Tắm tiên ở Thuỵ Điển
Toàn thân không một mảnh vải, họ rủ nhau trầm mình xuống dòng nước băng giá lạnh thấu xương – một thú vui tồn tại từ lâu, cho đến nay vẫn nhiều người… nghiện.
Tôi tá túc ở homestay của ông giáo dạy nhạc Tobie nơi Tomelilla, miền cực nam Thuỵ Điển, trong một ngày lạnh lẽo, Tobie rủ rê: “Cậu đi tắm tiên bao giờ chưa?”. Thấy tôi ngẩn tròn mắt, Tobie bảo thêm: “Tắm tiên, nhảy xuống hồ băng, đã lắm, đã đến được nơi này thì phải thử cho biết”. Nghe có lý, tôi vui vẻ gật đầu, thẳng tiến hướng eo biển Oresund. Tobie cho biết đấy là nơi tắm băng nổi tiếng có tên gọi Ribersborg, thành lập từ gần 70 năm trước.
Toàn cảnh khu tắm băng Ribersborg
Khu tắm băng toạ lạc ở vị trí khá lãng mạn ngay eo biển, một bên là toà nhà chọc trời mang kiến trúc hình xoắn Turning Torso, phía chân trời là chiếc cầu Oresund dài đến 16km gồm đường sắt và đường bộ bắc ngang eo biển, nối Thuỵ Điển và Đan Mạch.
Vé vào tắm băng tính tiền Việt chỉ khoảng 40 ngàn đồng. Công đoạn chuẩn bị cho việc tắm táp là phải lột bỏ xiêm y, không chừa lại bất kỳ thứ gì liên quan đến che đậy trên cơ thể. Tiếp đến là vào khu xông hơi, được chia thành ba điểm: dành riêng cho nam, dành riêng cho nữ và một khu chung nơi nam nữ đều có quyền vào xông hơi cùng nhau, hiển nhiên là với trang phục nguyên thuỷ của Adam – Eva.
Trước khi tắm băng phải xông hơi để lấy thân nhiệt cho cơ thể
Quả thật, khi đứng trước những hậu duệ người Viking, ai nấy có nhỏ con lắm cũng phải trên 1,7m, lữ khách Châu Á như tôi trở thành cậu bé tí hon trước những gã khổng lồ. Cũng nhờ cái sự lạ, nên khi xin hỏi chụp hình trong khu vực khá nhạy cảm như thế, ai cũng vui vẻ nhận lời, còn nhiệt tình chỉ điểm các kiểu thức xông hơi, từ xông củi, xông khô, đến xông ướt, rồi dẫn qua cả khu có chị em Thuỵ Điển để cùng tận hưởng những khoan khoái của lò xông trước phong cảnh biển lãng mạn Oresund qua ô cửa kính trước mặt, trong khi ngồi ngay cạnh là những mỹ nhân, hậu duệ người Viking khác phái.
Mỗi lần xông hơi kéo dài từ 5 đến 15 phút, với nhiệt độ lò xông có khi đạt đến trên 115 độ C
Phòng xông hơi có hướng nhìn ra vịnh biển, với ba loại: xông củi, xông nước và xông khô
Mỗi lần xông hơi chừng 5 phút, với nhiệt độ lên dần từ 65 đến 95 độ C. Quả thật trong đời, chưa bao giờ tôi hình dung mình có thể sống sót ở nhiệt độ sôi cao đến vậy. Khi thân nhiệt đã tràn trề ấm nóng, tôi cùng những chàng trai, cô gái Viking tiến ra eo biển, gió thổi lạnh rợn tóc gáy, phía dưới mặt biển là lớp băng dày chừng 10cm, được đục một lỗ to, đủ gắn hai chiếc thang sắt để người tắm băng lên xuống.
Xuống thang cùng Tomarson – một thanh niên trẻ tuổi người bản xứ, tôi được hướng dẫn tận tình từ cách trầm mình xuống nước, xoay ngay người về hướng cầu thang, và đợi cho cảm giác hơi lạnh xâm chiếm cơ thể, tựa như cả đàn kiến chạy từ gót chân, lên thắt lưng, đến sau gáy, người khi ấy cứng đờ, chỉ còn đôi tay là có thể cử động, vậy là vội chụp lấy hai thanh vịn và kéo người lên khỏi mặt nước.
