Tại sao tiêm vaccine vẫn nhiễm nCoV?
Giới khoa học cho rằng những trường hợp dương tính dù đã tiêm vaccine Covid-19 không phải là hiếm. Điều này cũng không có nghĩa vaccine hay cách triển khai việc tiêm phòng có vấn đề.
Hôm 29/1, văn phòng hạ nghị sĩ bang Massachusetts, Mỹ, Stephen Lynch thông báo ông xét nghiệm dương tính với nCoV dù đã chủng ngừa hai liều vaccine Covid-19 của hãng Pfizer/ BioNTech.
Giới chức Isarel hôm 4/1 công bố trong số gần một triệu người dân được tiêm vaccine Pfizer, khoảng 240 người được xác định mắc Covid-19 vài ngày sau khi tiêm.
Trước đó, tháng 12/2020, Matthew W., một y tá 45 tuổi ở thành phố San Diego của Mỹ, dương tính với nCoV sau vài ngày được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech.
Một người đàn ông ở Jerusalem được tiêm vaccine ngày 30/12. Ảnh: Flash90
Video đang HOT
Các nguyên nhân thật sự khiến nhiều người vẫn mắc Covid-19 sau khi chủng ngừa vaccine là:
Vaccine không có tác dụng ngay lập tức. Cơ thể con người cần một vài tuần để tăng cường hệ miễn dịch sau khi tiêm. Những vaccine như Pfizer và Modern đều cần tiêm liều thứ hai sau 21-27 ngày tiêm lần một để đạt hiệu quả tối đa.
Vaccine không phản tác dụng. Một người có thể nhiễm nCoV từ trước khi tiêm phòng mà không hay biết, kể cả khi được xét nghiệm âm tính trong thời gian gần đó. Trước khi vaccine phát huy hoàn toàn khả năng, bệnh vẫn có thể phát triển sau khi tiêm. Vì thế, bạn vẫn có thể bị dương tính.
Vaccine chống lại Covid-19, nhưng chưa chắc ngăn lây truyền nCoV. Vaccine được cấp phép nhờ khả năng ngăn chặn nguy cơ người bệnh bị ốm nặng, phải nhập viện hoặc tử vong. Các nhà khoa học chưa xác định được hiệu quả của vaccine trong việc phòng tránh lây nhiễm nCoV. Kể cả loại vaccine tốt nhất cũng không hoàn hảo. Hiệu quả của vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna cực kỳ cao, nhưng không phải 100%. Trước tình trạng virus lây lan trong cộng đồng, những người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm nCoV.
Tiêm chủng 'thần tốc', Israel vẫn lao đao vì Covid-19
Dù đã tiêm chủng cho hơn một nửa dân số, vượt xa các quốc gia khác, Israel vẫn ghi nhận 1.400 ca tử vong vì Covid-19 trong tháng 1.
Israel hiện dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng trên thế giới, với hơn 20% dân số đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19 và 37% nhận được ít nhất một liều tiêm. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 5 triệu công dân, bao gồm hơn một nửa dân số trưởng thành, tính đến giữa tháng 3, ngay trước cuộc bầu cử tiếp theo dự kiến vào ngày 23/3.
Quốc gia Trung Đông bắt đầu chiến dịch tiêm chủng bằng việc ưu tiên những công dân cao tuổi nhất và nhóm người mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng. Chiến lược này phát huy hiệu quả, khi những thành phố có tỷ lệ tiêm chủng cao ghi nhận số ca nhiễm nCoV giảm 50%, số trường hợp nhập viện giảm 40% và số ca nghiêm trọng giảm 15%.
"Tiêm vaccine là biện pháp vô cùng hiệu nghiệm", giáo sư Eran Segal tại Viện nghiên cứu Weizmann của Israel, cho biết.
Israel đáng lẽ nên ăn mừng, nhưng trên thực tế, nước này chưa thoát khỏi "cơn ác mộng" với tình hình đại dịch hồi tháng 1 vẫn tàn khốc. 1.400 ca tử vong vì Covid-19 được báo cáo, chiếm khoảng 1/3 tổng số trường hợp tử vong kể từ đầu đại dịch. Hầu hết trong số này là những người cao tuổi không được tiêm vaccine kịp thời.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNtech cho người dân tại thành phố Hod Hasharon, Israel, hôm 4/2. Ảnh: AFP .
