Tạm nghỉ dạy, giáo viên bán hàng online để có thêm thu nhập
Trong thời gian nghỉ dạy do dịch bệnh, nhiều giáo viên từ miền núi xuống đồng bằng tổ chức bán hàng online. Đây cũng là một cách để đỡ rảnh tay rảnh chân và có thể kiếm thêm thu nhập.
Là giáo viên tiểu học ở huyện miền núi, nghỉ dạy từ tết đến nay, cô giáo Trần Thị Tú Điển về quê xã Tam Tiến, huyện Núi Thành tập tành bán hàng online. Là quê miền biển nên có đủ loại thủy hải sản tươi rói từ biển, cô Điển quyết định mua cá, tôm, cua… về lên facebook rao bán.
Tạm nghỉ dạy, cô Trần Thị Tú Điển bán hàng online
Lướt một vòng trang face của cô Điển giống như một chợ hải sản; cá, mực, tôm cua loại nào cũng có. Mỗi buổi sáng hàng ngày, ghe tàu vô bờ loại nào là cô chụp hình đăng face ngay để cho người tiêu dùng dễ lựa chọn. Muốn ăn loại nào, cứ nhắn tin cô sẽ ship tận nhà. Giá cả có sẵn, cô không tính tiền ship.
Cô bảo, sáng 5h ra chợ biển mua cá về làm, đến 10h thì đi ship hàng đến chiều. Chiều ship xong lại ra chợ, tối bán đồ ăn vặt như sữa tươi trân châu, kem plan, yaourt, rau câu… Ai đặt gì, cô làm cái nấy, ship tận nơi.
Sản phẩm cá khô ở nhà cô giáo Điển tự làm bán cho khách
“Chạy đi ship hàng quanh quanh như con hâm. Hôm nào khách đặt nhiều, chạy mệt đuối nhưng cũng ráng. Cứ có khách đặt hàng là mừng lắm. Có hôm khách đặt đồ tươi thì em phải đi sớm. 7h-7h30 chạy đi ship rồi nhưng mà vui”, cô Điển chia sẻ.
Không những bán hải sản tươi, cô Điển còn mua các loại hải sản về phơi khô rồi bán như tép, cá nục, cá cơm… Tất cả đều do tự tay cô làm. Cô tâm sự, là người quê gốc biển nên làm từ nhỏ, không sợ cực. Nhà ba mẹ làm biển nên cũng đỡ. Làm được thì bán, còn để lại ăn. Thành ra tiền chợ búa cũng giảm được phần nào. Cô cũng tự khen là mình có khả năng thích nghi tốt.
Cô Điển bảo, kinh doanh lúc này chỉ làm phụ, còn đi dạy là niềm đam mê, dù với cô chỉ là giáo viên hợp đồng, chưa được vô biên chế nhà nước, lương hợp đồng mỗi tháng cũng chỉ gần 4 triệu đồng.
Dù mỗi ngày chỉ lời lãi chỉ được hơn trăm ngàn, có ngày không có đồng nào nhưng kinh doanh trong mùa dịch cũng chỉ là làm cho đỡ ngứa ngáy chân tay do ở không. Hết dịch, cô lại lên với miền núi, mang con chữ đến với trẻ em đồng bào dân tộc.
Video đang HOT
Hủ lá tuyết nhung (lan kim tuyến) ngâm mật ong và sáp ong ngâm rượu, là đặc sản của vùng núi Nam Trà My được cô Thu Ba rao bán trên mạng
Trong thời gian tạm nghỉ dạy do dịch bệnh, cô Nguyễn Thị Thu Ba – giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) cũng tập tành bán hàng online.
Ở huyện miền núi Nam Trà My có nhiều đặc sản rừng như sâm ngâm mật ong rừng, giảo cổ lam, măng rừng, khổ qua rừng, chè dây, sâm ngọc linh, gạo đỏ… Mỗi món hàng cô chụp rồi đăng lên trang facebook cá nhân kèm theo số điện thoại, khách hàng nào có nhu cầu thì đặt mua.
Cô Thu Ba đang vét mật ong rừng giao cho khách hàng đặt mua
Cô Thu Ba mới bán hàng online từ tháng 3 đến nay, khách hàng của cô không nhiều, doanh thu cũng chỉ được vài trăm nhưng cô bảo thấy vui vì những ngày không đi dạy, ở nhà chăm con cũng cùn chân; hơn nữa có đồng ra đồng vào cũng vui dù không lời lãi được mấy.
