Tại sao nhiều người tin vào ngày tận thế?
Một số yếu tố tâm lý khiến nhiều người tin vào tiên đoán tận thế dù chúng chứa đựng nhiều điều vô lý.
Harold Camping, người sáng lập đài phát thanh Family Radio và là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Công giáo Mỹ, từng phán rằng vào ngày 21/5 trái đất rung chuyển bởi một trận động đất mạnh nhất trong lịch sử nhân loại trước khi nhiều sự kiện khủng khiếp xảy ra rồi vũ trụ bị hủy diệt bởi biển lửa. Tiên đoán của ông khiến một phận dư luận Mỹ xôn xao dù nhiều người cho rằng đó chỉ là trò đùa vớ vẩn. Một trang tin tại New York nói rằng vài nghìn người đã bán nhà và xin thôi việc do tin tiên đoán của Camping.
Trung tâm Nghiên cứu Pew vừa tiến hành thăm dò ý kiến dư luận về ngày Phán xét – ngày mà Chúa Jesu tái giáng thế và đưa các tín đồ Cơ đốc đích thực lên thiên đường – cho thấy, 41% người Mỹ tin rằng Chúa Jesus sẽ quay trở lại trần thế trước năm 2050.
Vậy tại sao một bộ phận nhân loại lại tỏ ra hào hứng với những tiên đoán về tận thế? Nhiều người cho rằng đó là một cách để kiếm tiền hoặc thu hút sự chú ý của dư luận. Camping đã gây dựng tên tuổi của ông và đài phát thanh Family Radio bằng những tin đồn như thế. Nhưng giáo sư Lorenzo DiTommaso, một chuyên gia về tôn giáo của Đại học Concordia tại Canada, nhận định những người như Camping có niềm tin đích thực, nếu không những người khác sẽ không tin tiên đoán của họ, Newscientist cho biết.
Một giả thuyết cho rằng những tin đồn về tận thế thỏa mãn khao khát khám phá những điều chưa biết của con người. Đó cũng có thể là một cách để giải thích thế giới xung quanh chúng ta.
“Trong một chừng mực nào đó, những tiên đoán về tận thế chứa đựng nhiều yếu tố hợp lý. Nó giúp con người giải thích được thời gian, không gian và sự tồn tại của con người. Chúng không phải là bộ môn khoa học, song chúng cũng giải thích các sự việc trong thế giới”, DiTommaso nói.
Theo DiTommaso, nhiều nghiên cứu xã hội học chứng minh rằng những người quan tâm tới tiên đoán tận thế cũng thường tìm cách giải thích mọi hiện tượng bí ẩn trong thế giới xung quanh. “Họ tỏ ra thông minh hơn nhiều so với đa số người trong xã hội và luôn tìm kiếm câu trả lời cho mọi điều trong cuộc sống”, ông nói.
Nhiều tài liệu ghi lại rằng ngay cả Isaac Newton, nhà vật lý lừng danh người Anh, cũng dành khá nhiều thời gian để giải mã những tiên đoán về tận thế.
Một điều khác thường là những người tin vào tiên đoán tận thế chẳng hề tỏ ra thất vọng hay giận dữ mỗi khi những “nhà tiên tri” dự đoán sai. Một số nghiên cứu tâm lý cho thấy niềm tin vào ngày tận thế còn tăng lên sau mỗi lần tiên đoán không trở thành hiện thực.
Nhiều nhà tâm lý tin rằng một bộ phận nhân loại theo đuổi những niềm tin trái ngược nhau. Chẳng hạn, một người có thể tin rằng sự sống trên trái đất sẽ kết thúc trong năm nay, song họ vẫn mua nhà và để tính toán kế hoạch cho những đứa con trong 10 năm tới. Tìm cách dung hòa hai niềm tin trái ngược là việc mà những người như thế luôn theo đuổi. Do đó, khi một điều mà họ tin không xảy ra, họ luôn tìm ra lý do để giải thích. Ví dụ, khi ngày Phán xét của Camping không trở thành hiện thực, một số người nghĩ một nguyên nhân nào đó khiến ngày Phán xét bị trì hoãn.
Ngoài ra, khi con người tin điều gì đó một cách mạnh mẽ, họ chỉ nhớ những thông tin hậu thuẫn niềm tin của họ, chứ không quan tâm tới những thông tin trái ngược với niềm tin. Những người tin vào sự kiện tận thế cũng vậy. Họ chỉ để ý lời của những người đưa ra tiên đoán và phớt lờ những ý kiến phản bác.
Theo PLXH