Tân Đại sứ Nga: “Hợp tác quân sự Việt-Nga không nhằm chống lại nước thứ 3″
Tân Đại sứ Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov, khẳng định rằng hợp tác quân sự Việt-Nga không nhằm chống lại nước thứ 3, không tạo ra nguy cơ nào đối với an ninh khu vực và thế giới và hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này.
Sáng nay (13/3), Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo đầu tiên của Tân Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov. Ông được bổ nhiệm chức vụ đại sứ tại Việt Nam kể từ tháng 12/2014.
Sau bài phát biểu khai mạc buổi họp báo, ngài Đại sứ đã dành thời gian trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh mối quan hệ Việt-Nga trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
Đại sứ Đặc mệnh Tòan quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vasilievich Vnukov, tại buổi họp báo (Ảnh N.Hằng)
Xin ông cho biết những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ tại Việt Nam?
Tôi không giấu rằng, đối với tôi đây là một niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao khi được làm việc tại một đất nước là đối tác lâu đời và tin cậy nhất của Nga tại Đông Nam Á.
Tôi có rất nhiều ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam. Một trong số đó là phát triển toàn diện quan hệ song phương để làm sao nhân dân hai nước đều cảm nhận được kết quả của sự hợp tác đó.
Tôi mong muốn rằng các cửa hàng ở Nga sẽ bày bán nhiều hơn nữa hàng hóa Việt Nam cũng như trên các quầy hàng ở cửa hàng, siêu thị… Việt Nam cũng có nhiều hàng hóa Nga.
Kim ngạch thương mại Việt-Nga tuy tăng trưởng đáng kể nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng hai nước. Chúng tôi hy vọng rằng việc ký kết Hiệp định về thương mại tự do giữa các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tăng cường về chất cho các luồng trao đổi tương hỗ về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, công nghệ và nhân lực có chuyên môn.
Tôi sẽ cố gắng để làm sao quan hệ hai nước phát triển hơn nữa, không chỉ là các chuyến thăm cấp cao mà giao lưu nhân dân cũng được tăng cường. Tôi rất vui mừng khi thấy số du khách Nga tới Việt Nam đã tăng lên 400.000 người vào năm ngoái.
Việc tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam là hướng đi ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Định hướng về hợp tác quân sự giữa hai nước trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Tôi thực sự hài lòng về kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực hợp tác này. Khi chúng ta kỷ niệm 65 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (kể từ ngày 30/1/1950), đó cũng có nghĩa đánh dấu 65 năm trong lĩnh vực hợp tác quân sự vì hợp tác quân sự bắt đầu ngay từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập.
Nga đã giúp đỡ quân sự cho VN trong những năm chiến tranh, điều này đã in sâu vào tiềm thức của từng người Việt, kể cả giới trẻ ngày nay. Hầu hết các vũ khí mà quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị đều là của Nga. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ lãnh đạo trong quân đội nhân dân Việt Nam đã từng học tập và nghiên cứu tại Nga.
Việt Nam-LB Nga là hai nước độc lập, chủ quyền, có quyền tự quyết định các mối quan hệ và hợp tác, không bị ảnh hưởng, chi phối hay bị chỉ đạo bởi một nước nào đó. Chúng ta không cần bất kỳ sự chỉ thị, hay khuyến cáo nào. Hợp tác quân sự Việt-Nga không nhằm chống lại nước thứ 3, không tạo ra nguy cơ đối với với an ninh khu vực và thế gới. Chúng ta sẽ tiếp tục mối quan hệ cùng có lợi này.
Cũng giống như bất kỳ mối quan hệ quốc tế nào, quan hệ Việt-Nga vẫn còn những “nút thắt” chưa được tháo gỡ. Xin ông cho biết đó là những vấn đề gì?
Quan hệ Nga-Việt là trường hợp hiếm có khi giữa hai quốc gia không có bất kỳ vấn đề nào do lịch sự để lại.
Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy và phát triển quan hệ song phương, hai nước còn có những vấn đề. Một trong số đó và vấn đề về di trú. Chúng tôi coi việc nhập cư trái phép vào Nga và vi phạm luật pháp của Nga là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi quyết tâm giải quyết vấn đề đó theo quy định của Cục Di trú Liên bang.
Chúng tôi sẽ đảm bảo các trao đổi về lao động giữa hai nước được thực hiện theo khuôn khổ luật pháp. Chúng tôi có các cơ sở để hy vọng rằng tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết vì chúng tôi có ý nguyện và quyết tâm.
Nga là một trong số nước vẫn kín tiếng trong vấn đề Biển Đông, xin ông cho biết lý do vì sao và quan điểm của Nga trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông?
Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là rất rõ ràng và đã được đề cập trong các chương trình nghị sự. Chúng tôi ủng hộ tất cả các tranh chấp, trong đó có tranh chấp trên biển, được giải quyết một cách hòa bình, bằng đàm phán và dựa trên luật pháp quốc tế.
Vấn đề lãnh thổ là vô cùng phức tạp. Tôi nhớ, công việc đầu tiên trong sự nghiệp ngoại giao của tôi là liên quan đến công tác biên giới với Trung Quốc. Thời điểm đó, quan hệ Nga-Trung rất phức tạp, tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực trong suốt thời gian, kéo dài tới 40 năm, chúng tôi đã giải quyết gần như hoàn toàn vấn đề này.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều quan trọng nhất để giải quyết vấn đề là ý nguyện của hai bên và nỗ lực thay đổi một cách căn bản quan hệ giữa hai quốc gia. Nếu các bạn cần kinh nghiệm giải quyết vấn đề biên giới, chúng tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ.
