Tắm trắng hay tắm… thuốc tẩy
‘Cơn cuồng’ trắng da của phụ nữ Việt Nam dường như đã lên đến đỉnh điểm.
Từ các thiếu nữ thôn quê đến các quý bà thành phố, ai cũng ao ước, khát khao có một làn da trắng bóng không tì vết như Ngọc Trinh! Và tùy theo tiềm lực tài chính của mình, họ không mỏi mệt bon chen, học hỏi và sẵn sàng thử nghiệm đủ các loại mỹ phẩm để có được điều mình mong ước.
Nhiều chị em không tiếc tiền bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để có được làn da trắng nõn nà. Có cung khắc có cầu, công nghệ làm trắng da cũng theo đó xuất hiện như nấm sau mưa, phục vụ chị em đủ loại, đủ kiểu từ bôi, đắp, tắm đến uống rồi tiêm trắng… Nhưng những dịch vụ làm trắng da từ bình dân đến cao cấp đó có thật sự mang lại hiệu quả hay lại tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường?
Tắm trắng hay tắm… thuốc tẩy!
Tắm trắng đang là một trong những công nghệ được nhiều chị em kỳ vọng có thể giúp mình nhanh chóng rũ bỏ được làn da ngăm đen và sở hữu làn da trắng nõn nà toàn thân như các người mẫu, diễn viên thường thấy trên mặt báo.
Ngay lúc này, không gì dễ hơn tìm ra địa chỉ của một spa, trung tâm thẩm mỹ có dịch vụ tắm trắng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ cần đọc qua vài lời giới thiệu, nhiều chị em đã háo hức sờ nắn lại túi tiền rồi chỉ muốn chạy ngay đến các trung tâm đã đưa ra những lời quảng cáo và cam kết có cánh. Và sự thật là rất, rất nhiều chị em đã đi tắm trắng, để rồi nhận ra cái gì cũng có giá của nó, nhất là cái giá để thay đổi bản chất màu da châu Á càng không hề rẻ.
Giá như các chị em bình tĩnh, cẩn thận hơn, chịu khó lắng nghe những người đã từng tắm trắng trước mình hơn một chút có lẽ họ đã không phải trải qua những điều này.
Video đang HOT
Ngứa như điên sau khi tắm trắng
Mặc dù sở hữu làn da không đen lắm nhưng Kim Thoa, 27 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội vẫn ao ước có được nước da trắng nõn nà. Quyết tâm lấy điểm làn da, Thoa đi đến tắm trắng tại một trung tâm thẩm mỹ khá nổi tiếng ở Hà Nội.
Khi được nhân viên tư vấn như rót mật vào tai “đảm bảo trắng bóc chỉ sau 3-6 lần tắm”, Thoa mạnh chọn dịch vụ tắm trắng cấp tốc với chi phí 3 triệu/lần (liệu trình cần 4 lần). Tuy nhiên, khi nhân viên của trung tâm thẩm mỹ vừa mở nắp sản phẩm để bôi lên người chị đã phải nhăn mũi lại vì mùi hóa chất tỏa ra từ lọ kem chẳng khác gì mùi… thuốc tẩy. Lo lắng hỏi lại chị được trấn an “sản phẩm nhập khẩu 100%, không phải lo”.
Sau khi thoa xong, nhân viên bảo chị Thoa nằm yên trong 30 phút nhưng mới được 20 phút, Thoa đã thấy khắp người ngứa như điên, đến mức phải đi tắm gấp dù chưa đủ thời gian yêu cầu.
“Tắm xong da chẳng thấy trắng mà còn nổi mụn đỏ ở ngay đùi, mặt. Tôi vừa phàn nàn với nhân viên spa, vừa không thể ngừng gãi khắp người, gãi đến đâu vết đỏ rát hiện lên đến đó. Bước ra khỏi spa, từ mặt đến cổ vằn vện vết đỏ như bị dị ứng. Tôi phải cố gắng lắm mới lái xe được về nhà, vừa lái vừa gãi, vừa… khóc”, chị Thoa kể.
