Tại sao Trung Quốc ‘không hành động’ dù bị ảnh hưởng thương mại ở Biển Đỏ?
Bắc Kinh vẫn tránh xa xung đột ở Biển Đỏ bất chấp rủi ro đối với thương mại của Trung Quốc.
Trung Quốc bày tỏ quan ngại về tình hình leo thang ở Biển Đỏ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters ngày 15/1, Trung Quốc đã kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào các tàu dân sự ở Biển Đỏ, vốn đã làm gia tăng đáng kể cuộc xung đột Hamas-Israel và khiến lợi ích thương mại của Bắc Kinh dọc theo Kênh đào Suez gặp nguy hiểm.
Kể từ khi Tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi lên nắm quyền vào năm 2014, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động đầu tư và thương mại dọc theo Kênh đào Suez của Ai Cập, qua đó một lượng đáng kể hàng hóa hướng Tây của “gã khổng lồ” châu Á lưu chuyển.
Theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho thấy, Bắc Kinh đã khuyến khích các công ty nhà nước đầu tư hàng chục tỷ USD vào các lĩnh vực hậu cần, vận tải và năng lượng của Ai Cập, đồng thời đã gia hạn khoản vay 3,1 tỷ USD, theo Ngân hàng Thế giới.
Và trong những tháng trước cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái của Hamas vào Israel, các công ty từ Trung Quốc và Hồng Kông đã cam kết đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào các dự án khác nhau dọc theo tuyến đường thủy huyết mạch của Ai Cập.
Nhưng các cuộc tấn công nhằm ngăn cản hoạt động vận chuyển thương mại từ Biển Đỏ và Kênh đào Suez có thể khiến các nhà đầu tư Trung Quốc nản lòng, những người đã bỏ ra số tiền khổng lồ để phát triển tuyến đường thủy này nhằm thu lợi từ việc đi lại an toàn của họ.
Theo AEI, hãng vận tải khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc COSCO, vào ngày 7/1 đã cùng với Maersk, Hapag-Lloyd, Evergreen và các hãng vận tải lớn khác tạm dừng các dịch vụ đến Israel. Vào tháng 3 năm ngoái, COSCO đã đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cảng của Ai Cập.
Video đang HOT
Bị đe dọa không kém là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó Ai Cập, Yemen và Iran đều là thành viên.
Trung Quốc luôn khẳng định sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác, khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi về cách họ nên phản ứng khi có vấn đề nảy sinh giữa các thành viên BRI.
Vấn đề nan giải đặc biệt nảy sinh khi căng thẳng làm suy yếu mục đích đã nêu của BRI, đó là kết nối châu Á với châu Âu thông qua việc tạo ra một loạt hành lang thương mại và đầu tư xuyên lục địa.
Cho đến nay, Trung Quốc tỏ ra kiềm chế trong hoạt động ngoại giao của mình vì lập trường không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền khác. Tuy nhiên, đồng thời Bắc Kinh muốn nâng cao điều mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi là “ảnh hưởng, sức hấp dẫn và quyền lực quốc tế” của Trung Quốc để định hình các sự kiện thông qua ngoại giao.
Hãng tin Bloomberg của Mỹ cũng cho rằng, khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích nhằm ngăn chặn Houthi tấn công các tàu ở Biển Đỏ, Trung Quốc một lần nữa vẫn “đứng bên lề”.
Không phải vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có nhiều mối đe dọa: Trung Quốc nhập khẩu khoảng một nửa lượng dầu thô từ Trung Đông và xuất khẩu sang EU nhiều hơn Mỹ. Theo Bloomberg, Chỉ số vận chuyển hàng hóa container Thượng Hải tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2022, phản ánh chi phí gia tăng do có khả năng phải chuyển hướng tàu vòng qua châu Phi.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi chấm dứt hành vi quấy rối các tàu dân sự ở Biển Đỏ. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 12/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết Bắc Kinh “quan ngại sâu sắc” về tình trạng leo thang ở Biển Đỏ nhưng vẫn không cam kết thực hiện bất kỳ hành động nào.
Jennifer Welch, nhà phân tích kinh tế của Bloomberg nhận xét: “Họ (Trung Quốc) không thấy được nhiều lợi ích từ việc can dự mạnh hơn và điều này tương tự như cách tiếp cận của họ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine”.
Nhiều quốc gia Trung Đông trong những tuần gần đây đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng trong khu vực để ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng hơn. Nhưng Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn trong việc thuyết phục Houthi hoặc Iran, một nhà cung cấp dầu ngày càng quan trọng.
William Figueroa, Phó Giáo sư tại Đại học Groningen ở Hà Lan, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Trung Đông, nói: “Trung Quốc có rất ít khả năng triển khai sức mạnh ở vùng Vịnh và chắc chắn không sẵn sàng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn hơn. Một sự lên án mạnh mẽ hơn sẽ có nguy cơ làm mất lòng các đồng minh của họ ở Tehran và sẽ không đạt được nhiều điều”.
Một số người ở Bắc Kinh cũng coi các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ là có lợi cho Trung Quốc. Xiao Yunhua, Giáo sư tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc, cho biết: “Theo một cách nào đó, lực lượng Houthi đã vô tình mang lại cho Trung Quốc một cơ hội”. Ông Yunhua giải thích rằng sự gián đoạn (trên biển) sẽ thúc đẩy nhiều thương nhân sử dụng mạng lưới đường sắt hơn, củng cố BRI.
Về phần mình, Henry Huiyao Wang, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một nhóm nghiên cứu chính sách ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc muốn có một cách tiếp cận toàn diện đối với những căng thẳng ở Trung Đông, bao gồm cả các cuộc tấn công của Houthi. Ông nói: “Căn bản là cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Chúng ta cần thực sự nhìn nó như một bức tranh tổng thể thay vì chỉ riêng lẻ”.
Trung Quốc quan ngại sâu sắc về căng thẳng tại Biển Đỏ
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 14/1 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ, đồng thời kêu gọi chấm dứt hành vi quấy rối các tàu dân sự.
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (phải, phía xa) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái, phía xa) tại cuộc họp báo chung ở Cairo ngày 14/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry ở Cairo, ông Vương Nghị kêu gọi chấm dứt hành vi quấy rối các tàu thương mại ở Biển Đỏ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu không bị cản trở cũng như trật tự thương mại quốc tế.
Ông Vương Nghị lưu ý rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chưa bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào sử dụng vũ lực chống lại Yemen, đồng thời kêu gọi kiềm chế bất kỳ hành động nào "đổ thêm dầu vào lửa" ở Biển Đỏ và làm tăng rủi ro an ninh chung trong khu vực.
Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đỏ cho thấy tác động lan tỏa của cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza. Ông nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là ngăn chặn xung đột càng sớm càng tốt, không để tình hình tiếp tục leo thang hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát. Ông cho rằng các bên cần cùng nhau bảo vệ an toàn các tuyến đường biển ở Biển Đỏ theo đúng luật pháp, đồng thời nghiêm túc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia dọc Biển Đỏ, trong đó có Yemen.
Tàu thuyền di chuyển trên Biển Đỏ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức có kế hoạch tham gia sứ mệnh hải quân của Liên minh châu Âu (EU) để bảo vệ tuyến vận tải trên Biển Đỏ. Phát biểu tại buổi gặp gỡ nhân dịp Năm mới 2024, người đứng đầu Ủy ban quốc phòng Quốc hội Đức Maria-Agnes Strack-Zimmermann cho biết mục tiêu của sứ mệnh là các tàu khu trục EU sẽ bảo vệ các tàu thương mại đi qua vùng eo biển này.
Hiện vận tải đi qua kênh đào Suez - một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới - gần như bị tê liệt do các tàu thuyền đi qua đây liên tục bị lực lượng Houthi tại Yemen tấn công.
Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ thông qua kế hoạch về sứ mệnh hải quân nói trên trong tháng 1. Phát biểu với tờ Welt am Sonntag, bà Strack-Zimmermann cho biết tàu khu trục Hessen của Đức sẽ ra khơi Biển Đỏ từ ngày 1/2.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) sáng 15/1 (giờ Việt Nam) thông báo máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ tên lửa hành trình chống hạm, phóng từ các khu vực của phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen, nhắm vào tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Laboon của Hải quân Mỹ đang hoạt động ở phía Nam Biển Đỏ.
Theo CENTCOM, hiện chưa có thông tin về thương vong hay thiệt hại.
Trước đó, đài truyền hình al-Masirah do lực lượng Houthi ở Yemen điều hành đưa tin Mỹ và Anh đã tiến hành một cuộc tấn công mới vào thành phố cảng Hodeidah ở Biển Đỏ của Yemen.
HĐBA LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt ngay các vụ tấn công tàu thuyền ở Biển Đỏ Ngày 10/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết yêu cầu lực lượng Houthi ở Yemen chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ. Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về các vụ tấn công của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ, tại...