Ông Konstantin Vasilievich Vnukov sinh năm 1951, được coi là một trong những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm nhất tại Nga. Năm 1973, ông tốt nghiệp bằng loại ưu Đại học Quan hệ Quốc tế Quốc gia Mátxcơva. Năm 1991, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Viễn Đông Liên Xô. Ông hoạt động ngoại giao từ năm 1973 và đã từng giữ nhiều cương vị khác nhau tại cơ quan trung ương Bộ Ngoại giao Nga và ở nước ngoài. Trước khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông đã làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Ngạ tại Hàn Quốc.
Nam Hằng
Ghi
Theo Dantri
Nhật hỗ trợ Philippines, Việt Nam tại biển Đông
Sự hợp tác của Nhật Bản với hai nước phù hợp với chính sách "tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á...
Sự hỗ trợ của Nhật Bản với Việt Nam và Philippines là động thái tiếp nối tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng năm, trong đó ông nói Nhật sẽ giúp đỡ Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực
Bảy mươi năm sau khi lực lượng hải quân Nhật bị đẩy ra khỏi biển Đông, Nhật Bản đang lặng lẽ trở lại vùng biển này, bằng cách tăng cường hợp tác an ninh với Philippines và Việt Nam, trong bối cảnh cả hai quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực đương đầu với những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc.
Hợp tác quân sự của Tokyo rất rộng: Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra trên biển cho hai nước, cùng lúc Nhật dự kiến tổ chức tập trận hải quân chung với Philippines vào các tháng tới.
Ngoài ra, bác sĩ quân y Nhật tư vấn cho các sĩ quan trên tàu ngầm của Việt Nam cách ứng phó với trạng thái mệt mỏi do giảm áp suất. Nhật còn hỗ trợ hai nước trong nhiều hoạt động khác, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ Nhật cho biết.
Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền với bất kỳ đảo hay vùng biển nào tại biển Đông, song nguy cơ bị cô lập một khi Trung Quốc độc chiếm tuyến hàng hải vốn có vai trò rất quan trọng với vận chuyển đường biển của Nhật khiến Tokyo lo ngại. Hiện Nhật cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại phía bắc biển Hoa Đông.
Sự hỗ trợ của Nhật Bản với Việt Nam và Philippines là động thái tiếp nối tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng năm, trong đó ông nói Nhật sẽ giúp đỡ Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Sự hợp tác này cũng phù hợp với chính sách an ninh có phần cứng rắn hơn trước do ông Abe khởi xướng cũng như chính sách "tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á.
"Xu hướng đang trở nên rõ ràng và tôi cho rằng Nhật Bản sẽ không lùi bước, bất chấp lo ngại từ phía Trung Quốc", ông Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói.
Hiện Trung Quốc đang xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các chuyên gia tin rằng các đảo này sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng và kiểm soát một vùng nhận diện phòng không (ADIZ), trong đó các máy bay phải báo cáo với chính quyền Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh vẫn phủ nhận dự đoán này của các chuyên gia.
Việc Trung Quốc xây dựng vùng nhận diện phòng không tại biển Hoa Đông cuối năm 2013 đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và Nhật Bản. Lực lượng quân sự của cả hai nước đều lờ vùng nhận diện này, tức không báo cáo như Trung Quốc đòi hỏi.
Song các chuyên gia cho rằng các nước nhỏ hơn tại Đông Nam Á có thể sẽ không dễ dàng bỏ qua vùng nhận diện của Trung Quốc nếu nước này thực sự thiết lập tại biển Đông.
"Một vùng nhận diện phòng không thực sự sẽ là một thảm hoạ. Nó sẽ hạn chế hoạt động hàng không và hàng hải một cách nghiêm trọng," một nhà lập pháp cấp cao của Nhật bình luận.
Kế hoạch Nhật Bản tập trận chung với Philippines là một phần của thoả thuận an ninh hai bên ký hồi tháng một năm nay. Trong đó, hai bên cũng thoả thuận tổ chức hội đàm cấp thứ trưởng quốc phòng một cách thường xuyên và trao đổi sĩ quan cao cấp.
Nhật Bản cũng dự kiến bàn giao cho Philippines tàu cảnh sát biển đầu tiên trước cuối năm nay. Nước này đang đóng tổng cộng 10 chiếc cho Philippines.
Nhật Bản có thể cũng sẽ hỗ trợ tài chính để Philippines nâng cấp hạ tầng của một căn cứ quân sự của nước này tại đảo Palawan.
Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla, nói "sẽ là tự nhiên khi Nhật Bản và Philippines hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo an ninh tại các tuyến đường biển này".
Theo Diệu Minh
VNEconomy
Điều gì đẩy các nước "Mùa xuân Arập" tiến gần tới Nga Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đang bồn chồn vì vấn đề Trung Đông, bởi hầu hết những quốc gia đã trải qua cái gọi là "Mùa xuân Arập" hiện đang dần rời xa Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga, hãng tin Rianovosti đã đưa ra nhận định về hiện tượng này. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi...