Taliban ‘khát’ viện trợ quốc tế
Taliban cam kết cải thiện kinh tế Afghanistan nhưng để thực hiện, chế độ mới phải dựa vào viện trợ nước ngoài mà chưa chắc sẽ nhận được.
Một số nhà tài trợ lớn đã ngừng hỗ trợ Afghanistan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới cũng có thể đóng băng viện trợ nếu chính quyền các nước lớn không công nhận quyền lực của Taliban.
“Afghanistan phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài. Viện trợ nước ngoài gấp 10 lần hoặc hơn số tiền mà Taliban có thể tự kiếm được”, Vanda Felbab-Brown, chuyên gia về Afghanistan tại Viện Brookings, tổ chức nghiên cứu trụ sở tại Washington, nói. “Viện trợ quốc tế và khả năng tiếp cận các quỹ kinh tế quốc tế sẽ rất quan trọng”.
Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên Taliban, trong cuộc họp báo đầu tiên ở Kabul hôm 17/8 sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Ảnh: AFP
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, dòng tiền viện trợ chiếm tới 42,9% GDP 19,8 tỷ USD của Afghanistan. “Nền kinh tế Afghanistan mong manh và phụ thuộc viện trợ”, Brown giải thích.
Video đang HOT
Taliban kiếm tiền từ các hoạt động tội phạm như trồng cây anh túc để sản xuất heroin và thuốc phiện, cũng như buôn bán ma túy, theo báo cáo hồi tháng 5/2020 của ủy ban trừng phạt thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tống tiền các doanh nghiệp hay thu tiền chuộc từ bắt cóc cũng đem lại nguồn thu. Ước tính Taliban thu về khoảng 300 triệu tới 1,5 tỷ USD một năm.
Taliban đánh thuế gần như mọi thứ trong mọi khu vực họ kiểm soát, từ dự án chính phủ tới sản xuất hàng hóa và “họ sẽ tiếp tục sử dụng cách này như một nguồn kiếm tiền”, Charles Kupchan, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức cố vấn đối ngoại phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, nói.
Cộng đồng quốc tế chi hàng tỷ USD trong những năm qua để giúp Afghanistan xóa bỏ nạn trồng cây thuốc phiện, nhưng quốc gia này vẫn sản xuất hơn 80% lượng thuốc phiện trên thế giới. Ngành công nghiệp này sử dụng hàng trăm nghìn lao động tại quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao sau 40 năm xung đột.
Kinh tế Afghanistan bị Covid-19 ảnh hưởng và Taliban thừa nhận không thể cải thiện tình hình nếu không có nước ngoài hỗ trợ.
“Chúng tôi đã trò chuyện với nhiều quốc gia. Chúng tôi muốn họ giúp đỡ phát triển kinh tế”, phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid nói hôm 17/8, cam kết sẽ cấm sản xuất thuốc phiện.
Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều hoan nghênh những tuyên bố đầu tiên của Taliban. Tuy nhiên, nhiều quốc gia viện trợ cho Taliban như Mỹ, đang tỏ ra cảnh giác. Washington bày tỏ mong muốn Taliban tôn trọng nhân quyền, bao gồm quyền phụ nữ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho hay Canada “không có kế hoạch” công nhận Taliban.
Đức tuyên bố đình chỉ khoản viện trợ phát triển hôm 16/8. Berlin vốn có kế hoạch cung cấp 430 triệu EUR (503 triệu USD) trong năm nay cho Afghanistan.
Hiện chưa rõ Trung Quốc, nước láng giềng của Afghanistan, có dự định lấp đầy khoảng trống này không, nếu các nước phương Tây vẫn lạnh nhạt. “Người Trung Quốc theo chủ nghĩa trọng thương. Họ có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới những nước có môi trường kinh doanh tốt”, Kupchan giải thích.
Ngoài tiền mặt sẵn có, Taliban khó có thể tiếp cận các quỹ khác vì hầu hết quỹ dự trữ của đất nước được giữ tại nước ngoài, theo giám đốc ngân trung ương Afghanistan. Phần lớn quỹ này đặt ở Mỹ, nơi chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho hay Taliban sẽ không thể tiếp cận.
Western Union, hãng dịch vụ tài chính, đã thông báo tạm thời cắt chuyển khoản ngân hàng từ nước ngoài tới Afghanistan. Kiều hối là nguồn tiền quan trọng khác của người dân đất nước. Theo ước tính hồi tháng 5 của Ngân hàng Thế giới, kiều hối từ nước ngoài về Afghanistan ước tính 789 triệu USD năm 2020.
