Taliban không trả tiền điện, Kabul nguy cơ chìm trong bóng tối
Chính quyền Taliban không thanh toán cho các nhà cung cấp điện ở Trung Á, khiến thủ đô Afghanistan nguy cơ chìm vào bóng tối trong mùa đông khắc nghiệt.
“Hậu quả xảy ra trên toàn quốc, nhưng đặc biệt ở Kabul. Sẽ xảy ra mất điện và đưa Afghanistan quay lại thời kỳ tăm tối về điện và viễn thông. Đây là tình huống thực sự nguy hiểm”, Daud Noorzai, người đã từ chức giám đốc điều hành công ty điện lực nhà nước Da Afghanistan Breshna Sherkat (DABS), cảnh báo hôm 4/10.
Noorzai từ chức gần hai tuần sau khi Taliban tiếp quản Kabul hồi giữa tháng 8. Hiện ông vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với quan chức DABS.
Một người bán hàng rong ở nói chuyện với khách tại khu chợ đường phố ở Kabul, Afghanistan tháng trước. Ảnh: AP .
Điện nhập khẩu từ các nước láng giềng Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan chiếm một nửa lượng điện tiêu thụ của cả Afghanistan. Sản xuất điện trong nước, hầu hết tại các trạm thủy điện, năm nay bị ảnh hưởng do hạn hán. Afghanistan thiếu lưới điện quốc gia và Kabul phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn điện nhập khẩu từ Trung Á.
Nguồn điện ở Kabul hiện dồi dào vì Taliban không còn tấn công các đường dây dẫn từ Trung Á. Một lý do khác là công nghiệp đình trệ, các cơ sở quân sự và chính phủ hầu như không hoạt động nên có thêm nhiều nguồn điện đến với người dân, không còn tình trạng mất điện luân phiên phổ biến như trước đây.
Tuy nhiên, điều này có khả năng kết thúc đột ngột nếu các nhà cung cấp Trung Á, đặc biệt là Tajikistan, quốc gia có mối quan hệ đang xấu đi nhanh chóng với Taliban, quyết định cắt nguồn cung điện cho DABS vì không thanh toán. Tajikistan đã cung cấp nơi trú ẩn cho các lãnh đạo kháng chiến chống Taliban và gần đây điều thêm quân đến biên giới với Afghanistan.
“Các quốc gia láng giềng có quyền cắt điện của chúng tôi. Chúng tôi đang thuyết phục họ không làm vậy và chúng tôi sẽ thanh toán”, Safiullah Ahmadzai, giám đốc điều hành DABS, cho biết hôm 3/10.
Văn phòng phát ngôn viên Taliban cũng như phát ngôn viên bộ năng lượng và nước chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Video đang HOT
Khi Taliban tiếp quản Kabul, DABS có khoảng 40 triệu USD tiền mặt trong tài khoản, số tiền mà Noorzai nói một số quan chức chính quyền cũ đã cố buộc ông giao nộp. Taliban, vốn thiếu tiền vì các lệnh trừng phạt quốc tế, không chấp thuận dùng số tiền đó để thanh toán cho các nhà cung cấp điện.
Theo Ahmadzai, các khoản nợ của DABS đã lên hơn 90 triệu USD và đang tăng. Trong khi đó, doanh thu từ khách hàng giảm 74% tháng trước, chỉ còn 8,9 triệu USD kể từ 15/8.
Với việc các bộ không trả lương suốt nhiều tháng và hệ thống ngân hàng tê liệt, nhiều người Afghanistan không có tiền thanh toán hóa đơn tiền điện. Năm ngoái, khách hàng ở Kabul chiếm khoảng một nửa trong tổng doanh thu 387 triệu USD của DABS.
Ahmadzai cho biết DABS cần gấp 90 triệu USD để ngăn sụp đổ. Ông kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế giải quyết trực tiếp khoản nợ của công ty với các quốc gia Trung Á hoặc để trang trải các hóa đơn chưa thanh toán của người tiêu dùng Afghanistan.
