Taliban cấm nữ giới học trung học
Taliban chỉ cho phép nam giới được quay lại trường học từ lớp 7 tới lớp 12, động thái cho thấy nhóm vũ trang này đã cấm nữ giới học trung học trong thời gian tới.
Taliban khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi về việc liệu họ có đảm bảo quyền lợi cho nữ giới như cam kết hay không (Ảnh: AFP).
Theo Guardian , trong thông báo ngày 17/9, Taliban đã yêu cầu các trường trung học mở cửa lại nhưng chỉ cho nam sinh đi học. Nữ giới hoàn toàn không được nhắc tới trong thông báo này, đồng nghĩa với việc nam giới sẽ được trở lại trường sau một tháng các cơ sở này đóng cửa, nhưng nữ giới thì không.
Bộ Giáo dục của chính phủ lâm thời do Taliban lập ra cho biết, các lớp học từ lớp 7-12 sẽ nối lại hoạt động vào 17/9. “Toàn bộ giáo viên và học sinh nam nên tới các cơ sở giáo dục”, thông báo viết.
Guardian cho biết, diễn biến này đã khiến Afghanistan trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới cấm một nửa dân số không được đi học trung học.
Video đang HOT
Kể từ khi lên nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ 15/8, các động thái của Taliban đã làm dấy lên lo ngại về việc họ không tuân thủ cam kết về việc thành lập một chính phủ toàn diện và tôn trọng quyền của phụ nữ. Nhiều ý kiến lo ngại rằng Taliban có thể lặp lại những gì họ từng làm từ những năm 1995-2001 khi áp dụng luật lệ Hồi giáo hà khắc, đặc biệt với phụ nữ, như cấm phụ nữ ra đường mà không có nam giới đi kèm, cấm nữ giới đi học từ trung học, buộc phụ nữ phải mặc trang phục kín từ đầu tới chân.
Kate Clark, đồng giám đốc Mạng lưới phân tích Afghanistan, cho biết trong thời kỳ điều hành Afghanistan hơn 20 năm trước, Taliban cũng từng cấm nữ giới học trung học dù không ban hành quy định chính thức.
“Giáo dục và biết chữ được Hồi giáo coi trọng nên Taliban không thể cấm các trường nữ sinh trên cơ sở áp dụng Hồi giáo, vì vậy họ luôn nói rằng sẽ cho nữ giới tới trường khi an ninh được cải thiện. Nhưng họ đã không bao giờ làm như vậy”, bà Clark nói.
Theo chuyên gia này, động thái của Taliban không có nghĩa là nữ giới không được học hành, vì đã có các tổ chức từ thiện vận hành các trường học hoặc có các lớp học tại nhà mở ra cho nữ giới. Tuy nhiên, điều này biến quyền lợi cơ bản là được tiếp nhận giáo dục của trẻ em gái trở thành “canh bạc rủi ro”.
“Luôn có nỗi lo sợ rằng các cơ sở có thể bị đóng cửa. Hoặc giáo viên sẽ bị đánh đập hoặc bị giam giữ. Điều này đã xảy ra trước đó. Dạy học cho nữ giới là một việc làm mạo hiểm”, bà Clark kể lại.
Taliban cam kết sẽ có chính sách cởi mở hơn với nữ giới khi cho phép các trường tiểu học đón toàn bộ học sinh trở lại học tập. Taliban cũng cam kết rằng phụ nữ có thể học đại học. Tuy nhiên, nếu như nữ giới bị cấm học trung học, thì cam kết về giáo dục trên của Taliban gần như vô nghĩa, khi sẽ không còn học sinh nữ nào có thể học cao lên nữa trong tương lai.