Mặt băng được đục một lỗ lớn để khách theo cầu thang xuống tắm băng
Video đang HOT
Cái lạnh buốt của băng giá làm tê cứng toàn thân, nhưng kỳ lạ khi vừa lên khỏi cầu thang, hơi nóng từ trong cơ thể toả ra, cảm giác lúc ấy thật dễ chịu, cái lạnh tan biến dù đang khoả thân trước gió lạnh. Tomarson bảo thêm: “Đứng đợi ngoài gió chừng một hai phút cho thoải mái, khi có chút cảm giác lạnh là phải vào lại phòng xông hơi ngay để lấy thân nhiệt lại nhé”.
Trò chuyện thêm về thú tăm băng độc đáo này, tôi hiểu thêm rằng khi tắm băng, điều cấm kỵ tuyệt đối của lần đầu xuống nước là không được nhảy chúi bởi rất dễ ngất xỉu vì choáng lạnh. Cách an toàn nhất là nhúng dần hai chân để nước ngập dần lên khắp cơ thể, tuỳ vào khả năng chịu đựng mà thời gian ở trong nước dài hoặc ngắn. Tôi xuống nước chỉ chưa đầy 10 giây là có ngay cảm giác đóng băng toàn tập. Một nguyên tắc khác khi tắm băng là mỗi khi xuống nước luôn phải có người khác bên cạnh bởi lỡ gặp sự cố thì có người trợ giúp.
Khi tắm băng nên đi hai người để có thể giúp nhau khi gặp sự cố
Thú vui tắm băng cuối cùng thật đơn giản, cứ vào lò xông hơi, rồi trầm mình vào dòng nước băng giá, người có sức khoẻ tốt có thể làm được liên tục liệu trình ấy ba lần, còn thông thường chỉ một lần là đủ. Thân nhiệt khi thay đổi từ nóng sang lạnh, với mức chênh lên đến cả 100 độ, khiến các cơ bắp, nội tạng, máu huyết phải vận động tối đa, nhờ vậy khi tắm xong, cảm giác thật thanh thoát, thoải mái, nhẹ nhõm cả thể xác lẫn tinh thần. Người Thuỵ Điển còn coi thú vui mùa đông này là một phương pháp trị liệu không chỉ tăng sức đề kháng, tăng tuần hoàn máu cho cơ thể mà còn giúp giảm căng thẳng, áp lực cuộc sống.
Theo thegioitiepthi.vn
Mùa thu đi ngoạn cảnh hồ, đầm
Hồ, đầm ngoài vai trò rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp, thủy điện ở Việt Nam còn là điểm du lịch sinh thái, dã ngoại lý tưởng. Mùa thu là một trong những thời điểm thích hợp nhất để ngoạn cảnh các vùng đầm, hồ đẹp của miền Bắc.
Vùng hồ Mỹ Đức (Hà Nội)
Khung cảnh hoang sơ của vùng hồ Quan Sơn - Tuy Lai.
Quan Sơn và Tuy Lai là hai hồ chứa nước lớn nhất của huyện Mỹ Đức.
Hai vùng hồ thông với nhau và trải rộng đến 26,5 km2, thuộc địa bàn của ba xã Thượng Lâm, Tuy Lai, Hồng Sơn.
Hai hồ chứa này còn được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên cạn bởi nơi đây có hệ thống núi đá vôi trùng điệp, hoang sơ.
Du khách có thể đến Hồ Quan Sơn và Tuy Lai bằng xe máy hoặc xe buýt.
Để tiết kiệm chi phí, nên đón xe buýt tuyến Hà Nội - Yên Nghĩa - Tế Tiêu rồi đi xe ôm 3-4 km vào hồ, nằm cách Hà Nội 50-60 km.
Những người đi xe máy sẽ có dịp tha hồ thong dong đi dọc hồ để ngắm cảnh, chụp ảnh. Cung đường này dài khoảng 8-9 km và kết thúc ở chùa Cao.
Nếu chọn cách ngoạn cảnh trên hồ thì du khách có thể thuê thuyền chèo tay chở được 4 người ở bến trên hồ Quan Sơn với vé tham quan và thuê thuyền là 250.000 đồng.
Đi thuyền ngắm cảnh trên vùng hồ Quan Sơn và Tuy Lai mất khoảng 4-6 giờ, trong đó có việc ghé thăm một số hòn đảo nổi tiếng.
Thời gian đẹp nhất để khám phá hồ Tuy Lai và Quan Sơn là mùa hè và đầu thu khi hoa sen, hoa súng nở khắp mặt nước.
Đầm Vân Long (Ninh Bình)
Đầm Vân Long hoang sơ với hệ động thực vật phong phú.
Đầm Vân Long thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Đầm rộng đến 3.500 ha và được ví như một chiếc gương trời khổng lồ phản chiếu cảnh vật non nước hữu tình.
Mùa thu là thời điểm mà cảnh vật quanh đầm đẹp nhất.
