Tấm bia tưởng niệm và tình hữu nghị láng giềng
40 năm đã trôi qua, lịch sử quan hệ giữa Việt Nam – Campuchia đã sang trang mới tốt đẹp hơn, nhưng không ít người dân xã biên giới Tân Lập (Tân Biên, Tây Ninh) vẫn ám ảnh khi nhớ đến đêm kinh hoàng quân Khmer đỏ càn quét sát hại hơn 600 người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Loan -Trưởng ấp Tân Tiến hối hả dẫn chúng tôi đi xem tấm bia chứng tích 11 thầy cô giáo và gần 600 người dân bị sát hại trong cái đêm oan nghiệt. Tấm bia này được đặt ngay trên nền ngôi trường tiểu học cũ – nơi 11 thầy cô giáo bị giết hại dã man trong đêm.
Đêm đau thương…
Cán bộ Công đoàn giáo dục Việt Nam viếng bia tưởng niệm 11 thầy cô bị sát hại bởi Pôn Pốt năm 1977 tại xã Tân Lập, Tân Biên Vùng tệp đính kèm. Ảnh: T.Đ
“Người dân Campuchia ở biên giới hiền hậu, dễ thương lắm. Bà con hai nước vùng biên giao thương nhau suốt mà”.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh – nguyên Chủ tịch UBND
xã Tân Lập
Trong nhà bia, lá dầu vàng vọt vương vãi khắp sân. Tại cái giếng – nơi các thầy cô bị ném xác xuống, ai đó vừa thắp nén nhang. Bà Loan kể, tháng nào cũng vậy, một người đàn ông đi xe hơi đến nhà bia thắp nén nhang rồi lặng lẽ đi.
Không nói gì, tôi quơ vội cây chổi dựng hờ hững cạnh gốc cây dầu rồi quét những chiếc lá vương trên bậc thềm nhà bia thay một cử chỉ tưởng niệm những nạn nhân bị sát hại. 40 năm – kể từ khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, biết bao vật đổi sao dời nhưng cái đêm ác nghiệt ấy không ai ở xã Tân Lập quên.
Trước khi ghé nhà bia, chúng tôi tạt vào nhà ông Nguyễn Hữu Hạnh – nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Lập, lãnh đạo xã ngay thời điểm ấy. Ở cái tuổi 80 nhưng trông ông còn minh mẫn. Ông Hạnh kể, thời điểm đó, hầu hết người dân trong xã làm nghề nông. Đến 12 giờ kém 5 phút đêm 24.9.1977, bất ngờ ông Hạnh nghe thấy có tiếng dân la lối gần nhà. Ông bật dậy, mở cửa ra xem thì nghe có tiếng súng nổ đùng đoàng. Một trái pháo bắn vào gần cổng khiến ông té ngã. Định thần nhìn lại, ông thấy nhiều người dân chạy trên đường. Ông Hạnh liền trở vào nhà gọi điện báo tình hình cho huyện đội rồi bất chấp nguy hiểm, ông chạy ngược về ấp Tân Thạnh, nơi khói lửa ngất trời. Khi đến gần khu dân cư ông thấy bọn Pôn Pốt xả súng bắn vào dân rất dã man. Đau lòng nhất là có 11 thầy, cô giáo của Trường Phổ thông cấp 1 Tân Lập bị sát hại, ném xác xuống dưới giếng. Đến 9 giờ sáng hôm sau, lực lượng Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 lên tới, quân Pôn Pốt rút về nước. Ông Hạnh và lực lượng dân quân đi gom xác dân. Hầu hết những người không kịp chạy đều bị chúng giết hại.
“Thật đau xót! Sau sự kiện đau thương ấy, 70% người dân trong xã bị ám ảnh, sợ hãi đã bỏ nhà cửa ra đi. Có những người không trở lại quê nhà” – ông Hạnh bùi ngùi.
Video đang HOT
Năm 1999, tại địa điểm Trường Tiểu học Tân Lập, nơi có 11 thầy, cô giáo bị sát hại được đầu tư xây dựng khu chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ, nhưng khá khiêm tốn. Theo ông Hạnh, trước đây, trong những lần dự họp ở huyện, tỉnh, ông đều đề nghị nên đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử lớn hơn để trưng bày cho thế hệ sau thấy hết tội ác của bọn Pôn Pốt, nhưng vì nhiều lý do tế nhị, đến nay chưa được chấp thuận.
Bà Loan cho biết, vào đây lập nghiệp sinh sống sau sự kiện Pôn Pốt sát hại gần 600 người Việt Nam. “Lúc ấy, người dân bỏ xứ đi nhiều nên xã rất thưa thớt dân. Đất rừng lại mênh mông nên khá đìu hiu, mông quạnh. Nhưng tôi không sợ. Vả lại, chính quyền tích cực vận động, đả thông tư tưởng cho người dân không sợ hãi, yên tâm làm ăn. Sự xuất hiện ngày càng nhiều bộ đội trên địa bàn khiến người dân bắt đầu lục tục kéo về sinh sống” – bà Loan kể.
