Tâm dịch Vũ Hán – bà nội nhiễm virus corona và giờ cả nhà đều lây bệnh
Cả gia đình cần được chăm sóc y tế nhưng các bệnh viện đều quá tải vì virus corona mới(Covid-19). Họ được bảo về nhà tự cách ly, chờ đợi và một người đã chết.
Bella Trương treo túi dịch truyền lên một nhánh cây mảnh khảnh và tựa vào bồn hoa lớn bên ngoài bệnh viện đông đúc. Mẹ và em trai ngồi bên cạnh với dáng vẻ mệt mỏi, đôi vai chùng xuống, và cũng treo túi dịch của họ lên cây.
Trong những ngày gần đây, cô Trương, 25 tuổi, nhân viên bán nước hoa có mái tóc màu xanh lam, đã bất lực nhìn từng người thân của cô nhiễm phải virus corona trong dịch bệnh đang làm tê liệt quê hương cô, thành phố Vũ Hán. Đầu tiên là bà nội cô. Sau đó là ông nội và mẹ cô. Tiếp theo là cô và em trai.
Gia đình cô đã tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng các bệnh viện trong thành phố không thể cho họ nhập viện vì thiếu giường bệnh nghiêm trọng. Hôm 1/2, ông của cô Trương qua đời tại nhà.
“Họ bảo chúng tôi chờ đợi”, mẹ của cô Trương, bà Dương Linh, 48 tuổi, nói với New York Times. Bà suýt làm tuột kim tiêm tĩnh mạch trong lúc quơ tay bực tức. “Nhưng đợi đến khi nào? Chúng tôi mất một mạng người rồi”.
Bệnh nhân nhiễm virus corona đến một bệnh viện tạm ở Vũ Hán. Ảnh: AP.
Lựa chọn duy nhất
Thành phố Vũ Hán, nơi virus corona chủng mới phát tích, đang chật vật để kiểm soát dịch bệnh. Chính quyền áp đặt lệnh cấm đi lại nhưng điều đó lại làm trầm trọng thêm các thách thức đặt ra bởi nguồn lực hạn chế của thành phố.
Quá tải và thiếu nhân lực, các bệnh viện từ chối tiếp nhận nhiều cư dân mắc bệnh như cô Trương, buộc họ trở về nhà và tự cách ly trong những căn hộ nhỏ nơi họ có nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình.
Tính đến sáng 11/2, Vũ Hán có hơn 18.000 người nhiễm virus và 748 người tử vong, chiếm 3/4 tổng số ca tử vong ở Trung Quốc vì dịch bệnh. Đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng từ công chúng và tìm mọi cách khống chế sự lây lan, chính quyền thành phố những ngày gần đây đã khoanh vùng những người được xác nhận nhiễm nhưng có triệu chứng nhẹ và đưa họ vào các trung tâm cách ly tạm thời.
Chính quyền đang chuyển đổi các sân vận động và khu triển lãm thành các trung tâm cách ly và cho biết những nơi này sẽ tiếp nhận tổng cộng hơn 10.000 bệnh nhân. Giường được xếp gần nhau thành hàng dài, gây lo ngại về việc các cơ sở giống ký túc xá này có thể vô tình làm lây lan các bệnh truyền nhiễm khác trong số các bệnh nhân.
Cô Trương được nhận vào một trong những trung tâm này hôm 6/2 cùng mẹ cô, một người về hưu. Họ coi đó là lựa chọn duy nhất để tránh lây nhiễm cho cha cô.
Bên trong tòa nhà cao tầng được sửa chữa lại, nhiệt độ rất thấp, phòng tắm không nhiều và sự riêng tư cũng là điều xa xỉ. Song giường được sưởi ấm bằng đệm điện, và đội ngũ y tế kiểm tra thân nhiệt ba lần một ngày, cung cấp thuốc và thức ăn miễn phí.
“Ít nhất thì giờ đã có người quan tâm chúng tôi”, cô nói qua điện thoại từ trung tâm cách ly.
Bella Trương và thuốc của cô. Ảnh: NYT.
Không ai giúp đỡ
Đối với gia đình cô, những dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện vào tuần lễ trước Tết Nguyên đán, khi bà nội 70 tuổi của cô, vốn đang có sức khỏe tốt, bắt đầu bị sốt và ho.
Cho đến lúc đó, virus mới đã lây lan trong thành phố nhiều tuần, dù các quan chức gần như tránh đề cập đến chuyện này. Ngay cả sau khi chính quyền thừa nhận rằng virus có thể lây từ người sang người, gia đình cô không nghĩ rằng họ có nguy cơ vì họ hầu như ở trong nhà. Họ đưa bà cô đến một phòng khám, bác sĩ đưa thuốc cảm lạnh và để bà về nhà.
Để ngăn chặn dịch bùng phát, chính quyền hạn chế đi lại trong và ngoài thành phố, tạm dừng giao thông công cộng và cấm hầu hết xe cá nhân trên đường. Giống nhiều cư dân khác, cô Trương ban đầu không thấy lo lắng. Cô đăng ảnh chế lên mạng xã hội, nói đùa về vụ phong thành và giết thời gian bằng việc ăn hạt sấy thập cẩm.
Bà của cô, người ở cùng gia đình trong kỳ nghỉ, vẫn tiếp tục ho. Cơn sốt của bà không giảm.
Sau đó, sức khỏe của ông cô, vốn bị ung thư phổi, đột nhiên trở nên xấu đi. Ông phải sử dụng máy trợ thở trong 30 phút vào buổi sáng và một lần nữa vào ban đêm. Sau đó ông không thể tự thở được nữa và cần máy hỗ trợ toàn thời gian. Ông lên cơn sốt và ngày càng yếu hơn. Ông không thể ngủ được trong suốt 4 ngày.
Tuyệt vọng tìm sự giúp đỡ, cô Trương và gia đình đã gọi cho tất cả những người mà họ có thể nghĩ đến. Song các bệnh viện đều kín giường. Lực lượng phản ứng khẩn cấp nói với họ rằng họ cần đảm bảo có một giường bệnh trống trước khi điều xe cứu thương đến.
Cô Trương suy sụp khi nhìn thấy ông của mình, người đã nuôi dưỡng cô, cận kề cái chết. Trong đêm, tải khoản mạng xã hội của cô, vốn thường đăng hình ảnh ăn uống và du lịch, đã ngập tràn những lời kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp. Trong nỗ lực cuối cùng, cô gọi vào đường dây nóng cho thị trưởng thành phố. Song người nhận máy không có câu trả lời, và hỏi cô họ dự định làm gì.
“Bạn đang hỏi tôi, một công dân bình thường, làm thế nào để giải quyết chuyện này?”, cô trả lời. Cô cúp máy.
Chiều hôm đó, ông nội cô qua đời trong căn hộ của gia đình.
Nhân viên nhà tang lễ đến đưa thi thể ông cụ đi. Họ nói vì ông có thể đã bị nhiễm virus nên gia đình không được phép đi cùng và thi thể phải được hỏa táng ngay lập tức.
Các bệnh viện ở Vũ Hán đều quá tả vì dịch bệnh. Ảnh: Reuters.
Lây bệnh chỉ là vấn đề thời gian
Song họ không có thời gian để than khóc. Bà của cô Trương đang yếu đi nhanh chóng. Họ đưa cụ bà đến bệnh viện, và bác sĩ nói rằng phổi của bà gần như hoàn toàn trắng trên phim chụp – dấu hiệu viêm phổi nặng. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bà dương tính với virus corona.
Bà cần phải được đưa một trong những bệnh viện được chỉ định để điều trị bệnh nhân virus corona tại thành phố. Ở đó, các bác sĩ có thể theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bà, điều trị cho bà bằng thuốc kháng virus và kháng HIV.
Song vẫn không có giường.
Các bác sĩ sau đó nói với cô Trương và mẹ cô rằng họ cũng bị nhiễm bệnh. Em trai cô, Allen, cũng cho kết quả dương tính. Tất cả họ đều được bảo trở về nhà.
Cha cô, 50 tuổi, là thành viên duy nhất trong gia đình không bị nhiễm bệnh. Ông ngủ ở phòng khách, cách xa những người còn lại. Họ đeo khẩu trang mọi lúc, ngay cả khi họ ngủ, và thay phiên nhau chăm sóc cho người bà khó thở và hầu như không thể ra khỏi giường.
Cô Trương tin chắc rằng việc cha cô mắc bệnh chỉ là vấn đề thời gian. Họ không có chất khử trùng hay khẩu trang N95, loại khẩu trang được cho là chống lại virus tốt hơn.
“Mỗi ngày, bạn sinh hoạt cùng nhau, ăn uống cùng nhau, cùng nhau ngồi xem tin tức”, cô Trương nói. “Dù bạn có cố gắng thế nào, cuối cùng ông ấy cũng sẽ bị”.
Ngày tháng của cô nhanh chóng rơi vào một vòng xoáy điên rồ.
Cô sẽ đưa bà ngoại đến bệnh viện để gặp bác sĩ vào khoảng nửa đêm, khi dòng người xếp hàng ngắn hơn, để lấy thuốc. Ban ngày, cô trở lại bệnh viện với mẹ và xếp hàng chờ đợi.
