Taliban bổ nhiệm thêm nhiều vị trí chủ chốt
Theo hãng tin Pajhwok, ngày 25/8, lực lượng Taliban đã bổ nhiệm nhiều cựu binh cấp cao vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy cầm quyền sắp tới tại Afghanistan.
Ông Abdul Qayyum Zakir (được cho là thứ 5 từ trái sang) cùng các chỉ huy Taliban kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan tại Kabul, ngày 15/8/2021. Ảnh: AP/TTXVN
Cụ thể, ông Gul Agha được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính nước này, trong khi ông Sadr Ibrahim làm quyền Bộ trưởng Nội vụ.
Hiện Taliban chưa chính thức công bố những sự bổ nhiệm nêu trên. Tuy nhiên, một chỉ huy của lực lượng này cho biết sự chỉ định trên là quyết định tạm thời.
Trước đó, kênh tin tức Al Jazeera cũng đã dẫn một nguồn thạo tin từ Taliban cho biết giáo sĩ Hồi giáo Abdul Qayyum Zakir được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng, trong khi ông Haji Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan.
Theo các nguồn tin trên, việc bổ nhiệm các vị trí bộ trưởng diễn ra trong tuần này, sau khi lực lượng Hồi giáo đã giành quyền kiểm soát toàn bộ các văn phòng chính phủ, Dinh Tổng thống và tòa nhà Quốc hội Afghanistan. Nguồn tin cũng cho biết các chỉ huy dày dặn kinh nghiệm của Taliban sẽ được bổ nhiệm cho các vị trí tỉnh trưởng tại quốc gia Tây Nam Á này.
Một số chuyên gia cho biết thêm những nhân vật được Taliban chọn bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính phủ mới hầu hết là các thủ lĩnh của lực lượng này, vốn hoạt động tại các tỉnh Helmand và Kandahar ở miền Nam Afghanistan.
Video đang HOT
Ông Ashley Jackson – người đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu các nhóm vũ trang (Na Uy) – cho biết: “Đó sẽ là những cái tên quen thuộc. Họ (Taliban) không thực sự cho thấy nhiều sự đa dạng hoặc thể hiện mong muốn về một chính quyền dân sự”.
Trong một diễn biến khác, ngày 25/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí sẽ cùng tăng cường các nỗ lực chống lại “mối đe dọa” từ Afghanistan sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước này.
Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm, trong đó “bày tỏ sự sẵn sàng thúc đẩy các nỗ lực chống lại những mối đe dọa khủng bố và buôn bán ma túy đến từ lãnh thổ Afghanistan”. Hai nhà lãnh đạo cũng bàn về “tầm quan trọng của việc thiết lập hòa bình” ở quốc gia Tây Nam Á này, đồng thời “ngăn chặn nguy cơ bất ổn lan sang các khu vực lân cận”.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình “nhất trí tăng cường các cuộc tiếp xúc song phương” và “tận dụng tối đa tiềm năng “của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này sẽ diễn ra tại Tajikistan vào tháng tới.
Tuy bày tỏ sự lạc quan thận trọng về ban lãnh đạo mới tại Kabul, nhưng Tổng thống Putin vẫn cảnh báo về nguy cơ các tay súng Afghanistan xâm nhập các nước láng giềng dưới tư cách là những người tị nạn. Ông cũng chỉ trích sự can dự của các cường quốc vào những vấn đề nội bộ của Afghanistan.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm sâu sắc thêm “quan hệ hữu nghị và hợp tác” với Afghanistan.
Điều gì xảy ra khi Mỹ rút hoàn toàn binh sĩ khỏi Afghanistan
Tổng thống Joe Biden quyết định vẫn giữ nguyên kế hoạch đến cuối tháng 8 đưa 6.000 binh sĩ Mỹ từ Afghanistan hồi hương.
Binh sĩ Mỹ giám sát an ninh trong quá trình sơ tán tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan ngày 20/8. Ảnh: AP
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Tổng thống Biden trong tháng 4 đã lên kế hoạch rút hoàn toàn binh sĩ Mỹ sau 20 năm hiện diện tại Afghanistan. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ buộc phải điều hàng nghìn binh sĩ đến Afghanistan để tham gia hỗ trợ sơ tán người dân từ sân bay Kabul, kể từ khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Afghanistan ngày 15/8.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan?
Các quan chức Mỹ cho biết quá trình rút quân sẽ diễn ra trong vài ngày, dự kiến điều này có thể tác động đến tốc độ sơ tán tại sân bay Kabul.
Tổng thống Biden ngày 24/8 cho biết kể từ 14/8, trên 70.000 người, bao gồm cả công dân Mỹ, Afghanistan và một số quốc gia khác đã được sơ tán từ sân bay Kabul.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc trong khi đó nói rằng có khả năng mọi công dân Mỹ muốn rời Afghanistan sẽ được sơ tán trước 31/8. Theo các quan chức Mỹ, đến nay có khoảng 4.000 công dân nước này đã được sơ tán khỏi Afghanistan. Lầu Năm Góc cũng cam kết sơ tán 500 binh sĩ Afghanistan, những người đã hỗ trợ bảo vệ sân bay Kabul.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra với những người ở lại?
Hiệp hội Các đồng minh Thời chiến, tổ chức chuyên hỗ trợ người tị nạn, ước tính rằng có 250.000 người Afghanistan, bao gồm phiên dịch viên và người lao động từng cộng tác với Mỹ, cần được sơ tán nhưng kể từ tháng 7 mới chỉ có 62.000 người được đưa đi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 23/8 cho biết: "Điều không kết thúc khi sứ mệnh quân sự của chúng tôi chấm dứt là cam kết với mọi công dân Afghanistan gặp rủi ro". Ông bổ sung rằng những cá nhân muốn rời Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút hết quân vẫn sẽ có cơ hội.
Lực lượng Taliban tại Kabul ngày 19/8. Ảnh: AP
Ngoài ra, Mỹ, các nước đồng minh và Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ quyết định cách xử lý với thảm họa nhân đạo có nguy cơ xảy ra ở Afghanistan.
Theo LHQ, trên 18 triệu người cần được hỗ trợ tại Afghanistan và một nửa trẻ em dưới 5 tuổi tại quốc gia này đang phải chịu tình trạng suy dinh dưỡng. Afghanistan còn đang trải qua đợt hạn hán thứ hai trong 4 năm qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số hàng hóa cứu trợ tại Afghanistan chỉ còn đủ cho một tuần sau khi quá trình vận chuyển bị chặn lại bởi hạn chế ở sân bay Kabul. WHO cũng lo ngại tình trạng lây nhiễm COVID-19 có thể gia tăng tại đây. Trong khi đó, Taliban đã đảm bảo với LHQ sẽ duy trì các hoạt động nhân đạo.
Taliban chỉ định quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Ngày 23/8, Taliban đã chỉ định ông Haji Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan nhằm giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế ngày càng nghiêm trọng tại nước này. Động thái diễn ra hơn một tuần sau khi phong trào Hồi giáo Taliban chiếm được thủ đô Kabul. Trụ sở ngân hàng Da Afghanistan Bank. Ảnh: dab.gov.af...