Tầm soát ung thư cổ tử cung: Càng sớm càng tốt
Ung thư cổ tử cung phát hiện sớm có thể chữa khỏi, song nếu tiến triển thành chồi, sùi ở giai đoạn muộn thì khả năng tử vong cao.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, vi-rút HPV là nguyên nhân dẫn đến 99% số ca mắc ung thư cổ tử cung. Việc phát hiện vi-rút HPV khá dễ dàng, mang lại hiệu quả chữa bệnh cao.
- Tại sao phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung, thưa bác sĩ?
- Ung thư cổ tử cung gây tử vong hàng thứ hai sau ung thư vú, song có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Nếu đợi đến khi tiến triển thành chồi, sùi ở giai đoạn 2-3 thì khó chữa.
- Những phương pháp tầm soát nào hiệu quả?
- Từ nhiều năm trước, xét nghiệm tế bào học (PAP) là phương pháp tầm soát phổ biến tại các cơ sở y tế. Mục đích là tìm ra sự biến đổi tế bào để xem bệnh nhân có nguy cơ ung thư cổ tử cung hay không.
Tuy nhiên, PAP phụ thuộc vào nhiều yếu tố dễ sai lệch kết quả. Người lấy mẫu, cách bảo quản mẫu, kỹ năng đọc kết quả… khiến kết quả xét nghiệm PAP chỉ đạt độ chính xác 50-70%. Tầm soát 10 ca thì có khoảng 3-5 ca bị sót.
Để cải thiện tình trạng trên, kỹ thuật PAP nhúng dịch được ứng dụng. Kỹ thuật này tiến bộ hơn song vẫn chỉ phát hiện bệnh ở mức 70%.
Khi HPV được xác định là nguyên nhân gây 99% số ca ung thư cổ tử cung, các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu và tìm ra được giải pháp mới sàng lọc bệnh.
Đó chính là kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vi-rút HPV DNA, giúp phát hiện bệnh trên 90%, được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận năm 2014.
Tháng 7/2016, Bộ Y tế Việt Nam cũng phê duyệt xét nghiệm Cobas HPV là xét nghiệm chính ban đầu trong sàng lọc nguy cơ ung thư cổ tử cung, giúp hơn 90% phụ nữ phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh.
- Ai cần tầm soát ung thư cổ tử cung?
- Nhiều người cho rằng độ tuổi 18-45 nên tầm soát. Tuy nhiên, suy nghĩ này không đúng và có thể bỏ sót ca bệnh. Mọi phụ nữ từng quan hệ tình dục đều cần tầm soát ung thư cổ tử cung.
Video đang HOT
Phát hiện sớm vi-rút HPV giúp phòng ngừa và điều trị ung thư cổ tử cung hiệu quả.
- Bao lâu thì tầm soát một lần?
- Nhiều người chủ quan không tầm soát, đến khi thấy ra huyết âm đạo mới đi khám thì đã ung thư giai đoạn muộn. Vì vậy, phụ nữ được khuyến cáo thăm khám phụ khoa 6 tháng một lần, kết hợp làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung. Kỹ thuật PAP yêu cầu tầm soát mỗi năm. Kỹ thuật tầm soát vi-rút HPV thì tái xét nghiệm mỗi 3 năm.
Vắc-xin hiện nay chỉ ngừa được một số chủng HPV trong số 14 chủng nguy cơ cao. Vì vậy, người tiêm phòng rồi vẫn phải tầm soát định kỳ.
- Khi nào nên nghi ngờ kết quả xét nghiệm?
- Nhiều trường hợp quan sát và xét nghiệm PAP không thấy bất thường nhưng thực tế ung thư đã ở giai đoạn tiền xâm lấn (âm tính giả). Vi-rút HPV có hơn 100 chủng khác nhau, trong đó có 14 chủng nguy cơ cao, đáng lo nhất là HPV 16 và 18 gây nên 70% số ca ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 25% phụ nữ nhiễm HPV có thể dẫn đến ung thư, số còn lại cơ thể tự đào thải. Nếu kết quả dương tính với HPV (mắc bệnh), sau đó âm tính (không mắc bệnh) thì vẫn có thể dương tính trở lại.
Vì thế, khi kết quả lần khám trước âm tính thì vẫn cần tầm soát lại ở lần sau.
- Tầm soát như thế nào, thưa bác sĩ?
- Việc tầm soát hoàn toàn đơn giản. Người đến tầm soát giống như khám phụ khoa bình thường, được lấy mẫu đi xét nghiệm, kết quả có sau khoảng 2 tuần. Điều kiện phù hợp để thực hiện xét nghiệm là không bị viêm nhiễm âm đạo, không ra huyết âm đạo và không quan hệ tình dục trước đó 48 giờ.
- Xét nghiệm HPV từ xa thì sao?
- Bệnh viện Hùng Vương đang lên kế hoạch thực hiện xét nghiệm HPV cho các tỉnh xa thiếu thốn máy móc. Chương trình triển khai ở tất cả các địa phương liên kết, cho lấy mẫu tại chỗ và gửi về bệnh viện xét nghiệm rồi trả kết quả sau. Việc lấy mẫu và vận chuyển mẫu đúng quy cách sẽ giúp kết quả chuẩn xác.
Theo An San/Vnexpress.net
Thụt rửa âm đạo: Khả năng nhiễm vi-rút HPV gấp 2 lần
Daily Star vừa dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy phái nữ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung gấp đôi khi thụt rửa âm đạo.
Theo những nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học Texas (bang Texas, Hoa Kỳ), khi các cô gái thụt rửa bộ phận sinh dục của mình vì muốn loại bỏ mùi hôi khó chịu phát ra sẽ khiến họ càng rơi vào nguy hiểm hơn với khả năng bị nhiễm vi-rút HPV cao hơn gấp hai lần.
Mặc dù âm đạo là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, theo đánh giá của các nhà khoa học thì nó chỉ đứng sau ruột, nhưng trong đó có những loại vi khuẩn có lợi, giúp bảo vệ cho 'cô bé' được khỏe mạnh.
Tuy nhiên việc thụt rửa quá sâu vào bên trong âm hộ bằng nước hoặc các dung dịch vệ sinh phụ nữ không chỉ tiêu diệt những vi khuẩn có hại mà còn giết chết cả những vi khuẩn có lợi và làm mất cân bằng môi trường bên trong âm đạo khiến các vi-rút gây nên bệnh ung thư có cơ hội tấn công 'cô bé'.
Mối liên quan giữa thụt rửa âm đạo và ung thư cổ tử cung.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã tìm ra mối liên kết giữa việc thụt rửa bộ phận sinh dục nữ với khả năng bị nhiễm trùng nấm men, bệnh viêm vùng chậu và thai ngoài tử cung.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên quan giữa thói quen thụt rửa này với nguy cơ ung thư cổ tử cung, làm giảm khả năng sinh sản, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ (Environmental Health Sciences) đã tiến hành giám sát hơn 40.000 phụ nữ Mỹ và Puerto Rico trong thời gian 1 năm. Tới cuối giai đoạn này, có 154 phụ nữ được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng.
Trong số những phụ nữ được chẩn đoán ung thư, tỷ lệ ung thư là gấp đôi ở những người báo cáo có thụt rửa âm đạo trong năm trước khi tham gia vào nghiên cứu.
Từ kết quả trên, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường cũng rút ra kết luận về mối liên hệ giữa ung thư buồng trứng ở phụ nữ và việc thụt rửa âm đạo của họ.
Một số sai lầm khi chăm sóc 'vùng kín'
Sử dụng miếng lót vệ sinh không đúng cách, để quá lâu sẽ tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Rửa bằng sữa tắm, xà phòng hay chất tẩy rửa mạnh: Làm thay đổi pH âm đạo, gây mất cân bằng sinh lý âm đạo, vừa dễ bị viêm nhiễm...
- Ngâm vùng kín trong chậu nước: Việc làm này khiến cho những vi khuẩn vốn rất sẵn có hậu môn được dịp lan vào nước và tấn công lại 'vùng kín'.
- 'Kết thân' với băng vệ sinh hàng ngày: Sử dụng miếng lót vệ sinh không đúng cách, để quá lâu sẽ tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Cách chăm sóc 'cô bé' đúng cách
- Rửa vùng kín mỗi ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh, bằng sản phẩm vệ sinh phụ nữ chuyên dụng.
- Vệ sinh sạch sẽ thường xuyên trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, hậu sản, những ngày ra nhiều huyết trắng (thay băng vệ sinh hàng ngày sau 4 giờ, với băng vệ sinh đặt trong âm đạo cần thay sau mỗi 2 giờ).
Không nên để quá lâu dễ gây khô âm đạo, kích ứng niêm mạc, vi khuẩn phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
- Vệ sinh sạch sẽ cho cả hai người trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Giữ cho vùng kín càng khô ráo càng tốt. Tránh mặc quần áo chật, quần ẩm ướt, không nên mặc đồ lót bó sát ngăn da tiếp xúc với không khí gây rối loạn tuần hoàn máu, thay quần lót thường xuyên.
- Không thụt rửa âm đạo khi không có chỉ dẫn của thầy thuốc, vì việc thụt rửa dễ ảnh hưởng tới PH, cân bằng sinh lý âm đạo.
- Không nên dùng xà phòng hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.
- Không dùng nước bẩn có nhiều vi sinh vật như nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa vệ sinh.
- Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.
Theo Duyên Linh/Baodatviet.vn
Chảy máu khi 'quan hệ': Những điều chị em cần phải biết chứ không chỉ nói để đấy 'Chuyện ấy' có thể gây ra ít nhiều lộn xộn nhưng nếu thấy chảy máu khi 'quan hệ', bạn cần biết cách phân biệt xem liệu đó có phải hiện tượng bình thường không. Chảy máu khi 'quan hệ' đôi khi không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp lại cũng có thể là dấu hiệu của một...