Tận dụng thực phẩm ‘cây nhà lá vườn’ trong dịch Covid-19
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan ra các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, các bạn trẻ và gia đình tại vùng quê tận dụng những sản vật tự trồng, tự nuôi…để làm nguồn thực phẩm cho những ngày giãn cách xã hội.
Người nhà quê ra vườn lượm trứng vịt để có cái ăn trong mùa dịch Covid-19. Ảnh NGUYỄN ĐIỀN
Ra vườn hái rau, nhặt trứng
Gia đình của các bạn trẻ ở vùng quê tận dụng mọi thứ nông sản tại nhà để có được những bữa cơm đủ chất trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng và giá cả các loại thực phẩm tăng cao.
Ung Thị Kim Thoa, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết cô đã từ TP.Cần Thơ trở về nhà tại H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, để tránh dịch Covid-19, nhưng gần khu vực cô sinh sống cũng vừa có ca nghi nhiễm.
“Để hạn chế đến nơi tập trung đông người như chợ và tiết kiệm chi phí sinh hoạt, tôi ra sau vườn hái rau, nhặt trứng từ bầy vịt cũng đủ để có được bữa cơm ngon. Còn cha tôi thì mang lưới, cần câu ra ao sau vườn để bắt cá làm khô, gà vịt nuôi cũng khá nhiều nên có thể giúp gia đình tôi nhẹ lo về chuyện ăn uống trong mùa dịch này”, Kim Thoa kể.
Nữ sinh viên cảm thấy may mắn khi được trở về nhà trong thời gian này vì có rất nhiều người phải mắc kẹt lại thành phố chật vật với cái ăn hàng ngày. Cô hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi để những người xa quê được trở về với gia đình.
Ra sau vườn đốn măng, vài con khô,..là đã có bữa ăn đủ chất. Ảnh NVCC
“Hy vọng khi đồ ăn hết thì dịch Covid-19 cũng hết!”
Trở về nhà tránh dịch trước khi TP.HCM có lệnh giãn cách xã hội, cô giáo Đặng Thùy Trang (23 tuổi) không ngờ quê nhà ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Thế là, cả xóm hạn chế ra đường, ở nhà có gì ăn nấy.
Video đang HOT
Hơn 20 ngày qua, cả nhà cô Thùy Trang chỉ ăn 2 món chính là gà thả vườn và tôm nuôi dưới ao. “Cha tôi có nuôi một đàn gà thả vườn, thế là mỗi ngày một món gà luộc, gà sả ớt, gà kho gừng,…đến nổi khi nghe tới chữ “gà” là cả nhà ai cũng ớn lạnh”, Thùy Trang chia sẻ.
Tuy thực phẩm không phong phú như ngày thường nhưng cô giáo trẻ cảm thấy bản thân may mắn hơn rất nhiều người trong vùng tâm dịch phải xếp hàng giữa trời nắng hàng giờ liền để có cái ăn.
Sau khi “xử lý” hết đàn gà ta, gia đình cô tính tới phương án “vét sạch” ao tôm nuôi trước nhà. “Mỗi ngày một món tôm. Tôi hy vọng khi tôm hết thì dịch cũng hết”, Thùy Trang nói.
Ngoài nguồn thức ăn từ vật nuôi, gia đình cô còn trồng thêm các loại như rau muống, cải,…và hái thêm rau vườn để có được bữa ăn đủ chất.
Không quá cầu kỳ, món cá kho mặn mòi cũng đủ ấm lòng vượt qua mùa giãn cách. Ảnh NGUYỄN ĐIỀN
Hồ Thị Phương Giang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cảm thấy hoang mang khi quê cô ở tỉnh Bình Phước có ca dương tính với Covid-19.
Để hạn chế ra đường trong những ngày này, gia đình cô mua cá về làm khô, linh hoạt chế biến các món ăn từ những thứ sẵn có trong vườn nhà như hạt điều, măng tre…
“Chỉ cần chịu khó ra sau vườn kiếm ít rau nấm, đốn vài cây măng là gia đình cũng đã có cái ăn để hạn chế đến những khu chợ đông đúc. Việc ăn uống bây giờ chỉ cần đủ chất, duy trì được sức khỏe tốt và điều quan trọng trên hết là mỗi người phải ý thức để ngăn chặn việc lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Tuy có phần thiếu thốn nhưng ở quê nhà vẫn hơn”, Phương Giang nói.
Phương Giang hy vọng mọi người dân giữ tinh thần lạc quan, nghiêm túc thực hiện việc giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 để cuộc sống được sớm trở lại bình thường.
Tiểu thương ngoại tỉnh mong nhận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng tại TPHCM
Phải ở nhà phòng dịch hơn một tháng khiến gia đình chị Tuyết Vân mất thu nhập. Chị đi khắp nơi vay được 3 triệu để lo phí sinh hoạt hàng ngày và mong sớm nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.
Mất hoàn toàn thu nhập
Trong căn phòng trọ nhỏ trên đường An Phú Đông 9 (quận 12,TPHCM), chị Phan Thị Tuyết Vân (51 tuổi) đang tranh thủ chiên xong phần cá để cả nhà chuẩn bị ăn tối. Từ đầu năm đến nay, thu nhập từ việc bán rau, bán gà dạo của gia đình chị Vân cứ giảm dần theo diễn biến của dịch Covid-19.
Trước đây, cứ 2h sáng hàng ngày chị Vân ra chợ đầu mối mua khoảng 20kg rau. Vợ chồng chị chất lên chiếc xe đạp cũ đạp dạo đi bán đến khi hết hàng thì về. Mỗi tháng chị có thu nhập khoảng 3 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, việc bán rau cứ chậm dần. Nhiều ngày chị phải đổ bỏ cả đống rau ế sau một ngày mưu sinh.
Chị Tuyết Vân bị đảo lộn cuộc sống vì hơn 1 tháng mất thu nhập.
"Giá rau thì ngày càng lên nên việc buôn bán của tôi gặp nhiều khó khăn. Cũng may ở gần phòng trọ có một lò mổ gà nên vợ chồng tôi quyết định đi bán thịt gà để mong thu nhập ổn định hơn", chị Vân tâm sự.
Mặc dù, việc buôn bán gà giúp gia đình chị Vân có thu nhập ổn định hơn. Nhưng chị cũng phải dậy sớm đến lò mổ để "tranh thủ" mua những phần thịt tươi ngon. Nếu ra trễ thì có nguy cơ là không còn thịt để chị Vân mua.
"Một ngày đẩy xe bán thực phẩm dạo giúp tôi kiếm được hơn 100.000 đồng. Nhưng thời điểm dịch bùng phát thì buôn bán ế ẩm, tôi có chào mời thì cũng không có khách. Đỉnh điểm cả một tháng nay, tôi chỉ ở nhà và không có thu nhập", chị Vân than thở.
Mọi chi phí trong gia đình đều được chị Vân tiết kiệm tối đa.
Hiện tại, chị Vân phải đi vay khắp nơi số tiền 3 triệu đồng để trang trải chi phí và gửi về quê và phải trả dần 50.000 đồng/ngày. Điều này, đã làm cho cuộc sống của chị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn.
Cũng như chị Vân, chị Nguyễn Thị Tú (55 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cũng phải nghỉ bán rau gần 2 tháng nay. Hai tháng mất thu nhập, chị Tú không có tiền để gửi về quê Thái Bình nuôi 4 người con.
Chị Tú nghỉ bán rau gần 2 tháng nay để phòng chống dịch Covid-19 nên không có tiền gửi về quê nuôi con.
"Mỗi tháng tôi thường gửi về quê cho ông bà nội 4-5 triệu đồng để nuôi 4 đứa nhỏ. Giờ không có thu nhập nên đành nhờ ông bà chăm dùm, khi nào có tiền tôi gửi về sau. Giờ các chợ chưa được hoạt động nên không biết cuộc sống sắp tới sẽ ra sao", chị Tú than thở.
Chị Vân mong được nhận hỗ trợ tại TPHCM để giảm bớt chi phí khi về quê làm thủ tục.
Mong sớm nhận được hỗ trợ ở TPHCM
Vốn là người không rành về công nghệ, nên chị Vân hầu như chưa nắm được thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ của Chính phủ. Khi được trao đổi về việc sẽ trong diện được hỗ trợ, chị Vân khá vui mừng nhưng cũng băn khoăn.
Hộ khẩu ở Tiền Giang nên chị không biết có được hỗ trợ ở TPHCM hay phải về Tiền Giang để nhận. Chị mong được nhận tiền ở tại TPHCM vì nếu phải về quê thì sẽ rất tốn kém chi phí đi lại.
"Tôi rất mong sẽ được tiếp cận với gói hỗ trợ này càng nhanh càng tốt. Vì nếu có số tiền hỗ trợ của Chính phủ thì tôi có thể trả nợ và trang trải chi phí sinh hoạt. Tôi cũng an tâm bám trụ tại TPHCM để chờ qua dịch có thể buôn bán trở lại", chị Vân hi vọng.
Chị Tú mong có thể nhận hỗ trợ tại TPHCM vì nếu phải về Thái Bình làm hồ sơ sẽ rất mất thời gian.
Cùng tâm tư về vấn đề trên, chị Tú cũng cho biết chưa được phổ biến cụ thể về gói hỗ trợ nên chưa biết mình sẽ nhận hỗ trợ ra sao. Chị Tú cũng mong có thể đáp ứng được các điều kiện để được hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế.
"Tụi tôi vào đây mưu sinh và hầu hết ở nhà trọ. Nhiều người cũng không đăng ký tạm trú nên không rõ có thể nhận được hỗ trợ ở đây hay không. Nếu Nhà nước có hướng hỗ trợ cho những người không có tạm trú được nhận hỗ trợ tại đây thì hay quá", chị Tú tâm sự.
Chị Tú cũng gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã quan tâm đến những lao động tự do như chị và có hướng hỗ trợ. Chị Tú cho rằng gói hỗ trợ sẽ mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dân, đặc biệt những lao động bị giảm 100% thu nhập như chị.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Chưa có căn cứ khoa học nói Covid-19 lây từ nông sản sang người Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, căn cứ khoa học và thực tiễn thì chưa có công bố nào nói Covid-19 trên vỏ bao bì hàng hóa, trên các mặt hàng nông sản lây sang người. Sáng nay (31/5), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có trao đổi với phóng viên...