Tận diệt thủy sản trên hồ Trị An
Những chiếc đăng chắn khổng lồ được dựng bằng cọc, lưới bao che chắn tạo thành những chiếc “bẫy” đang tận diệt các loài thủy sản trên lòng hồ thủy điện Trị An, tỉnh Đồng Nai.
Những chiếc đăng chắn trong lòng hồ Trị An đang là những chiếc “bẫy” đang tận diệt nguồn thủy sản
Nhiều năm nay trong lòng hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) tồn tại hàng chục đăng chắn được người dân, dùng cọc, lưới bao che chắn tạo thành từng ô, khoảnh rộng để tận diệt các loài thủy sản. Theo đó, vào mùa khô, nước rút, chủ các đăng chắn cho đóng cọc, quây lưới, chiều dài hàng ngàn mét và diện tích mặt nước với mục đích chắn cá, những khu vực ấy giống như cái lồng cá khổng lồ. Lúc đầu lưới, cọc hạ thấp gần đáy, khi mực nước cao lên dần vào mùa mưa, cũng là lúc cá đến mùa vào bờ sinh sản. Khi đó, lưới được kéo lên cao, nhốt tất cả cá lớn, nhỏ vào bên trong.
Khi mùa khô đến, các chủ bửng chỉ việc thu gom lượng cá khổng lồ, thu lợi lớn mà không phải mất công nuôi. Chính cách khai thác “tận thu” này đã làm tính đa dạng sinh học của hồ Trị An đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ngư dân khu vực lòng hồ Trị An, việc đặt những đăng chắn ven hồ để đánh bắt cá đã có từ nhiều năm nay, nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ. Song, với hiệu quả kinh tế cao từ hình thức đánh bắt này, nhiều đối tượng đã không ngần ngại thiết kế những đăng chắn khổng lồ. Và theo quan sát của Dân trí, đến ngày 31/12/2014, những chiếc đăng chắn này vẫn ngang nhiên tồn tại trên hồ Trị An.
Ngư dân nơi đây cho biết, thời tiết hiện đã vào mùa khô nước trên lòng hồ sẽ giảm dần, đây là lúc cá vào các eo ngách, ven bờ để sinh sản, nếu tình trạng đăng chắn kéo dài đến tháng 3, 4/ 2015 mới dẹp hết thì nguồn lợi thủy sản tiếp tục bị tận diệt. Không những ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học của hồ Trị An, sự tồn tại của những chiếc đăng chắn bất hợp pháp này còn khiến cho hoạt động đánh bắt thủy sản hợp pháp của hàng trăm ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Trước vấn nạn này, gần 100 ngư dân mưu sinh trên lòng hồ Trị An đã đồng loạt ký vào đơn tập thể đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh sớm dẹp đăng chắn trên hồ để đảm bảo môi trường và an toàn tính mạng cho ngư dân đánh bắt.
Video đang HOT
Việc xử lý những chiếc đăng chắn khổng lồ, trái phép này đang gặp phải khó khăn
Theo báo cáo của Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai (KBTTNVH), đơn vị quản lý hồ Trị An cho biết, Hồ Trị An rộng trên 32 ngàn ha, diện tích mặt nước bị người dân chiếm dụng cắm đăng chắn, cắm bửng hiện lên đến hơn 200 hecta, nằm trên địa giới hành chính của huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai
Được biết, trong một cuộc họp với các đơn vị liên quan ngày 30/10/2014 về thực trạng này, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao UBND huyện Định Quán chủ trì xử lý rốt ráo tình trạng lấn chiếm mặt nước trong lòng hồ Trị An làm đăng chắn khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt.
Tuy nhiên, việc giải quyết gặp nhiều khó khăn do phần lớn các chủ đăng chắn đều có nguyện vọng đến tháng 4, 5/2014 khi thu hoạch xong vụ nuôi mới họ sẽ tự nguyện tháo dỡ.
Đến thời điểm này, mới chỉ có một số chủ đăng chắn nhỏ tự nguyện tháo dỡ. Còn nhiều đăng chắn trên hồ Trị An thuộc khu vực huyện Định Quán vẫn chưa được tháo dỡ. Nhiều chủ đăng chắn còn ngang nhiên kéo điện thắp đèn xung quanh đăng chắn, gây nguy hiểm cho người dân đánh bắt gần khu vực đó.
Vĩnh Thuỷ
Theo Dantri
Vụ cầu trăm tỷ chờ đường: Người dân không đồng tình mức đền bù
Liên quan đến dự án cầu Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) đã hoàn thành cầu chính nhưng chưa làm đường dẫn, theo tìm hiểu của PV Dân trí, một trong những nguyên nhân là do người dân không thỏa đáng với giá đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng.
Trước đó, báo Dân trí đã có bài phản ánh, dự án cầu Giá Rai (thuộc tuyến đường Giá Rai- Gành Hào) tọa lạc ngay tại trung tâm huyện Giá Rai, bắc vượt qua QL1A và kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau. Cầu Giá Rai do Sở GT-VT tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) làm đơn vị thi công. Đây là cây cầu được xem lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu hiện nay nên rất được người dân quan tâm.
Tuy nhiên, phần cầu chính dài gần 600m đã hoàn thành từ nhiều tháng nay nhưng không thể đưa vào sử dụng do 2 bên cầu vẫn chưa có đường dẫn. Hai bên cầu hiện vẫn là bãi đất trống, cỏ cây hoang vắng và nhà dân án ngữ.
