Tân Mai Group và các thương vụ “30 – 70″
Điểm chung tại nhiều dự án bất động sản do Tân Mai Group đầu tư là việc doanh nghiệp này tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong liên doanh. Trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhiều lần thoái vốn tại Tân Mai Group (Ảnh: Internet)
NXB Giáo dục muốn thoái vốn
Đây không phải là lần đầu tiên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) muốn thoái vốn khỏi CTCP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) – một doanh nghiệp “gốc” Nhà nước nhưng các cổ đông Nhà nước từ lâu đã không còn nắm quyền chi phối.
NXBGDVN đang thực hiện phương án tái cơ cấu lại giai đoạn 2018 – 2022, với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thuộc lĩnh vực xuất bản, kinh doanh các sản phẩm phục vụ ngành giáo dục. Trong đó, NXBGDVN sẽ thực hiện việc cơ cấu lại danh mục đầu tư, thoái vốn ở những đơn vị kinh doanh kém hiệu quả.
Ngày 6/12, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố thông tin về việc tổ chức bán đấu giá cổ phần của CTCP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) do NXBGDVN sở hữu.
Cụ thể, NXBGDVN sẽ đem bán đấu giá 7.216.576 cổ phần của Tân Mai Group (tương đương 8.1% vốn điều lệ) với mức giá khởi điểm là 11.500 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 27/12/2019.
Trước đó, vào tháng 10/2016, NXBGDVN cũng tiến hành chào bán đấu giá số cổ phần trên của Tân Mai Group nhưng với mức giá khởi điểm thấp hơn, ở mức 10.350 đồng/cổ phiếu.
Theo thông tin công bố trên HNX, tính đến ngày 30/6/2019, bên cạnh NXBGDVN, một cổ đông Nhà nước khác cũng đang nắm giữ cổ phần của Tân Mai Group là Tổng Công ty Giấy Việt Nam – Công ty TNHH MTV, với tỷ lệ sở hữu 22,74% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, các cổ đông Nhà nước không phải là những doanh nghiệp nắm quyền sở hữu tại Tân Mai Group.
CTCP Đồng Nai (Codona) và Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Codona là bà Nguyễn Thị Phi Yến (sinh năm 1963) hiện đang nắm giữ tổng cộng hơn 49,34 triệu cổ phần, tương đương 55,39% vốn điều lệ của Tân Mai Group.
Được biết, Codona là một doanh nghiệp lâu đời, thành lập từ năm 1996, đăng ký địa chỉ trụ sở tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Phường An Bình, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai.
Tính đến tháng 8/2017, quy mô vốn của công ty này ở mức 587,45 tỷ đồng, do 3 cổ đông cá nhân góp vốn là: Nguyễn Thị Phi Yến, Nguyễn Quang Phi và Trần Đức Thịnh. Trong đó, bà Nguyễn Thị Phi Yến và ông Trần Đức Thịnh đăng ký cùng hộ khẩu thường trú tại Khu phố 2, Đường 5, Phường An Bình, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai. Còn ông Nguyễn Quang Phi cũng đăng ký thường trú cách đó không xa.
Đáng chú ý, bà Yến còn là cổ đông lâu năm của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietaBank), với việc sở hữu 740.211 cổ phiếu, mã số cổ đông là 1988. Ông Trần Đức Thịnh (sinh năm 1962) nhiều năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT và người đại diện cho Tân Mai Group.
Bước ngoặt của Tân Mai Group
Tân Mai Group tiền thân là Công ty Kỹ Nghệ Giấy Việt Nam ( Cogivina) được thành lập từ tháng 10/1958. Tới năm 2006, Cogivina được cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần theo quyết định số 3086/QĐ-BCN ngày 30/9/2005 của Bộ Công nghiệp.
Bước ngoặt của công ty có lẽ bắt đầu từ tháng 10/2012, khi Nhà máy Giấy Tân Mai phải ngừng sản xuất để thực hiện di dời ra khỏi thành phố Biên Hòa. Tân Mai Group cho biết, doanh nghiệp cũng bắt đầu phát sinh lỗ lũy kế kể từ năm này. Tính đến ngày 31/12/2018, Tân Mai Group ghi nhận khoản lỗ lũy kế là 292,4 tỷ đồng.
Số lỗ lũy kế này có thể còn lớn hơn nếu năm 2017, doanh nghiệp không ghi nhận khoản lãi bất thường từ chuyển nhượng dự án bất động sản (540 tỷ đồng) và khoản miễn giảm lãi vay của VietinBank – Chi nhánh Đồng Nai (179 tỷ đồng).
Tân Mai Group vẫn cố gắng theo đuổi lĩnh vực kinh doanh chính với việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất bột giấy và giấy tại nhiều địa phương. Song, hoạt động đầu tư xây dựng ở nhiều dự án không được thuận lợi.
Đơn cử như việc đầu tư xây dựng nhà máy (dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi) tại CTCP Tân Mai Miền Trung, với chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận đến cuối năm 2018 là hơn 4.068 tỷ đồng. Ngày 26/4/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định chấm dứt hoạt động của dự án này với lý do nhà đầu tư thực hiện đầu tư chậm tiến độ.
Video đang HOT
Đối với dự án nhà máy giấy Tân Mai Lâm Đồng tại Cụm Công nghiệp Đạ Oai (huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng), ngày 21/1/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với lý do nhà đầu tư không đủ khả năng tài chính để tiếp tục đầu tư và triển khai.
Phối cảnh dự án nhà máy bột giấy Tân Mai – Lâm Đồng do Tân Mai Group làm chủ đầu tư (Ảnh: tanmaipaper.com)
Ở một hướng đi khác, Tân Mai Group thực hiện hợp tác đầu tư khai thác lâm nghiệp và các dự án bất động sản dựa trên quỹ đất “khủng” mà công ty sở hữu tại nhiều địa phương.
Được biết, Tân Mai Group đang quản lý 30.846,22 ha đất rừng, bao gồm 21.783,02 đất có rừng và 9.063,20 ha đất chưa có rừng. Việc trồng rừng và khai thác lâm nghiệp của công ty cũng gặp nhiều rủi ro.
Năm 2016, do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài khiến hơn 2.748,91 ha rừng trồng nguyên liệu giấy của công ty bị chết khô. Tổng giá trị thiệt hại được công ty ghi nhận trong năm 2017 là 102,2 tỷ đồng.
“Công thức” liên doanh đầu tư bất động sản 30 – 70
Điểm chung tại nhiều dự án bất động sản do Tân Mai Group đầu tư là việc doanh nghiệp này tham gia góp quyền thuê, quyền sử dụng đất để nắm giữ 30% vốn trong liên doanh. Trong khi đối tác sẽ góp 70% vốn bằng tiền mặt để đầu tư xây dựng dự án.
Ngày 6/10/2016, Tân Mai Group đã ký kết 2 hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Thuận Lợi) để khai thác các quỹ đất tại Đồng Nai (bao gồm: 182.977,3 m2 đất tại KCN Biên Hòa 1 và 7.485,3 m2 đất thuộc thửa đất số 4A, tở bản đồ số 46/BĐĐC) và Bình Dương (66.554,4 m2 đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL557867 do UBND tỉnh Bình Dương cấp ngày 14/1/2008).
Trong đó, Tân Mai Group góp 30% vốn bằng quỹ đất, với giá trị được 2 bên xác nhận là 351,567 tỷ đồng (quỹ đất tại Đồng Nai là 286 tỷ đồng, quỹ đất tại Bình Dương là 65,567 tỷ đồng). Thuận Lợi góp vốn bằng tiền ở giai đoạn thành lập công ty cổ phần và bổ sung vốn điều lệ để thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Thuận Lợi được thành lập vào tháng 12/2012, đăng ký địa chỉ trụ sở tại đường Đồng Khởi, phường Hòa Phú, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thuận (sinh năm 1967).
Tính đến tháng 10/2019, quy mô vốn của Thuận Lợi là 520 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 3 cổ đông cá nhân có nhiều mối liên hệ chặt chẽ là: Đặng Thị Kim Oanh (sở hữu 40% VĐL), Nguyễn Thị Nhung (sở hữu 20% VĐL) và Nguyễn Thuận (40% VĐL).
Bà Đặng Thị Kim Oanh (sinh năm 1970) là Tổng Giám đốc và người đại diện của CTCP Dịch vụ – Thương mại và Xây dựng địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Real) – một nhà phát triển bất động sản có tiếng ở Đồng Nai, Bình Dương và Tp. HCM.
Chân dung nữ doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh (Ảnh: Internet)
Được biết, Tân Mai Group và Thuận Lợi đã góp vốn thành lập CTCP Tân Thuận Bình Dương (ngày 21/4/2016) và CTCP Tân Thuận Đồng Nai (ngày 5/4/2017) để thực hiện các dự án ở 2 địa phương nêu trên.