Taliban tuyên bố còn quá sớm để bàn về thành lập chính phủ
Trong thông điệp mới nhất ngày 18/8, lực lượng Taliban cho biết hiện vẫn còn quá sớm để quyết định liệu chính quyền mới ở Afghanistan có bao gồm cả những chính khách đã từng tham gia nội các cũ của nước này hay không.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi lực lượng này tuyên bố giành chính quyền, tại Kabul, Afghanistan ngày 17/8/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận quốc tế đang hết sức quan tâm tới tiến trình thành lập chính quyền mới tại quốc gia Tây Nam Á này. Tờ The Washington Post của Mỹ đã đăng bài viết đưa ra dự đoán về lãnh đạo tiềm năng của Afghanistan. Theo bài viết, trở về sau gần 20 năm sống lưu vong, thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar có thể sẽ lãnh đạo Afghanistan. Ông Baradar đã trở lại Kandahar - thành phố lớn thứ hai của Afghanistan - và đang có ảnh hưởng chính trị đáng kể sau những năm vắng mặt ở đất nước. Nhân vật này cũng là người dẫn đầu phái đoàn Taliban trong các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ ở Doha (Qatar) vào năm 2020 và đích thân gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo.
Liên quan những bất ổn tại Afghanistan, hãng tin Reuters cho biết ngày 18/8, ít nhất 3 người đã thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương sau khi các tay súng Taliban nổ súng vào những người biểu tình chống lại lực lượng này ở thành phố Jalalabad. Theo các nhân chứng, vụ việc xảy ra khi những người dân địa phương tìm cách cắm quốc kỳ Afghanistan tại một quảng trường ở thành phố Jalalabad, cách thủ đô Kabul khoảng 150 km về phía Đông. Hiện người phát ngôn của lực lượng Taliban chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Cũng trong ngày 18/8, một quan chức an ninh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết 17 người đã bị thương trong một vụ chen lấn tại cổng vào sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul của Afghanistan, trong bối cảnh các nước phương Tây tăng cường sơ tán nhân viên ngoại giao và những người khác. Theo một quan chức làm việc tại sân bay, nhiều người Afghanistan đang tìm cách rời khỏi đất nước sau khi lực lượng Taliban chiếm được thủ đô vào ngày 15/8. Người dân Afghanistan đã được yêu cầu không tụ tập xung quanh sân bay, trừ khi có hộ chiếu và thị thực. Hãng tin Reuters của Anh dẫn lời một quan chức phương Tây cho biết trong 24 giờ qua, khoảng 5.000 nhân viên ngoại giao, nhân viên an ninh và cứu trợ cùng người Afghanistan được sơ tán.
Trong khi đó, giới chức nhiều nước tiếp tục điện đàm về các diễn biến mới tại Afghanistan. Ngày 17/8, Qatar và Đức đã kêu gọi tăng cường những nỗ lực cần thiết để đạt được sự hòa giải dân tộc và chuyển giao quyền lực hòa bình tại Afghanistan.
Trong một thông báo, Văn phòng Tiểu vương Qatar cho biết hai bên đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một cuộc điện đàm giữa Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tiểu vương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các cuộc hòa đàm và những nỗ lực để đạt được sự hòa giải cũng như chuyển giao quyền lực hòa bình ở Afghanistan.
Ngày 18/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã thảo luận về tình hình ở Afghanistan, đồng thời kêu gọi các bên chủ chốt đảm bảo an ninh ở quốc gia này.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Cavusoglu đã thảo luận chi tiết về vấn đề Afghanistan và thể hiện mối quan tâm chung trong việc ổn định tình hình ở nước này. Trước đó ngày 17/8, Taliban cho biết lực lượng này mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa bình với các nước khác và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.
Taliban hứa cho phụ nữ Afghanistan đi học, đi làm Người phát ngôn Taliban cam kết phụ nữ Afghanistan sẽ không chịu phân biệt đối xử và có cơ hội học tập, làm việc "trong khuôn khổ" luật Hồi giáo. "Tiểu vương quốc Hồi giáo tôn trọng các quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo Sharia", người phát ngôn Zabihullah Mujahid ngày 17/8 phát biểu trong cuộc họp báo quốc...