“Đây không phải vấn đề chính trị, đây là khoản thanh toán trực tiếp cho người dân nghèo Afghanistan, không phải chính phủ. Điện cần thiết để duy trì bánh xe nền kinh tế”, ông nói.
Cộng đồng quốc tế cam kết viện trợ khẩn cấp hơn một tỷ USD cho Afghanistan tại hội nghị do Liên Hợp Quốc tổ chức tháng trước. Nhưng một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng các nhà tài trợ muốn số tiền đó tài trợ thực phẩm, nơi ở và chăm sóc sức khỏe cho người dân Afghanistan thay vì trả cho các nhà cung cấp điện ở Trung Á. Theo ông, tình hình tùy thuộc việc các quốc gia Trung Á có sử dụng số tiền nợ làm đòn bẩy để chống lại chế độ Taliban mới hay không.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên mình EU Josep Borrell hôm 3/10 cho biết Afghanistan đang phải đối mặt “một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và sự sụp đổ kinh tế xã hội đang rình rập”, gây nguy hiểm cho an ninh khu vực và quốc tế.
“Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với hơn 1/3 dân số sống dưới hai USD/ngày. Trong nhiều năm, nước này phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài. Năm 2020, viện trợ quốc tế chiếm 43% GDP của đất nước và 75% lương trả cho dịch vụ dân sự đến từ viện trợ nước ngoài”, Borrell cho biết.
Taliban "trải thảm đỏ" đón đầu tư từ Trung Quốc
Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp cận chính quyền mới của Afghanistan do Taliban lãnh đạo và hứa hẹn các khoản đầu tư vào nước này.
Quan chức cấp cao của Taliban gặp các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Kabul, Afghanistan ngày 6/9 (Ảnh: Reuters).
Sau khi Mỹ rời khỏi Afghanistan trong tình trạng hỗn loạn, chính quyền Taliban tìm kiếm sự đầu tư từ Trung Quốc trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ thận trọng trong vấn đề này.
Người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid tuần trước cho biết chính phủ mới của Afghanistan muốn tham gia Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trị giá 50 tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Giới chức Pakistan cũng hoan nghênh việc Taliban muốn trở thành một phần của CPEC. Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Sheikh Rashid Ahmed nói rằng sự phát triển của Pakistan và Afghanistan có mối liên hệ với nhau.
Một nguồn tin có liên hệ mật thiết với Taliban tiết lộ với Nikkei Asia rằng, Trung Quốc đã mời gọi Taliban kể từ năm 2018 về các dự án khả thi ở Afghanistan.
"Có những thỏa thuận miệng giữa Bắc Kinh và Taliban về các khoản đầu tư. Một khi chính quyền Taliban được quốc tế công nhận, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở Afghanistan - đất nước đang bị chiến tranh tàn phá", nguồn tin cho biết.
Ngày 8/9, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của ngoại trưởng các nước láng giềng với Afghanistan, gồm Trung Quốc, Iran, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Pakistan.
"Tình hình ở Afghanistan vẫn phức tạp và khó đoán. Chúng tôi hy vọng tình hình chính trị sẽ sớm ổn định và bình thường trở lại. Tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải loại bỏ những góc nhìn cũ, phát triển tư duy mới và triển khai cách tiếp cận thực tế, thực dụng", Ngoại trưởng Qureshi viết trên Twitter sau cuộc họp.
Trong cuộc họp, Trung Quốc hứa viện trợ khẩn cấp 31 triệu USD cho Afghanistan, bao gồm ngũ cốc, vật tư để chống chọi với mùa đông, vắc xin và thuốc.
"Những gì Trung Quốc có thể làm bây giờ là duy trì các liên lạc cần thiết với Taliban trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế bình thường và giao lưu nhân dân hai nước", Global Times , cơ quan ngôn luận tiếng Anh của Bắc Kinh, đưa tin.
Người phát ngôn Taliban Mohammed Naeem ngày 14/9 cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan đã chúc mừng chính quyền mới của Afghanistan do Taliban lãnh đạo, đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Afghanistan.
