Tâm bão Haiyan đổi hướng vào Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh
“Sáng nay chúng tôi dự báo tâm bão đổ vào khu vực nam Đồng bằng Bắc bộ nhưng đến thời điểm này trọng tâm bão đã hướng vào phía đông Đồng bằng Bắc bộ. Hà Nội không nằm trong vùng tâm bão nhưng vẫn có khả năng ngập úng cục bộ”.
Đó là nhận định của ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ vào cuối giờ chiều nay (10/11), về hướng đi của bão Haiyan (bão số 14). Theo ông Tăng, bão đang tiến sát ven biển các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Hình ảnh vị trí và đường đi của cơn bão cập nhật lúc 17h30 ngày 10/11
Xin ông cho biết nhận định mới nhất về cơn bão Haiyan đến thời điểm này?
Cho đến thời điểm này bão còn cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 270 – 330km về phía Đông Nam, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13. Chúng tôi nhận định, khi đi vào giữa vịnh Bắc bộ cường độ bão đã suy yếu hơn. Dự báo tối nay (10/11) bão sẽ tiến sát ven bờ biển các địa phương vịnh Bắc bộ. Với tốc độ di chuyển này, đêm nay và sáng sớm mai (11/11) bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh phía đông Bắc bộ, trọng tâm là các tỉnh từ Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Với quỹ đạo di chuyển như vậy, khi cập bờ bão còn mạnh cấp 10, cấp 11 giật cấp 12, cấp 13.
Như vậy, các tỉnh thuộc Bắc Trung bộ khá an toàn. Còn các tỉnh ven biển từ Ninh Bình đến Quảng Ninh sẽ là nơi ảnh hưởng trực tiếp của gió bão với gió mạnh cấp 6- 7 trở lên; các tỉnh nằm trong tâm bão đổ bộ sẽ mạnh cấp 8 đến cấp 10, giật cấp 11 cấp 12; các tỉnh sâu trong đất liền sẽ có gió giật cấp 6 đến cấp 8.
Ở khu vực vịnh Bắc bộ, do bão vẫn còn hoạt động nên đêm nay nên từ vĩ tuyến 20 đến Quảng Ninh sẽ có gió mạnh cấp 7- 8; tâm bão đi đến đâu sẽ có gió mạnh cấp 11 đến cấp 13, giật cấp 14 cấp 15. Biển động dữ dội.
Video đang HOT
Ông Bùi Minh Tăng cho biết vùng tâm bão đi vào liên tục có sự thay đổi.
Như vậy, hướng đi và vùng tâm bão Haiyan đổ bộ đã có thay đổi rất lớn so với bản tin phát đi sáng nay và ngày hôm qua?
Đã có sự thay đổi khác biệt so với ngày hôm qua và sáng nay. Trước đó, chúng tôi dự báo trọng tâm bão đổ bộ vào là khu vực nam Đồng bằng Bắc bộ thì đến thời điểm này trọng tâm bão đã hướng vào phía đông Đồng bằng Bắc bộ.
Nếu bão đi vào khu vực phía đông Đồng bằng Bắc bộ thì tỉnh thành nào chịu ảnh hưởng mưa và gió nhiều nhất, thưa ông?
Với quỹ đạo di chuyển của bão như vậy thì hầu như toàn bộ Bắc bộ sẽ chịu ảnh hưởng của bão (trừ một số khu vực phía tây Bắc bộ không ảnh hưởng nhiều). Cụ thể, các tỉnh Bắc Trung bộ và phía Đông Bắc bộ sẽ có mưa, riêng các tỉnh Bắc trung bộ chỉ diễn ra có mưa với cường độ trên dưới 100mm, vùng mưa lớn sẽ tập trung ở Đồng bằng ven biển, vùng đông bắc và một phần trung du vùng núi phía bắc. Khi bão đi vào và tàn dư cơn bão đi qua sẽ có mưa khoảng 200 – 300 mm, có thể gây ngập úng cục bộ ở một số nơi; vùng núi có thể xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Xin ông cho biết về khả năng mưa lớn có thể xảy ra tại Hà Nội?
Hà Nội không nằm trong vùng trọng tâm bão vào và tàn dư bão đi qua. Dự báo, Hà Nội sẽ diễn ra mưa lớn vào đêm nay và sáng mai (11/11), từ trưa và chiều mai mưa sẽ giảm dần. Dự báo lượng mưa diễn ra trên dưới 100mm, có nơi trên 100mm. Như vậy, nếu mưa trải đều cả đêm và sáng thì không đáng nguy hiểm cho thành phố, nhưng mưa chỉ tập trung trong khoảng 2- 3 giờ đồng hồ thì có nguy cơ ngập úng cục bộ tại một số tuyến phố chính ở nội đô.
Xin cảm ơn ông!
Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 – 7, có nơi giật cấp 8 như Dung Quất (Quảng Ngãi). Ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 8, ở đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 13 giờ chiều nay (10/11) khoảng 40 – 100mm, một số nơi lớn hơn như Hòn Ngư (Nghệ An) 172mm; Nam Đông (Huế) 156mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 155mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 297mm. Hồi 17h chiều nay (10/11), tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 270 – 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 4h giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 11/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,9 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7. Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 – 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 – 13, giật cấp 14, cấp 15. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 – 9. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 7 – 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9 – 11, giật cấp 12 – 13. Ở khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3.5 – 4.5m. Sóng biển 2.0 – 4.0m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.
Theo Dantri
Quảng Ninh trước giờ bão đổ bộ
20h tối 10/11, lãnh đạo đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão Hải Yến tỉnh Quảng Ninh đã triển khai cuộc họp khẩn tại TP Móng Cái để lên các phương án chống đỡ, đề phòng bão đổ bộ. Hiện Quảng Ninh có mưa và gió thốc mạnh.
Ông Đỗ Thông - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh - cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin cơn bão Haiyan (bão Hải Yến) có thể gây ảnh hưởng trực tiếp lên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ sáng nay, tỉnh liên tiếp tổ chức các cuộc họp để chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc công điện khẩn về theo dõi diễn tiến cơn bão của Ban chỉ huy PCLB Trung ương; tìm mọi biện pháp tốt nhất để chống đỡ, đề phòng cơn bão số 14 đổ bộ vào bờ gây thiệt hại lớn về người và vật chất, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Bắt đầu từ 20h cùng ngày, đích thân ông Đỗ Thông dẫn đầu Đoàn kiểm tra về tình hình phòng chống bão Hải Yến đã trực tiếp triệu tập cuộc họp khẩn cấp với UBND và cơ quan chức năng TP Móng Cái để lên kế hoạch, bàn phương án chống đỡ, hỗ trợ người dân cũng như di dời các hộ dân ở khu vực dễ ảnh hưởng đến khu vực an toàn.
TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có mưa nhỏ, gió giật từng cơn. (Ảnh chụp lúc 20h30 đêm 10/11)
Báo cáo tại cuộc họp khẩn, ông Dương Văn Cơ - Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố có mưa kèm gió thốc từng cơn mà chưa có dấu hiệu mạnh dần lên. Tuy nhiên, địa phương cũng không chủ quan nên đã huy động nhân sự di dời 10 hộ gia đình khu vực xung yếu ra khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi hơn 1.300 tàu thuyền vào tránh đỗ an toàn; trên 50 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản vào bờ; huy động nhân lực thường trực 24/24 để ứng cứu kịp thời những trường hợp khẩn cấp và nguy hiểm, cùng việc chuẩn bị sẵn các sản phẩm thuốc men, y tế nhằm phục vụ nhân dân khi cần thiết.
Trước diễn tiến khó lường của bão Haiyan, UBND TP Móng Cái đã quyết định cho toàn bộ học sinh các cấp nghỉ học.
Theo thông tin PV Dân trí vừa cập nhật, thì đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa có thiệt hại nào do bão số 14 gây ra. Các khu vực như TP Hạ Long, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả có mưa nhỏ kèm gió lất phất, chưa có dấu hiệu gì đáng quan ngại.
Tính đến 18h30 ngày 10/11, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra 3 công điện khẩn gửi các địa phương, đơn vị trong tỉnh về công tác chủ động đối phó với cơn bão cơn bão Hải Yến.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm cấm tất cả các loại phương tiện thủy, tàu thuyền vận tải, khai thác thủy sản và tàu du lịch ra khơi và kêu gọi các chủ phương tiện tàu thuyền nghề cá và tàu vận tải, tàu du lịch còn đang trên biển khẩn trương về nơi trú tránh an toàn trước 16h30 ngày 10/11, không cấp phép thăm quan, nghỉ lưu trú trên vịnh; tổ chức sơ tán ngay người trên các làng chài, lồng bè, nhà bè và chòi canh thủy sản vào đất liền xong trước 18h ngày 10/11;
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc (thứ 3 phải sang) đang kiểm tra tình hình phòng chống bão trên các khu vực xung yếu tại địa phương.
Tính thời điểm 19h, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh, tại các huyện Cô Tô, Vân Đồn, gió cấp 8 đến cấp 9, khu vực Hạ Long - Cẩm Phả gió cấp 7 đến cấp 8, giật cấp 10 và có mưa nhỏ...
Trước khi bão vào, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức bắn 48 quả pháo hiệu báo bão, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của UBND tỉnh từ 7h sáng ngày 10/11/2013.
Toàn bộ 185 tàu cá tuyến khơi, 10.407 tàu thuyền đánh cá công suất nhỏ, 466 tàu thuyền du lịch và các loại tàu thuyền vận tải; hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được chằng chống và neo đậu chắc chắn.
Tổ chức di chuyển toàn bộ người già và trẻ em trên hơn 8.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản và các nhà bè dịch vụ, dân cư các làng chài trên vịnh Hạ Long về nơi trú tránh án toàn từ 17h chiều nay.
Tại đảo Hà Nam thuộc thị xã Quảng Yên đã tổ chức di dân tại chỗ cho 3.200 người dân ở các xã vùng thấp đến nơi cao an toàn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn Thanh niên, Giao thông vận tải bố trí trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu bao gồm: 1.700 chiến sĩ, 2.550 dân quân tự vệ; 20 ô tô các loại, 3 tàu tìm kiếm cứu nạn và 25 xuồng cao tốc.
Theo Dantri
10 người chết khi đang phòng chống bão Haiyan Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này đã có 10 người chết do bão Haiyan tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Nghệ An cùng nhiều người bị thương. Việc chặt tỉa cây xanh trong mùa mưa bão cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. (Ảnh: Doãn Hòa) Tại Nghệ An, chiều ngày...