Láng giềng thân thiện
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Ảnh: T.Đ
Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập Võ Hồng Sang chia sẻ, ông cảm thấy rất mừng khi xã Tân Lập đang đổi thay, từng từ một xã nghèo khó giờ thành xã nông thôn mới. Điều mừng hơn là quan hệ người dân vùng biên hai nước Tân Lập (Việt Nam) và Tapenplong (Camphuchia) đã tốt đẹp hơn rất nhiều thông qua sự hợp tác láng giềng cởi mở, thân thiện; sự phát triển giao thương hàng hóa với nhau.
Tân Lập giờ đây đã là xã nông thôn mới. Hơn chục năm trước về đây, tôi chứng kiến thị trấn nhỏ bé này yên tĩnh, trầm mặc biết bao thì bây giờ phố, nhà và người dân mọc lên đông đúc. Quốc lộ 22B – con đường đất đỏ của 40 năm trước, khi người dân hãi hùng chạy giặc Pôn Pốt, giờ đã thênh thang, phẳng lì đâm thẳng đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát nằm trên địa bàn xã. Theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, Cửa khẩu Xa Mát có khả năng thu hút xuất hàng nhập khẩu mạnh mẽ, số lượng hàng hóa xuất nhập (chủ yếu là hàng nông sản) qua lại biên giới giữa Việt Nam – Campuchia ngày càng tăng, kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng năm trên 100 triệu USD.
Ông Hạnh cho biết, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã từ năm 34 tuổi đến năm 70 tuổi cũng nhờ biết tiếng Khmer và giao dịch kinh doanh với người Khmer giỏi. Kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, xã Tân Lập đã kết nghĩa anh em với xã biên giới Tapenplong (Kampong Cham, Campuchia). Định kỳ, chính quyền hai xã này giao lưu, họp hành để thông báo tình hình biên giới, xử lý những phát sinh, giữ gìn an ninh trật tự, thăm hỏi nhau vào dịp lễ tết…
Hiện, tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, khu vực biên giới Việt Nam có khá nhiều doanh nghiệp dựng lên, chủ yếu là kinh doanh nông sản. Nhiều bảng hiệu cửa hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ sở làm đẹp… được dùng cả hai thứ tiếng Việt Nam và Campuchia để phục vụ “thượng đế” hai nước.
Theo bà Hồng Vân – chủ tiệm cơm gần Cửa khẩu Xa Mát, bà đã mở tiệm cơm nơi đây gần 20 năm nay. “Thương nhân Việt Nam mua của Campuchia các mặt hàng, như: Mì lát, mì tươi, mía, đậu, rau quả… Đổi lại, họ mua của mình đồ gia dụng, thực phẩm…” – bà nói.
Ông Hạnh cho biết, tình hình buôn bán tiểu ngạch trên các con đường mòn giữa người dân hai nước vẫn còn. Tuy nhiên, số lượng mua bán, giao thương chính ngạch ngày càng tăng lên khiến Cửa khẩu Xa Mát hoạt động nhộn nhịp hơn. Sau khi đi qua Cửa khẩu quốc tế TraPaing Phlong (Camphuchia) và Xa Mát (Việt Nam), tiểu thương Campuchia tiếp cận với TP.Tây Ninh cách đó khoảng vài chục km để mua hàng mang về nước tiêu thụ.
Cúi đầu trước 600 người dân Tân Lập bị Pôn Pốt sát hại, chúng tôi lặng lẽ tiến về Cửa khẩu quốc tế Xa Mát – đây như một biểu tượng của mối quan hệ anh em thân thiện, hữu nghị giữa Việt Nam – Campuchia.
Theo Danviet
11 ngày, lính Pôn Pốt đã giết hại trên 3 nghìn người dân An Giang
Tội ác kinh hoàng của lính Pôn Pốt ở dọc biên giới Tây Nam đã gây ra sự phẫn nộ mạnh mẽ của người dân Việt Nam và những người yêu hòa bình trên thế giới.
Pôn Pốt gây vô vàn tội ác đối với nhân dân Việt Nam
Trong bài tham luận phục vụ hội thảo khoa học cấp quốc gia "40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 - 7.1.2019)" do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại An Giang mới đây, Đại tá Phạm Hữu Thắng - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Nghệ thuật quân sự (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) nhớ lại, từ năm 1978, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đã ráo riết xây dựng các sư đoàn áp sát biên giới Việt Nam, tiến hành khiêu khích tấn công xâm lược Việt Nam.
