Tận dụng thời cơ kiểm soát dịch bệnh để phát triển sản xuất kinh doanh
Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng lại quy trình sản xuất kinh doanh, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn… trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Sáng 20/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp, thảo luận về các biện pháp “chung sống” với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho người dân nhưng vẫn phát triển được kinh tế- xã hội.
Kiểm soát tình hình nhưng không được chủ quan
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy: Trong tuần qua (13-19/4), cả nước chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 59 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Số mắc mới trong tuần cao nhất được ghi nhận vào ngày 13/4 với 5 trường hợp.
Ba ngày sau đó, mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm một trường hợp và liên tiếp 3 ngày từ 17-19/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Điều đó cho thấy, tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và cho thấy hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.
Tuy nhiên, cần tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát hiện như tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội); rà soát, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với các ca mắc mới gần đây. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã lây lan ra cộng đồng, do vậy vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm, có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào.
Video đang HOT
Điều này đòi hỏi các cơ quan y tế, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi người dân, không được phép chủ quan, lơ là.
Thời gian tới, việc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội cần phải được tiến hành phù hợp với từng địa phương, theo từng bước, theo mức độ đánh giá nguy cơ của từng địa bàn nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế và kiểm soát dịch hiệu quả nhất.
Đối với trường hợp bệnh nhân thứ 188 tái dương tính sau khi ra viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Bệnh nhân sau 2 lần xét nghiệm âm tính đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đưa về cách ly tại nhà tại Thường Tín, Hà Nội.
Trong thời gian đang cách ly tại nhà, bệnh nhân này có biểu hiện ho, khó thở. CDC Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm và kết quả ngày 17/4 dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) vào ngày 18/4. Bệnh nhân đã được xét nghiệm lại tại bệnh viện vào lúc 13 giờ cùng ngày.
Xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ Ngã Tư Sở. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Sáng 19/4, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Real- time PRC của bệnh nhân đã cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 20/4, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm tiếp.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay, các cơ sở y tế thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, chữa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám đều có nguy cơ lây nhiễm… tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt, cúm.
Bộ Y tế đã lập hai đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát tất cả bệnh viện thuộc Bộ; phối hợp với các sở y tế để giám sát các cơ sở y tế địa phương, chấn chỉnh ngay những trường hợp không tuân thủ đầy đủ.
Các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chính quyền địa phương căn cứ vào hướng dẫn của ngành Y tế có quy định bổ sung. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm nếu xảy ra lây nhiễm trong cơ sở y tế.
Bảo đảm an toàn khi đi lại, du lịch, sản xuất kinh doanh
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để các doanh nghiệp khác tham khảo nhằm tổ chức sản xuất lại trong thời gian tới. Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng lại quy trình sản xuất kinh doanh, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn… trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn dự phòng COVID-19 trong cơ sở sản xuất; xây dựng bảng điểm về phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp…
Dù vậy, để bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Công Thương cần tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, giám sát đơn vị sản xuất trên địa bàn.
Nhiều thành viên Ban Chỉ đạo nêu, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do, người bán rong… sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể bảo đảm hoạt động, làm việc trở lại.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Công Thương cần có văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn; cụ thể đối với loại hình nhà máy, công xưởng hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón…
Các địa phương chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm ra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng, chống dịch đối với nhóm các cửa hàng, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (sửa xe máy, cắt tóc), lao động tự do, bán hàng rong… trên địa bàn. Trách nhiệm của chính quyền các tỉnh, thành phố rất lớn, tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương để có các quy định, hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, không được bỏ sót, bỏ lọt.
Thảo luận về nội dung đi lại an toàn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định, Bộ sẽ rà lại các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi… cập nhật thêm các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của ngành Y tế, các tỉnh sẽ có hướng dẫn trực tiếp.
Các ý kiến cho rằng việc kiểm soát, đảm đảm hoạt động đi lại an toàn ngoài những biện pháp thông thường như kiểm tra trực tiếp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giám sát sự tuân thủ quy định phòng chống dịch trên các phương tiện giao thông (lái xe phải đeo khẩu trang, đúng số lượng hành khách, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe). Hành khách có thể phản ánh việc tuân thủ quy định phòng dịch trên phương tiện giao thông thông qua phần mềm ứng dụng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thông tin, các hướng dẫn về du lịch an toàn dành cho khách du lịch, hướng dẫn viên, công ty lữ hành, vận tải du lịch, khách sạn, điểm đến, cơ sở dịch vụ… sẽ được tiếp tục bổ sung thêm các biện pháp mới theo hướng dẫn chung của ngành Y tế.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Không chỉ đi lại an toàn, đi học an toàn, làm việc an toàn, du lịch an toàn, khách sạn an toàn… đều có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị lãnh đạo các Bộ phụ trách lĩnh vực sớm ban hành các hướng dẫn để địa phương căn cứ vào đó thực hiện, tùy vào điều kiện cụ thể có thể có quy định bổ sung, thống nhất từ trên xuống. Theo đó, cần có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh.
Mục tiêu là phải chung sống tuyệt đối an toàn, nhất định không được chủ quan nhưng cũng tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Phúc Hằng
Xử phạt 10 triệu đồng một trường hợp vi phạm trong kinh doanh thiết bị y tế
Từ 12h ngày 18-4 đến 12h ngày 19-4, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 36 trường hợp kinh doanh thiết bị y tế, xử phạt 1 trường hợp vi phạm với số tiền 10 triệu đồng.
Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho biết, ngày 18-4, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất xe máy có biển kiểm soát 14-S1-9662 đang dừng đỗ trước địa chỉ nhà số 2 Khâm Thiên, quận Đống Đa, do bà Vũ Thị Hợp là chủ xe.
Tại thời điểm kiểm tra, đội phát hiện bà Hợp đang vận chuyển trên xe 96 chiếc nhiệt kế điện tử có nhãn với nội dung bằng chữ nước ngoài và không có hóa đơn chứng từ thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã cho tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Lũy kế từ ngày 31-1 đến ngày 19-4, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 8.271 trường hợp kinh doanh thiết bị y tế, xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 4,15 tỷ đồng.
Thảo Nguyên
Lợi ích kép từ việc giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước sẽ hỗ trợ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dòng vốn rẻ tốt hơn. Lợi ích kép từ việc giảm lãi suất của ngân hàng nhà nước Cụ thể, các lãi suất như tái cấp vốn, lãi suất vay qua đêm...