Cô bảo vì mình còn con nhỏ, bé đầu đang học lớp 1, bây giờ đang nghỉ dạy do dịch bệnh nên ở nhà vừa bày con học vừa bán hàng online để kiếm thêm tiền trang trải chứ không biết làm gì. “Giáo viên miền núi như tụi em nghỉ dạy thì biết làm gì, bán như vậy để qua ngày thôi, cầu mong cho dịch nhanh qua để tụi em được trở lại với nghề chính của mình”, cô Thu Ba chia sẻ.
Cô Thu Ba là giáo viên đã vào biên chế, từ tết đến nay cô vẫn nhận đủ 100% lương nhưng con cái ở nhà lại phát sinh nhiều thứ nên chi tiêu cũng tăng hơn so với bình thường. Cô bảo nếu như ngày thường, con cái đi học, tiền bạc chi tiêu trong khuôn khổ, giờ chăm con ở nhà lại chi tiêu nhiều hơn nên cô tranh thủ bán hàng online kiếm thêm.
Cô cho biết, ở trường mình nhiều thầy cô chưa có biên chế, mà chỉ là giáo viên hợp đồng nên cũng chạy đôn chạy đáo làm đủ thứ để trang trãi cuộc sống, có cô bán đồ ăn vặt, có cô bán mỹ phẩm online…
Bán hàng online chỉ là nghề tay trái trong thời gian tạm nghỉ dạy, cũng có đồng ra đồng vào nhưng khi được hỏi, các thầy cô đều mong muốn dịch bệnh nhanh chóng qua nhanh để các cô được trở lại trường lớp, được là chính mình với niềm đam mê dạy học, được mang con chữ đến với các em…
Công Bính
Dịch Covid-19: Trường vừa mở chưa kịp đón học sinh đã bị đóng cửa, cô giáo nghỉ dạy bán hàng online và về quê làm ruộng
Những diễn biến của dịch Covid-19 đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập và giáo viên tại đây.
Nếu như nhiều ngành nghề khác đến cuối tháng 3 mới bắt đầu phải đóng cửa thì các trường học đã rục rịch ngừng hoạt động từ đầu tháng 2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này đã khiến không ít người đứng đầu các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, các cô giáo cũng lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi mất nguồn thu nhập.
Chủ trường loay hoay vay mượn khắp nơi để chi trả đủ loại chi phí
Cô Ngô Thanh Huyền, hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt (Hà Nội) đang chật vật vay mượn khắp nơi để chuẩn bị trả tiền thuê mặt bằng quý 2 vào ngày 7/4 tới, tổng số tiền phải trả là 66 triệu đồng.
" Bây giờ mình không biết phải kiếm đâu ra 66 triệu nữa. Hồi tháng 2 còn đi vay được, bây giờ ai cũng khó khăn nên không có chỗ vay. Cái gì bán được mình đã bán hết rồi, căng nhất là tiền mặt bằng phải đóng vào ngày 7/4 này, nếu không đúng hạn họ đòi lại mặt bằng thì coi như mình mất hết" - cô Huyền thở dài.
Hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt đang không biết xoay sở tiền mặt bằng quý 2 ra sao.
Cô Huyền cho rằng ngành giáo dục bị ảnh hưởng đầu tiên bởi dịch bệnh vì phải bắt buộc đóng cửa từ đầu tháng 2. Nói về nguyện vọng của mình, cô Huyền chỉ mong được chính phủ ra tay giúp đỡ. Cô cũng đưa ra thắc mắc khi thấy chính phủ có gói an sinh xã hội nhưng không biết cơ sở giáo dục ngoài công lập có được coi là doanh nghiệp hay không?
Một câu chuyện buồn khác là trường hợp của cô P.T.H., ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Không giống như cô Huyền, ngôi trường của cô H. còn chưa đi vào hoạt động nhưng đã phải giải thể sau khi đã cố gắng xoay sở để chi trả các khoản phí, cầm cự đợi hết dịch để đón học sinh mà ngày đó lại không đến.
" Mình bắt đầu việc mở trường mầm non từ tháng 11/2019. Trước Tết Nguyên đán mình đã đi làm các thủ tục hồ sơ pháp lý, song song với đó là thuê mặt bằng, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng như: giường, tủ, bàn ghết, đồ chơi, bếp... Và kết nối với hai giáo viên, một người nấu ăn. Dự định qua Tết xin được giấy phép là trường sẽ bắt đầu đi vào hoạt động" - cô H. kể về dự định mở trường mầm non của mình.
