bẻ lái, rẽ trái, tiến về phía giàn khoan để giải nguy cho tàu kiểm ngư.
Tàu tăng tốc. Trong phút chốc, đã tiến gần đến đội hình tàu TQ đang bao vây, truy đuổi tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Lúc này, chúng tôi mới có dịp quan sát giàn khoan Hải Dương 981.
Hơn 100 tàu TQ được chia làm nhiều tốp nhỏ, tạo thành một vòng tròn để bảo vệ giàn khoan từ 4 hướng. Xa hơn nữa, có 2 tàu quân sự của TQ.
Mặc, thuyền trưởng tàu 8003 vẫn chỉ đạo chiến sỹ lao vào để giải nguy cho tàu gặp nạn. Chiếc tàu xé sóng, hướng về phía tàu KN 630 đang bị bao vây.
Video đang HOT
Loa phóng thanh trên tàu được bật bằng 3 thứ tiếng Việt, Trung, Anh: “Tàu nước ngoài chú ý! Lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển Việt Nam thông báo: Đây là vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Luật Biển Việt Nam và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Mọi hoạt động của các vị tại khu vực biển này là trái phép, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Yêu cầu tất cả các vị chấm dứt ngay mọi hành động và rời khỏi vùng biển Việt Nam”.
Tàu TQ dùng vòi rồng tấn công tàu thực thi pháp luật của Việt Nam
Lúc này, cách 2 hải lý, có ít nhất 12 tàu TQ với sự yểm trợ của máy bay tiến hành bao vây tàu KN 630.
3 tàu ép mạn phải, 3 tàu ép mạn trái, số còn lại khóa ở phía sau, tạo thành một gọng kìm hòng ngăn cản không cho tàu Việt Nam tiến vào giàn khoan.
Giữa vòng vây, thuyền trưởng tàu KN 630 chỉ đạo anh em chạy theo hình chữ “chi”, bất ngờ rẽ trái, quặt phải, khi thì chạy theo hình cánh cung.
Điên cuồng, một chiếc tàu TQ phía sau tăng tốc, ép sát và húc thẳng vào đuôi tàu. Cú húc mạnh khiến chiếc tàu KN630 của Việt Nam chòng chành, nước bắn lên thành cột sóng.
Chỉ khi tàu CSB 8003 tiến đến gần, đội tàu hung hăng của TQ mới tản ra, tìm cách chạy đi về phía hướng giàn khoan.
Món quà từ đất liền
Đêm nơi Hoàng Sa đến rất nhanh. Vừa thấy mặt trời mấp mé ở biển, quay lại đã thấy bị nuốt chửng từ lúc nào.
Chẳng thấy gì ngoài bóng đêm đen thẫm và tiếng sóng ì oạm vỗ vào mạn tàu.
Sau bữa cơm tối, anh em phóng viên có một chút quà từ đất liền gửi cho những người làm nhiệm vụ trên tàu.
Một phong thư của các em học sinh một trưởng tiểu học ở Hà Nội cùng nét chữ nắn nót: “Gửi các chú Cảnh sát biển. Mong các chú vững chắc tay súng để giữ vững Hoàng Sa, Trường Sa” được chuyển cho chỉ huy tàu 8003.
Phong thư ý nghĩa của các cháu học sinh
Phía trong phong thư, là số tiền ít ỏi mà các cháu dành dụm để gửi ra cho những người lính bằng tất cả tấm lòng.
Xúc động trước món quà vô cùng ý nghĩa, các chiến sỹ tàu 8003 đã tặng các cháu học sinh một lá cờ Tổ quốc thấm đẫm nắng gió và cả vị mặn mòi từ biển Hoàng Sa với dòng chữ: “Các chú rất cảm động và trân trọng tình cảm cùng tấm lòng của các cháu. Các chú hứa sẽ dũng cảm, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!”.
