Tài xế cai nghiện ma túy: Giọt nước mắt giữa đêm và đường về ánh sáng
Có những đêm, Long thức trắng suy nghĩ về vợ con và những ngày tháng mà bản thân bệ rạc vì ma túy.
Những ngày đầu đấu tranh và giọt nước mắt giữa đêm
Cuối năm 2018, sau khi nhận được những lời động viên của vợ, cựu tài xế Nguyễn Gia Long (SN 1981, trú tại Thanh Trì, Hà Nội, tên nhân vật đã được thay đổi) đã tự nguyện đến Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội Hà Nội để thoát khỏi cơn ác mộng ma túy.
“Khoảng 15 ngày đầu khi vào cơ sở cai nghiện, em được tách ra điều trị “cắt cơn” nghiện riêng so với các học viên khác. Thực ra chỉ cần 5 ngày là đã cắt được cơn vật thuốc rồi, tuy nhiên 10 ngày còn lại là đấu tranh tư tưởng mới thật sự quan trọng”, Long kể.
Học viên cai nghiện Nguyễn Gia Long trong buổi trò chuyện với PV
Chia sẻ về những ngày tháng này, Long cho hay đó là cả một quá trình đấu tranh, thử thách nghị lực, sức chịu đựng của tinh thần lẫn thể xác. Suốt 5 ngày đầu tiên, Long chẳng buồn ăn uống bất kỳ thứ gì, người luôn trong trạng thái mệt mỏi, cơn vật thuốc ập đến vào mỗi khung giờ khiến sức khỏe ngày càng đi xuống.
10 ngày tiếp theo là những khoảng trống khi nỗi nhớ vợ, nhớ con, nhớ gia đình cùng người thân ùa về. Có những đêm, người đàn ông gần tứ tuần phải rơi nước mắt những lúc nghĩ đến gia đình nhỏ phải xa cách vì vết trượt dài gần 2 năm đắm chìm trong “cái chết trắng”.
“Nhiều đêm em cứ suy nghĩ về hoàn cảnh gia đình, về cuộc sống tốt đẹp mà chính bàn tay em đã tự hủy đi. Đau xót lắm anh ạ, chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà lại đi vào cái con đường tối tăm này, thực sự ma túy nó chẳng khác gì địa ngục. Rồi mai đây, con em khôn lớn, nó nghĩ thế nào về một người bố đã từng lầm lỗi như em”, Long ngân ngấn nước mắt chia sẻ với tôi.
Thế rồi, Long cũng vượt qua được 15 ngày đầu tiên đầy cam go ấy nhờ sự trợ giúp, động viên của các cán bộ làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 mà Long vẫn thường gọi là “các thầy, các cô” với tất cả sự chân tình. Không chỉ riêng Long, tất cả những học viên tại cơ sở mà tôi đã tiếp xúc cũng đều gọi tiếng thầy, cô với sự kính trọng, cảm kích như vậy.
Video đang HOT
Đường về với ánh sáng
Nguyễn Gia Long là một thành viên trong số hơn 200 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 5. Theo một cán bộ quản lý tại cơ sở, bất kỳ học viên cai nghiện theo diện tự nguyện hay do chính quyền địa phương đưa đến đều được áp dụng quản lý, sinh hoạt theo kỷ luật.
Những giờ phút sinh hoạt tự do của các học viên
Cuộc sống thường nhật của các cán bộ và học viên tại đây bắt đầu từ 5h45 sáng hàng ngày. Các học viên sẽ có thời gian khoảng 15 phút để vệ sinh cá nhân sau đó tập trung tại nhà ăn để ăn sáng tập thể. Tiếp đó là hai giờ đồng hồ lao động theo sự sắp xếp của cán bộ quản lý gồm các ngành nghề như cơ khí, chăn nuôi, trồng trọt hoặc làm giấy…
Khi các học viên hoàn thành thời gian biểu bắt buộc là những giờ phút sinh hoạt tự do, đa số học viên lựa chọn chơi các môn thể thao như đá cầu, đá bóng, số ít hơn thì tụm lại nói chuyện, kể cho nhau nghe về những thăng trầm mà mình đã trải qua.
Anh Nguyễn Trọng Thịnh, cán bộ quản lý Đội 2, Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 cho biết Đội 2 có 104 học viên chia thành các tổ nghề khác nhau. Trong đó, học viên nhỏ tuổi nhất tính đến 2019 vừa tròn 18 tuổi, học viên lớn tuổi nhất đã ngoài 40.
