Tâm sự ‘áp lực kỳ thị’ của bác sĩ trong khu cách ly Covid-19
Các bác sĩ, điều dưỡng viên trong khu cách ly chống dịch Covid-19 của TP.Hải Phòng cho biết, công việc của họ không quá vất vả nhưng áp lực tinh thần và sự kỳ thị của cộng đồng là rất đáng kể.
Kiểm tra sức khỏe “khách hàng” trong khu cách ly – Ảnh Lê Tân
Trở lại khu cách ly tập trung những người trở về từ vùng dịch Covid-19 của thành phố Hải Phòng (ở cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp), chúng tôi lại thấy những bác sĩ, điều dưỡng quen.
Họ làm việc tại đây từ ngày khu cách ly này bắt đầu được thành lập. “Đợt cách ly tập trung đầu tiên bắt đầu từ ngày 7.2 đến trưa ngày 23.2. Nghỉ ngơi được hơn 1 ngày thì chúng tôi nhận được thông báo sẽ tiếp tục đón người vào”, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Tâm, người ở khu cách ly từ ngày 7.2 đến nay chưa về nhà cho biết.
Ngoài theo dõi và chăm sóc sức khỏe “khách hàng”, các điều dưỡng viên còn là người phục vụ bữa ăn cho họ – Ảnh Lê Tân
Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 7.2, UBND thành phố Hải Phòng đã thành lập khu cách ly tập trung để đưa những người từ vùng dịch vào theo dõi sức khỏe. Chỉ trong 1 ngày sau khi có quyết định thành lập khu cách ly, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã huy động toàn lực, làm việc thông đêm để xây dựng một khu cách ly đầy đủ, tiện nghi ở cơ sở 2 tại xã An Đồng, H.An Dương.
Người vào cách ly được các bác sĩ, điều dưỡng viên gọi là “khách hàng”. “Họ đều là những người khỏe mạnh, rất hợp tác, vui vẻ và được chúng tôi theo dõi sức khỏe, kiểm tra nhiệt độ ngày 2 lần. Người nào ốm, sốt sẽ được đưa sang cơ sở 1 để điều trị ngay. Sau 14 ngày, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận để về với cuộc sống bình thường”, một đại diện khu cách ly cho biết.
Video đang HOT
Bữa cơm của các bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung – Ảnh Lê Tân
Làm nhiệm vụ tại khu cách ly này, các bác sĩ, điều dưỡng viên tại Bệnh viện Việt Tiệp cũng có chế độ sinh hoạt như “khách hàng” của mình. Họ được bố trí phòng ngủ ngay cửa khu cách ly. Trừ lúc ăn cơm và đi ngủ, gần như cả ngày các bác sĩ, điều dưỡng tại khu cách ly đều đeo khẩu trang và mặc áo phòng dịch. Công việc ở khu cách ly sẽ được chia theo ca. Mỗi khi ra khỏi khu cách ly, ai muốn về nhà phải khử trùng, tắm rửa tại bệnh viện. “Cơ sở này vắng người. Lúc đi tắm trời đã tối nên vừa tắm vừa sợ “ma” anh ạ. Cứ nghe thấy tiếng động là giật mình”, một nữ bác sĩ trẻ chia sẻ
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Công việc trong này không quá vất vả nhưng áp lực tinh thần thì rất lớn. Đó là sự nguy hiểm khó lường của dịch Covid-19. Chúng tôi cũng là con người và hoàn toàn có thể bị lây nhiễm, tuy nhiên, trách nhiệm vì cộng đồng là trên hết”. Chính vì vậy, khi lãnh đạo bệnh viện có kế hoạch thay đổi nhân sự khu cách ly, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng viên làm nhiệm vụ ở đây vẫn xung phong ở lại. “Dịch còn diễn biến phức tạp. Đội ngũ nhân viên y tế thì mỏng. Chúng tôi còn làm được thì còn cố gắng”, một bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây nói.
Một nữ điều dưỡng viên trẻ thì chia sẻ: “Mình ở đây dài ngày, 2 con lại nghỉ học nên chồng và bố mẹ 2 bên vất vả hơn. Tuy nhiên, mọi người rất ủng hộ và động viên để mình trụ lại được đến bây giờ”.
Có 16 bác sĩ, điều dưỡng đã “cách ly” gia đình, để sống cùng người phải cách ly từ hôm 7.2 đến nay – Ảnh AĐ
Bác sĩ Ngô Anh Thế, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, nơi thực hiện cách ly những người có biểu hiện ốm, sốt nghi nhiễm Covid-19, cho biết: “Công việc khi có dịch vất vả, căng thẳng hơn rất nhiều lần ngày thường. Thời điểm đầu, mỗi khi đón người vào, anh em cũng lo lắm vì đây là bệnh mới, khó lường, chưa có thuốc đặc trị. Có những hôm đi làm về, bỗng thấy mình mệt mỏi, hắt hơi, tôi nghĩ hay là mình dính Covid-19 rồi. Vợ con tôi thấy thế cũng lo lắng lắm. Nhưng ngồi nghĩ thì thấy các ca cách ly đều âm tính, mình cũng chưa tiếp xúc với ai dương tính nên tự động viên. Đến sáng hôm sau thì lại thấy khỏe mạnh bình thường”.
Một số bác sĩ, điều dưỡng viên tại khu cách ly thừa nhận họ bị nhiều người xa lánh, ngại tiếp xúc – Ảnh Lê Tân
Là người trực số điện thoại đường dây nóng về dịch Covid-19 ở Hải Phòng, bác sĩ Ngô Anh Thế phải chịu áp lực rất lớn. “Từ 30 tết đã có hàng trăm cuộc gọi để hỏi về dịch bệnh. Có người gọi lúc nửa đêm, có người còn yêu cầu chúng tôi phải đến xử lý ngay vì có người ốm, sốt”, bác sĩ Ngô Anh Thế nói.
Từ ngày 24.2, Hải Phòng bắt đầu đưa người Việt từ Hàn Quốc về nước vào khu cách ly để theo dõi sức khỏe – Ảnh Lê Tân
Công việc đã căng thẳng, nguy hiểm hơn ngày thường, áp lực của cộng đồng còn mệt mỏi hơn. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở khu cách ly cho biết đã cảm nhận được sự kỳ thị của nhiều người. “Em đi gội đầu mà họ còn không làm cho. Buồn thế”, một điều dưỡng viên chia sẻ.
Dù buồn vì tâm lý kỳ thị của cộng đồng, nhưng các bác sĩ ở tuyến đầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng tự an ủi vì cộng đồng đã có ý thức về việc phòng dịch, qua đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, cũng là một cách giảm áp lực cho ngành y tế.
Theo Thanh niên
Sứ mệnh của thiên thần
Hôm nay (27/2), kỷ niệm 65 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, một ngày đặc biệt của ngành y.
Tuy nhiên, 3 ngày trước, Bộ Y tế đã có yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành dừng mọi hoạt động tôn vinh. Ấy cũng vì một lý do đặc biệt: Covid-19.
Ảnh minh họa
Virus Corona đang lan rộng ra nhiều châu lục. Cuộc chiến với thứ virus chết người này đang diễn ra từng giây, từng phút. Trên khắp thế giới, các thầy thuốc, các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương thuốc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Những cuộc chiến như thế này sẽ chẳng bao giờ dừng lại, bởi khi tiêu diệt hết loại virus này thì virus khác sẽ lại ra đời. Và trong cuộc đối chọi không có hồi kết ấy, những người thầy thuốc luôn đứng trên mặt trận tiên phong.
Thế giới đang phải trải qua những chuỗi ngày đầy khó khăn, thách thức, nhưng điều này lại chẳng có gì phải sợ hãi. Những "thiên sứ áo trắng" ở khắp nơi trên thế giới này, đang tận lực làm tròn sứ mệnh, hoàn thành thiên chức mà nghề y đã đặt lên vai họ.
Đã có nhiều và rất nhiều người trong số họ đã nằm xuống nhưng lớp lớp người kế cận phía sau tiếp tục tiến lên, không một ai lùi bước.
Tại Việt Nam 17 năm trước, đại dịch SARS hoành hành. 45 ngày ròng rã giành giật sự sống cho người khác, 6 y bác sĩ tại Bệnh viện Việt-Pháp đã ra đi trong nỗi tiếc thương vô hạn của cộng đồng. Nếu có ai chưa tin vào gánh nặng trên đôi vai của họ hãy nhớ về những khoảnh khắc đó.
Ngày hôm nay, Covid-19 bùng phát, không ai khác chính những "từ mẫu" ấy lại tiên phong đi vào nơi nguy hiểm nhất để giành lại những sinh mệnh trước miệng tử thần.
16 người tại Việt Nam nhiễm bệnh đều đã được điều trị khỏi, có địa phương vừa công bố hết dịch. Đó không chỉ là niềm vui chung của xã hội mà còn là sự tri ân đối với những người trên "trận tuyến" mang tính sống còn.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thầy thuốc vĩ đại của nền y học cổ truyền Việt Nam đã truyền dạy: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công".
Người thầy thuốc "Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu...(lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Có lẽ hơn lúc nào hết, vào thời điểm này người ta thấy rõ nhất sứ mệnh của những người thầy thuốc. Không chỉ ngày hôm nay, ngày mai, mà bất cứ khi nào trái tim trong mỗi chúng ta còn đập, họ-những người thầy thuốc luôn xứng đáng được tôn vinh.
Theo congly
Thầy thuốc nơi tuyến đầu Trong khi dịch Covid-19 đang đe dọa và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ thì tại Việt Nam dịch cơ bản được kiểm soát. Tất cả 16 người nhiễm bệnh đã được điều trị phục hồi. Có được thành công bước đầu đó là sự vào cuộc tổng lực của cả xã hội với nhiều lực lượng, các...