Lá cờ đó, một mai sẽ được chuyển về đất liền. Và trong những buổi sáng tinh sương, nó lại tiếp tục ngạo nghễ bay giữa bầu trời lồng lộng gió.
Trao xong món quà, chúng tôi nán lại trước màn hình VTV1 để xem một chương trình đặc biệt.
Chẳng là hôm nay, Đài THVN phát phóng sự về người bố đang ốm nặng của thuyền trưởng tàu 8003- Nguyễn Văn Hưng.
Bố Hưng đang bị ốm, ông vốn là thuyền trưởng của những con tàu không số huyền thoại một thời.
Hưng bảo rằng, mong vùng biển sớm bình yên, để có thể xin phép đơn vị về chăm sóc cho bố.
Cả Hưng và chúng tôi đều mong như vậy, đều muốn biển lặng yên, để cho những con tàu mải miết ra khơi, để những ngư dân bám biển không phải đối chọi với những cơn cuồng phong.
Theo Vietnamnet
Trung Quốc tiếp tục công bố tài liệu và phát ngôn bịa đặt chủ quyền Biển Đông
Trung Quốc đang tìm cách chế biến, xào xáo, tạo ra những "bằng chứng" giả để che mắt thiên hạ trước các cuộc tấn công dư luận và trên thực địa của Việt Nam.
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Các thông tin được Tân Hoa xã, TQ loan tải những ngày gần đây cho thấy, ngày 9 tháng 6, Trung Quốc cho phát ngôn viên ngoại giao Hoa Xuân Oánh tiếp tục bịa đặt, lừa đảo, nói xấu Việt Nam.
Về mớ tài liệu xuyên tạc, vu cáo được gọi là "Hoạt động của giàn khoan 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc" do Trung Quốc công bố ngày 8 tháng 6, bà Oánh tuyên truyền xuyên tạc với những luận điệu khó chấp nhận, khác xa thực tế cho rằng:
"Trung Quốc luôn tập trung cho thông qua trao đổi song phương để xử lý thỏa đáng vấn đề có liên quan"; rằng, ngày 2 tháng 5 năm 2014, Việt Nam bắt đầu "quấy rối mạnh mẽ" hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc, đến nay, "Trung Quốc luôn giữ kiềm chế, đồng thời đã tiến hành hơn 30 lần trao đổi với phía Việt Nam, đưa ra giao thiệp nghiêm túc với Việt Nam, yêu cầu Việt Nam chấm dứt tất cả quấy rối dưới mọi hình thức đối với hoạt động của phía Trung Quốc, rút tất cả tàu và nhân viên ở hiện trường".
Bà Oánh tỏ ra trịch thượng và tiếp tục luận điệu lòe bịp thiên hạ cho rằng: "Nhưng, Việt Nam không hề bớt phóng túng, ngày càng táo tợn, một mặt gia tăng hoạt động quấy rối, phá hoại ở hiện trường, mặt khác trắng trợn bịa đặt nói xấu ở quốc tế, tiến hành bôi nhọ và công kích vô lý Trung Quốc. Trong tình hình đó, chúng tôi cần thiết nói rõ chân tướng sự thực cho cộng đồng quốc tế, để nghe cho đúng".
Bà Oánh còn muốn tiếp tục bôi đen hình ảnh của Việt Nam khi nhắc lại sự kiện biểu tình phản đối Trung Quốc ở một số tỉnh của Việt Nam trong tháng 5, đồng thời lại đòi tiền "bồi thường".
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
Được biết, Trung Quốc đã xào xáo, chế biến ra cái mớ tài liệu gọi là "bằng chứng" mang tên "Hoạt động của giàn khoan 981: Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc", rồi cho công bố trên trang mạng Bộ Ngoại giao vào ngày 8 tháng 6.
