Taliban kiểm soát một số cổng sân bay quốc tế ở Kabul
Ngày 29/8, kênh truyền hình Tolo News TV dẫn thông báo của ông Enhamullah Samangani – một thành viên cấp cao trong lực lượng Taliban, cho biết Mỹ và liên quân phương Tây đã chuyển giao cho Taliban quyền kiểm soát 3 cổng thuộc sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul ( Afghanistan), trong đó bao gồm cổng vào khu vực quân sự của sân bay này.
Lực lượng Taliban gác tại hiện trường vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul, Afghanistan, ngày 27/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Enhamullah Samangani nêu rõ: “Quân đội Mỹ đang kiểm soát một phần nhỏ của sân bay, trong đó có một khu vực đặt hệ thống radar của sân bay. Chúng tôi sẵn sàng tiếp quản trách nhiệm an ninh và kỹ thuật của sân bay”.
Taliban đã triển khai một đơn vị đặc nhiệm ở cổng chính của sân bay này khoảng 2 tuần trước. Việc tiếp quản sân bay diễn ra sau khi ISIS-K, một nhánh của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Afghanistan – ngày 26/8 tiến hành đánh bom liều chết và xả súng tại cổng phía Đông của sân bay, khiến ít nhất 170 người Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Trước đó, một thành viên cấp cao khác của Taliban cho biết các lực lượng đặc biệt của Taliban, cùng một nhóm các chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư có trình độ đã sẵn sàng tiếp quản mọi hoạt động của sân bay sau khi lực lượng Mỹ rời đi.
Theo kế hoạch, toàn bộ lực lượng Mỹ và liên quân sẽ rời khỏi Afghanistan vào thời hạn chót là ngày 31/8 tới.
Nhân chứng kể cảnh tượng "như ngày tận thế" vụ đánh bom liều chết ở Kabul
Ở nơi mà bạo lực chết người xảy ra không hiếm, cảnh tượng vụ đánh bom kép khiến hơn 100 người thiệt mạng hôm 26/8 ở khu vực sân bay Kabul, Afghanistan vẫn khiến nhiều người cảm giác như ngày tận thế.
Vụ đánh bom liều chết ở khu vực sân bay Kabul ngày 26/8 khiến hơn 70 người chết, hơn 150 người bị thương (Ảnh: NYTimes).
Đó là cảm giác của một cựu nhân viên công ty chuyên về hỗ trợ xin thị thực Mỹ ở Kabul chia sẻ với Reuters sau khi may mắn sống sót trong vụ đánh bom liều chết ở khu vực sân bay Hamid Karzai ngày 26/8. Anh cho biết, thời điểm trước khi xảy ra vụ tấn công, anh cùng hàng nghìn người khác đang tập trung ở khu vực sân bay với hy vọng được qua cửa sân bay và lên một trong những chuyến bay di tản cuối cùng.
Lúc đó, anh đang xếp hàng gần cổng Abbey của sân bay suốt 10 giờ đồng hồ. Khoảng 17h, một tiếng nổ lớn bất ngờ vang lên. "Cảm giác như mặt đất sụt xuống dưới chân tôi, trong thoáng chốc tôi nghĩ mình bị thủng màng nhĩ và mất thính lực", anh nói.
Người đàn ông này kể lại: "Tôi thấy rất nhiều thi thể, những mảnh thi thể văng lên không trung giống như cơn lốc cuốn theo những chiếc túi nilon lên không trung. Tôi thấy thi thể, phần thi thể của người già, phụ nữ, trẻ em và cả những nam giới rải rác khắp hiện trường. Cả đời tôi nghĩ không bao giờ thấy ngày tận thế, nhưng hôm nay tôi đã thấy ngày tận thế, tận mắt chứng kiến nó".
Theo truyền thông quốc tế, hai vụ đánh bom liều chết đã liên tiếp xảy ra ở khu vực sân bay Kabul, trong đó có một vụ ở cổng Abbey, một vụ bên ngoài khách sạn gần sân bay, khiến ít nhất 103 người chết. Guardian dẫn thông tin từ Bộ Y tế Afghanistan cho biết, các vụ tấn công ít nhất 90 dân thường Afghanistan thiệt mạng, khoảng 150 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Quân đội Mỹ cũng xác nhận, ít nhất 13 quân nhân của họ thiệt mạng, 18 người bị thương trong vụ tấn công. ISIS-K, một nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan - đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Suốt 20 năm qua, Kabul vẫn xảy ra các vụ tấn công liều chết và người dân cũng quen thuộc với hình ảnh cảnh sát và nhân viên an ninh tới hiện trường để đưa các nạn nhân đi. Tuy vậy, hôm qua, cảnh tượng mà họ chứng kiến không còn như thế, nhiều người bị thương được người khác hỗ trợ ra khỏi hiện trường trên những chiếc xe rùa thô sơ.
"Hôm nay, không có ai giải quyết vấn đề này, không có ai vận chuyển thi thể hay đưa người bị thương đến bệnh viện. Người chết, người bị thương nằm la liệt trên đường, trên miệng cống thoát nước. Thể xác tôi vẫn ổn, nhưng tôi nghĩ rằng, tổn thương tinh thần và cú sốc này còn theo tôi suốt đời, tôi khó có thể sống một cuộc sống bình thường như trước kia", một nhân chứng chia sẻ.
Những ngày qua là nỗi ám ảnh với người Afghanistan khi hàng chục nghìn người đổ xô đến sân bay Kabul để sơ tán, kéo theo những cảnh tượng hỗn loạn và chết chóc. Vài giờ trước khi xảy ra các vụ đánh bom liều chết, giới chức liên quân do Mỹ đứng đầu đã cảnh báo công dân tránh xa khu vực sân bay do nguy cơ các vụ tấn công khủng bố tiềm tàng nhằm vào nơi này. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn đổ về đây với hy vọng được lên những chuyến bay cuối cùng rời khỏi Afghanistan.
Giới chức quốc tế lo ngại, sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan có thể sẽ trỗi dậy ở quốc gia này. Đó cũng chính là lo ngại khiến nhiều hàng chục nghìn người tìm cách di tản khỏi Afghanistan dù con đường đến sân bay đầy rẫy nguy hiểm.
Đánh bom liều chết ở khu vực sân bay Kabul, hơn 70 người chết
Điều gì xảy ra khi Mỹ rút hoàn toàn binh sĩ khỏi Afghanistan Tổng thống Joe Biden quyết định vẫn giữ nguyên kế hoạch đến cuối tháng 8 đưa 6.000 binh sĩ Mỹ từ Afghanistan hồi hương. Binh sĩ Mỹ giám sát an ninh trong quá trình sơ tán tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan ngày 20/8. Ảnh: AP Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Tổng thống Biden trong tháng 4...