Những diễn biến sau đó cho thấy, nhiều khả năng Tân Mai Group đã chuyển nhượng toàn bộ 30% cổ phần cho Thuận Lợi. Bởi, tính đến ngày 31/12/2018, Tân Mai Group chỉ ghi nhận khoản đầu tư duy nhất vào công ty liên kết là CTCP Bất động sản Tân Mai (Tân Mai Real).
Đáng chú ý, Tân Mai Real cũng là một khoản đầu tư theo “công thức liên doanh 30 – 70″ khác của Tân Mai Group.
Cổ đông tại Tân Mai Real có gì đặc biệt?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tân Mai Real được thành lập vào tháng 12/2015, đăng ký quy mô vốn điều lệ là 600 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, Tân Mai Real đã điều chỉnh quy mô vốn xuống chỉ còn 477 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông sáng lập của công ty bao gồm: CTCP Thương mại – Sản xuất xây dựng Hưng Thịnh (viết tắt: Hưng Thịnh Co, góp 10% VĐL); Tân Mai Group (góp 30% VĐL); CTCP Mai Và Cộng sự (viết tắt: Mai&Co, góp 30% VĐL) và ông Bùi Hoàng Lợi (góp 30% VĐL).
Trong đó, Tân Mai Group tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất và quyền khai thác mặt bằng trên khu đất có diện tích 87.355 m2 tại phường Thống Nhất, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai với tổng giá trị được thỏa thuận là 150 tỷ đồng.
Ngày 21/6/2017, Tân Mai Group đã chuyển nhượng cho Tân Mai Real phần lợi thế quyền sử dụng đất và quyền khai thác mặt bằng trên diện tích 55.307,8 m2 tại khu đất trên, với giá trị chuyển nhượng là hơn 104,49 tỷ đồng.
Hưng Thịnh Co được thành lập vào năm 1994, người đại diện của công ty là ông Bùi Mạnh Lân (sinh năm 1957) hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của Tân Mai Real dù pháp nhân này chỉ tham gia góp 10% vốn điều lệ.
Công ty Mai&Co được thành lập vào năm 2013, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tỉnh Bình Dương. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty này là bà Mai Thị Thanh Thúy (sinh năm 1976) có địa chỉ thường trú tại tỉnh Bình Dương.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, bà Mai Thị Thanh Thúy còn nắm giữ 8,75 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF).
DRH – TTF – KSB: “Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau”?
Năm 2017, nhóm cổ đông Unigroup của ông Mai Hữu Tín – một doanh nhân “gốc” Bình Dương khác – đã từng bước thâu tóm TTF sau những lùm xùm liên quan đến việc “bốc hơi” cả nghìn tỷ đồng hàng tồn kho, gây rúng động thị trường chứng khoán.
Nhiều khả năng, bà Mai Thị Thanh Thúy là 1 trong số 12 nhà đầu tư cá nhân đã đăng ký mua vào 100 triệu cổ phần TTF với giá bằng mệnh giá thời điểm cuối năm 2017, góp phần giúp cho CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành “trụ lại” sàn HOSE.
Ngoài ra, Tân Mai Group và các công ty con còn tham gia nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực bất động sản.
Tháng 8/2018, CTCP Tân Mai Miền Đông (Tân Mai Miền Đông) đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP DRH Holdings nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển, quản lý vận hành và kinh doanh Dự án Khu dân cư biệt thự do Tân Mai Miền Đông làm chủ đầu tư. Trong đó, Tân Mai Miền Đông tham gia góp 72 tỷ đồng bằng quyền sử dụng đất, còn DRH Holdings góp 168 tỷ đồng bằng tiền.
Tuy nhiên, tới tháng 10/2018, hai công ty này đã tiến hành thanh lý hợp đồng.
Tương tự, dự án khu logistics có diện tích 348.314 m2 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai của Tân Mai Group cũng bị nhà đầu tư đề nghị hủy thỏa thuận hợp tác. Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện phát sinh quá nhiều khó khăn bởi thủ tục pháp lý phức tạp và kéo dài.
Hiện, Tân Mai Group đang làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để xin chuyển mục đích sử dụng đất và quy hoạch xây dựng khu đất này từ đất sản xuất kinh doanh sang đất dân cư./.
Theo Viettimes.vn
GS. TS. Phạm Tất Dong: Tôi không hiểu lý do vì sao Sở GD&ĐT lại nhận tiền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam!
Những ngày vừa qua, thông tin về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về tính minh bạch trong lựa chọn sách giáo khoa (SGK).