Sự thận trọng của Trung Quốc
Andrew Small, chuyên gia tại Quỹ Marshall của Đức, tin rằng các đề nghị đầu tư ngay lập tức của Taliban sẽ tạo ra đòn bẩy cho Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh sẽ ngay lập tức cung cấp một số hỗ trợ về kinh tế, nhưng sẽ thận trọng hơn khi can dự sâu vào Afghanistan.
"Bắc Kinh sẽ vui vẻ đưa ra những lời hứa hẹn và tham gia vào các cuộc đàm phán về việc mở rộng BRI và CPEC, nhưng sẽ không tiến hành bất cứ điều gì trên thực tế cho đến khi họ tự tin về các điều kiện chính trị và an ninh tại Afghansitan", chuyên gia Small nhận định.
Các chuyên gia cho rằng Taliban không có nhiều sự lựa chọn về các nhà đầu tư.
"Trung Quốc nhiều khả năng sẵn sàng giúp đỡ chính quyền Taliban sau khi Mỹ rút khỏi một khu vực quá quan trọng mà Trung Quốc không thể khoanh tay đứng nhìn", Hasaan Khawar, nhà phân tích chính sách công ở Islamabad, nhận định.
Trung Quốc hiểu rõ nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Afghanistan, trong đó có mỏ đồng Mes Aynak, được cho là lớn thứ hai trên thế giới về trữ lượng dự trữ. Năm 2008, Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) đã chi 3 tỷ USD để tiến hành thăm dò khai thác mỏ đồng này.
Chính phủ Afghanistan đã ký một thỏa thuận kéo dài 30 năm để phát triển mỏ đồng với các công ty khai thác mỏ của Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình an ninh xấu đi ở Afghanistan đã khiến các kế hoạch bị đình trệ trong nhiều năm qua.
Theo Sputnik , Trung Quốc đang tìm cách bắt đầu lại dự án khai thác đồng tại Mes Aynak, mỏ đồng nổi tiếng nhất của Afghanistan nằm cách thủ đô Kabul khoảng 40 km về phía đông nam. Trữ lượng ước tính khoảng 240 triệu tấn đồng được cho là có giá trị ít nhất là 50 tỷ USD.
Các công ty Trung Quốc tuần này thông báo đang lên kế hoạch nối lại các hoạt động khai thác mỏ đồng tại Afghanistan, trong khi vẫn tiếp tục theo dõi tình hình an ninh tại nước này.
"Đồng rất cần thiết cho hệ thống dây điện, sản phẩm điện tử, động cơ và nhiều sản phẩm khác được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng người Trung Quốc sẽ không vội đưa mình vào chỗ nguy hiểm. Họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra bất kỳ quyết định nào để can dự sâu hơn vào Afghanistan", Jeremy Garlick, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế Praha, cho biết.
Vấn đề quân sự và việc các thế lực sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm bệ phóng cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu là mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế, bao gồm Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ không đầu tư vào Afghanistan nếu Taliban không kiểm soát được vấn đề này.
Ngoại trưởng Trung Quốc hồi tháng 7 đã yêu cầu Taliban cắt đứt quan hệ với các tổ chức cực đoan khác, trong đó có Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - lực lượng bị Bắc Kinh cho là gây ra các cuộc tấn công bạo lực ở khu vực Tân Cương. Taliban hứa sẽ không cho phép các lực lượng khác sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để âm mưu chống lại Trung Quốc.
Taliban sẽ tạm thời áp dụng hiến pháp quân chủ, trao quyền cho phụ nữ Chính quyền Taliban tại Afghanistan ngày 28/9 cho biết sẽ tạm thời áp dụng bản hiến pháp năm 1964, văn bản lần đầu tiên trao quyền bầu cử cho phụ nữ và mở cánh cửa cho phụ nữ tham gia chính trị tại quốc gia Nam Á này. Phụ nữ Afghanistan trong trang phục Burqa tại bệnh viện Wazir Akbar Khan ở Kabul,...