Tam cường Mỹ-Nga-Trung: Sự thực dụng lọc lõi của Bắc Kinh
Trong khi MỹNga mải tranh hùng thì Trung Quốc chọn cách đi thực dụng, lợi dụng mâu thuẫn để hưởng lợi.
TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mexico, Thụy Điển trao đổi với Đất Việt về tam giác quan hệ Mỹ-Nga-Trung và cũng như cách Trung Quốc vươn lên, hưởng lợi từ mâu thuẫn Nga-Mỹ trong năm 2015.
Ngư ông đắc lợi
TS Nguyễn Ngọc Trường mô tả quan hệ Nga-Mỹ-Trung như một tam giác bất đối xứng. Trên thực tế, vào những năm 1970, Nixon và Kissinger đã tìm cách xây dựng tam giác này. Thời điểm đó, Liên Xô và Mỹ là hai cường quốc, còn Trung Quốc là một nước lớn, Mỹ lôi kéo Trung Quốc vào để tạo thêm đối trọng với Nga và lập ra một tam giác chiến lược nhưng bất đối xứng.
Tam giác không đều Mỹ-Nga-Trung
Sau Chiến tranh Lạnh, Nga yếu dần, tuy nhiên, từ khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền đã tìm cách khôi phục ảnh hưởng của Nga. Giá dầu thời điểm đó còn cao, Nga thu được nguồn ngoại tệ lớn nên muốn khôi phục lại vị thế của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua, cuộc chiến giá dầu và cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã đẩy Nga vào thế khó khăn về kinh tế, lại bị phương Tây bao vây cấm vận nên nước Nga bị suy yếu.
“Khi phương Tây cấm vận, Nga đặt trọng tâm vào việc xây dựng liên kết chiến lược với Trung Quốc nhằm tạo đối trọng với Mỹ. Sau hơn một năm rưỡi thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, hai bên phối hợp khá ăn ý về mặt chính trị, an ninh, ngoại giao và nếu nhìn bên ngoài mối quan hệ ấy rất mạnh.
Tuy nhiên, quan hệ Nga-Trung vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn. Trung Quốc thâm nhập vào nhiều khu vực ảnh hưởng của Nga và tìm mọi cách để ràng buộc Nga. Còn Nga dù thắt chặt quan hệ với Trung Quốc nhưng kim ngạc thương mại song phương sụt giảm, dù hai bên đã ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương nhưng cơ chế này cũng mới chỉ bắt đầu.
Trong nội bộ Nga, những người chịu ảnh hưởng của phương Tây cho rằng quan hệ với châu Âu mới là quan trọng nhất và tỏ ra không hứng thú với quan hệ Trung Quốc. Bản thân chính quyền của ông Putin cũng nhận ra rằng nếu đi sâu vào mối quan hệ với Trung Quốc, Moscow cũng không có lợi. Bởi vậy, quan hệ hai bên thiếu sự tin cậy về mặt chiến lược.
Nga thấy rằng cần phải tìm cách thoát ra khỏi sự bế tắc về mặt chiến lược đối ngoại từ cuộc khủng hoảng với Ukraine. Điều đó có nghĩa Nga xác định mối quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng nhưng hai bên phải tìm kiếm những đột phá mới. Trong năm 2015, Nga đã có bước đột phá quan trọng khi can thiệp quân sự vào Syria nhằm cải thiện vị thế của Nga trước Mỹ và khôi phục lại ảnh hưởng của Nga như thời Xô Viết ở Trung Đông.
Chính vào thời điểm này, nhân tố Nga-Mỹ lại nổi lên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hai lần sang Moscow và tổng thống hai nước cũng đã có những cuộc gặp mặt. Việc Nga tìm bước đi đột phá đã làm sống động lại quan hệ Nga-Mỹ cũng như mối quan hệ song phương ba bên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các cặp quan hệ song phương ba bên này bất đối xứng vì Nga đang là cạnh tam giác yếu.
Trong mối quan hệ với Nga, Trung Quốc đã tận dụng hai ưu thế của Moscow, đó là nguồn cung cấp năng lượng ổn định và tranh thủ nhận chuyển giao trang thiết bị quân sự và công nghệ quốc phòng từ Nga.
Đối với Mỹ, hiện Washington cần sự hợp tác của Nga trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định vì hai bên không phối hợp ở chiến trường. Bản thân Nga, Mỹ và các nước không muốn đánh tan IS mà khoanh lực lượng này lại trên chiến trường chính bởi nếu đánh tan, nhiều khả năng IS sẽ tản ra các nước khác như Afghanistan, Pakistan hay trở lại vùng Kavkaz của Nga. Do đó Nga đã có bước phòng ngừa là cải thiện quan hệ với Taliban”, TS Nguyễn Ngọc Trường phân tích.
