Tại sao tỉnh giàu vẫn xin gạo… cứu đói?
Khánh Hòa – một trong những tỉnh “giàu”, tăng trưởng kinh tế cao – nhưng vẫn xin với số lượng 550 tấn gạo.
Không chỉ địa phương khó khăn mà cả địa phương tăng trưởng tốt cũng xin gạo cứu đói
Trong số 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt 2014 có khá nhiều tỉnh chịu thiệt hại của thiên tai như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An. Tuy nhiên, cũng có tỉnh khá về kinh tế nhưng vẫn xin cấp gạo cứu đói như Khánh Hòa, Phú Yên.
Theo đó Khánh Hòa – một trong những tỉnh “giàu”, tăng trưởng kinh tế cao – nhưng vẫn xin với số lượng 550 tấn gạo.
Thu ngân sách khó… xin gạo Chính phủ
Theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2013 của tỉnh Khánh Hòa, GDP của tỉnh tăng 8,3% so với năm 2012, thu ngân sách đạt 11.335 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2012 và bằng 108% dự toán năm 2013. Tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 4,26%, thấp hơn tỉ lệ bình quân của cả nước (7,8%)…
Tuy nhiên, trong danh sách 15 tỉnh đề nghị cấp gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt 2014 này vẫn có tên Khánh Hòa.
Trao đổi với báo chí, một phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói rằng: “Tất cả cũng là lo cho dân thôi”.
Video đang HOT
Còn ông Nguyễn Hữu Thấu, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết:”Mấy năm trước Khánh Hòa tự cân đối ngân sách để cấp gạo cứu đói cho dân, nhưng năm nay lãnh đạo UBND tỉnh nói thu ngân sách khó quá nên chỉ đạo xin số gạo trên từ Chính phủ để cấp cho số hộ thiếu đói giáp hạt trên địa bàn cả tỉnh. Riêng hộ nghèo thì không cấp gạo đợt này, mà tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 250.000 đồng ăn tết”.
Trong số địa phương xin gạo lần này cũng có Phú Yên, một tỉnh từ lâu được mệnh danh là “vựa lúa của miền Trung”. Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên trình HĐND tỉnh tại kỳ họp vừa diễn ra tháng 12/2013, trong năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội đạt 10,67%, vượt kế hoạch năm 0,07%.
Đáng kể nhất là năng suất lúa vụ đông xuân 2013 của Phú Yên đạt cao nhất từ trước đến nay với 67,5 tạ/ha, còn năng suất lúa hè thu đạt 65 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng vụ năm trước. Tỉ lệ hộ nghèo của Phú Yên còn 13,03%, giảm 2,66% so với năm 2012…
Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2013 tại Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên cho thấy tỉnh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 10,6%, đạt kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng là như vậy nhưng Phú Yên vẫn xin Chính phủ cấp 761 tấn gạo cứu đói.
Phản ứng dữ dội vì… thoát nghèo
Liên quan đến vấn đề nghèo và cứu trợ, tại phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Mạnh Hùng nhận định các chính sách giảm nghèo khiến người dân bị động “hưởng lợi”, không muốn thoát nghèo, thậm chí phản ứng dữ dội nếu bị ra khỏi diện nghèo.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền hiện tỷ lệ hộ nghèo từ 58% dân số năm 1993, đến nay đã giảm xuống còn khoảng 7,8%.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những thách thức như kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao; gần 50% hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, số hộ nghèo ở đô thị cũng tăng lên trước những cú sốc kinh tế…
Song, bà Chuyền cũng thừa nhận việc người nghèo có biểu hiện ỷ lại vào các chương trình, chính sách là có thật. Do bắt nguồn từ chính sách hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo chủ yếu là chính sách hỗ trợ trực tiếp. Người trong diện nghèo được chu cấp đất ở, học tập, bảo hiểm y tế, cho vay vốn…, gần đây mới có chính sách đào tạo việc làm cho người nghèo.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện nay Bộ đang nghiên cứu giảm những chính sách hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, cũng như các chính sách, giải pháp với hộ cận nghèo.
Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để đề xuất với Chính phủ sau năm 2015 giảm 16 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo xuống còn từ 2 tới 4 chương trình.
“Các chương trình còn lại sẽ là nhiệm vụ thường xuyên của các bộ ngành, như vậy sẽ giảm đi các ban chỉ đạo, giảm biên chế, giảm sự cồng kềnh cho bộ máy, giảm kinh phí chi cho quản lý”, bà Chuyền lý giải.
Trước đó từ năm 2003, cơ quan Liên Hợp Quốc về hợp tác và phát triển (UNCTAD) đã ra thông báo, từ năm 2003 trở đi, Việt Nam sẽ không có tên trong danh sách các nước kém phát triển (LDC) do đã cải thiện được điều kiện phúc lợi xã hội cho người dân.
Khi đó thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 750 USD/năm, số dân là 80,2 triệu.
Tuy nhiên vào tháng 5/2011, tại Hội nghị Thường niên ADB lần thứ 44, một vị lãnh đạo Việt Nam cho rằng đất nước còn nghèo và tiếp tục cần hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB và các nước thành viên.
Theo đó, tuy đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, chặng đường phát triển phía trước còn rất nhiều khó khăn. Việt Nam sẽ huy động và sử dụng tốt nhất nội lực của mình, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả hơn nữa của cộng đồng quốc tế, của các nhà tài trợ, trong đó có ADB và các nước thành viên.
Theo Xahoi
Bà bầu không được đóng bảo hiểm y tế?
Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), trong thời gian 6 tháng người lao động nữ nghỉ thai sản thì không phải đóng BHYT, doanh nghiệp cũng không phải đóng cho họ.
Bệnh viện bị ảnh hưởng khi bội chi quỹ BHYT
Không những chỉ người lao động nữ thai sản quan tâm đến vấn đề này, mà hiện tại rất nhiều cơ quan Bảo hiểmxã hội (BHXH) các tỉnh, thành phía Nam đang đau đầu không biết thu khoản này ở đâu để mua thẻ BHYT cho các "bà đẻ" vì chưa có hướng dẫn. Năm 2012 vừa qua chỉ tính riêng tại Cụm thi đua số VII của BHXH Việt Nam (gồm 9 tỉnh miền Tây) đã có tới 6 tỉnh đã bị bội chi quỹ BHYT. Nhiều tỉnh thành cho rằng nguyên nhân một phần là do cơ quan chức năng không có hướng dẫn vấn đề đóng BHYT cho đối tượng phụ nữ nghỉ thai sản.
Trao đổi với báo chí, ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM giải thích: Khi người phụ nữ đang làm việc tại các cơ quan, DN thì hàng tháng họ phải trích từ tiền lương đóng 1,5% BHYT, người sử dụng lao động đóng cho họ 3% BHYT. Nhưng trong thời gian họ nghỉ thai sản (6 tháng) thì không ai đóng cho họ hết, thậm chí họ khỏi đóng cho họ luôn nhưng vẫn được khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn BHYT.
Luật BHYT tại Điểm a, Khoản 1, Điều 13 quy định, "trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi theo quy định của pháp luật về BHXH thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHYT nhưng vẫn được tính vào thời gian tham gia BHYT liên tục để hưởng chế độ BHYT". Như vậy có nghĩa, khi người phụ nữ nghỉ sinh thì đương nhiên họ phải có thẻ BHYT.
Thế nhưng rắc rối ở chỗ Luật BHYT không chỉ rõ là thu ở đâu, trong khi hiện cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn là số tiền đảm bảo giá trị cho thẻ BHYT mà người sản phụ sử dụng lấy từ nguồn nào. Vì thế doanh nghiệp thì không phải nộp vào, người lao động thì khỏi đóng. " Vậy làm sao tôi cân đối được quỹ BHYT, đây là điều hết sức vô lý" - ông Sang phân trần.
Ngoài ra việc thiếu văn bản hướng dẫn Luật BHYT về vấn đề này không những ảnh hưởng đến quỹ BHYT của các địa phương, nữ lao động thai sản mà còn trực tiếp tác động đến các bệnh viện. Vì nếu quỹ khám chữa bệnh BHYT của một tỉnh bị bội chi thì không có tiền để bù cho bệnh viện, phần của đối tượng thai sản vẫn điều trị nhưng không được bù, vậy người bị thiệt chính là các bệnh viện vì không có tiền chi. Năm 2012 cơ quan BHXH TP.HCM đã chi riêng cho đối tượng thai sản khoảng 56 tỉ đồng, năm nay dự đoán sẽ chi khoảng 85 tỉ (vì theo Bộ luật lao động mới thời gian nghỉ thai sản nâng lên đến 6 tháng).
Ông Cao Văn Sang cho biết sẽ kiến nghị vấn đề này đến Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi Đoàn thực hiện giám sát Luật BHYT tại TP.HCM. Và thẩm quyền ban hành Thông tư hướng dẫn thuộc trách nhiệm Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ LĐTBXH...
Ngày 28/3, Đoàn công tác thuộc Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) tại BHXH TP.HCM.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TP cho biết, tính đến cuối năm 2012, toàn TP có hơn 4,8 triệu người tham gia BHYT, đạt 63,29% (tăng 2,29% so với năm 2009). Đặc biệt là số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT ngày càng tăng, tính đến tháng 12/2012, toàn TP có gần 1,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia, đạt 86,72%. Riêng với đối tượng trẻ dưới 6 tuổi, số lượng thẻ cấp ra chỉ đạt 85%. Năm 2012, toàn TP có 47.297 doanh nghiệp với 1,7 triệu lao động, nhưng số doanh nghiệp chây ỳ không thực hiện đóng BHYT cho người lao động vẫn còn nhiều.
Theo XH
Luật hóa việc thưởng Tết: Dễ hay khó? Các chuyên gia về pháp luật, kinh tế hàng đầu Việt Nam nói gì trước đề xuất nên luật hóa việc thưởng Tết? Ngay cả các chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam cũng bác bỏ quan điểm của Tiến sĩ Lan Hương Mới đây, TS Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội...