Tái xuất đô thị ‘ma’?
Trong khi hàng loạt dự án bất động sản có giá trị đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng đắp chiếu nhiều năm tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác chưa biết khi nào bàn giao cho khách hàng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa đề xuất Chính phủ cho phép bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng với bất động sản và cho khách hàng thỏa thuận với chủ đầu tư…
Chục năm đòi nhà
Khá nhiều ý kiến bức xúc được khách hàng nêu ra trong cuộc gặp mới đây với chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà Thăng Long. Nhiều người vì mua nhà của dự án mà lâm vào cảnh bần hàn, nợ nần chồng chất, gia đình mâu thuẫn, chia ly. Ông Ngô Quang Thiệu, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nói rằng, gia đình ông tin tưởng chủ đầu tư nên dồn toàn bộ vốn liếng tích lũy được sau mấy chục năm đi làm (chục tỷ đồng) để mua 2 căn hộ của dự án. Tiền đã nộp đầy đủ theo hợp đồng từ năm 2010 mà đến nay chưa thấy nhà đâu. “Đến nay vợ tôi cũng đã chết mà vẫn chưa thấy nhà đâu. Bây giờ tôi vẫn đang phải đi thuê nhà, cuộc sống rất khó khăn”, ông Thiệu nghẹn ngào.
“Trường hợp đề xuất bỏ quy định về bảo lãnh thì Hiệp hội cần phải đưa ra được một phương thức bảo vệ khách hàng khác có giá trị và đủ mạnh”. Luật sư Lê Nết
Dự án khu đô thị Văn Khê mở rộng có tên thương mại là Usilk City chỉ là một trong hàng chục dự án lớn mặc dù đã bán nhà, thu tiền của khách hàng nhưng vẫn dậm chân nhiều năm nay, không có nhà để bàn giao. Điển hình như nhiều dự án ven quốc lộ 32, ở các huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng… (Hà Nội).
Điều này có nguyên nhân từ khe hở của luật pháp trước khi Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua năm 2014. Chủ đầu tư thu hàng chục nghìn tỷ đồng của người mua nhà hình thành trong tương lai. Công ty CP Sông Đà Thăng Long đã bán hết hàng nghìn căn hộ, đã thu tiền rồi nhưng không đầu tư xây dựng khu căn hộ mà đầu tư vào các dự án, lĩnh vực khác dẫn tới thua lỗ kéo dài. Quyền lợi của hàng nghìn người mua nhà vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quên quyền lợi người mua?
Video đang HOT
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản: “Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”, thực tế, đối với các chủ đầu tư triển khai nhiều dự án với quy mô lớn cùng thời điểm, việc cấp bảo lãnh trong hạn mức tín dụng là không thể thực hiện được.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, theo Luật Đầu tư, chủ đầu tư phải ký quỹ để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, theo đó, việc hoàn thành đúng tiến độ xây dựng để bàn giao đã bao gồm trong nghĩa vụ này. Nay lại thêm yêu cầu về bảo lãnh khiến chủ đầu tư phải chịu quá nhiều nghĩa vụ chồng chéo và chi phí đầu tư tăng lên đáng kể…
Hiệp hội đề xuất Chính phủ chỉ đạo và ban hành cơ chế tháo gỡ theo hướng để doanh nghiệp và khách hàng tự thỏa thuận về nội dung này hoặc bỏ quy định bảo lãnh này và thay bằng quy định khác mà chủ đầu tư có thể thực hiện trong thực tiễn áp dụng (như bổ sung quy định hợp lý về ký quỹ với nhà ở thương mại), xếp hạng tín nhiệm, chủ đầu tư có độ tín nhiệm cao sẽ không phải thực hiện bảo lãnh…
Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia pháp lý và nhà đầu tư cho rằng, tìm biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản thời điểm ảnh hưởng bởi dịch covid – 19 là rất cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc các giải pháp phù hợp. Luật sư Lê Nết (Công ty Luật LNT và cộng sự) cho rằng, không phải bỗng nhiên Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về nghĩa vụ phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng với nhà ở hình thành trong tương lai vì đó là nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người mua nhà. Còn quy định ký quỹ 3% để đảm bảo tiến độ dự án theo Luật Đầu tư chủ yếu là thực hiện nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước và là số tiền không nhiều so với tổng mức đầu tư một dự án. “Trường hợp đề xuất bỏ quy định về bảo lãnh thì Hiệp hội cần phải đưa ra được một phương thức bảo vệ khách hàng khác có giá trị và đủ mạnh”, luật sư Lê Nết nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, cá nhân ông và Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã có góp ý khi xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản từ năm 2014 và đến bây giờ vẫn giữ nguyên quan điểm phải có biện pháp mạnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà bằng quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Châu đề nghị không cứng nhắc trong thực hiện. Tức là giữa chủ đầu tư và ngân hàng có quyền đàm phán với nhau về hạn mức bảo lãnh, về số tiền bảo lãnh theo từng dự án. “Mỗi dự án, mỗi chủ đầu tư có uy tín, tiềm lực khác nhau. Những gì thuộc về thị trường thì phải trả lại để thị trường điều tiết. Ngoài ra, tôi đề xuất có thể áp dụng hình thức mua bảo hiểm cho dự án cũng là cách lựa chọn bảo vệ quyền lợi người mua nhà”, ông Châu nói.
Hà Anh
Bất chấp đại dịch Covid-19, hàng loạt dự án bất động sản mới tiếp tục gia nhập thị trường
Dù thị trường BĐS đang đối mặt với nhiều khó khăn trước đại dịch Covid-19, nhu cầu sụt giảm nhưng trong quý 1 năm 2020 vẫn có hàng loạt nguồn cung mới được bung ra thị trường. Các doanh nghiệp BĐS cũng bắt đầu chủ động hơn trong việc bán hàng nhờ công nghệ.
Nguồn cung mới bung hàng
Việc chủ động trong công tác bán hàng online, nhiều chủ đầu tư vẫn giới thiệu ra thị trường các dự án bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua. Trong các phân khúc BĐS, căn hộ có số lượng dự án mở bán lớn nhất, phần lớn ở thị trường Tp.HCM. Các sản phẩm mới được giới thiệu đều nằm ở các vị trí đẹp, của chủ đầu tư lớn nên người mua vẫn đón nhận.
Ở phân khúc căn hộ, theo số liệu thống kê mới nhất tử Hội môi giới BĐS Việt Nam, cả nước trong quý 1 có khoảng 8363 căn hộ được bán ra thị trường, trong đó hơn một nửa là ở Tp.HCM. Đáng chú ý là thị trường Hà Nội chỉ có 1 dự án mới được mở bán với tổng nguồn cung trên 1100 căn.
Còn theo công bố của Sở Xây dựng Tp.HCM, Có 5 dự án BĐS trong tháng 12/2019 và 6 dự án trong 3 tháng đầu năm nay đủ điều kiện huy động vốn, bàn nhà ở hình thành trong tương lai.
Các dự án đủ điều kiện huy động vốn trong 3 tháng đầu năm nay gồm: 99 căn chung cư Sài Gòn Co.op thuộc khu nhà ở cán bộ, công nhân Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (quận Gò Vấp); 1 căn nhà thuộc Lô H21 dự án Khu nhà ở Công ty Kim Phát ở quận 9; 3 biệt thự dự án Công ty Thành Phúc ở quận 9;
40/214 căn hộ tại chung cư lô H dự án khu nhà ở Bình Chiểu, quận Thủ Đức; 456 căn hộ chung cư lô đất 1- 16 dự án Khu phức hợp Sóng Việt, khu chức năng số 1 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 (The Metropole Thủ Thiêm) của Công ty CP Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư; 12 căn nhà liên kế dự án khu nhà ở thương mại dịch vụ và văn phòng, phường Thảo Điền, quận 2 (G-Home Thảo Điền) của Công ty CP Phát triển nhà G Homes.
Theo báo cáo từ nhiều đơn vị tư vấn bất động sản, do nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu vẫn cao, thị trường căn hộ đã thiết lập mặt bằng giá mới. Khách hàng và nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn, các dự án mới đa số tập trung ở khu Đông và khu Nam thành phố.
Ở phân khúc nhà phố (shophouse), thị trường toàn quốc cũng đã đón nhận nhiều dự án mở bán. Theo ghi nhận của Hội môi giới, nguồn cung mới trong quý 1 mở bán vào khoảng trên 1400 căn. Hầu hết nguồn cung nhà phố nằm ở các tỉnh, thành phố lớn. Các dự án tiêu biểu như Flame City tại Buôn Ma Thuột, Thanh Long Bay ở Bình Thuận, Vincom shophouse Bạc Liêu, Meyhomes ở Kiên Giang,...
Ảm đạm nhất có lẽ là phân khúc condotel khi chỉ ghi nhận 1 dự án duy nhất với 372 căn được mở bán tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phân khúc giao dịch đất nền vẫn đang diễn ra khá sôi động với tổng số nguồn cung mới ra thị trường trong 3 tháng đầu năm là trên 5800 nền. Sản phẩm đất nền vẫn đang là kênh đầu tư được ưa chuộng nhất trên thị trường. Các dự án thường tập trung ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các dự án đáng chú ý trong quý vừa qua như Yên Phụ Newlife ở Bắc Ninh, Mekong Centre ở Sóc Trăng, Qi Island ở Bình Dương, Khu dân cư Thăng Long ở Bình Dương, Tuấn Điền Phát 3 ở Bình Dương, Bình Chánh New Centrer ở Tp.HCM,...
Thị trường sẽ hồi phục nhanh sau đại dịch
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết, thị trường BĐS thành phố sẽ được cải thiện theo hướng tích cực khi công tác hoàn thiện thể chế pháp luật được đẩy mạnh trong năm 2020. Với lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS sẽ khai thông các điểm nghẽn của các doanh nghiệp.
Một chuyên gia phân tích thị trường bất động sản cho rằng nếu dịch kéo dài thì lúc đó sẽ phải có các cách thích nghi mới để thị trường tiếp tục phát triển. Chắc chắn các doanh nghiệp không ngồi yên để chấp nhận "thua cuộc", sức sống thị trường phụ thuộc vào sự thích ứng từ phía doanh nghiệp với thời cuộc.
Nhận xét về khả năng phục hồi sau đại dịch ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, ông Mauro, chuyên gia từ Savills khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, "Du lịch là ngành công nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi các bất ổn về kinh tế - xã hội và điều này đã từng được chứng minh qua các sự kiện như cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch SARS 2003 hay một số khủng hoảng thiên tai, bất ổn chính trị tại các quốc gia như động đất - sóng thần tại Nhật Bản, đánh bom ở Bali năm 2002, v.v. Thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng."
Nhật Minh
TPHCM kiểm tra trên 1.700 dự án bất động sản đang triển khai TPHCM sẽ kiểm tra thủ tục chưa thực hiện, việc lập và phê duyệt dự án đầu tư, tiến độ thu hồi đất, tình hình bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan vừa ký văn bản số 992/UBND-ĐT chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư,...