Taliban đang trong quá trình tái thiết Afghanistan sau 20 năm chiến tranh và cần sự công nhận và trợ giúp từ quốc tế. Vì vậy, họ biết rõ rằng cả thế giới đang hướng về chính sách về quyền lợi cho phụ nữ của nhóm này. Tuy nhiên, Taliban đã gần như hạn chế phần lớn phụ nữ trở lại làm việc, viện dẫn lý do các điều kiện an ninh chưa đảm bảo để phụ nữ có thể an toàn đi làm. Đây cũng là lý do Taliban dùng để ngăn phụ nữ đi làm trong suốt những năm 1996-2001.
Taliban hứa cho phụ nữ Afghanistan đi học, đi làm
Người phát ngôn Taliban cam kết phụ nữ Afghanistan sẽ không chịu phân biệt đối xử và có cơ hội học tập, làm việc "trong khuôn khổ" luật Hồi giáo.
"Tiểu vương quốc Hồi giáo tôn trọng các quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo Sharia", người phát ngôn Zabihullah Mujahid ngày 17/8 phát biểu trong cuộc họp báo quốc tế đầu tiên của Taliban sau khi kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan.
Mujahid cho biết phụ nữ tại Afghanistan sẽ được hưởng quyền lợi và "hoạt động trong nhiều ngành và khu vực khác nhau dựa trên luật lệ và quy định", bao gồm cả giáo dục, y tế, cảnh sát và tư pháp.
"Tôi muốn trấn an mọi người rằng sẽ không có bất kỳ phân biệt đối xử nào đối với phụ nữ, nhưng dĩ nhiên phải trong các khuôn khổ của chúng tôi", người phát ngôn Taliban trả lời, nhưng không nêu chi tiết các khuôn khổ này.
Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid trả lời họp báo ngày 17/8 tại Kabul. Ảnh: AP.
Khi được các phóng viên hỏi về khả năng phụ nữ Afghanistan tiếp tục làm việc trong mảng truyền thông, Mujahid lưu ý Taliban vẫn chưa thành lập chính phủ và đất nước cần thời gian để xây dựng luật.
Trước đó, trả lời truyền thông Anh, một người phát ngôn khác của Taliban là Suhail Shaheen khẳng định phụ nữ Afghanistan vẫn được làm việc và học lên cấp đại học. Ông nói Taliban cam kết tôn trọng quyền học tập, làm việc và tự do ngôn luận của phụ nữ "dưới ánh sáng của luật lệ Hồi giáo".
Shaheen không bình luận cụ thể về khả năng phụ nữ giữ vị trí chính trị trong chính quyền tương lai.
Ông bổ sung rằng Taliban sẽ không bắt buộc phụ nữ Afghanistan mang burqa, loại trang phục trùm kín từ đầu đến chân, mà chỉ yêu cầu họ choàng khăn hijab truyền thống của người Hồi giáo. "Đó không phải quy định của chúng tôi, mà là quy định của đạo Hồi", ông nói, thêm rằng điều này là "vì an toàn của phụ nữ".
Người phát ngôn Taliban còn nhấn mạnh tổ chức này cam kết không tấn công những lực lượng Mỹ chưa rút khỏi lãnh thổ Afghanistan.
Trong cuộc họp báo sau đó, Mujahid cũng lặp lại thông điệp chính phủ mới không muốn có thêm kẻ thù cả trong lẫn ngoài lãnh thổ và cần tập trung đưa đất nước vượt qua khủng hoảng. Ông cho hay các đơn vị Taliban đáng lẽ chưa vội tiến vào Kabul, nhưng đổi ý khi nhận thấy chính quyền đương nhiệm "không đủ năng lực" và thành phố cần đảm bảo an ninh.
Shipper Thái gây tranh cãi vì yêu cầu khách nữ mặc áo ngực Tin nhắn một shipper Thái Lan yêu cầu khách nữ mặc áo ngực khi nhận hàng đang gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội nước này. "Xin vui lòng mặc áo ngực khi ra nhận đồ. Tôi thấy không thoải mái nếu bạn không mặc", một cô gái gần đây đăng lên Facebook dòng tin nhắn được một shipper công ty...