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế chỉ rõ, trong khi rạn nứt trong quan hệ giữa Nga và Mỹ ngày càng lớn, Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất. Bằng sự khôn ngoan và thực dụng của mình, Bắc Kinh đã biết tận dụng căng thẳng Nga-Mỹ để thu lợi về mình.
Video đang HOT
“Lợi dụng mâu thuẫn là bản chất của quan hệ quốc tế và nó thể hiện rõ trong tình hình năm 2015. Bản thân Trung Quốc lợi dụng mâu thuẫn của Nga-Mỹ, Mỹ cũng nhận thấy giới hạn của quan hệ Trung-Nga, còn Nga hợp tác với Trung Quốc, dựa vào Trung Quốc để củng cố thế đối ngoại của mình, tăng đòn bẩy trong quan hệ với Mỹ.
Năm 2015 Trung Quốc đi nhiều bước và đó là những bước đi linh hoạt. Trong vấn đề Syria, Trung Quốc luôn tuyên bố ủng hộ các giải pháp chính trị ở điểm nóng này nhưng thực tế Trung Quốc cũng có những mánh riêng của mình, ví dụ kết thân với Syria. Vừa qua, Trung Quốc cũng thúc đẩy hợp tác với Iraq khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược; lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti (quốc gia Đông Phi), nơi giao cắt giữa vịnh Aden và Biển Đỏ.
Điều đáng nói Djibouti còn là một phần trong sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 của Trung Quốc. Với căn cứ ở Djibouti, Trung Quốc đã tính đến nước Mỹ giảm dần vai trò ở Trung Đông, còn nước này sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đỏ, Bắc Phi và Trung Đông. Vào thời điểm hiện tại, sự hiện diện quân sự của Trung quốc ở khu vực này thì ít nhưng hiện diện về chính trị, ngoại giao, các chương trình đầu tư dài hạn thì rất nhiều.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách ràng buộc Nga, thúc đẩy sáng kiến Một vành đai, một con đường và gắn nó với liên minh kinh tế Á-Âu của Nga, lôi kéo Nga biến Tổ chức hợp tác Thượng Hải thành khối kinh tế mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, đối trọng lại với Mỹ và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ở Ukraine, trong lúc quan hệ Nga-Ukraine căng thẳng, Trung Quốc đã tận dụng để đẩy mạnh hợp tác với Kiev, đặc biệt là mua và chuyển giao công nghệ quốc phòng.
Trung Quốc lợi dụng sức mạnh tài chính cũng như sự ổn định, thống nhất của mình để đi vào sân sau của Nga ở Trung Á, thúc đẩy quan hệ chiến lược với Tây Âu, đồng thời có cơ chế hợp tác mạnh với Đông Âu, Trung Âu trong lúc Nga đang bận đối phó với lệnh cấm vận, còn Mỹ hoạt động cầm chừng ở các khu vực do đang phải khôi phục lại sức mạnh kinh tế và bận rộn với chiến dịch tuyển cử.
Đó là những nỗ lực trên tổng thể của Trung Quốc với các biện pháp toàn diện. Hiện Trung Quốc có vị thế rất thuận lợi: vừa liên minh được với Nga, thâm nhập vào những khu vực vốn thuộc sân sau của Nga, đồng thời dùng kinh tế tài chính thâm nhập vào các nước đồng minh thân thiết của Mỹ, chủ động cải thiện quan hệ với Nhật Bản để cùng Nhật, Hàn đàm phán xây dựng Hiệp định tự do thương mại Trung-Nhật-Hàn. Đây là cách ly gián quan hệ Nhật-Mỹ và về lâu dài Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi Đông Bắc Á. Tóm lại, nơi nào lợi dụng được Trung Quốc cứ lợi dụng, đặc biệt Trung Quốc đã trục lợi được trên sự suy yếu của Nga”, TS Nguyễn Ngọc Trường chỉ rõ.
Cũng theo nhận xét của TS Nguyễn Ngọc Trường, cả ba quốc gia Mỹ-Nga-Trung đều đang chơi trên bàn cờ lớn, nước nào có tiềm lực càng lớn thì đường đi nước bước càng chính xác. Trung Quốc vào thời điểm này rất mạnh về tài chính. Trung Quốc không đối kháng trực tiếp với Nga như Mỹ nhưng tìm cách ràng buộc Nga và lợi dụng khó khăn của Nga để thực hiện chiến lược ngoại giao chu biên (láng giềng gần) và ngoại giao đại chu biên (láng giềng mở rộng).
Nga phải lo Trung Quốc
Đánh giá tác động về sự lớn lên của Trung Quốc đối với vị thế của hai quốc gia Nga, Mỹ, TS Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, về nguyên tắc một nước mạnh lên thì nước khác sẽ phải đối phó. Hiện nay có nhiều ý kiến nhận định rằng đã hình thành quan hệ song phương ba bên nhưng nó không đều và tương quan lực lượng đang tiếp tục thay đổi.