Tuần trước, Maccabi, một trong 4 tổ chức bảo vệ sức khỏe tại Israel, cho biết trong số 163.000 người được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19, 92% không nhiễm virus sau 10 ngày. Tuy nhiên, trong một nhóm đối chứng gồm những người Israel chưa được tiêm phòng, tỷ lệ lây nhiễm được ghi nhận cao gấp 11 lần.
Hệ thống bệnh viện tại Israel giờ đây tràn ngập những người trẻ tuổi hơn chưa kịp tiêm vaccine đang điều trị Covid-19. Giới chuyên gia đánh giá Israel không thể đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng đầy đủ cho đến khi trẻ em cũng được tiếp cận với vaccine.
Việc Israel vẫn chật vật vì Covid-19 không phải do chiến dịch tiêm chủng không thành công, mà bởi đông đảo người dân nước này từ chối tuân thủ các biện pháp hạn chế nhằm ngăn virus lây lan, vẫn tổ chức các sự kiện tập trung đông người như đám cưới và đám ma.
Theo lý thuyết, Israel ba tuần qua bị đặt dưới lệnh phong tỏa và dự kiến kết thúc vào cuối tuần này, nhưng ý thức chấp hành của người dân bị đánh giá là kém. Ngay cả những người đề xuất phong tỏa cũng thừa nhận động thái này không giúp ích gì nhiều trong việc kiềm chế nCoV. Tín hiệu tích cực về tỷ lệ lây nhiễm được cho là nhờ tác động của chiến dịch tiêm chủng.
Nguyên nhân chủ yếu được cho là xuất phát từ việc phần lớn cộng đồng Do Thái giáo chính thống không chấp nhận các biện pháp phòng dịch, trừ khi chúng nhận được sự đồng ý từ những giáo sĩ cấp cao. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây cũng bớt hối thúc Chaim Kanievsky, giáo sĩ 93 tuổi có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến mạng lưới trường học Do Thái giáo chính thống, hợp tác tuân thủ lệnh đóng cửa trường học toàn quốc.
Sáng 31/1, bất chấp quy định cấm tụ tập đông người nghiêm ngặt, khoảng 10.000 người theo đạo Do Thái chính thống ở Israel vẫn đến dự đám tang giáo sĩ Meshulam Soloveitchik, người mà truyền thông đưa tin đã nhiễm nCoV, đưa quan tài qua các đường phố ở Jerusalem. Phát ngôn viên cảnh sát cho biết lực lượng này đã bất lực.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của đại dịch một phần do những biến chủng nCoV mới tại Anh và Nam Phi. Nhằm đối phó với tình hình này, Israel đã đóng cửa sân bay quốc tế Ben Gurion, chỉ cho phép những hành khách và hàng hóa cấp thiết qua cổng. Tuyến đường bộ nối với Ai Cập và Jordan cũng bị chặn.
Bất chấp nỗi tuyệt vọng của những người Israel mắc kẹt ở nước ngoài, Thủ tướng Netanyahu vẫn quyết tâm đối phó với mối đe dọa từ bên ngoài. Tại hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thụy Sĩ tuần trước, ông cho biết sự xuất hiện của một biến chủng làm vô hiệu hóa các vaccine Covid-19 hiện nay "chỉ là vấn đề thời gian".
Do đó, Israel có lẽ cuối cùng vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức không thể giải quyết chỉ bằng các mũi tiêm.
Israel dẫn đầu cuộc đua tiêm vaccine Covid-19 toàn cầu Gần 60% người Israel đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, vượt xa bất kỳ quốc gia nào xếp phía sau, trong khi Mỹ xếp thứ năm. Dữ liệu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại các quốc gia tính đến 3/2 được trang Our World in Data tổng hợp từ các nguồn chính phủ cho thấy Israel tiếp tục dẫn...