Dịch vụ thuyền ở đây rất tiện lợi với giá vé thăm quan và tiền típ cho chủ thuyền là 250.000 đồng/thuyền.
Du khách có thể kết hợp chuyến đi đến hồ Vân Long và thăm chùa Bái Đính, khu du lịch Tràng An nếu có thời gian tối thiểu hai ngày.
Hồ Mực (Thanh Hóa)
Hồ Mực xanh trong giữa núi rừng xứ Thanh.
Hồ có diện tích gần 4.000 ha và thuộc Vườn quốc gia Bến En ở Thanh Hóa.
Có hai cách giải thích tên gọi. Một là vì vào mùa thu nước phẳng lặng, xanh trong như màu mực. Cách giải thích khác là hồ có hình thù giống con cá mực nên người dân ở đây đặt tên như vậy.
Trong lòng hồ có đến 21 hòn đảo thơ mộng. Nổi tiếng nhất là hòn Tình Yêu với truyền thuyết về đôi trai gái người Thái không lấy được nhau nên khóc than tạo thành đảo.
Hồ Mực nằm cách Hà Nội khoảng 230 km. Du khách có thể chọn đi từ Hà Nội bằng xe máy hoặc ô tô theo đường mòn Hồ Chí Minh.
Đây là cung đường đẹp và vắng nên thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Thuyền dạo hồ có thể chở được 10-12 người với đầy đủ ghế ngồi, áo phao.
Giá thuê là 1,2 triệu đồng/lượt, có giảm giá cho các đoàn học sinh, sinh viên, người khuyết tật.
Thời điểm đẹp nhất để dạo hồ Mực là từ tháng 6 đến tháng 9. Trong Vườn quốc gia Bến En có khu nhà nghỉ và khách sạn phục vụ các đặc sản như cơm lam, nem chua...
Hồ Chiếu (Sơn La)
Hồ được ví như hòn ngọc xanh giữa bốn bề núi rừng hoang sơ. Đứng bên hồ, du khách có thể được ngắm bức tranh phong cảnh tươi đẹp, những nếp nhà sàn nhỏ xinh của đồng bào Mường...
Xung quanh hồ còn có những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Còn trên mặt hồ là các vuông nuôi cá lồng của người dân bản địa.
Hồ nằm cách Hà Nội khoảng 160 km theo quốc lộ 32 và 37 ngược lên phía Tây Bắc.
Từ Hà Nội có thể đến hồ bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân trong khoảng 3-4 giờ.
Đặc biệt, đây là cung đường phượt có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ rất thích hợp cho các bạn đam mê khám phá núi rừng.
Đến hồ Chiếu, du khách có thể lưu trú tại khu nhà sàn Thắng Bắc, thuê thuyền máy với giá 200.000-300.000 đồng/lượt tùy theo số khách.
Ngoài ra, du khách có thể câu cá và thưởng thức các món chế biến từ chính cá tự nhiên ở hồ hay gà đắp đất, măng xào ớt, canh rau chua...
Hồ Na Hang (Tuyên Quang)
Hồ thủy điện Na Hang là nơi hợp lưu của các con sông Lô Gâm, Năng và Nho Quế.
Trong lòng hồ có nhiều mỏm núi nhô lên mặt nước và độc đáo nhất là núi Cọc Vài (còn gọi là Cọc Vài Phạ). Đây là một khối đá vôi khổng lồ nhô cao gần 40 m trên mặt nước.
Thời gian dạo hồ đẹp nhất là vào mùa thu và mùa xuân.
Hồ Na Hang trong xanh, hiền hòa khi chiều buông.
Du khách nên thử món cá mương nướng và rượu ngô men lá khi đến Na Hang. Số lượng nhà nghỉ bình dân khá nhiều, giá trung bình 200.000-300.000 đồng/phòng/đêm.
Hồ Na Hang cách Hà Nội khoảng 250 km nên du khách có thể đón xe khách tuyến Hà Nội - Tuyên Quang - Na Hang tại bến Mỹ Đình hoặc tự chạy xe máy, ô tô nhà.
Theo kinh tế Sài Gòn
Thỏa sức "sống ảo" ở con đường đi bộ ven biển tuyệt đẹp ở Quy Nhơn Dạo bộ trên con đường ven biển Eo Gió, ngắm nhìn cảnh đẹp kỳ vĩ, hoang sơ như một tuyệt tác của tạo hóa, bạn sẽ cảm thấy thư thái giữa vùng biển trời bao la. Quy Nhơn ai cũng biết, nhưng Eo Gió thì nhiều người chưa chắc đã nghe qua. Nằm trên đoạn eo biển của xã Sơn Lý, thành phố...