Tài xế gây tai nạn 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn ít khi lái xe
Thông tin từ cơ quan chức năng, lái xe ô tô con gây tai nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế khiến 3 người chết có bằng lái ô tô B2 nhưng không thường xuyên lái.
Ngày 19/2, đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia do ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia dẫn đầu đã tới kiểm tra hiện trường, kiểm tra khảo sát trên tuyến và làm việc với các Sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan về vụ TNGT xảy ra tại Km48 200 cao tốc Cam Lộ – La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia và các đơn vị kiểm tra tại đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn xảy ra vụ TNGT ngày 18/2
Tại buổi làm việc các đơn vị đã báo cáo với đoàn công tác về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hồi 10h ngày 18/2/2024 tại Km48 200 cao tốc Cam Lộ – La Sơn, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp đảm bảo ATGT trên tuyến.
Hạ tầng còn bất cập, lái xe gây TNGT có bằng lái ô tô B2 nhưng không thường xuyên lái
Tại buổi làm việc, thượng tá Nguyễn Ngọc Thông, Phó trưởng Công an huyện Phong Điền cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra, chưa có kết luận cuối cùng. Còn ông Phan Đình Kiều (SN 1969, trú tại xã Đăk Blà, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, người điều khiển ô tô BKS 36A – 485.67 gây TNGT khiến 3 người trên xe tử vong), thượng tá Thông cho biết, ban đầu xác định đi từ Đà Nẵng ra và ông Kiều đã có bằng B2 nhưng không thường xuyên lái ô tô, lâu lâu mới lái.
Thượng tá Thông cũng cho rằng, tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn hiện còn nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng, cao tốc không thể 2 làn xe như hiện nay mà ít nhất phải 4 làn, có dải phân cách giữa và đèn chiếu sáng. Nhiều đoạn trên tuyến hiện có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, nên cũng phải tính toán tốc độ hợp lý để đảm bảo an toàn…
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Km48 200 trưa 18/2.
“Hiện trạng tuyến đường như hiện nay, chúng ta phải tính toán đến tốc độ phương tiện tham gia giao thông như thế nào cho hợp lý. Nếu vẫn tiếp tục giữ nguyên như hiện nay, chắc chắn tai nạn sẽ còn xảy ra”, thượng tá Thông cho hay.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị, giải pháp trước mắt cho rà soát toàn bộ những điểm tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn để điều chỉnh hợp lý hơn.
Về lâu dài, ông Tuấn kiến nghị nâng cấp mở rộng cao tốc Cam Lộ – La Sơn lên 4-6 làn xe theo quy hoạch. Đây là đoạn tuyến giao thông huyết mạch của khu vực miền Trung và cả nước, từ ngày đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện lưu thông tuyến cao tốc này rất lớn. Tuyến đường này đã giúp chia sẻ 30-40% lưu lượng phương tiện cho quốc lộ 1, bình quân mỗi ngày 4.000-5.000 lượt xe đi qua.
Theo ông Ngô Văn Đoán, Trưởng Văn phòng QLĐB II.5 (Khu QLĐB II, Cục Đường bộ Việt Nam), hệ thống an toàn trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn đã hoàn thiện và được các cơ quan lý có thẩm quyền chấp thuận kiểm tra nghiệm thu, đưa vào khai thác. Đối với các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, Khu QLĐB II đã cũng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá và bổ sung khắc phục kịp thời.
Đoạn tuyến Km48 200 cao tốc Cam Lộ – La Sơn nhìn từ trên cao theo hướng từ nút giao huyện Phong Điền ra phía Bắc.
Video đang HOT
Ông Đoán cũng kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu để có giải pháp nhằm đảm bảo ATGT tại các vị trí chuyển làn xe từ 4 làn về 2 làn trên tuyến.
Cần sớm đầu tư hệ thống camera giám sát trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn
Thiếu tá Dương Xuân Đạt, Phó đội trưởng đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 – Cục CSGT cho biết, ngày 6/1/2023 có đoàn kiểm tra khảo sát trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn và phía đơn vị đã kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh các vị trí vuốt nối trên tuyến cho đồng bộ.
Sau đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh có nội dung giải trình là các vị trí vuốt nối từ 2 làn lên 4 làn và ngược lại đã được tư vấn thiết kế nghiên cứu, thiết kế trên cơ sở điều kiện địa hình thực tế hiện trường từng vị trí đảm bảo yếu tố kinh tế – kỹ thuật, các vị trí vuốt nối này có chiều dài vuốt nối thỏa mãn theo yêu cầu của quy trình, hiện các nhà thầu đã thi công hoàn chỉnh, kiến nghị giữ nguyên không điều chỉnh.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo các thông tin về vụ TNGT.