Sọ người dân bị Pôn Pốt giết hại được lưu giữ bảo quản tại nhà mồ Nhà mồ Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) (Ảnh: IT)
"Liên tiếp trong nhiều tháng đầu năm 1978, Pôn Pốt sử dụng 5 sư đoàn chủ lực, có hỏa lực pháo binh yểm trợ, đánh liên tục cả ngày và đêm vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Quân Pôn Pốt từng bước đánh chiếm các địa bàn vùng An Giang, tập kích vào nhiều làng mạc (6 tháng đầu năm 1978 đã có tới 4.820 vụ), gây vô vàn tội ác đối với nhân dân Việt Nam ở vùng biên giới" - Đại tá Phạm Hữu Thắng cho biết.
Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, đỉnh điểm tội ác của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari đó là thảm sát người dân xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang; nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam, cách đường biên giới Việt Nam - Campuchia 7km). Lúc này, lính Pôn Pốt tiến công vào Ba Chúc, dồn người dân ra ngoài cánh đồng rồi xả súng bắn tập thể hoặc dùng những kiểu giết người hết sức dã man khác.
Lúc bấy giờ, nhiều người vô cùng hoảng sợ đã chạy trốn vào nhà chùa nhưng đều không thoát được và bị giết hại sau đó. Chỉ trong 11 ngày, lính Pôn Pốt đã giết hại 3.157/16.000 người dân Ba Chúc, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, có trên 100 gia đình bị giết cả nhà, không còn ai sống sót. Tội ác kinh hoàng của lính Pôn Pốt tại Ba Chúc và nhiều nơi khác dọc biên giới trên lãnh thổ Việt Nam đã gây ra sự phẫn nộ mạnh mẽ của người dân Việt Nam và toàn thể người yêu hòa bình trên thế giới.
Đến giữa năm 1978, quân Pôn Pốt đã làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người, hàng nghìn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền bị đốt phá. Hàng vạn ha ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới Tây Nam Việt Nam bị bỏ hoang, khoảng nửa triệu dân sát biên giới với Campuchia phải bỏ nhà chạy sâu vào nội địa.
Đại tá Nguyễn Như Trúc - Phó cục trưởng Cục Tuyên Huấn (Tổng cục Chính trị) thì cho biết, trước khi chiến tranh xảy ra, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari cho rằng, Việt Nam can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia. Theo đó, chúng ra sức vu khống, phổ biến nhiều tài liệu tuyên truyền trong Đảng, quân đội khẳng định đất Nam Bộ là của Campuchia bị Việt Nam xâm chiếm. Cùng với tuyên truyền kích động, chúng thường xuyên tiến hành các hoạt động khiêu khích vũ trang, phá hoại toàn tuyến biên giới Tây Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Buộc Việt Nam phải chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền
Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, hành động xâm lấn, gây chiến tranh của Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho nhân dân Việt Nam. Vì vậy, nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác, buộc phải chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền tổ quốc, đồng thời giúp các lực lượng cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7.1.1979).
Người dân tổ chức lễ giỗ tập thể cho những người dân Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) bị Pôn Pốt sát hại (Ảnh: IT)
Đại tá Nguyễn Như Trúc khẳng định cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của nước ta là cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, đập tan bè lũ diệt chủng Pôn Pốt, bảo vệ vững chắc, toàn vẹn biên giới lãnh thổ Tây Nam của tổ quốc. Qua đó, cũng khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt và tinh thần quốc tế vô tư, trong sáng, chí tình của Đảng, Nhà nước và quân đội ta trong việc giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Năm tháng trôi đi nhưng Đại tá Nguyễn Như Trúc tin tưởng rằng, các thế hệ người dân Campuchia vẫn in đậm hình ảnh những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu kiên cường, anh dũng, hy sinh, giúp đất nước họ thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh và phát triển. Việc làm chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành tài sản vô giá cần được gìn giữ và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Đúng như lời Thủ tướng Campuchia Hun Xen từng khẳng định: "Sự hiện diện của Quân đội Việt Nam ở Campuchia là vì sự sống còn của nhân dân Campuchia, bộ đội Việt Nam đã hy sinh tính mạng vì sự sống, sự hồi sinh của nhân dân Campuchia".
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng nhận định, thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn, chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự.
"Thời gian trôi đi nhưng vết thương và tội ác chiến tranh do tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari gây ra vẫn khó có thể phai mờ theo thời gian. Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ - Tổ quốc ở biên giới Tây Nam ngày 7.1.1979 sẽ mãi mãi đọng lại trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, Campuchia" - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Theo Danviet
Pôn Pốt sát hại hơn 3.000 dân thường An Giang: Ký ức kinh hoàng của những người sống sót Nhiều gia đình chạy vào chùa Phi Lai, Tam Bửu hoặc lên núi Dài ẩn núp nhưng bị Pôn Pốt phát hiện giết hết. Như gia đình ông Ba Lê, cả nhà khoảng 50 người (gồm vợ, con, cháu...) chạy vào hang trên núi trốn nhưng bị Pôn Pốt giết sạch. Sau này hang đó được người dân Ba Chúc đặt tên là...