Qua tìm hiểu của PV Dân trí, nguyên nhân dự án chưa triển khai 2 đường dẫn không chỉ do thiếu vốn mà một số hộ dân sống ở bên đầu cầu phía ấp 1 (thị trấn Giá Rai) bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa thỏa đáng với việc đền bù của địa phương.
Cầu Giá Rai với vốn hơn 600 tỷ đã hoàn thành nhưng vẫn...chờ đường dẫn.
Dân khiếu nại vì giá đền bù thấp
Tiếp xúc với PV Dân trí, bà L.N.H. (một hộ dân ảnh hưởng bởi dự án) cho biết, hộ bà không nhất với giá đền bù nên bà vẫn chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. "Chúng tôi thấy giá đền bù quá thấp so với đất đai, tài sản hiện có nên vẫn chưa đồng ý và đã có đơn khiếu nại để nhà nước giải quyết sao cho thỏa đáng", bà H. bày tỏ sự không đồng tình.
Theo tài liệu mà PV Dân trí nắm được, ngay sau khi UBND huyện Giá Rai có quyết định công bố mức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì hộ bà L.N.H. có đơn khiếu nại đề nghị nâng giá đất, tài sản trên đất và một số hạng mục khác. Sau đó, UBND huyện Giá Rai có quyết định giải quyết khiếu nại (ngày 9/12/2013), trong đó thừa nhận có một số hạng mục chưa được bồi thường và bồi thường chưa đúng quy định. Tuy nhiên, UBND huyện Giá Rai lại bác không giải quyết yêu cầu nâng giá nhà và đất.
Sau quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện, bà L.N.H. cho biết, hộ bà vẫn không đồng tình bởi yêu cầu chính là nâng giá đất đã không được giải quyết nên tiếp tục có khiếu nại đến UBND tỉnh.
Theo bà L.N.H., giá bồi thường một nền đất cả trăm m2 nhưng chỉ có 75 triệu đồng (trong đó 63 triệu đồng tiền đất, cộng thêm hỗ trợ khác giá đất thổ cư 12 triệu đồng) thì không thể chấp nhận được. Bà H. cho rằng, việc bồi thường giải tỏa dự án nhà nước phải từ bằng đến hơn nhưng ở đây lại quá thấp dẫn đến thiệt thòi cho các hộ dân. Bởi với giá bồi thường như trên thì không thể mua được một nền đất để ở chứ chưa nói đến công việc làm ăn sinh sống khác.
Ngoài hộ bà L.N.H. còn có 4 hộ dân khác bị giải tỏa trắng bởi ảnh hưởng của dự án và họ chưa đồng tình với việc bồi thường của địa phương. Do đó, mặt bằng của phía đường dẫn bên ấp 1 vẫn chưa được bàn giao và đây được xem là một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ của dự án này.
Các hộ dân (trong vòng đỏ) bị ảnh hưởng bởi dự án không thỏa đáng với giá đền bù nên chưa bàn giao mặt bằng.
Trao đổi với PV Dân trí vào ngày 27/12, đại diện UBND thị trấn Giá Rai xác nhận, trong dự án xây cầu Giá Rai có việc một số hộ dân không đồng tình với phương án bồi thường và họ có đơn khiếu nại đề nghị nâng giá bồi thường.
Một cán bộ UBND thị trấn Giá Rai cũng cho biết, người dân có đơn khiếu nại là họ thấy giá đền bù quá thấp so với giá thị trường. Theo cán bộ này, mức giá đền bù là của UBND tỉnh đưa ra và huyện chỉ áp giá để tính tiền trả cho dân. Do đó, sau giải quyết khiếu nại của UBND huyện, các hộ dân vẫn chưa đồng tình nên tiếp tục có đơn khiếu nại gửi lên tỉnh. Hiện Thanh tra tỉnh Bạc Liêu đang thụ lý giải quyết.
Chủ đầu tư còn nợ tiền nhà thầu
Tại kỳ họp thứ 12- HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa VIII (từ ngày 8- 10/12), lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh Bạc Liêu cũng bị đại biểu "truy" về tiến độ của dự án cầu Giá Rai. Ông Ngô Hữu Dũng- Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Bạc Liêu chỉ cho biết tiến độ của dự án bị chậm là do thiếu nguồn vốn chứ không nói đến việc các hộ dân không đồng tình việc bồi thường.
Ông Ngô Hữu Dũng cho biết, cầu Giá Rai có tổng mức đầu tư trên 685 tỷ đồng và được triển khai xây dựng từ năm 2012. Đến giờ này đã hoàn thành cầu chính dài 590m; còn đường dẫn 2 bên dài khoảng 5km (mỗi bên 2,5km) vẫn chưa được triển khai.
Theo ông Dũng, cầu Giá Rai được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cấp toàn bộ. Đến năm 2013, nguồn vốn trái phiếu chính phủ xây cầu Giá Rai không đủ cho nên chỉ thi công phần cầu chính thì hết vốn. "Đến giờ này, chủ đầu tư vẫn còn nợ nhà thầu khoảng 55 tỷ đồng của gói cầu chính. Do đó nhà thầu không thể triển khai tiếp 2 đường đầu cầu", ông Dũng lý giải.
Huỳnh Hải
Theo Dantri
"Khai tử" dự án Nhà máy thủy điện Đakrông 4 Do chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án, tiến độ thi công chậm so với cam kết, UBND tỉnh Quảng Trị đã "khai tử" dự án Nhà máy thủy điện Đakrông 4. UBND tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Đakrông...