“Trên bàn cờ 2015 có sự xáo động và sắp xếp lại các liên minh, tập hợp lực lượng trên những khu vực trọng điểm của thế giới”, TS Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh.
Ông Trường khẳng định, Trung Quốc đương nhiên sẽ tận dụng mâu thuẫn của Nga-Mỹ để vươn lên nhưng không vì thế mà Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ. Mỹ có nhiều đòn bẩy ở châu Âu và Trung Đông, trong khi Trung Quốc có nhiều đòn bẩy ở châu Á, Nga là nước ít đòn bẩy nhất nên nhiều khi “làm liều”.
Việc Nga can thiệp quân sự vào Syria là bước đi đột phá của nước này nhưng chưa hết hậu quả ra sao. Ngay cả trong vấn đề Ukraine, Nga chưa phải đã tính hết. Với cuộc đảo chính ở Ukraine, Nga để tuột khỏi tay chính quyền thân Nga Yanukovych, tuy lấy lại được Crimea nhưng lại tạo ra cuộc bao vây cấm vận và làm suy yếu kinh tế Nga, khiến Nga không thực hiện được các chiến lược lớn.
“Nga sẽ phải dè chừng Trung Quốc bởi trong 3 nước Nga ở thế yếu hơn. Đó là về mặt chính trị, quân sự. Còn về kinh tế, có nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ cạnh tranh với Mỹ vị trí siêu cường nhưng cơ chế kinh tế của Trung Quốc có nhiều nhược điểm.
Mỹ có khủng hoảng chu kỳ, nhưng sau mỗi lần khủng hoảng đó họ lại tái cơ cấu và mạnh trở lại. Về mặt kinh tế, đến thời điểm này Mỹ vẫn là số 1 thế giới. Mỹ có liên minh Bắc Mỹ, TPP, đang đàm phán với châu Âu có thêm Hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP)… Họ nắm được những đòn bẩy lớn để có thể kiểm soát được cuộc chơi kinh tế thương mại thế kỷ XXI. Bởi thế, nói Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ, vượt Mỹ nhưng thực tế chưa có dấu hiệu nào đáng lo ngại về chuyện này vì xét về tổng thể sức mạnh Mỹ vẫn trên Trung Quốc, Mỹ có nhiều liên minh ở các khu vực trọng điểm, còn Trung Quốc không có đồng minh.
Tuy nhiên các nước vẫn phải kiềm chế nhau. Trung Quốc đang lợi dụng khoa học công nghệ quân sự để tăng tiềm lực của mình, tăng các công cụ chiến tranh như tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Trung Quốc cũng xây dựng các đảo nhân tạo (trái phép) ở Biển Đông và nếu đưa Su-35 vào có thể khống chế vùng hoạt động rộng lớn, có thể cân bằng, thậm chí có điểm ưu việt hơn F-35 Mỹ. Đây là cuộc cạnh tranh không ngừng xem nước nào duy trì được sự phát triển bền vững và duy trì được vị trí cường quốc”, TS Nguyễn Ngọc Trường đánh giá.
Thành Luân
Theo_Báo Đất Việt
Mô hình quan hệ quốc tế mới qua các chuyến công du của ông Tập
Những chuyến công du tới Việt Nam, Singapore, Anh của ông Tập được đánh giá là nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kiểu mới do Trung Quốc đề xướng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay. Ảnh: Quý Đoàn.
Trong một bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu lên khái niệm về hình thức quan hệ quốc tế mới dựa trên sự hợp tác thực tế, đôi bên cùng có lợi.
Theo chuyên gia phân tích Alvin Cheng-Hin Lim thuộc Viện Phát triển và Chiến lược Longus, mô hình hợp tác thực tế "đôi bên cùng có lợi" từ lâu đã là hình mẫu cho hình thức quan hệ song phương của Trung Quốc đối với các nước phát triển trong khu vực, trái ngược với kiểu quan hệ cạnh tranh sống còn giữa một số nước trên thế giới.
Ngoài hình thức vốn viện trợ phát triển nước ngoài (ODA), hợp tác đôi bên cùng có lợi còn được thể hiện dưới các dạng đầu tư kinh tế, khi Trung Quốc đang trở thành nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ ba thế giới, với tổng số vốn FDI lên tới 116 tỷ USD trong năm 2014, theo Eurasia Review.
Ông Lim cho rằng các hình thức hợp tác này còn được thể hiện rất rõ trong những dự án kinh tế mà Trung Quốc ký kết trong khuôn khổ chuyến công du tới các nước Anh, Việt Nam và Singaprore mới đây.
Theo Reuters, ông Tập đã có chuyến thăm Việt Nam "rất kịp thời", nhằm mục đích "xây dựng lại mối quan hệ" sau thời gian hai nước có những bất đồng liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Tập đã đề xuất giải quyết các tranh chấp giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình thông qua các cuộc đàm phán song phương, với quan điểm không để những bất đồng làm chệch hướng quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa hai nước.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 10 năm qua, và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai ở khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại dự kiến sẽ sớm đạt 100 tỷ USD.
Để hiện thực hóa quan hệ "đôi bên cùng có lợi", ông Tập hối thúc hai nước hợp tác chặt chẽ hơn nữa để sớm tìm thấy điểm chung trong chiến lược phát triển "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc và "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" của Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm này của ông Tập, Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí thực hiện nhiều dự án hợp tác kinh tế, với tổng số vốn FDI của Trung Quốc khoảng 300 triệu USD cho một dự án đường cao tốc ở Quảng Ninh, 1 tỷ nhân dân tệ vốn ODA cho xây dựng trường học, bệnh viện...
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Sau khi kết thúc chuyến công du cấp nhà nước tới Việt Nam, ông Tập tiếp tục bay sang Singapore để gặp gỡ nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long trong một nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp tục thúc đẩy mô hình hợp tác quốc tế mới này.
Cuộc gặp lịch sử giữa ông Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu hôm 7/11 được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm định hình lại quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, chú trọng vào hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Trong thực tế, cả ông Tập và ông Mã đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác nhằm "hồi sinh" và "trẻ hóa" dân tộc Trung Hoa trong cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo hai bờ từ trước tới nay.
Việc ông Tập và ông Mã lựa chọn gặp nhau ở Singaprore thể hiện tầm quan trọng về ngoại giao của quốc gia này, đồng thời khẳng định Singapore luôn là trung tâm về tài chính và dịch vụ trong mạng lưới hợp tác kinh tế quốc tế "Một vành đai, một con đường" do Bắc Kinh đề xướng.
Trong chuyến thăm tới Singapore, ông Tập và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhất trí bắt đầu đàm phán nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa hai nước. Trong 20 năm qua, kim ngạch thương mại Trung Quốc - Singapore đã tăng 28 lần, gần đạt mức 80 tỷ USD vào năm ngoái.
Ông Tập gặp gỡ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: CNA
Việc nâng cấp FTA hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế sâu rộng hơn giữa hai nước. Ông Tập thông báo rằng Trung Quốc và Singapore sẽ hợp tác trong một dự án liên chính phủ ở Trùng Khánh, mở lối cho các doanh nhân Singapore tiến vào khuôn khổ "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.
Không chỉ dừng lại ở khu vực Đông Nam Á, chủ tịch Trung Quốc cũng đã có những động thái nhằm mở rộng ảnh hưởng và quan hệ hợp tác với các nước ở châu Âu, trong đó có Anh, đồng minh thân cận của Mỹ.
Chuyến thăm nước Anh hồi tháng 10 của ông Tập đã chứng kiến một thỏa thuận kinh tế lịch sử, khi Trung Quốc đồng ý đầu tư 9 tỷ USD, chiếm 33,5% vốn, vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Poit C lần đầu tiên mọc lên ở Anh trong hơn 20 năm qua.
Dự án này sẽ giúp Trung Quốc có được ảnh hưởng đáng kể trong lĩnh vực điện hạt nhân của Anh, trong khi nó cũng tạo ra 25.000 việc làm cho người lao động Anh. Ngoài điện hạt nhân, Trung Quốc sẽ "hợp tác thực chất" với Anh trong các dự án khác, với tổng giá trị của các thỏa thuận hợp tác kinh tế được ký trong chuyến thăm của ông Tập lên tới 62 tỷ USD, khiến báo chí Trung Quốc tung hô rằng quan hệ hai nước đang bước vào "kỷ nguyên vàng".
Theo chuyên gia phân tích quốc tế Li Mingjiang thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ hưởng lợi nhiều từ mô hình quan hệ hợp tác mới này của Trung Quốc, nhưng cũng sẽ phải tỉnh táo đối mặt với những sức ép lớn hơn từ Bắc Kinh.
"Khi bạn hợp tác gần gũi hơn với Trung Quốc, theo lẽ thường áp lực mà họ gây ra sẽ lớn hơn. Trung Quốc sẽ muốn bạn ít đưa ra ý kiến phản đối và có lẽ sẽ muốn bạn quan tâm hơn tới lợi ích của họ, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà họ chịu nhiều rủi ro", ông Li nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Syria: Ván cờ chưa có nước "chốt hạ" Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, với việc đưa lực lượng không quân can dự vào cuộc không kích tại Syria, Tổng thống Nga Putin đã đánh một canh bạc lớn... F-22 Raptor nhận nhiệm vụ không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ hôm 22/9. ... Nhưng nói đúng hơn đây là một ván cờ vừa mạo hiểm...