Tài liệu này xuyên tạc cho rằng, Trung Quốc là nước "phát hiện sớm nhất, khai thác làm ăn sớm nhất, quản lý sớm nhất" quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cho rằng, chính quyền Bắc Tống của họ (năm 960-1126 Công nguyên) đã đặt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong "phạm vi quản lý" của họ, điều cả "thủy quân" đến tuần tra vùng biển này. Cho rằng, năm 1909 đề đố "thủy quân" nhà Thanh Trung Quốc là Lý Chuẩn cũng dẫn quân thị sát quần đảo Hoàng Sa và "cắm cờ bắn pháo" trên đảo Phú Lâm, "tuyên bố chủ quyền"....
Cứ bịa như vậy, nên Trung Quốc cho rằng, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã xâm chiếm "quần đảo Tây Sa" của Trung Quốc. Do đó theo các "văn kiện quốc tế" sau khi Nhật Bản đầu hàng thì Trung Quốc phải "thu hồi" chúng...
Tài liệu này còn xuyên tạc cho rằng, trước năm 1974, Việt Nam không hề "dị nghị" về "chủ quyền quần đảo Tây Sa" của Trung Quốc (đây là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Ngoài ra, Trung Quốc bịa đặt cho rằng, "ngày 15 tháng 6 năm 1956, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm khi đó còn thừa nhận "quần đảo Tây Sa", "quần đảo Nam Sa" của Trung Quốc (thực ra là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Lộc cũng nói với phía Trung Quốc như vậy".
Đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - quần đảo này bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược năm 1974 khi Việt Nam đang tập trung cho chống Mỹ cứu nước.
Tài liệu Trung Quốc còn bịa đặt cho rằng, ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố về độ rộng của lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lý và nó có nhắc đến "quần đảo Tây Sa" (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).
Ngoài ra, tài liệu này còn cho rằng, ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng khi đó đã gửi "thông điệp" cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai cho rằng, Chính phủ Việt Nam thừa nhận tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc.
Về việc Việt Nam và Philippines tổ chức giao lưu thi đấu thể thao ở quần đảo Trường Sa, bà Oánh cho rằng, hoạt động này là một động thái nhỏ, là một "trò hề vụng về".
Đồng thời bà Oánh lại rao rảng như đang ở trên mây rằng: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển xung quanh". Bà ta lớn tiếng yêu cầu Philippines và Việt Nam "chấm dứt bất cứ hành vi khiêu khích, gây sự nào", "tuân thủ nghiêm túc DOC, không tiến hành bất cứ hành vi làm cho tranh chấp thêm phức tạp và mở rộng nào".
Tuy nhiên, điều đáng xấu hổ cho TQ là những gì Trung Quốc nói không giống những gì Trung Quốc làm, đều là giọng lưỡi của những kẻ bịp bợm, bày đặt muốn nước khác phải tuân thủ COC nhưng bản thân mình tay còn đang "vấy bẩn" cực độ.
Về việc có tin cho là Trung Quốc muốn đầu tư lớn xây dựng sân bay ở Đá Chữ Thập, bà Oánh ráo hoảnh cho là chưa thấy có thông tin gì, không thể chứng thực tính chân thực của thông tin này, nhưng bà lại đi lừa đảo rằng: "Nếu Trung Quốc muốn tiến hành hoạt động gì ở đảo, đá ngầm có liên quan thì cũng hoàn toàn là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc".
Trung Quốc cho tàu chiến, máy bay quân sự, tàu hải cảnh... xâm lược vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. Trong hình là tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054A cùng với máy bay trực thăng của Hạm đội Nam Hải hộ tống cho giàn khoan 981 xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Theo Giáo Dục
Tuần báo Bắc Kinh: Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc?! Trương Kiệt cho rằng: "Trung Quốc không có khả năng đe dọa sự phát triển kinh tế của Việt Nam". Hình minh họa. Tờ Tuần báo Bắc Kinh ngày 9/6 đăng bài xuyên tạc, vu cáo Việt Nam trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam...