Tấn công bằng máy bay không người lái là tội ác?
Mỹ chỉ được phép viện tới lực lượng quân sự khi đất nước mà họ tấn công phải khai chiến trước, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền tấn công hoặc khi Chính phủ đang cầm quyền của một nước yêu cầu hỗ trợ trong nội chiến.
Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái trong chương trình tiêu diệt mục tiêu mà 2 tổng thống Mỹ George Bush, Barack Obama phê duyệt và duy trì từ năm 2002 đến nay đã làm 4.400 người thiệt mạng. Người ta đã nghiên cứu về vấn đề này nhưng dường như vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi quan trọng: Những vụ giết người này có xảy ra trong chiến tranh?
Cả ông Bush và ông Obama đều cố gắng biện hộ rằng, hàng nghìn vụ tấn công bằng máy bay không người lái đều được thực thi như một phần của chiến tranh hoặc xung đột vũ trang. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu, nhiều vụ tấn công bằng máy bay không người lái vẫn đã và đang xảy ra bên ngoài khu vực chiến sự.
Theo Hiệp ước Quốc tế về quyền Công dân và Chính trị, quân đội có thể giết các binh lính đối địch trong một cuộc xung đột vũ trang nếu hành động đó là cần thiết, nhưng không được gây ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của dân thường.
Sau vụ 11/9, tổng thống Mỹ khi đó là George Bush từng tuyên bố “chiến tranh chống khủng bố toàn cầu”. Sự kiện này đã làm nới lỏng luật lệ quanh vấn đề giết hại và bắt giữ con người. Người ta cho rằng, các luật sư trong Chính phủ của Tổng thống Bush và Obama đã chuẩn bị tài liệu để biện hộ cho chương trình tiêu diệt mục tiêu của CIA.
Những cuộc tấn công sử dụng máy bay không người lái đã giết hại 4.400 người từ năm 2002.
Vi phạm quyền được sống
Vào tháng 11/2002, vụ tiêu diệt đầu tiên đã diễn ra dưới tiêu chí “chiến tranh toàn cầu”. Sáu người, gồm cả 1 người Mỹ, ở Yemen đã thiệt mạng bởi tên lửa Hellfire do máy bay không người lái của CIA phóng. Theo báo cáo dự kiến của Liên Hợp Quốc vào thời điểm đó, cuộc tấn công đã được quy kết là hành động tước đoạt tính mạng mang tính chuyên quyền nhưng phải 6 năm sau, vấn đề này mới bị lên án mạnh mẽ.
Từ năm 2005 – 2010, Hội đồng nghiên cứu việc sử dụng vũ lực của Hiệp hội Luật pháp Quốc tế đã xem xét hàng trăm vụ bạo lực trong 65 năm trước đó và ban hành một báo cáo, định nghĩa thế nào là “chiến tranh”. Theo đó, luật pháp quốc tế xác định rằng, chiến tranh hay xung đột vũ trang chỉ tồn tại khi xảy ra các cuộc chiến căng thẳng giữa nhiều nhóm xã hội được vũ trang và có tổ chức.
Theo Mary Ellen O’Connell, chuyên gia về luật pháp quốc tế tại Đại học Notre Dame (Mỹ), việc tiêu diệt mục tiêu bằng máy bay không người lái ở Yemen, Somalia và Pakistan đều vi phạm quyền được sống của con người bởi nước Mỹ không phải là thành phần trong các cuộc xung đột vũ trang ở những nơi đó. Quyền được sống của con người trong trường hợp này sẽ được xét theo quyền được sống trong thời bình.
Cũng theo chuyên gia này, Mỹ chỉ còn tham chiến ở Afghanistan. Họ chỉ được phép viện tới lực lượng quân sự khi đất nước mà họ tấn công khai chiến trước, khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền tấn công (như trường hợp Libya năm 2011) hoặc khi Chính phủ đang cầm quyền của một nước yêu cầu hỗ trợ trong nội chiến (như trường hợp của Afghanistan năm 2002).
Theo Bee.net.vn