Thiếu tá Đạt cũng cho biết, trên tuyến đường cao tốc cần phải có đèn chiếu sáng dọc tuyến, nhưng hiện tại cao tốc Cam Lộ – La Sơn một số điểm như đầu tuyến tại Cam Lộ (Quảng Trị) có đèn chiếu sáng, các nút giao lên xuống cao tốc hiện không có đèn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, TNGT. Đồng thời, đề nghị đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến…
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo thống kê, tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn đoạn qua địa bàn tỉnh từ khi đưa vào khai thác đến nay đã xảy ra 9 vụ TNGT, làm 6 người chết; ngoài ra còn những vụ khác như đối đầu xe tải, xe lật xuống bên đường…
Thượng tá Tuấn cũng cho rằng, cao tốc nhưng tuyến Cam Lộ – La Sơn đường hẹp với chỉ 2 làn xe, một số đoạn chưa có sóng điện thoại, trên tuyến chưa có trạm dừng nghỉ. Còn về hạ tầng như biển báo, vạch kẻ đường, chỉ dẫn cơ bản đầy đủ. Thượng tá Tuấn cũng đề nghị đối với những đoạn 4 làn xe chuyển xuống 2 làn xe cần sớm nghiên cứu để khắc phục…
Thiếu tá Dương Xuân Đạt, Phó đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 – Cục CSGT phát biểu tại buổi làm việc.
“Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị mở rộng, có dải phân cách giữa để giảm nguy cơ đối đầu, đồng thời phải có hệ thống giám sát tốc độ, làn đường… như trên tuyến quốc lộ 1″, thượng tá Tuấn nói.
Qua kiểm tra hiện trường và tại buổi làm việc tại trụ sở UBND xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ông đánh giá cao sự vào cuộc xử lý hậu quả vụ TNGT.
Nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tuy nhiên ngoài điều tra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn trên, cơ quan liên quan còn phải rà soát, phân tích kỹ những điểm còn bất cập, nguyên nhân sâu xa, gián tiếp để có giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Ông Minh cũng đề nghị, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ thông tin về tình trạng thắt dây an toàn của những người trên chiếc ô tô con trong vụ TNGT; thông tin về chuyến đi, chủ xe là anh Quý (có trên xe), sao thời điểm đó anh Kiều (chú của anh Quý) lại cầm lái…
Ông Minh nhấn mạnh, hiện nay quy định pháp luật, khuyến cáo về thắt dây an toàn đã có, nhưng tỷ lệ thắt dây an toàn ở Việt Nam rất thấp. Vì vậy nếu xác minh, có căn cứ trường hợp nào có thắt dây an toàn, không thắt dây an toàn sẽ là căn cứ rất tốt để tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo người dân.
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về khắc phục hậu quả vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế; trong đó có từng nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị.
Sau buổi làm việc, đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị tại buổi làm việc để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 10h ngày 18/2, anh Phan Đình Kiều (SN 1969, trú tại xã Đăk Blà, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) điều khiển ô tô BKS 36A-485.67 lưu thông trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn theo hướng Đà Nẵng – Quảng Trị.
Khi đến Km 48 200 cao tốc Cam Lộ – La Sơn, ô tô BKS 36A-485.67 va chạm với xe đầu kéo BKS 63C-136.59 kéo theo rơ-moóc BKS 63R-002.27 đang lưu thông cùng chiều phía trước, cùng làn đường.
Sau khi va chạm với xe đầu kéo trên, ô tô BKS 36A-485.67 lao sang phần đường ngược chiều và tiếp tục va chạm vào xe ô tô tải BKS 63H-005.68 đang theo hướng Quảng Trị – Đà Nẵng, ô tô BKS 36A-485.67 lao xuống bên phải đường hướng Quảng Trị – Đà Nẵng.
Ngay sau đó, ô tô tải BKS 63H-005.68 bị ô tô đầu kéo BKS 51D-150.90 kéo theo rơ-moóc BKS 51R-349.20 đang lưu thông cùng chiều va chạm vào phía sau.
Vụ TNGT đã làm 3 người trên ô tô BKS 36A-485.67 là 3 mẹ con tử vong, gồm cháu Phan Đình Quang (SN 2015) tử vong tại chỗ, cháu Phan Lê Khánh Vân (SN 2009) tử vong trên đường đi cấp cứu và chị Lê Thị Hạnh (SN 1983, mẹ của 2 cháu Quang và Vân) tử vong tại bệnh viện Trung ương Huế.
