Tấn công ở thủ đô của Afghanistan, quan chức cấp cao thoát chết
Một quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan, người nắm chức vụ tương đương thủ tướng, vừa thoát chết trong một vụ tấn công ở thủ đô Kabul
Ông Abdullah Abdullah. (Nguồn: Wikipedia)
Theo Reuters, ngày 6/3, một vụ tấn công đã xảy ra tại một buổi lễ ở thủ đô Kabul của Afghanistan, nơi có sự hiện diện của ông Abdullah Abdullah, quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan (chức vụ tương đương Thủ tướng). Rất may ông này đã được an toàn sau vụ việc.
Theo người phát ngôn Fraidoon Kwazoon của ông Abdullah, vụ tấn công bắt đầu bằng một tiếng nổ, nhiều khả năng do rocket rơi xuống khu vực này.
Ông Abdullah và một số chính trị gia khác đã tránh được vụ tấn công và không bị thương.
Kênh truyền hình Tolo News đã truyền trực tiếp cảnh người dân chạy vào nơi ẩn nấp khi tiếng súng vang lên.
Video đang HOT
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan cho hay lực lượng đặc nhiệm đã được điều động tới hiện trường.
Hiện chưa rõ lực lượng nào đứng sau vụ tấn công, cũng như tình hình thương vong./.
Theo vietnamplus.vn
Thách thức lớn chờ đợi Tổng thống Afghanistan
Với kết quả thắng cử sít sao và 5 tháng phải kiểm lại phiếu, dư luận phần nào thấy được thế bấp bênh của chính quyền Ashraf Ghani trong nhiệm kỳ tới
Ủy ban Bầu cử độc lập Afganistan mới đây đã công bố Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hồi tháng 9/2019. Với 5 tháng tranh cãi về kết quả bầu cử, chiến thắng này đặt ra trước mắt Tổng thống tái đắc cử những thách thức không nhỏ.
Chiến thắng sít sao
Kết quả bầu cử cuối cùng được Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan công bố ngày 18/2 cho thấy Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 28/9/2019. Theo đó, ông Ghani đã giành được 50,6 % số phiếu bầu trong khi đối thủ là ông Abdullah Abdullah - quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan - chỉ giành chưa tới 40% số phiếu. Như vậy, ông Ashraf Ghani đã vượt qua ngưỡng 50% tổng số phiếu bầu ở mức rất sít sao, con số giúp ông chiến thắng.
Với kết quả thắng cử sít sao và 5 tháng phải kiểm lại phiếu, dư luận phần nào thấy được thế bấp bênh của chính quyền Ashraf Ghani trong nhiệm kỳ tới (Ảnh: EPA/EFE)
Kết quả bầu cử đã nhiều lần bị trì hoãn công bố do những cáo buộc gian lận và lỗi kỹ thuật liên quan đến công tác kiểm phiếu. Tháng 11/2019, Ủy ban bầu cử quyết định kiểm phiếu lại tại một số khu vực, song ông Abdullah đã tìm cách ngăn cản động thái này. Tới tháng 12/2019, ông Abdullah đã ngừng phản đối việc kiểm phiếu lại. Theo Ủy ban bầu cử Afghanistan, trong số khoảng 9,6 triệu cử tri Afghanistan, chỉ có 1,8 triệu người đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống này.
Với Tổng thống vừa tái đắc cử Ashraf Ghani, đây là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh nhà lãnh đạo này phải nỗ lực để ổn định tình hình đất nước, chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới khi lực lượng Taliban và Mỹ ký thỏa thuận, hướng tới việc rút quân đội Mỹ tại Afghanistan về nước. Thực tế, với kết quả thắng cử sít sao và 5 tháng phải kiểm lại phiếu, dư luận phần nào thấy được thế bấp bênh của chính quyền Ashraf Ghani trong nhiệm kỳ sắp tới. Nó cũng cho thấy những thách thức lớn với chính quyền.
Đây không phải là lần đầu cuộc bầu cử Tổng thống tại Afghanistan gây chia rẽ nội bộ chính trường như vậy. Cách đây đúng 5 năm, chính ông Ghani và ông Abdullah Abdullah cũng công kích nhau dữ dội về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống, mà cuối cùng, ông Ashraf Ghani được tuyên là người chiến thắng. Ông Abdullah đã tẩy chay kết quả cuộc bầu cử. Và phải nhờ tới nỗ lực trung gian của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là John Kerry, mọi việc mới được dàn xếp ổn thỏa với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Theo đó, ông Ashraf Ghani đảm nhận chức Tổng thống còn ông Abdullah sẽ đứng đầu chính phủ với nhiều quyền lực hơn. Tới giờ vẫn chưa rõ kịch bản này có lặp lại hay không, và hai bên sẽ chấp nhận nhượng bộ ở mức nào để có thể sớm thành lập chính phủ. Nhưng người ta dự đoán rằng sẽ mất nhiều thời gian để Afghanistan ổn định được thượng tầng chính trị.
Phe đối lập bất hợp tác
Đối thủ của ông Ashraf Ghani là Abdullah Abdullah vẫn tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử và sẽ thành lập chính phủ của riêng mình. Nếu các diễn biến sắp tới đúng như lời ông Abdullah Abdullah tuyên bố, đây sẽ là một thảm họa về chính trị của đất nước Afghanistan, kéo theo những hệ lụy về an ninh và đoàn kết dân tộc với đất nước Trung Nam Á này. Việc phe đối lập không hợp tác, và tổ chức thành lập chính phủ của riêng mình sẽ khiến mọi hoạt động của chính quyền bị đình trệ, rối loạn. Xa hơn là nguy cơ chính phủ Afghanistan không thể theo đuổi tiến trình hòa bình với phe Taliban, thậm chí bị đồng minh Mỹ bỏ rơi khi quân đội Mỹ rút khỏi chiến trường này.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng đây chỉ là cách để ông Abdullah và đảng của ông 'làm giá' trước khi nội bộ chính trường Afghanistan tiến hành đàm phán xây dựng chính phủ. Cần nhắc lại rằng vào thời điểm quan trọng này, không một phe phái hay chính trị gia nào lại muốn đứng ngoài vòng quyền lực tại Afghanistan. Vì thế, việc tự đứng ra thành lập chính phủ như ông Abdullah tuyên bố chưa chắc đã phải là giải pháp đúng đắn vào lúc này.
Tuy nhiên, dư luận cũng khá bi quan về khả năng hợp tác giữa Tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ Abdullah Abdullah trong nhiệm kỳ tới. 5 năm đã qua dường như đã là quá đủ với liên minh tình thế này. Thỏa thuận phân chia quyền lực do Mỹ môi giới đã làm tổn thương niềm tin của cử tri Afghanistan vào các cuộc bầu cử. Bằng chứng là số lượng người đi bỏ phiếu thấp kỷ lục hồi tháng 9 năm ngoái. Trong 5 năm cùng lãnh đạo đất nước Afghanistan, hai chính trị gia này thường xuyên cản trở nhau trong các công việc. Các tranh cãi "như cơm bữa" giữa họ khiến chính phủ Afghanistan gần như bị tê liệt trong bối cảnh đất nước vẫn chìm trong khủng bố và xung đột. Khi cả hai cùng chạy đua cho chiếc ghế Tổng thống, dư luận Afghanistan lo ngại rằng các thể chế của quốc gia này, đặc biệt là lực lượng an ninh sẽ bị chia rẽ hơn nữa.
Thách thức khi không có sự thống nhất về chính quyền
Bên cạnh thách thức từ đối thủ chính trị, bài toán đặt ra với Tổng thống Ashraf Ghani chính là cách ông ứng phó với thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và phe Taliban - văn bản mà ông cho rằng Mỹ đã 'đi đêm' với Taliban ngay trước mắt chính quyền Kabul.
Thực ra, ông Ghani đã bị đặt vào thế 'đã rồi' khi dự kiến Mỹ và Taliban sẽ công bố thỏa thuận này vào ngày 23/2; bắt đầu giảm bạo lực một ngày sau đó, tiếp đến là thảo luận lộ trình rút binh sĩ Mỹ ra khỏi đất nước này. Vấn đề không chỉ là việc xác định thời điểm và cách quân Mỹ rút đi. Đó còn là địa vị chính trị của Taliban một khi quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan. Liệu lực lượng này có sẵn sàng tiến vào chính trường hay chưa, hoặc đơn giản nhất là chấm dứt các hành động khủng bố. Bởi vậy, bài toán đặt ra là không đơn giản với Tổng thống tái đắc cử Ashraf Ghani. Rộng hơn, tiến trình hòa bình tại Afghanistan lại bị đặt vào tình thế bất định.
Phan Tùng/ VOV- New Delhi
Afghanistan ấn định thời hạn mới công bố kết quả bầu cử tổng thống Sau nhiều lần trì hoãn, giới chức Afghanistan đã đặt ra thời hạn mới công bố kết quả cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng trước ở nước này là vào tháng 11 tới. Nhân viên Ủy ban Bầu cử độc lập Afghanistan (IEC) làm việc tại trung tâm nhập dữ liệu bầu cử ở Kabul, ngày 2/10. Ảnh: AFP/TTXVN Theo Chủ tịch...