Tại sao phải nhẫn?
Bạn đang phóng xe trên đường, đến một ngã tư. Một chiếc xe khác cũng phóng nhanh về phía bạn, sát sạt bạn, theo chiều vuông góc với bạn.
Chắc chắn sẽ có một người phải dừng lại để người còn lại phóng vọt qua mình. Bạn có chắc chắn, người dừng lại đó sẽ là bạn?
Trong cái khoảnh khắc ngắn bằng vài chục giây ấy, rốt cuộc điều gì đã xảy ra trong tâm trí bạn? Phải cố gắng rướn lên, phải cố gắng vượt qua nó, phải cố gắng nhanh nhất có thể – liệu có phải là những suy nghĩ như vậy hay không? Trong một cuộc thảo luận chuyên đề mới đây, tôi đã đặt ra câu hỏi này.
Và sau khi bình tĩnh nhớ lại những gì đã xảy từng ra với mình, có đến 24/30 người đã trả lời: Đúng là như vậy! Có nghĩa, trong cuộc thảo luận của tôi có 25 người vội vàng (tính cả chính tôi nữa), 25 người không chịu nhường nhịn, 25 người ít kiên nhẫn, dù cho sự nhường nhịn (nếu có) cũng chỉ lấy của mình vài chục giây, chẳng bõ bèn gì.
Sở dĩ tôi đặt ra chủ đề này là vì sau một số lần điều khiển giao thông trên đường, rướn ga một cách vô thức/ vọt lên một cách vô thức/ không chịu nhường nhịn một cách vô thức/ tôi đã tự nhìn lại bản thân mình và tự hỏi: có phải lúc ấy mình bận rộn quá không?
Và tôi bất ngờ với câu trả lời của chính mình: Không! Kể cả khi đang đi dạo, chứ không phải đến một buổi họp thì tôi cũng hành xử y như thế. Và tôi nghi vấn, với chỉ riêng trường hợp của mình thôi: Có lẽ, sự vội vàng, thiếu kiên nhẫn đã trở thành một bản năng, ăn sâu vào con người mình?
Thế rồi tôi đặt nghi vấn này cho 24 người còn lại. Người thì đồng ý ngay. Người thì phản đối. Người thì ậm ờ khó nói. Thôi thì mỗi người một căn nguyên nhưng dẫu là căn nguyên nào thì nó cũng phản ánh cái tâm thế thiếu kiên nhẫn của con người hiện đại, trong một chuỗi những vận động của xã hội hiện đại hôm nay.
Tất cả chúng ta đều hiểu: xã hội vận động ngày một nhanh hơn, đã đành rồi nhưng nhanh đến mức chóng mặt, nhanh đến mức phát sốc – đấy là điều mà khi bình tĩnh nhìn lại chính chúng ta cũng phải bàng hoàng. Mới hôm qua vẫn còn nói đến 3.0 – thời đại số hóa, thế mà bây giờ đã nói đến 4.0 – thời đại của trí tuệ nhân tạo và ai cũng chắc chắn rằng gia tốc của 4.0 cao hơn hẳn gia tốc của 3.0, cho dù không chắc đã hiểu rõ bản chất của 4.0 là gì.
Khoảng 20 năm trước, ở thành phố mà tôi sống, nói đến chuyện ăn, về cơ bản tôi thấy người ta ăn thư thả, nói đến chuyện uống, tôi thấy người ta uống từ tốn. Nhưng bây giờ đi trên một con phố chẳng có gì bất ngờ nếu thấy những quán ăn nhanh, những quán uống nhanh và đây nữa, có luôn cả “take away” – tức là những thứ để người ta vừa mang đi, vừa ăn/uống. Nhanh đến mức ấy, liệu chúng ta có đối xử quá tàn bạo với cái dạ dày của mình không?
Vì cái “tập quán nhanh” ăn sâu vào máu chúng ta, lan tỏa đến các hành xử của chúng ta, từ chuyện ăn, chuyện uống đến chuyện đi lại, cho nên có vẻ càng ngày chúng ta càng thiếu kiên nhẫn hơn thì phải. Thiếu kiên nhẫn trong chuyện chấp nhận dừng xe lại vài chục giây, để người khác phóng vọt qua mình mới chỉ là một nhẽ, cho dù là cái nhẽ không dễ sửa chữa và đáng báo động nhưng cái nhẽ đáng sợ hơn nằm ở sự thiếu kiên nhẫn trong tư duy, trong nhìn nhận, trong đánh giá và phán xét các vấn đề.
Bạn thử nghĩ lại xem: cũng là người bạn học đại học với mình ngày xưa nhưng giờ người ta có nhà biệt thự phố to, có tài xế riêng, ô tô đưa đón mỗi ngày, có con học trường quốc tế, trong khi bạn vẫn ở cái nhà tập thể quèn, vẫn chạy cái xe máy cũ, và chỉ đủ tiền cho con học trường công lập – hãy trả lời thành thực xem, trước sự tương phản ấy, bạn có thấy mất kiên nhẫn với chính mình hơn không? Ai đó đột nhiên xuất hiện và “mách” vào tai bạn: “Đừng nhìn vào sự giàu có của nó mà hoảng. Nó toàn tham ô tham nhũng đấy. Rồi có ngày tù rũ xương”.
Bạn lập tức hiểu: À, ra thế! Nhưng sau cái “à ra thế” sẽ thế nào? Sẽ bình tĩnh tiếp tục đi trên con đường chân chính nhưng nghèo khó của mình, hay vẫn lấn cấn, vẫn so bì và thế là khi cơ hội đến, với tất cả những “lấn cân, so bì” vốn ấp ủ bấy lâu, bạn sẽ không ngại đi theo đúng con đường của cậu bạn mình?
Hãy thử nhìn vào chính những đồng nghiệp của bạn, chắc chắn bạn đã thấy những người hôm nay tốt nhưng ngày mai không tốt vì đứng vào hàng ngũ của sự không tốt họ có thể giàu có nhanh hơn, tầm ảnh hưởng lớn hơn. Tức là, họ đã đánh mất đi sự kiên nhẫn trong cái hành trình chính đạo mà trước đó họ quyết tâm theo đuổi.
Kiên nhẫn với một con đường, kiên nhẫn với cái tử tế, kiên nhẫn với những giá trị nhân văn và tốt đẹp – điều ấy vốn dĩ không bao giờ đơn giản. Ngay cả ông thầy Đường Tăng trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng đã có những thoáng mất kiên nhẫn khi lạc vào và bị bủa vây bởi một vương quốc toàn phụ nữ kia mà. Nhưng Đường Tăng đã vượt thoát khỏi cái thoáng mất kiên nhẫn ấy bằng phẩm đạo của một vị chân tu.
Ở Việt Nam cũng từng có câu chuyện tương tự khi vua Trần Anh Tông cử cung nữ Điểm Bích lên núi Yên Tử để thử lòng thiền sư Huyền Quang – vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, sau Trần Nhân Tông và Pháp Loa. Sách Tam tổ thực lục kể rằng, sau khi từ Yên Tử hồi cung, Điểm Bích đã tâu nguyên văn những lời sau với vua Trần: “Tôi vâng chiếu chỉ đi thử thiền sư Huyền Quang. Đến chùa Vân Yên, vào ở nhờ một bà vãi già, tự xưng là con gái nhà dân, xin được theo học đạo tôn sư. Bà vãi già thường sai tôi dâng nước chè lên cho sư. Trải qua hơn một tháng sư không hề liếc nhìn, hỏi han gì tôi cả. Một hôm nửa đêm sư lên nhà tụng kinh, đến canh ba, sư và đám tăng ni ai nấy đều về phòng mình mà ngủ. Tôi bèn đến bên cạnh phòng của thiền sư xem động tĩnh thế nào thì thấy sư ngâm lời kệ rằng:
“Vằng vặc giăng mai ánh nước
Video đang HOT
Hiu hiu gió trúc khua sênh
Người vừa tươi tốt cảnh vừa lạ
Mầu Thích Ca nào chẳng hữu tình”.
Sư ngâm đi ngâm lại mãi, tôi bèn vào phòng tăng, từ biệt sư để về thăm cha mẹ, để sang năm sẽ quay lại học đạo. Sư bèn giữ tôi lại ngủ một đêm, rồi cho tôi một dật vàng”.
Nhà vua nghe đến đây thì giận lắm và cho rằng Huyền Quang đã lộ ra chân tướng của mình. Cũng phải nói thêm rằng trước khi nhận y bát của Trúc Lâm Yên Tử, Huyền Quang từng đỗ trạng nguyên và từng từ hôn cả công chúa nhà Trần. Thành thử, khi biết ở chốn rừng sâu Yên Tử, Huyền Quang lại động lòng trước một cô cung nữ do mình âm thầm cử đến làm “gián điệp” thì nhà vua không thể chấp nhận được.
Nếu câu chuyện dừng ở đây, chúng ta có thể kết luận: vậy là còn đi xa hơn cả Đường Tăng, thiền sư Huyền Quang đã mất đạo, mất mình, mất kiên nhẫn đến mức khó mà dung tha được. Nhưng thực tế câu chuyện không kết thúc như vậy. Sau này vua Trần phát hiện ra Điểm Bích tấu bậy, đổ oan cho Huyền Quang, đã quyết định giải oan cho quốc sư của mình và tiếp tục giao cho quốc sư làm chủ các buổi tế lễ quốc gia.
Câu chuyện này gợi ra một cách nghĩ cho thời hiện đại hôm nay: không nhất thiết phải là tu sĩ như Đường Tăng hay Huyền Quang nhưng nếu có đạo và hiểu đạo một cách thực sự (bất luận là đạo gì) thì con người ta cũng dễ giữ tâm hồn và hành động của mình một cách tĩnh lặng hơn. Qua đó, dễ kiên tâm, nhẫn nại hơn.
Việc rất nhiều người hiện đại hôm nay có xu thế tìm đến với thiền học và các thiền viện phải chăng là vì thế? Thiền có thể giúp chúng ta tĩnh tại, kiên nhẫn hơn. Nói rộng ra, tôn giáo có thể giúp chúng ta kiên nhẫn hơn. Nhưng nếu không có đôi cánh ấy thì sao? Thì việc của mỗi người là nhất định phải đi tìm một đôi cách khác, một phương thức khác, phù hợp nhất với mình.
Nếu chúng ta vẫn nói rằng cuộc sống ngày một nhanh hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn thì cũng đừng quên một nhận định rất đáng chú ý của một triết gia: “Văn minh là gì bạn biết không? Văn minh là nhốt thiên nhiên vào trong một cái lồng”.
Khi chúng ta ý thức rằng mọi sự nhanh – chậm, thắng – thua của cái thời đại được gọi tên bằng những con số cùng với một dấu chấm (2.0, 3.0, 4.0) suy cho cùng cũng chỉ gói gọn trong một cái lồng thì chính ý thức đứng ngoài cái lồng, đứng về phía tự nhiên sẽ giúp chúng ta kiên nhẫn với những thứ giá trị tử tế mà chúng ta đã và đang theo đuổi.
Tại sao phải kiên nhẫn? Tại vì nếu không kiên nhẫn và bình tĩnh thì mỗi chúng ta sẽ bị nhốt vào một cái lồng và tất cả những cái lồng đó lại bị nhốt chung vào một cái lồng vĩ đại.
Phan Mỹ Chí
Theo antgct.cand.com.vn
Bức thư của mẹ chồng quý tộc Ý khiến con dâu Việt bật khóc
'Con sẽ đón sinh nhật lần thứ 30 với gia đình nhỏ hạnh phúc của con, với một người chồng thương yêu con và một bé gái xinh đẹp, thông minh, liệu có gì tuyệt vời hơn thế?'.
Từng nghĩ rằng bố mẹ hà khắc với mình khi yêu cầu khắt khe về lễ giáo, nhưng sau này chị Đặng Tố Nga cảm thấy may mắn khi chính những phép tắc đó đã giúp chị thể hiện sự tôn trọng của mình trong những nền văn hóa khác. Nền tảng đó cũng giúp chị hòa hợp và thích nghi nhanh chóng khi về làm dâu một gia đình có dòng dõi quý tộc ở Ý.
Nguyên là giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, chị Đặng Tố Nga hiện sinh sống cùng chồng (cũng là một kiến trúc sư) và cô con gái 15 tuổi ở Ý. Chị Nga cũng là một người phụ nữ được nhiều người biết đến với tài nữ công gia chánh và cách ứng xử khéo léo khi làm dâu trong một gia đình quý tộc ở Ý.
Chị chia sẻ rằng, dù khắt khe về phép tắc nhưng mẹ chồng chị lại sẵn lòng giúp đỡ con dâu việc nhà, cư xử rất văn minh và tôn trọng con dâu trong việc chăm sóc con cái.
Chị Đặng Tố Nga đã có những chia sẻ với VietNamNet về chuyện làm dâu, chuyện ứng xử trong một gia đình quý tộc ở Ý.
Chị Đặng Tố Nga cùng chồng và con gái.
Học từ cách bóc quýt, mở phong bì
- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo ở Việt Nam, chị được dạy dỗ rất kỹ lưỡng những quy tắc ứng xử, phép tắc. Đó có phải là nền tảng giúp chị thích nghi tốt khi làm dâu một gia đình có dòng dõi quý tộc ở tận nước Ý xa xôi?
Đúng vậy, nề nếp gia đình là nền tảng giúp tôi thích nghi với môi trường mới, phép tắc mới một cách dễ dàng.
Ngày nhỏ, nhiều khi tôi hậm hực vì không thể hiểu sao bố mẹ 'hà khắc' với mình đến thế. Tôi đã từng phải ngồi viết 100 lần câu 'khi chan canh phải đặt đũa xuống', tay mỏi rã rời, nước mắt ròng ròng nhìn các bạn chạy chơi ngoài sân.
Không chỉ những nguyên tắc cơ bản trên mâm cơm Việt, bố mẹ tôi còn dạy tôi cả quy tắc trên bàn ăn Âu, vì bố mẹ tôi đều đi học ở nước ngoài về. Ngoài ra còn cả trăm nghìn điều khác nữa: học ăn, học nói, học gói, học mở...
Ví dụ khi bóc quả quýt thì không được xé vỏ ra mỗi nơi một mảnh mà phải bóc sao cho toàn bộ vỏ dính liền với nhau thành 1 mảnh. Khi ăn thì bỏ hạt vào trong chiếc vỏ đó rồi cuộn lại. Mở một gói quà hay một chiếc phong bì thì không được xé toạc ra. Mâm cơm lúc nào cũng phải gọn gàng cho tới cuối bữa...
Tôi rất sợ khi phải ngồi ăn cùng những người không biết đến quy tắc lịch sự như nhai thành tiếng, lấy đũa lật trở, khua khoắng lung tung... Chính vì thế tôi luôn cố gắng học và hỏi (không biết thì phải hỏi) những phép tắc lịch sự ở những môi trường mới để không ai phải khó chịu vì mình. Tôi đã được rèn trăm nghìn phép tắc rồi, thêm vài điều nữa đâu có sao, thậm chí tôi còn thấy vui khi biết thêm những điều mới.
- Đọc những chia sẻ của chị trên trang Facebook cá nhân, có thể cảm nhận được rằng chị hoà hợp rất nhanh với văn hoá của gia đình chồng. Trong suốt những năm làm dâu và làm vợ ở xứ người, chị đã gặp những tình huống nào bị 'lệch tông' hay cảm thấy mâu thuẫn, không thể thích nghi được với mọi người chưa?
Về bản chất, gia đình người Ý rất giống gia đình Việt nên tôi không gặp vấn đề gì: họ tôn trọng truyền thống gia đình, kính trên nhường dưới, lễ phép với ông bà cha mẹ. Nhưng họ lại không phong kiến ở khía cạnh trọng nam khinh nữ như ta. Vì thế không những tôi không gặp khó khăn mà tôi còn cảm thấy rất hạnh phúc trong gia đình chồng.
'Mẹ chồng sẵn sàng giặt quần áo cho tôi'
- Chị thấy làm dâu một gia đình quý tộc ở Ý có khác gì nhiều so với làm dâu ở các gia đình bình thường ở Ý và so với làm dâu ở Việt Nam không?
Ngoài các phép tắc khắt khe trong ứng xử: lời ăn tiếng nói, phong cách trên bàn ăn thì mọi thứ cũng như các gia đình khác thôi, tôi nghĩ vậy.
Bố mẹ chồng tôi là những người có kiến thức rộng nên khi nói chuyện với họ tôi được mở mang đầu óc rất nhiều.
- Hiện tại, chị có sống cùng bố mẹ chồng không? Trong gia đình chị có những quy tắc đặc biệt nào không?
Tôi không sống cùng gia đình chồng nhưng cuối tuần nào gia đình tôi cũng về thăm ông bà. Bữa ăn trưa ngày Chủ nhật rất quan trọng đối với gia đình chồng tôi. Đó là khi cả gia đình quây quần quanh mâm cơm. Tôi cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của hai chữ 'gia đình'.
Mẹ chồng chị Nga dạy cháu nội thêu năm cô bé 5 tuổi.
- Chuyện mẹ chồng nàng dâu ở Việt Nam là một chủ đề không có hồi kết trong nhiều thế hệ. Ở Ý, mối quan hệ này có phức tạp và căng thẳng không?
Có lẽ tôi gặp may mắn khi được mẹ chồng tôi yêu quý như con gái. Bà không phải là một người dễ tính vì với các cô người yêu trước của chồng tôi, bà rất khắt khe, thậm chí cố tình gây khó khăn cho họ. Nhưng với tôi, bà hoàn toàn là một con người khác. Bà coi tôi như một người bạn, có chuyện gì cũng tâm sự với tôi, đưa tôi đi đến nhà những người bạn của bà để giới thiệu con dâu với họ.
Bà coi tôi như con gái khi dạy tôi làm đồ gốm, thêu thùa may vá, bà luôn giặt và là quần áo cho tôi từ bít tất cho đến drap trải giường.
Tôi nhớ lần sinh nhật thứ 30 của tôi, bà cứ lo tôi bị 'shock' khi bước vào tuổi 'băm', nên bà viết cho tôi một bức thư rất dài, giải thích cho tôi rằng tuổi 30 mới là lứa tuổi đẹp nhất của người phụ nữ.
'Con sẽ đón sinh nhật lần thứ 30 với gia đình nhỏ hạnh phúc của con, với một người chồng thương yêu con và một bé gái xinh đẹp, thông minh, liệu có gì tuyệt vời hơn thế?'. Đọc lá thư đó tôi đã khóc vì xúc động.
- Đã khi nào chị làm trái ý bố mẹ chồng? Và 2 bên đã giải quyết vấn đề như thế nào?
Tôi chưa bao giờ làm gì trái ý bố mẹ chồng, vì thực ra ông bà rất dễ tính. Ngoài yêu cầu phải có tác phong lịch sự và lễ phép ra, ông bà không bao giờ yêu cầu hay đòi hỏi ở tôi bất kỳ điều gì. Ông bà luôn tôn trọng tôi. Ngay cả việc bế cháu lúc tôi mới sinh, ông bà cũng đợi sự cho phép của tôi mới làm.
- Chị cho rằng cần những yếu tố cốt lõi gì để có được sự hoà hợp trong mối quan hệ này?
Tôi nghĩ rằng yếu tố cốt lõi là chúng tôi có rất nhiều điểm chung: về lễ nghĩa trong gia đình, tôi đã được bố mẹ giáo dục tương đương như thế, ngoài ra tôi rất sẵn lòng và nỗ lực học hỏi các phép tắc mới.
Chúng tôi có cùng sở thích về đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn, may vá thêu thùa... Chính vì thế tôi có thể ngồi hàng giờ nói chuyện với bố chồng về âm nhạc cổ điển, hay văn học kinh điển. Hoặc cùng đi dạo trong vườn, hái hoa hay thêu thùa may vá với mẹ chồng tôi.
Chị Đặng Tố Nga nguyên là giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, hiện sống cùng chồng và con gái ở Ý.
Khắt khe phép tắc nhưng tôn trọng tự do cá nhân
- Văn hoá phương Tây được đánh giá là cởi mở, tôn trọng tự do cá nhân hơn văn hoá phương Đông. Nhưng sống trong một gia đình có nguồn gốc quý tộc ở phương Tây, chị có thấy những điều đó phải tiết chế đi ít nhiều không?
Đúng là gia đình chồng tôi chỉ có nguồn gốc quý tộc thôi. Họ giữ tâm hồn và tác phong quý tộc nhưng cởi mở đón nhận nhiều văn hoá hiện đại rồi.
Họ rất tôn trọng tự do cá nhân của con cái. Chỉ có một số quy tắc về lễ phép thì con cái buộc phải tuân thủ như: kính trọng cha mẹ, không được nói hỗn kiểu bằng vai phải lứa với cha mẹ (điều thường thấy trong các gia đình châu Âu hiện đại khác). Trong bữa ăn không được vào bàn muộn, không được đứng lên sớm. Các món ăn luôn được mời người lớn trước rồi mới chuyển cho con cháu...
- Cách nuôi dạy con của chị có gì đặc trưng của phương Tây nhất, và có gì đặc trưng của phương Đông nhất?
Trước hết, tôi dạy con tôi làm người Việt, tức là cháu phải nói tiếng Việt tốt, biết lễ phép với người trên, làm cho cháu yêu quê hương Việt Nam và tự hào về nguồn gốc Việt của mình.
Nhưng tôi không áp đặt giáo điều với con mà tôn trọng con, để con được nói lên ý kiến của mình. Tuy nhiên, tôi cũng dạy con biết chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
- Cảm ơn chị về những chia sẻ.
Nguyễn Thảo(thực hiện)
Theo vietnamnet.vn
Tôi nhận ra mình không phải là...thứ nhất Tôi - một thằng bé nghịch ngợm, một con người ương bướng, đã có lúc tôi như vậy. Nhưng với khoảng thời gian tu tập Phật pháp, tôi đã nhận ra được nhiều bài học quý báu. Từ câu thần chú "Om mani Padme hum" Nhiều khi tôi tự cảm nhận từ chính bản thân, sự việc mà tôi đã làm và hệ...