Để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
GS. TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, trong đó có các lãnh đạo của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
- Tôi không đồng tình với việc các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh "nhảy" vào làm SGK. Bởi trong quá trình biên soạn sách sẽ có từng nhóm tác giả. Nhóm tác giả này do nơi nào đứng ra tổ chức thì nơi đó chi tiền.
Nhóm tác giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thể mời những chuyên gia viết sách để thực hiện bộ sách và chi thù lao cho họ chứ không phải chi thù lao cho các lãnh đạo của Sở GD&ĐT. Bởi các lãnh đạo của Sở GD&ĐT không có chức năng, nhiệm vụ biên soạn SGK để được nhận thù lao hàng tháng.
Tôi không hiểu lý do vì sao Sở GD&ĐT lại nhận tiền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sắp tới UBND các tỉnh sẽ chọn SGK được sử dụng trong năm học 2020-2021. Nếu địa phương đứng ra chọn sách thì cũng phải đề xuất ý kiến lên Sở GD&ĐT để quyết định. Nếu Sở GD&ĐT có quyền chọn SGK sau khi nhận thù lao hàng tháng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sẽ gây ra rất nhiều nghi ngờ cũng như bức xúc trong dư luận.
Bởi sẽ có những bộ sách khác hay hơn nhưng không được chọn chỉ vì Sở GD&ĐT đã nhận thù lao của Nhà xuất bản.
GS. TS. Phạm Tất Dong
Khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT như vậy, liệu việc lựa chọn SGK có còn công bằng, chính xác đươck không, thưa ông?
- Theo tôi biết, đến năm 2018 Bộ GD&ĐT mới chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Thế nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bắt đầu thành lập Ban biên soạn bộ SGK miền Nam và chi thù lao từ năm 2015.
Thông thường, có chương trình thì mới bắt đầu viết sách. Nếu chương trình chưa công bố thì không có căn cứ để viết sách cũng như thành lập Ban biên soạn SGK.
Vì thế, nếu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh trước khi chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố, trước khi viết sách thì số tiền ấy được sử dụng để làm gì? Đó là điều mà tôi cũng như tất cả người dân đang thắc mắc và cần câu trả lời từ Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh.
Sách giáo khoa
Có ý kiến cho rằng, giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh có sự "thông đồng" với nhau khi thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh và chi tiền hàng tháng từ năm 2015. Ông suy nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Tôi cho rằng, nếu thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội thì Bộ GD&ĐT phải có một bộ SGK riêng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Bộ GD&ĐT đã vay 16 triệu USD từ ngân hàng thế giới nhưng bộ sách lại không thực hiện được.
Khi Bộ GD&ĐT không có bộ sách riêng thì mới chuyển cho các nhà xuất bản thực hiện biên soạn sách, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK.
Từ năm 2015, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã "phục kích", tiến hành chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh. Nếu TP. Hồ Chí Minh không giải trình được việc này tức là đã có sự thông đồng với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để sử dụng bộ SGK của nhà xuất bản này trong năm học tới.
Hiện nhiều phụ huynh đang rất lo lắng về SGK mà con mình sẽ sử dụng trong năm học tới sau khi thông tin về việc Nhà xuất bản chi tiền cho lãnh đạo Sở GD&ĐT. Ông có thể đưa ra lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh trong thời điểm này?
- Đến thời điểm hiện tại, tôi không hiểu được cách quản lý của Nhà nước về vấn đề này là thế nào. Vì thế, các bậc phụ huynh đang rất lo lắng về con mình sẽ dùng sách gì.
Nếu tôi là phụ huynh học sinh, tôi cho rằng Bộ GD&ĐT phải làm thế nào chọn được bộ sách hay nhất, khoa học nhất, có ý nghĩa, có tính dân tộc để học sinh học. Nếu Bộ GD&ĐT không công tâm, khách quan, minh bạch thì sẽ không lựa chọn những bộ SGK có chất lượng và vì lợi ích của học sinh cũng như toàn ngành giáo dục.
Chiều 7/12, trao đổi với PV VietTimes, GS. Hồ Ngọc Đại cho biết: "Tôi có biết thông tin về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao cho Ban biên soạn bộ SGK miền Nam, trong đó có các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên tôi chưa tìm hiểu rõ vì vấn đề này không phải là chuyên môn của tôi."
Theo viettimes
NXB chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam: Đại biểu Quốc hội: Cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ Thông tin về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, mà VietTimes đưa ra đã khiến dư luận sục sôi. Chia sẻ với VietTimes, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đặt ra câu hỏi về tính khách...