Taliban sẽ cân nhắc lại chính sách với Mỹ nếu không dỡ bỏ phong tỏa tài sản
Chính quyền Taliban tại Afghanistan ngày 14/2 tuyên bố sẽ buộc phải xem xét lại chính sách của mình với Mỹ nếu Washington không thay đổi quyết định đóng băng một phần tài sản của Afghanistan.
Người dân nhận hàng cứu trợ tại tỉnh Balkh, Afghanistan, ngày 21/11/2021. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định đóng băng 7 tỷ USD tài sản thuộc về chính phủ cũ của Afghanistan, nhằm tách riêng phần tiền đền bù cho các nạn nhân vụ tấn công Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York ngày 11/9/2001 với phần tiền dành để hỗ trợ cho Afghanistan thời hậu chiến.
Động thái trên khiến chính quyền mới ở Afghanistan tức giận. Tuyên bố của Taliban nêu rõ: “Các vụ tấn công ngày 11/9/2001 không liên quan đến Afghanistan. Việc chiếm dụng tài sản của nhân dân Afghanistan với cái cơ sự kiện trên là một sự vi phạm thỏa thuận đã đạt được với Vương quốc Hồi giáo Afghanistan”. Tuyên bố nhấn mạnh: “Nếu Mỹ không thay đổi quan điểm trong việc này… Vương quốc Hồi giáo Afghanistan cũng sẽ buộc phải cân nhắc lại chính sách của mình đối với Mỹ”.
Số tiền nói trên đang nằm trong chi nhánh Ngân hàng dự trữ Liên bang tại New York, vốn chủ yếu là tiền viện trợ nước ngoài dành cho chính quyền cũ được quốc tế công nhận ở Afghanistan. Tuy nhiên, Washington thông báo vẫn đang tìm cách hỗ trợ người dân Afghanistan. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ tìm cách chuyển 3,5 tỷ USD tài sản đang bị đóng băng vào các quỹ viện trợ nhân đạo “vì lợi ích của nhân dân và tương lai đất nước Afghanistan”. Số phận của 3,5 tỷ USD còn lại phức tạp hơn nhiều vì các gia đình nạn nhân vụ tấn công 11/9 từ lâu tìm cách đòi được bồi thường.
Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, tại cuộc đàm phán với đại diện ngoại giao của chính quyền Taliban, đại diện các quốc gia vùng Vịnh nhấn mạnh rằng phụ nữ Afghanistan cần phải được đi làm và đến trường, coi đây là điều kiện nhằm nối lại viện trợ quốc tế đối với quốc gia Tây Nam Á này.
Một phái đoàn của Taliban do ông Amir Khan Muttaqi, người đứng đầu ngành ngoại trong chính quyền Taliban, dẫn đầu đã tới Doha (Qatar) nhằm gặp đại sứ 6 quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Sau đó, ông cũng sẽ hội đàm với đại diện các quốc gia châu Âu tại đây. Đại diện các quốc gia Arab nhấn mạnh cần phải hỗ trợ “những nhu cầu nhân đạo khẩn cấp” của Afghanistan trong bối cảnh nước này đang vật lộn với nạn đói lan rộng do hạn hán cũng như khủng hoảng kinh tế dẫn tới nạn thất nghiệp.
Đại diện GCC cũng cam kết không can thiệp vào nội bộ Afghanistan, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lên kế hoạch hòa giải dân tộc với tiêu chí “quan tâm tới lợi ích của mọi nhân tố trong xã hội và tôn trọng những quyền cơ bản và sự tự do, trong đó có quyền của phụ nữ được đi làm và đi học”.
WB dự định giải ngân quỹ ARTF cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan
Ngân hàng Thế giới (WB) đang lên kế hoạch giải ngân tới 500 triệu USD từ Quỹ Ủy thác tái thiết Afghanistan (ARTF) cho các cơ quan nhân đạo hoạt động tại nước này.
Người dân nhận hàng cứu trợ tại Nahr Shahi, tỉnh Balkh, Afghanistan, ngày 21/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Được thành lập vào năm 2002 và do WB quản lý, ARTF - hiện có tổng cộng 1,5 tỷ USD - là nguồn tài chính lớn nhất cho ngân sách dân sự của Afghanistan, trong đó viện trợ từ nước ngoài chiếm hơn 70%. WB đình chỉ giải ngân quỹ này sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan. Ngoài ra, Mỹ - quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ARTF - cũng ngừng viện trợ cho Afghanistan, đồng thời đóng băng khoản hỗ trợ riêng trị giá 9 tỷ USD tại ngân hàng trung ương của nước này.
Trong bối cảnh 39 triệu người dân tại Afghanistan phải đối mặt với một nền kinh tế tồi tệ, một mùa Đông thiếu lương thực và đói nghèo, chưa tới 7% dân số được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, các nguồn thạo tin cho biết khoản viện trợ WB dự tính giải ngân sẽ tập trung đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp. Theo kế hoạch hiện tại, khoản viện hỗ trợ trên sẽ không bao gồm tiền lương cho giáo viên và các nhân viên chính phủ. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng trong hệ thống giáo dục công, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội. Giới quan sát cảnh báo rằng hàng trăm nghìn công nhân - những người đã không được trả lương trong nhiều tháng - có thể đình công và rời bỏ đất nước.
Mọi quyết định về phân bổ các khoản tài chính thuộc ARTF đều cần được tất cả các bên đóng góp đồng thuận, trong đó Mỹ là nước đóng góp lớn nhất. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng Washington đang làm việc với WB và các nhà tài trợ khác về cách thức giải ngân, bao gồm cả khả năng chi trả cho những người làm việc trong "các lĩnh vực thiết yếu như nhân viên y tế và giáo viên". Người phát ngôn cho biết Mỹ vẫn cam kết đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân Afghanistan, "đặc biệt là về sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và thực phẩm, lĩnh vực an ninh... nhưng viện trợ quốc tế không phải là viên đạn bạc (ý nói một giải pháp dễ dàng và chóng vánh)".
Taliban cho phép trẻ em gái trở lại trường học 'sớm nhất có thể' Ngày 21/9, Taliban thông báo trẻ em gái tại Afghanistan sẽ được phép quay trở lại trường học "sớm nhất có thể" sau khi lực lượng này công bố những vị trí còn lại trong Nội các toàn nam giới của quốc gia Tây Nam Á này. Các em gái tại một lớp học ở Mazar-i-Sharif, tỉnh Balkh, Afghanistan, ngày 14/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN...