Tại sao Nữ hoàng Anh im lặng trước sự kiện Brexit
Việc Nữ hoàng Anh không lên tiếng ủng hộ phe nào trong sự kiện Brexit được cho là nhằm giữ gìn vị thế và truyền thống không can thiệp chính trị của Hoàng gia.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: Reuters
Việc Nữ hoàng Elizabeth II không đưa ra bất cứ quan điểm nào về Brexit, sự kiện được đánh giá có quan hệ chặt chẽ với tính đoàn kết và thống nhất của Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland mà bà đang trị vì là một động thái đáng ngạc nhiên đối với một số nhà quan sát thế giới, theo Slate.fr.
Theo bình luận viên Dominique Dhombres, đến trước thời điểm cử tri Anh bỏ phiếu, nhiều nhà phân tích thế giới hy vọng Nữ hoàng sẽ lên tiếng ủng hộ việc Anh sẽ lại ở EU nhằm bảo vệ quyền trị vì thống nhất của hoàng gia trước nguy cơ ly khai từ Scotland và Bắc Ireland. Với vị thế của mình, nếu bà công khai ủng hộ phe nào, phe đấy có thể giành thắng lợi.
Tuy nhiên, bà đã không hành động như vậy. Hành động của bà nhằm bảo vệ một điều thiêng liêng hơn, góp phần giúp Hoàng gia Anh tồn tại và chiếm được tình cảm của người dân trong nhiều năm qua: thái độ trung lập về chính trị.
Trên lý thuyết Nữ hoàng Elizabeth II có quyền lực rất lớn, bà đứng đầu các triều đình riêng rẽ và có vai trò ngang nhau trong khối, cũng như đóng vai trò là người đứng đầu khối Thịnh vượng chung, lãnh đạo tối cao giáo hội Anh, công tước xứ Normandy, lãnh chúa xứ Mann, và thủ lĩnh tối cao xứ Fiji. Tuy nhiên, trên thực tế, trong suốt 63 năm trị vì bà hiếm khi can dự vào các vấn đề chính trị.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, nếu lên tiếng công khai bày tỏ quan điểm, Nữ hoàng sẽ vô tình gây nên tình trạng chia rẽ trong người dân, một điều tối kỵ đối với các nền quân chủ phát triển ở phương Tây.
Nỗi thất vọng của nhiều người Anh về kết quả bỏ phiếu Brexit. Ảnh: AFP
Dominique Dhombres cho rằng, rút kinh nghiệm từ bài học Thái Lan, một quốc gia thường xuyên rơi vào tình trạng xung đột phe phái và khủng hoảng trầm trọng, do những động thái can thiệp từ hoàng gia vào chính trường, các nền quân chủ phát triển ở phương Tây như Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ và đặc biệt là Nhật đều lựa chọn giải pháp trung lập. Mặc dù có cha là Thiên hoàng Chiêu Hòa, người từng được người dân Nhật ngưỡng mộ như “thần thánh”, nhưng Nhật hoàng Akihito rất ít khi xuất hiện trước công chúng và dường như không bao giờ can thiệp vào các vấn đề nội bộ.
“Nữ hoàng là người đứng trên các đảng phái chính trị. Một tổng thống có thể chia rẽ người dân. Nhưng một người đáng kính như Nữ hoàng thì không”, giáo sư Rodney Barker, thuộc đại học kinh tế London nhận định.
Ngoài ra, nhà phân tích chính trị Aude Lorriaux của Slate đánh giá rằng thái độ im lặng của Nữ hoàng cũng nhằm gìn giữ vị thế cao quý của hoàng gia trong mắt người dân Anh hiện nay.
