Tại sao ông Trump không phản đối gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine?
Ông Trump có thể được hưởng lợi khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN
Thượng viện Mỹ ngày 24/4 (giờ Việt Nam) đã thông qua gói viện trợ bổ sung cho Ukraine trị giá hơn 60 tỷ USD. Theo tờ Wall Street Journal, trong nhiều tháng, vấn đề viện trợ cho Ukraine rơi vào bế tắc tại Quốc hội Mỹ phần lớn là do cựu Tổng thống Donald Trump phản đối. Khoảng một nửa số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ từng cho biết họ sẽ phản đối hỗ trợ Kiev nhiều hơn và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson không thể phá vỡ bế tắc này.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa, đã chỉ trích khi Mỹ cung cấp cho nước ngoài hàng tỷ USD trong khi các vấn đề an ninh tiếp tục gia tăng ở trong nước. Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy, khi ông ngày càng lên tiếng phản đối Mỹ hỗ trợ Ukraine, thì sự ủng hộ của cử tri đảng Cộng hòa cũng ngày càng giảm sút.
Vấn đề trên, kết hợp với một số hoạt động tiếp cận chiến lược của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, cùng một thay đổi nhỏ nhưng có ý nghĩa chính trị đối với gói viện trợ, đã giúp thuyết phục ông Trump thay đổi quan điểm về viện trợ cho Ukraine. Điều đó đã dọn đường cho Chủ tịch Hạ viện Johnson đưa dự luật ra thông qua vào cuối tuần trước mà không gây ra sự phản ứng của ông Trump.
Gói viện trợ mới hơn 60 tỷ USD liên quan đến Ukraine phần lớn là dành cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ hoặc Lầu Năm Góc để bổ sung vũ khí và trang thiết bị đã được cung cấp cho Ukraine.
Video đang HOT
Sự thay đổi quan trọng trong gói viện trợ là dành 9,5 tỷ USD cho hỗ trợ kinh tế dưới hình thức các khoản vay, chứ không phải trợ cấp, để phù hợp với ý tưởng mà ông Trump đã đưa ra nhiều tháng trước đó.
Ngoài ra, một nhóm thượng nghị sĩ gồm Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Kevin Cramer và Markwayne Mullin đã thảo luận với nhau để lên chiến lược, sau đó họ thảo luận với ông Trump.
“Chúng ta không bao giờ nên chuyển tiền mà không có hy vọng được hoàn vốn hoặc không có ‘ràng buộc’ kèm theo”, ông Trump đưa ra tuyên bố vào tháng 2 năm nay.
Ông Trump thường có quan điểm phức tạp về Ukraine, nhiều lần chỉ trích Ukraine. Nhưng những người gần gũi với cựu Tổng thống Trump cho biết ông đã bắt đầu lắng nghe nhiều quan chức khác nhau, những người đã cảnh báo ông về những hậu quả tiềm tàng nếu Nga chiến thắng. Ngoài ra, họ cũng nói về cơ hội mà Mỹ có để làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine nếu ông Trump thắng cử.
Trong khi đó, tờ New York Times bình luận rằng cựu Tổng thống Mỹ đã có quan điểm mềm mỏng hơn về vấn đề hỗ trợ Ukraine, một phần là để ủng hộ Chủ tịch Hạ viện Johnson, đồng thời cũng hạn chế gây áp lực lên đảng Cộng hòa về vấn đề này.
Về phần mình, hãng thông tấn RIA Novosti của Nga ngày 24/4 nhận định, ông Trump có thể được “hưởng lợi” khi để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trên:
Thứ nhất, điều đó giúp ông loại bỏ bất đồng với các đảng viên Cộng hòa ủng hộ giúp đỡ Kiev, và quan trọng hơn là với các nhà tài trợ cho chiến dịch bầu cử của đảng này với tư cách là ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, nơi sẽ nhận được ít nhất 3/4 số tiền được phân bổ để mua vũ khí cho Ukraine.
Thứ hai, gói viện trợ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của ông Trump liên quan đến việc phân bổ kinh phí để bảo vệ biên giới với Mexico, cùng với các điều khoản về việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga cũng như chỉ phân bổ tài trợ cho Kiev dưới dạng một khoản vay.
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ Ukraine và tịch thu tài sản Nga bị phong tỏa
Trong một phiên họp hiếm thấy ngày 20/4, Hạ viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua gói viện trợ cho Ukraine và dự luật tịch thu tài sản bị phong tỏa của Liên bang Nga để chuyển cho một quỹ đặc biệt dành cho Kiev.
Ngày 20/4/2024, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine nhận được 311 phiếu thuận và 112 phiếu chống. Ảnh chụp màn hình clip do hãng tin Reuters phát
Ngày 20/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ khổng lồ trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD cho Ukraine, 26 tỷ USD cho Israel và 8 tỷ USD cho các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong đó, dự luật viện trợ cho Ukraine nhận được 311 phiếu thuận và 112 phiếu chống; dự luật viện trợ cho Israel nhận được 366 phiếu thuận và 58 phiếu chống; dự luật viện trợ cho các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhận được 395 phiếu thuận và 34 phiếu chống.
Đối với gói viện trợ Ukraine, số tiền này sẽ cung cấp gần 14 tỷ USD để đào tạo, trang bị và tài trợ cho các nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có cả ngành năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Sau khi Hạ viện thông qua, các dự luật trên cần được Thượng viện Mỹ phê duyệt trước khi gửi tới cho Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Trước đó vào ngày 17/4, Tổng thống Biden cho biết nếu các dự luật được thông qua, ông sẽ ngay lập tức ký thành luật để gửi thông điệp tới thế giới rằng: Mỹ luôn sát cánh bên các nước bạn bè.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, với 360 phiếu ủng hộ và 58 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một cách áp đảo dự luật quy định việc tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa trong các ngân hàng của Mỹ và chuyển chúng vào một quỹ đặc biệt dành cho Ukraine.
Theo thống kê, hiện có khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga bị phương Tây phong toả, hầu hết bị phong tỏa tại Đức, Pháp và Bỉ, chỉ có hơn 6 tỷ USD là nằm ở các ngân hàng của Mỹ.
Về phía Nga, Moskva nhiều lần lên án việc hỗ trợ quân sự cho Kiev và cho rằng điều này chỉ kéo dài xung đột. Nga cũng cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào liên quan đến tài sản của Nga ở nước ngoài.
Mỹ lo Nga nhận thấy dấu hiệu phương Tây mệt mỏi về xung đột ở Ukraine Nga bắt đầu nhận ra những dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh phương Tây đang mệt mỏi, hoặc gặp khó khăn hơn trong việc tìm cách hỗ trợ Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN Tờ Pravda ngày 17/4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washington và các nước G7 "hoàn toàn...