Còn tài xế Phan Đình Kiều, anh Phan Đình Quý (SN 1978, chồng chị Hạnh, bố của 2 cháu Quang và Vân) bị xây xát nhẹ; 4 xe ô tô bị hư hỏng.
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ TNGT trên, lãnh đạo UBND tỉnh, Thường trực Ban ATGT tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương tới hiện trường chỉ đạo Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp cùng với Cục CSGT, Công an huyện Phong Điền và các đơn vị liên quan tiến hành cấp cứu người bị thương đến cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2), bảo vệ hiện trường, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ, phân luồng điều tiết giao thông, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám nghiệm phương tiện, thu thập thông tin ban đầu.
Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ thân nhân gia đình nạn nhân tử vong mỗi trường hợp 5 triệu đồng…
Theo Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên nhân xác định ban đầu do người điều khiển xe ô tô BKS 36A-485.67 vượt không đúng quy định gây tai nạn.
“Vụ TNGT hiện đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế điều tra làm rõ.
Kết quả bước đầu xác minh cho thấy, lái xe điều khiển các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn không vi phạm nồng độ cồn và kết quả test nhanh ma túy đều âm tính”, Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Vận hành cao tốc nhìn từ vụ tai nạn 3 người chết ở Cam Lộ - La Sơn
Từ vụ tai nạn 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đã đến lúc phải cấp thiết đặt ra việc xây dựng bộ quy chuẩn về tổ chức giao thông, chỉ dẫn và vận hành cao tốc, tương tự như bộ quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc.
Là người đã từng lái xe ở rất nhiều quốc gia khác nhau, tác giả Phạm Quang Vinh gửi đến VietNamNet góc nhìn về vụ tai nạn làm 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như ở cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn cuối tuần qua, sẽ không khó để hình dung khi công chúng, và cả các cơ quan công quyền, hướng sự chú ý đến hành vi của những người lái xe.
Tất nhiên, lỗi của người điều khiển phương tiện luôn là nguyên nhân trực tiếp trong các vụ tai nạn giao thông. Trong vụ tai nạn ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nguyên nhân trực tiếp do tài xế đã vượt ẩu xe container cùng chiều ở cuối làn vượt, gây ra tai nạn cho mình và cho các xe khác.
Nhưng, nếu nhìn vào những bức ảnh chụp từ trên cao vị trí tai nạn, sẽ dễ dàng nhận ra, điểm xảy ra tai nạn ở nơi vừa vượt qua nút giao với đường 11B. Người lái xe 7 chỗ đang ở đoạn cuối của đoạn có 3 làn xe chạy, gồm hai làn chính để xe vượt nhau, và một làn để xe rẽ từ đường 11B vào cao tốc.
Bức ảnh chụp từ trên cao vị trí tai nạn
Trước đó, người này đang lái xe ở làn giữa, và đằng sau một xe 7 chỗ khác, cũng đang lấy tốc độ để vượt xe container ở làn trong. Chỉ khoảng 100m trước khi vượt, trên làn đường anh ấy đang lái, vẫn là mũi tên chỉ hướng đi thẳng, và tai nạn xảy ra chỉ sau gần 40m khi có mũi tên chỉ dẫn nhập làn trên mặt đường.
Khoảng cách từ mũi tên chỉ dẫn đi thẳng đến vị trí tai nạn chưa đến 100m. Với khoảng cách như vậy, chỉ dẫn như vậy, và lái xe ở tốc độ 80km/h, tầm nhìn hạn chế khi lái xe bên cạnh một xe tải lớn, tai nạn là gần như khó tránh khỏi.
Dù tuân thủ đầy đủ chính xác các chỉ dẫn, tai nạn vẫn có thể xảy ra. Lựa chọn duy nhất của anh ấy, là đi chậm lại, và chờ 6,5km nữa mới có thể vượt qua xe container ở phía trước mình, tức là sẽ đi ở tốc độ khoảng 50-60km/h hoặc đôi khi còn chậm hơn, nếu đó là một xe tải chở nặng, và ở đoạn lên dốc. Điều này thật sự rất ức chế, đặc biệt sau một đoạn đường khoảng 12km trước đó, anh ta cũng không thể vượt qua đoàn xe tải trước mặt mình.
Đã từng lái xe ở rất nhiều quốc gia khác nhau, thú thực là tôi chưa từng thấy cách chỉ dẫn, cảnh báo và tổ chức giao thông như vậy ở đâu cả. Ở mọi đoạn đường nơi sắp sửa nhập làn, sẽ có các cảnh báo cả ở trên mặt đường và bên lề đường từ trước điểm nhập làn khoảng 500m đến 1km, và thậm chí dài hơn, nếu là các đường cao tốc vận hành ở tốc độ cao hơn. Các mũi tên cảnh báo nhập làn trên mặt đường cũng thường được kẻ to, mật độ dày, và dày hơn khi chuẩn bị nhập làn.
Những bất ổn trong vận hành và chỉ dẫn giao thông trên đường cao tốc, như trường hợp cụ thể ở nút giao cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn với đường 11B ở Phong Mỹ, huyện Phong Điền, nơi xảy ra vụ tai nạn hôm 18/2, tiếc thay, lại không phải là chuyện xa lạ.
Nếu bạn từng lái xe ở đoạn Yên Bái đi Lào Cai, với chỉ hai làn xe mỗi chiều, chắc chắn bạn sẽ hiểu, những rủi ro như đã xảy ra ở Phong Mỹ hôm vừa rồi là có thể xảy ra ở chính tuyến đường này. Do điều kiện tài chính, chúng ta có khá nhiều tuyến "cao tốc hạn chế", với chỉ hai làn xe mà không có dải phân cách cứng giữa, hoặc chỉ với 4 làn xe mà không có dải vai đường tránh nạn.
Việc tổ chức giao thông trên các đoạn đường này đã rất nhiều lần được nêu ra, và hầu như ít được để tâm. Mỗi khi có một vụ tai nạn xảy ra, cơ quan quản lý hầu như chỉ hướng đến việc điều tra, đánh giá hành vi của người lái xe, mà ít quan tâm đến việc đánh giá điều kiện và phương thức tổ chức giao thông, vốn cũng là một mối nguy hiểm không kém, như trường hợp cụ thể ở nút giao Phong Mỹ, Phong Điền.
Và điều đáng nói hơn, cũng khó để nói việc tổ chức giao thông, chỉ dẫn giao thông như vậy là đúng hay sai, bởi cho đến nay, chúng ta không có quy chuẩn quốc gia về tổ chức vận hành và chỉ dẫn giao thông trên các tuyến cao tốc. Nói một cách ngắn gọn, cho dù đã sau hơn 20 năm kể từ khi đoạn cao tốc đầu tiên đưa vào sử dụng, các tuyến cao tốc của chúng ta vẫn đang được tổ chức, vận hành theo cách... không giống ai, và cũng chẳng giống nhau.
Ví dụ ở ngay nút giao Phong Mỹ vừa đề cập, khoảng cách từ mũi tên chỉ đi thẳng đến mũi tên chỉ nhập làn trên hai chiều đã khác hẳn nhau, ở chiều Nam - Bắc là 120m, còn chiều ngược lại là 80m. Điểm giống nhau duy nhất, là mũi tên chỉ dẫn nhập làn nằm ở... ngay chỗ nhập làn.
Những bất cập như vậy không chỉ có ở các đoạn "cao tốc hạn chế", mà còn rất phổ biến ở trên tất cả các cao tốc khác, từ các nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức giao thông, biển báo và chỉ dẫn, đến các nguyên tắc an toàn cơ bản, ví dụ của việc tách các làn rẽ và nhập, tổ chức các làn để bắt tốc độ cho xe vào cao tốc,...
Từ vụ tai nạn hôm 18/2, tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ có đánh giá đầy đủ cả về việc tổ chức và chỉ dẫn giao thông, đặc biệt trên các tuyến cao tốc, và đánh giá đầy đủ về an toàn trong cách tổ chức và chỉ dẫn. Hơn thế, tôi nghĩ đã đến lúc phải cấp thiết đặt ra việc xây dựng bộ quy chuẩn về tổ chức giao thông, chỉ dẫn và vận hành cao tốc, tương tự như quy chuẩn về bộ quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc. Và trong bối cảnh Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Luật giao thông đường bộ, chắc chắn, cần thiết phải đặt ra việc có các quy định pháp lý về đường cao tốc, và trách nhiệm của người tổ chức, vận hành cao tốc về an toàn giao thông.
Dù đã muộn, nhưng tôi nghĩ, đó chắc chắn là việc cần phải làm.
Vụ không biết chữ vẫn được cấp bằng lái ô tô, vì sao hồ sơ bị tiêu huỷ? Trường CĐ Giao thông Huế cho rằng, hồ sơ liên quan đến việc cấp bằng lái xe hạng B2 cho học viên Trần Văn N đã được nhà trường thực hiện tiêu huỷ theo quy định về thời gian lưu trữ. Trao đổi với VietNamNet chiều nay (21/1), một lãnh đạo Trường CĐ Giao thông Huế cho biết, đơn vị vừa có văn...