Theo anh Thịnh, các học viên lớn tuổi thường vào cơ sở để cai nghiện heroin, còn các học viên trẻ lại cai nghiện ma túy đá, ma túy cỏ, một vài trường hợp cai nghiện ma túy tổng hợp hay còn gọi là “kẹo”.
“Trong quá trình tôi làm việc tại cơ sở đã gặp rất nhiều trường hợp là tài xế chạy xe đường dài, do tính chất công việc xa nhà, bạn bè rủ rê dẫn đến nghiện ma túy, chủ yếu là heroin. Theo những học viên này, họ sử dụng heroin để giữ sự tỉnh táo, không bị buồn ngủ trong mỗi chuyến đi đường dài”, anh Thịnh cho biết.
Chia sẻ về tác hại của mỗi loại ma túy, anh Thịnh cho hay tất cả các loại ma túy kể trên đều tổn hại đến sức khỏe con người. Riêng Heroin, loại ma túy mà cánh tài xế ưa dùng chủ yếu tác hại đến suy nghĩ của người nghiện, dần dần thẩm thấu vào bên trong các cơ quan nội tạng khiến sức khỏe ngày một suy giảm. Chưa kể những loại heroin ngày nay bị pha tạp nhiều loại chất gây nên ảnh hưởng càng lớn.
Suốt 12 năm kể từ khi Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 được thành lập, các cán bộ làm việc tại đây đã giúp đỡ hàng nghìn học viên cai nghiện thành công, tái hòa nhập với cộng đồng, xã hội, trở về con đường đầy ánh sáng. Riêng Nguyễn Gia Long, chỉ gần 2 tháng nữa, cựu tài xế sẽ được trở về với gia đình có vợ và hai cô con gái, hạnh phúc một lần nữa đến với anh.
Theo Danviet
Cai nghiện ma túy: Những... kỷ lục buồn
Cai nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ đối với người nghiện và người làm công tác cai nghiện. Một điều buồn là những thầy cô giáo ở đây thỉnh thoảng vẫn gặp lại học trò. Nhưng có người đến 8 lần đi cai thì cũng được gọi là kỷ lục buồn.
8 lần đi cai vẫn chưa hết nghiện
Tôi gặp Nguyễn Văn Thu (35 tuổi, quê ở huyện Kinh Môn, Hải Dương), đang làm lớp trưởng một lớp học ở Trung tâm cai nghiện Hải Dương. So với các học viên khác, Thu nhìn rất nổi bật, anh giống như một vận động viên bóng chuyền bởi chiều cao gần 1,9m, rất khỏe mạnh. Được hỏi là lần thứ mấy đi cai rồi, Thu thật thà nói đã... 8 lần vào đây.
Các học viên nữ trên đường trở về sau buổi lao động. Ảnh: G.T
Thu kể: "Nhà em có 3 chị em, chị gái đang làm huấn luyện viên bóng chuyền của đội tuyển than Quảng Ninh, em trai làm doanh nghiệp. Chỉ còn mỗi em là... chưa nên người thôi".
Với "bề dày" kinh nghiệm bản thân, Thu nhận định, để cắt được cơn thèm ma túy không phải là dễ nhưng cũng không quá khó, chỉ độ 1 tuần là không còn cảm giác thèm ma túy nữa. Nhưng ra ngoài đời phải có môi trường sống phù hợp thì người nghiện mới có nghị lực để vượt qua được.
Thu cho biết thêm: "Em nghiện từ hồi đi học cấp 3 chỉ vì thích thể hiện là người lớn, là người hùng nên chơi ma túy. Rồi từ đó, cứ trượt dài không bỏ được. Có một lần em đã bỏ ma túy được độ 3 năm, đi làm vệ sĩ trên Hà Nội, được mọi người rất quý. Em cũng đã tính đến chuyện tìm ai đó để yêu rồi xây dựng gia đình. Trung thu 2015, tự nhiên em bị sốt cao, nhà anh chị giám đốc công ty vệ sĩ tổ chức trung thu mà em không dự được, người cứ sốt đùng đùng. Anh chị đưa em vào Bệnh viện 354 khám, sau khi có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ thông báo em bị nhiễm HIV. Nghe tin đó em như người chết đuối, không biết bấu víu vào đâu. Mà cũng không nhớ được là mình bị HIV trong hoàn cảnh nào. Buồn chán, nghĩ mình sắp chết, em lại lao vào ma túy để và nghĩ sẽ nghiện cho đến lúc nào hết sức thì thôi".
Cách đây 2 năm, một cú sốc nữa xảy ra với Thu. Cha Thu đột ngột qua đời. Thấy mình nghiện ngập làm cho mẹ lo lắng quá, Thu đã xin mẹ tự nguyện đưa mình vào trung tâm cai nghiện. Từ ngày vào trung tâm, Thu là một trong những học viên tích cực, hoạt động gương mẫu, được bầu làm lớp trưởng tham gia giúp đỡ nhiều học viên khác cùng tiến bộ.
Khi tiếp xúc với chúng tôi, Thu khoe em vào trung tâm được các thầy đưa vào chế độ chạy thuốc ARV, đã tăng được hơn 10kg và giờ thấy sức khỏe rất ổn. "Hôm trước mẹ em lên thăm, nói Tết này mẹ em đón về. Em cũng đã xác định, mình nhiều tuổi rồi, sức khỏe đã xuống, về lần này sẽ ra công ty của bạn học cấp 3 làm và dứt khoát cai nghiện ma túy".
Chuyện của Linh
Chúng tôi vào phòng ở của các nữ học viên tại Trung tâm cai nghiện Hải Dương đúng giờ nấu cơm trưa và gặp cô bé Trịnh Thị Mỹ Linh (sinh năm 1998). Năm nay Linh tròn 20 tuổi nhưng đã có con trai 4 tuổi đang gửi bà ngoại. Học lớp 7 Linh đã bắt đầu dùng ma túy. Sau những lần đi bay lắc và sống không kiểm soát, đang học lớp 10 thì Linh mang bầu, rồi nghỉ học làm mẹ ở tuổi vị thành niên.
Do còn trẻ cộng với cuộc sống gia đình nhiều xung khắc, Linh bỏ chồng, đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Được 7 tháng thì em trốn ra ngoài làm lao động tự do rồi bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam. Về nhà được một thời gian thì Linh sử dụng ma túy mất kiểm soát, cãi nhau với mẹ đẻ, cầm dao đâm vào tay mẹ.
Linh kể, trước kia nhà em ở Quảng Ninh, bố em là lái xe ở trong mỏ than, mẹ làm ăn buôn bán. Mọi tai ương ập đến khi anh trai Linh 7 tuổi bị tai nạn chết, bố em bị trầm cảm nặng, không tỉnh táo được nữa. Không chịu được cảnh đó, mẹ Linh bế em về quê ngoại ở Tứ Kỳ, Hải Dương để sống.
Vào một buối tối, mẹ bỏ đi chơi với người đàn ông khác, em chạy theo mẹ khóc đòi được đi theo, nhưng mẹ đã đánh em và đuổi về. Từ đó, Linh lầm lì không nói gì, mẹ cũng mặc kệ, suốt ngày mắng mỏ và đánh đập em. Tới năm lớp 7, thấy em lúc nào cũng buồn, mấy chú hàng xóm bảo dùng ma túy đá sẽ vui và không còn buồn nữa, thế là em nghiện.
"Lần gần đây nhất là khi em bị trục xuất từ Đài Loan về tới sân bay, em mượn điện thoại gọi cho mẹ nói: "Mẹ ơi mẹ đến đón con đi!". Mẹ em trả lời: "Mày đừng về nhà tao nữa, muốn đi đâu thì đi". Thế là em không được về nhà với mẹ và con trai em", Linh kể.
Linh phải thuê nhà trọ ở gần nhà mẹ, mở cửa hàng xăm nghệ thuật. Lúc nào mẹ đi vắng em mới trốn về thăm con trai, xong lại đi. Sau những phút trải lòng với chúng tôi, Linh bộc bạch: "Nói thật, bây giờ em hoàn toàn bình thường và chắc chắn không còn nghiện ma túy nữa. Em chỉ ước mẹ em không nóng tính, em được nói chuyện bình tĩnh với mẹ. Ước gì mẹ tin em 1 lần thôi là không bao giờ em sa ngã, tìm niềm vui trong ma túy nữa. Em chỉ ước được mẹ em thấu hiểu lòng em, Tết này cho em về nhà với con trai, với mẹ, được ăn Tết cùng gia đình".
Theo Danviet
Con đường hoàn lương của "giang hồ Hà Thành" từng bị bố mua sẵn mộ Ngoài 30 tuổi mang cơ thể rệu rã, dễ chết bất kỳ lúc nào, gia đình không ai buồn ngó, Minh quyết bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Nửa đêm, tầng 2 của cơ sở hỗ trợ sau cai nghiện tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội vẫn sáng đèn. Một học viên đang lên cơn thèm thuốc. Bùi Ngọc Minh cùng với...