Tài xế che biển số trốn phạt nguội cần bị phạt nặng như lỗi vi phạm nồng độ cồn
Đại diện Cục CSGT cho rằng, mức phạt với hành vi che biển số còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, cần tăng mức xử phạt tương tự lỗi vi phạm nồng độ cồn.
” Cần có sự nghiên cứu, kiến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt phải sửa đổi Nghị định 100, tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi làm mờ, che khuất biển số, thậm chí tăng mức phạt tương đương với hành vi vi phạm nồng độ cồn, đồng thời cần làm rõ động cơ, mục đích việc che giấu, trốn tránh của chủ phương tiện “, Đại tá Nguyễn Quang Nhật đưa ra kiến nghị khi nhận định về mức phạt đối với lỗi che biển số xe.
Trả lời PV VTC News , Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, trong Nghị định 100 quy định rõ mức xử phạt với hành vi che biển số, hay biển số không rõ (800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng với ô tô, 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối với xe máy) nhưng vì mức xử phạt còn thấp nên chưa đủ răn đe.
BKS 30F được chủ phương tiện dán thêm băng dính đen thành 30E.
Theo Đại tá Nhật, việc cố tình làm mờ, che biển số là hành vi thể hiện ý thức rất kém của một bộ phận người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện khi tìm cách trốn tránh việc kiểm soát của cơ quan chức năng và không dám thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
“ Xã hội cần phải lên án và đấu tranh mạnh mẽ với loại hành vi này, lực lượng CSGT cũng sẽ kiên quyết xử lý bằng sự kết nối giữa hệ thống đăng ký xe với camera phạt nguội, từ đó tìm ra nguồn gốc của xe cố tình vi phạm để xử lý triệt để”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định.
Xe máy che biển số bằng tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng. (Ảnh: Cục CSGT)
Đối với các trường hợp sử dụng biển giả hoặc cố tình sửa biển số và vi phạm lỗi phạt nguội khiến chủ phương tiện dùng biển số thật bị phạt oan, Đại tá Nguyễn Quang Nhật khuyên chủ phương tiện cần bình tĩnh, cung cấp các thông tin chứng minh không vi phạm giao thông với cơ quan công an.
“Trước mắt, khi chủ phương tiện nhận được thông báo phạt nguội cần hợp tác với cơ quan cảnh sát nơi gửi thông báo để xác minh, làm rõ xem mình có vi phạm thật hay không. Việc xử lý phải đúng người, đúng hành vi vi phạm, từ đó cơ quan công an cũng có cơ sở để truy ra nguồn gốc của chủ phương tiện cố tình làm ảnh hưởng đến mình” , Đại tá Nhật lưu ý.
Nhiều người lo ngại việc tài xế cố tình sửa biển số khiến xe khác bị phạt nguội oan.
Video đang HOT
Liên quan vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng cho rằng, mục đích của các tài xế cố tình làm mờ hoặc che biển số là nhằm tránh các camera soi biển số phạt nguội.
“Những việc này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định biển kiểm soát xe để xử phạt, đặc biệt nếu phương tiện gây tai nạn rồi bỏ chạy sẽ làm kéo dài thời gian để truy tìm, xử lý vụ việc” , Thiếu tá Nguyễn Minh Đức cho hay.
Lãnh đạo Đội CSGT số 7 chỉ ra 3 nhóm phương tiện thường có hành vi sửa, che biển số gồm taxi hay đỗ ở điểm cấm dừng, đỗ; xe ôm công nghệ và xe ô tô chạy trên các tuyến cao tốc, quốc lộ.
“Ví dụ khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai có lắp hệ thống camera giám sát để phạt nguội các trường hợp taxi dừng, đỗ trước cổng bệnh viện gây ùn tắc. Vì vậy một số xe taxi hay dừng, đỗ ở đây cố tình dán, che biển số để tránh bị phạt nguội.
Ở nhóm thứ 2 là xe ôm công nghệ, tài xế thường lấy khẩu trang để che biển số. Việc kiểm tra, xử lý các xe máy thường gặp khó bởi biển số ở phía sau, khi những xe này đi qua CSGT mới nhìn thấy xe bị che biển số.
Tuy nhiên, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vẫn có các biện pháp để xử phạt đối với các trường hợp này. Khi những xe cố tình che biển đi qua, tổ tuần tra hoặc các chốt phát hiện sẽ dùng bộ đàm thông báo cho các chốt tiếp theo ở phía trước để dừng xe kiểm tra.
Nhóm thứ 3 chủ yếu là xe ô tô che biển số khi đi trên các tuyến cao tốc, quốc lộ để tránh các điểm bắn tốc độ. Đối với những trường hợp này cơ quan chức năng dễ xử lý hơn bởi có thể chặn xe vi phạm ngay từ lối ra của đường cao tốc và có thể kiểm tra, lập biên bản luôn, không cần phải phạt nguội”, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức thông tin.
Đội Thanh tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Đội 1), Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an) cũng cho biết, từ tháng 12/2020 đến nay, đơn vị phát hiện, xử phạt 20 trường hợp cố tình làm mờ, che biển số trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Đáng chú ý, không chỉ riêng tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai mà tình trạng chủ phương tiện làm mờ, che biển số xảy ra tại nhiều nơi. Trên các diễn đàn giao thông, cộng động mạng bức xúc, lên án gay gắt khi bắt gặp những chiếc xe che biển số lưu thông trên đường.
Cùng bàn luận về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, những tài xế có hành vi cố ý che biển số khi tham gia giao thông để né tránh việc xử phạt nguội có thể bị phạt tiền cao nhất lên đến 1 triệu đồng.
Luật sư cho rằng mức chế tài đối với hành vi cố ý che biển số xe mà chỉ xử phạt hành chính là chưa đủ sức răn đe.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định xe cơ giới khi tham gia giao thông phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Xe khách cố tình che mờ biển số bị Cục CSGT phát hiện. (Ảnh cắt từ clip)
Bởi vậy, khi phát hiện các trường hợp cố ý che biển số thì cơ quan chức năng sẽ kiểm tra xem xét toàn diện để làm rõ những nghi vấn. Trong trường hợp phát hiện ra hành vi nhằm mục đích che giấu hành vi phạm tội thì sẽ phải bắt giữ giao cho cơ quan điều tra xử lý. Trường hợp chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm thì vẫn xử lý bằng các biện pháp hành chính trong đó có xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích, thực tế cho thấy mức chế tài đối với hành vi cố ý che biển số xe mà chỉ xử phạt hành chính là chưa đủ sức răn đe. Bởi có những trường hợp lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ nếu bị phát hiện xử lý phạt nguội thì mức phạt sẽ cao hơn rất nhiều lần.
Trong khi đó, hành vi che biển số có thể che giấu được các hành vi vi phạm này, tránh được việc phạt nguội nhưng chế tài xử phạt về hành vi này còn rất thấp so với các hành vi vi phạm khác.
Chính vì vậy, rất nhiều người coi thường pháp luật, cố tình che biển số xe để chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho người khác khi tham gia giao thông.
“Tôi thấy hành vi cố ý che biển số xe rất nguy hiểm, bởi lái xe đã có chủ đích vi phạm pháp luật từ trước. Thậm chí, những người che biển số xe có thể thực hiện những hành vi phạm tội nghiêm trọng, mà việc che biển nhằm tránh cơ quan chức năng phát hiện, phạt nguội.
Bởi vậy cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, không khoan nhượng đối với các hành vi vi phạm và tiến tới có thể nâng mức chế tài đối với hành vi này để đảm bảo công bằng, tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra đối với xã hội”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định:
Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại tương tự xe ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí, gắn biển số không rõ chữ, số, gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng, sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
Phạt tiền từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
CSGT TP.HCM đo nồng độ cồn xuyên đêm, phạt nhiều người vi phạm
Từ đêm 1/1 đến rạng sáng 2/1, lực lượng CSGT ở TP.HCM ra quân tuần tra kiểm soát, lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm luật giao thông.
Đêm 1/1, Đội CSGT Đa Phước thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) lập chốt tại giao lộ Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn người đi xe máy.
Đợt cao điểm ra quân kéo dài trước, trong và sau Tết (15/12/2020-28/2/2021).
Tại buổi làm việc, cảnh sát kiểm tra gần 15 người điều khiển xe, lập biên bản và tạm giữ phương tiện 4 trường hợp.
Người vi phạm có nồng độ cồn trên 0,25 mg/lít khí thở. (Ảnh: Thư Trần)
Trường hợp đầu tiên, cảnh sát đo được người vi phạm có chỉ số cồn 0,044 mg/lít khí thở, tương đương mức phạt 2,5 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng và tạm giữ xe 7 ngày.
Trường hợp thứ 2 là anh Nguyễn Việt Quốc (ngụ huyện Bình Chánh), với 0,254 mg/lít khí thở. Ngoài vi phạm lỗi uống rượu bia khi điều khiển xe máy, anh Quốc không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ liên quan nào.
Cảnh sát cho biết đối với lỗi có nồng độ cồn, người này bị phạt 4,5 triệu đồng, giam xe 7 ngày. Riêng lỗi không xuất trình CMND là 150.000 đồng, không có bằng lái phạt 1 triệu đồng. Tuy nhiên, xe máy anh Quốc điều khiển do người khác đứng tên, lỗi này là 900.000 đồng. Như vậy, tổng tiền phạt người vi phạm này hơn 6,5 triệu đồng.
CSGT lập chốt tại giao lộ Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). (Ảnh: Thư Trần).
Trường hợp thứ 3, anh Nguyễn Văn Tín (ngụ Nhà Bè) có nồng độ cồn 0,36 mg/lít khí thở. Với nồng độ cồn dưới ngưỡng 0,4 mg/lít khí thở, anh Tín bị phạt 4,5 triệu đồng, tước bằng lái 17 tháng.
Tương tự, trường hợp cuối cùng, người vi phạm phải đóng phạt 4,5 triệu đồng, tước bằng lái 17 tháng cho mức cồn 0,4 mg/lít khí thở (theo Nghị định 100).
CSGT thực hiện cao điểm kiểm soát, xử phạt người vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh: Thư Trần)
Rạng sáng 2/1, công tác kiểm soát, đo nồng độ cồn người tham gia giao thông tiếp tục được thực hiện.
Kẻ chửi tục, thách thức CSGT sau tai nạn giao thông đã đến trình diện Sau khi điều khiển xe máy dẫn đến vụ tai nạn giao thông khiến 1 người bị gãy xương đùi, nam thanh niên có thái độ không hợp tác, chửi tục, thách thức lực lượng CSGT. Hình ảnh Quang Anh tự đạp vào phương tiện của mình sau tai nạn được ghi lại Theo đó, khoảng 15h45' ngày 16/12, tai khu vưc đương...