Tuy không can thiệp vào các hoạt động chính trị của quốc gia, nhưng thái độ im lặng của Nữ hoàng đã cho thấy bà là một “chính trị gia” chuyên nghiệp, thận trọng và đầy khôn ngoan. Nếu tham gia vào bất cứ bên nào trong cuộc tranh cãi gay cấn như Brexit, hình ảnh hoàng gia Anh sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Theo quy định của hiến pháp Anh, nếu hình ảnh hay lối sống của các thành viên hoàng gia không xứng đáng với các ưu đãi, thì họ sẽ buộc phải thoái vị. Chính vì thế, trên cương vị là người đứng đầu hoàng gia Anh, dù có lập trường ủng hộ Brexit hay không, Nữ hoàng buộc phải thận trọng để gìn giữ sự ủng hộ của người dân từ bên đối lập.
Trong chuyến thăm hai ngày mới đây tại Bắc Ireland, Nữ hoàng Elizabeth II đã có những buổi làm việc đầu tiên kể từ khi Anh công bố kết quả trưng cầu dân ý. Tại cuộc gặp được phát sóng trên truyền hình, khi các lãnh đạo Bắc Ireland đón tiếp Nữ hoàng, phó thủ hiến McGuinness vừa chìa tay ra bắt vừa hỏi thăm “Xin chào Nữ hoàng, bà có khỏe không”. Bà trả lời: “Dù thế nào thì tôi vẫn sống mà. Chúng ta đang rất bận rộn. Có quá nhiều việc đã diễn ra”.
“Câu trả lời của Nữ hoàng cho thấy hoàng gia Anh, cho dù thế nào, luôn đứng ngoài các cuộc tranh cãi chính trị. Và đó là nguyên tắc để nền quân chủ Anh tồn tại và giành được sự ủng hộ của người dân”, Lorriaux nhận định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Bộ trưởng Tư pháp, Nội vụ tranh cử chức thủ tướng Anh
Bộ trưởng Michael Gove và Theresa May nằm trong số các chính trị gia tranh cử chức thủ tướng Anh thay ông David Cameron.
Thủ tướng Anh David Cameron, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove. Ảnh: Telegraph
"Trong vài ngày nữa, tôi sẽ đề ra kế hoạch cho Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và tôi hy vọng nó có thể đem đến sự đoàn kết và thay đổi", ông Gove, một chính trị gia tiêu biểu trong chiến dịch Brexit, tức Anh rời Liên minh châu Âu, hôm nay nói.
Ông từng được kỳ vọng sẽ ủng hộ cựu thị trưởng London Boris Johnson làm ứng viên thủ tướng. Gove cho biết ông tranh cử do "kết luận rằng Boris không thể lãnh đạo hay lập được một đội vì nhiệm vụ trước mắt".
Bộ trưởng Nội vụ Theresa May, người vận động ở lại Liên minh châu Âu (EU) hôm nay cũng thông báo về dự định tranh cử lãnh đạo đảng, trên báo Times. Bà May nói bà có thể "đoàn kết nước Anh lại" và hàn gắn chia rẽ do kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về EU.
Ông Gove và bà May nằm trong số các ứng viên dự kiến tranh cử. Danh sách sau đó sẽ được các nghị sĩ của đảng sàng lọc còn lại hai người cuối cùng. 150.000 thành viên của đảng Bảo thủ sẽ bầu ra lãnh đạo và kết quả dự kiến được công bố vào ngày 9/9.
Thủ tướng David Cameron hôm 24/6 tuyên bố từ chức, sau khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy 51,9% người Anh đi bầu ủng hộ ra khỏi EU, còn 48,1% phản đối.
Trọng Giáp
Theo VNE
Cú ngáng bất ngờ khiến ứng viên sáng giá trượt tranh cử thủ tướng Anh Đang là ứng viên sáng giá cho ghế thủ tướng Anh, cựu thị trưởng London Boris Johnson bị chính đồng minh chỉ trích là người không phù hợp cho vị trí lãnh đạo. Cựu thị trưởng London Boris Johnson (phải) và Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove trong bài phát biểu trước những người ủng hộ Anh rời EU hôm 24/6. Ảnh:Reuters...