Một tín đồ của tắm trắng khác là chị Thu Lê cũng chia sẻ, sau khi lựa chọn, cân nhắc, chị quyết định đi tắm trắng bằng cám gạo ở trung tâm thẩm mỹ có tiếng vì nghĩ rằng cám gạo an toàn hơn so với các loại kem chứa hóa chất. Nhưng đến nơi, chị mới biết cái gọi là “cám gạo” không giống chị hình dung.
“Cám gạo bình thường chỉ có mùi thơm dịu, thoang thoảng nhưng lần đó đi tắm trắng ở trung tâm thẩm mỹ họ đắp lên người người mình cám gạo có mùi thơm rất lạ, nồng nặc như mùi phấn thơm”, chị Lê nhớ lại.
Cũng hơi băn khoăn nhưng nghĩ đến làn da trắng nõn nà, chị Lê nhắm mắt làm liều. Kết quả là sau 1 liệu trình tắm cám gạo, chị thấy da mình trắng hơn một chút nhưng lại rất yếu, chỉ cần đụng vào thứ gì bẩn là da ngứa điên đảo, thèm gãi đến mức bật máu.
“Có lần đi mua váy cùng đứa bạn, nó mới chỉ vứt cái váy lên đùi tôi nhờ cầm hộ mấy phút mà ngay lập tức tôi bị sẩn ngứa, gãi nổi mụn đỏ. Giờ đi mua quần áo tôi không dám thử vì đồ mới chưa giặt. Lo quá không biết mình bị bệnh gì không?”, chị Lê tâm sự.
Vào spa xịn tắm thuốc hàng chợ
Chị Thoa “cạch” hẳn sau vụ tắm trắng ấy. Tâm sự với mấy bà bạn, chị được biết thứ bột mấy cô nhân viên spa bôi lên người chỉ là kem tắm trắng ngoài chợ có giá vài chục nghìn đồng. “Vậy mà họ quảng cáo là công nghệ hiện đại này nọ, kem nhập khẩu từ nước ngoài. May mà mình mới tắm một lần, tắm trắng kiểu đó không hỏng da, gây ung thư mới lạ”, chị Thoa nói.
Chị Hà Anh, ở Cầu Giấy, Hà Nội, cũng tự thấy mình là “con vịt” khi tự nguyện “đưa đầu cho spa chém”. Chị đến thẩm mỹ viện H. được quảng cáo bôi 1 hộp tẩy tế bào chết làm trắng da với giá hơn 2 triệu/hộp và được tư vấn cần bôi 4 hộp. Chị Hà Anh mới bôi được 2 lần nên chưa thấy da trắng da.
Tuy nhiên, chị đã té ngửa khi được một người bạn từ bên Thái Lan cho biết sự thật về “thần dược” làm trắng da này. “Bạn tôi bảo sản phẩm đó ở bên Thái chỉ có giá 70.000 đồng/hộp, loại đắt nhất cũng chỉ 280.000 đồng/hộp. Đây chỉ các là các sản phẩm dưỡng da thông thường, chứ không phải sản phẩm làm trắng da cao cấp là hàng “hot” như các thẩm mỹ viện ở Việt Nam quảng cáo. Tự nhiên mất tiền oan, bỏ ra 8 triệu đồng để mua sản phẩm dưỡng da rẻ tiền”, chị Hà Anh ân hận cho biết.
Trường hợp các chị em sau khi bỏ tiền tắm trắng gặp phải các vấn đề khó chịu như những trường hợp trên không phải ít, tuy nhiên, đa phần không muốn nói ra vì ngại mọi người nói ra nói vào. Trung tâm dị ứng – miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận nhiều chị em bị dị ứng, nổi mụn vì tắm trắng. Bệnh nhân mới nhất nhập viên đầu tháng 11 là chị T., 27 tuổi gặp họa vì sản phẩm làm trắng da Hàn Quốc. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng da bị tàn phá nặng nề bởi những đám mụn lớn kèm theo mủ và tấy đỏ, sẽ phải điều trị rất lâu và khó có thể phục hồi như trước.
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm, cho biết, dị ứng với sản phẩm bôi làm trắng da hay gặp nhất là viêm da dị ứng, biểu hiện là trên da xuất hiện những mảng hồng ban, kèm theo mụn nước, ngứa. Có trường hợp nổi mề đây với nốt sần như những nốt muỗi cắn hay những lằn voi quất vào người. Thậm chí, có nhiều chị em còn bị chảy mủ mùi rất tanh tại những vùng da bôi mỹ phẩm
Theo TS Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Da liễu Hà Nội, nhiều sản phẩm bôi trắng da có trộn corticoid, các chất tẩy da mạnh để giảm sắc tố da mạnh. Chính vì vậy, nhiều chị em sau khi sử dụng thấy da trắng nõn ra. Tuy nhiên, cách làm đẹp này rất nguy hiểm bởi khi da teo đi thì trở nên yếu, rất dễ bị viêm nhiễm.
Có không ít cơ sở thực hiện các dịch vụ tắm trắng không theo một quy chuẩn nào, các loại mỹ phẩm họ sử dụng cũng vô cùng tùy tiện. Chị Thoa, “nạn nhân’ ở trên cho biết, chính hôm chị đi tắm trắng, nhân viên spa dùng chung một loại kem làm trắng cho cả khách hàng muốn làm trắng toàn thân và khách hàng chỉ làm trắng vùng mặt, mặc dù leo lẻo nói rằng hai vùng da này hoàn toàn khác nhau, phải dùng các sản phẩm khác nhau… Còn chị Lê thì cho biết, cùng cở cơ sở đó, chị đến tắm trắng thì nhân viên hướng dẫn bôi trước, ngâm tắm sau, trong khi bạn chị cũng đến đó lại được hướng dẫn quy trình ngược lại…
Ức chế nữa là thái độ của các chủ spa và nhân viên. Lúc chị Thoa mới vào họ ngon ngọt bao nhiêu thì khi xảy ra sự cố, họ giả tảng giả lơ, đổ lỗi do cơ địa khách hàng. Cũng có khách hàng tắm trắng xong đi ra bình an vô sự với làn da sáng hẳn lên, mấy cô nhân viên chỉ người đó và càng mạnh miệng đổ lỗi cho chị Thoa, khiến chị Thoa vừa ngứa, vừa lo, vừa tức…
“Công cuộc cải tổ màu da” của chị Thoa là chị Lê xem như thất bại. Nhưng vẫn còn rất nhiều chị em khác vẫn ấp ủ ước mơ trắng sáng không tì vết bằng những cách khác mà họ cho rằng an toàn, hiệu quả hơn.
TS Nguyễn Viết Lượng, Trung tâm thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia, thì cho biết, hóa chất được sử dụng để làm trắng da mà các cơ sở bình dân thường sử dụng là AHA (alpha hydroxy acid), glycolic, lactic, citric, tartaric và malic acid. Những chất này đều có tính tẩy mạnh. Ngoài ra, một số nơi còn sử dụng loại hóa chất là TCA (trichloroacetic acid) nồng độ 20%-35%. Loại hóa chất này có thể gây phỏng da nếu khi sử dụng không tuân thủ theo quy định.
Trong một số trường hợp, người ta dùng phenol với nồng độ 88%, pha lẫn với xà phòng, dầu olive, dầu croton để làm chết toàn bộ lớp biểu bì bên ngoài cùng để da trông có vẻ trắng sáng hơn. Phenol là chất có hại cho cơ thể, có độc tính cao, có khả năng trực tiếp gây độc cho cơ tim. Thậm chí có thể gây tổn thương gan, thận và dẫn đến sự kích thích làm loạn nhịp tim nếu dùng quá liều.
Theo Dep