Một sân vận động được chuyển đổi thành trung tâm cách ly ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters.
Không chỉ phản ứng chậm chạp của chính quyền đối với dịch bệnh đang lan rộng gây phẫn nộ. Sau khi ông Trương qua đời, thi thể ông bị đưa đi rất thiếu trách nhiệm và họ vẫn không biết tro cốt của ông ở đâu và không có thời gian để suy nghĩ về việc tổ chức tang lễ.
“Tôi thậm chí không thể cứu những người còn sống”, bà Dương nói.
“Bây giờ, tất cả những gì chúng tôi có thể làm là cầu xin ông trời”, bà nói. “Cầu xin bất cứ ai khác đều không có tác dụng”.
Bên trong bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona
Bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán được chia thành 3 khu A, B, C. Khu A đã được đưa vào sử dụng, các khu còn lại sẽ được cho hoạt động sớm.
Theo news.zing.vn
Thái Nguyên: Chủ động phương án sẵn sàng ứng phó dịch virus Corona
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên phạm vi cả nước, sáng 31/1, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp với các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh này.
Theo đó, Thái Nguyên là địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao do có vị trí địa lý là đầu mối giao lưu của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều trường đại học và cao đẳng, chuyên nghiệp và các khu công nghiệp phát triển... nên số lượng người tập trung rất lớn và thường xuyên biến động.
Trước tình hình đó, để phòng chống dịch bệnh, tỉnh Thái Nguyên đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh do ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đồng thời, tỉnh còn ban hành Chỉ thị 01/CT- UBND về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Tỉnh Thái Nguyên họp Ban chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp sáng 31/1.
Qua đó, kế hoạch triển khai phòng, chống dịch bệnh virus Corona đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh Thái Nguyên khẩn trương xây dựng với 3 tình huống xảy ra gồm: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Thái Nguyên; Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh Thái Nguyên; Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Với mỗi tình huống, Ban Chỉ đạo đều đưa ra các phương án điều hành ở các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã về việc thông tin, tuyên truyền, cũng như các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, sự phối hợp liên ngành của các cơ quan chuyên môn.
Đến thời điểm này, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thường xuyên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa ghi nhận trường hợp bệnh dịch virus corona nào. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị trên địa bàn đã có những động thái chủ động nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng theo dõi sát sao việc công dân nhập cảnh từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào địa bàn tỉnh và cho đến nay, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh nào.
Cũng tại cuộc họp, ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ở người nói chung và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nói riêng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần được đặt lên hàng đầu để người dân chủ động việc phòng tránh. Ngoài ra, cần thông tin rộng rãi các khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên phải quản lý chặt chẽ thông tin, xử lý nghiêm những trường hợp đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh này trên mạng xã hội, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gồm 18 người là cán bộ, lãnh đạo và nhân viên y tế của bệnh viện.
Trước đó, ngày 30/1, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, trong đó, bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên được thành lập 2 đội.
Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona vào chiều 31/1.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch; Thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV.
Thành phần của mỗi Đội cơ động bao gồm: 1 lãnh đạo bệnh viện; 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu; 1 bác sĩ truyền nhiễm; 1 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn; 1 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm; 1 lái xe. Mỗi Đội cơ động sẽ được trang bị 1 xe ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe như máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn...
Khu vực cách ly người bệnh đã được chuẩn bị sẵn khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Các phương án đã được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Cũng tại cuộc họp, các ý kiến đều xoay quanh phương án đối phó khi có dịch bệnh xảy ra. Trong trường hợp nếu có dịch bệnh, toàn bộ khoa bệnh viện nhiệt đới sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều trị và cách ly người bệnh. Khi đó, bệnh nhân trong khoa sẽ được chuyển đến địa điểm khác để nhường chỗ cho các bệnh nhân nhiễm dịch Corona.
Đồng thời, các nhân viên y tế của khoa bệnh viện nhiệt đới sẽ phải cách ly hoàn toàn với các khoa bệnh khác và tuyệt đối không được trở về nhà trước khi dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn. Trong tình hình đó, các phương án hỗ trợ và tiếp ứng về thuốc men, tư trang cho những người trong khu vực cách ly đều được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến và trao đổi cụ thể.
Theo danviet.vn
Xử phạt các đối tượng tung tin thất thiệt về virus Corona Trong ngày 31/1, nhiều đối tượng tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận về dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona đã bị xử phạt. Chiều 31/1, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ đã làm việc với đối tượng P.T.M.T (SN 1971, trú tại phường Vân Phú, TP.Việt Trì, tỉnh...