Cô H. thanh lý toàn bộ trang thiết bị mới mua chưa dùng đến ngày nào, tạm từ bỏ dự định mở trường mầm non tư thục.
Tuy nhiên sau Tết cũng là lúc học sinh phải nghỉ học vì dịch bệnh. Cô H. không thể mở trường đúng kế hoạch mà vẫn phải trả chi phí thuê nhà mỗi tháng 15 triệu đồng. Đến nay đã là 5 tháng, cô H. không trụ nổi đành phải trả nhà, thanh lý toàn bộ đồ đạc vừa sắm còn mới nguyên chưa kịp dùng.
Trường học vừa mở chưa kịp đón học sinh đã bị đóng cửa.
Được biết ngoài chi phí thuê nhà, tiền cọc, cô H. còn phải sửa sang, cộng thêm tiền mua trang thiết bị, tổng cộng đầu tư gần 200 triệu đồng mà giờ "đổ hết xuống sông, xuống biển".
Khi được hỏi về dự định có tiếp tục theo đuổi việc mở trường sau khi hết dịch nữa hay không? Cô H. bày tỏ vẫn muốn thực hiện mong muốn này nhưng sau dịch thì chưa đủ điều kiện mà phải đợi vài năm nữa để tích góp vốn.
Cô giáo nghỉ dạy, người về quê làm ruộng, người tập tành bán hàng online
Không chỉ chủ trường khổ, các cô giáo cũng chẳng kém phần lao đao. Cô H.H., giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội cho hay, từ khi nghỉ dạy cô cũng không được hưởng khoản trợ cấp nào. Chính vì thế mà vấn đề kinh tế của gia đình cô gặp không ít khó khăn.
" Không đi làm thì không có thu nhập, mặc dù dịch bệnh mình nghỉ dạy về quê nhưng vẫn phải trả tiền thuê phòng trọ ở Hà Nội và nhiều khoản chi tiêu khác. Gia đình còn có một cháu nhỏ, cũng may là ông xã vẫn đi làm được nên còn có đồng ra đồng vào" - cô H. nói.
Để san sẻ bớt gánh nặng cho chồng, chị H. bắt đầu tập tành bán hàng online, tuy nhiên, vì mới bán nên mọi thứ cũng chưa đâu vào đâu, cần có thêm thời gian để thích nghi.
Một cô giáo nghỉ dạy chuyển sang bán bánh bao online.
Gặp khó khăn tương tự là cô Nguyễn Oanh, giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội. Ngôi trường nơi cô Oanh dạy cũng hứa hỗ trợ cho giáo viên mỗi tháng 2 triệu đồng. Thế nhưng hiện tại chủ trường xin trả sau vì còn đang lo trả tiền mặt bằng.
Từ ngày nghỉ dạy thì cô Oanh về quê giúp đỡ bố mẹ công việc đồng áng, cấy lúa, nuôi gà, chăn vịt...
" Gia đình mình cũng khó khăn, bố mẹ đã già còn em thì đang đi học, bây giờ mình không đi làm lại thêm gánh nặng cho bố mẹ. Dù về quê nhưng hàng tháng mình vẫn phải đóng tiền nhà trọ. Những lúc trời không mưa thì còn có thể đi làm phụ hồ nhưng cả tuần nay mưa gió thế này, mình chẳng đi đâu được, chỉ ở nhà giúp gia đình những công việc như vậy thôi" - cô Oanh chia sẻ về cuộc sống hiện tại.
Nói về mong muốn của mình, cô Oanh mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để cô và nhiều đồng nghiệp khác có thể quay lại làm việc. Bên cạnh đó, cô giáo trẻ cũng mong nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như mình để có thể trang trải cuộc sống trong lúc khó khăn.
V.V.
Thầy cô bán hàng online coi chừng bị kỷ luật! Khi bán hàng trên mạng xã hội, mặt trái của vấn đề đã bộc lộ, đặc biệt là khi thầy cô lên lớp, hội họp v.v... Cuộc sống giáo viên không dạy thêm được còn gặp nhiều khó khăn. "Trong cái khó ló cái khôn", không ít thầy cô giờ đây là "cao thủ" trong làng bán hàng online trên mạng xã hội....